“Các Cuộn Sách Biển Chết ”, hay "Sách Cổ Biển Chết" khám phá khảo cổ lớn nhất thế kỷ XX, vẫn tiếp tục thu hút sự hiếu kỳ của bất kỳ du khách nào đến Israel. “Thánh Địa Sách” (Shrine of the Book, được xây năm 1965) trong bảo tàng Israel được dành riêng trưng bày “Các Cuộn Sách Biển Chết”, trong đó có 8 cuộn chép tay Kinh Thánh đầy đủ nhất.
Bắt đầu từ bẩy cuộn chép tay, được phát hiện ở gần Qumran, nhờ một người du mục Ả Rập (bedouin) đi tìm dê lạc vào mùa xuân 1947, từ năm 1952, hàng chục nghìn mảnh vụn từ những bản chép tay trên da (bò, cừu, dê) và giấy cói, liên tiếp được phát hiện trong 12 hang khác nhau, dọc sườn núi trong hoang mạc Judea, phía tây bắc bờ Biển Chết (nằm giữa Israel, vùng Cisjordanie và Jordani hiện nay). Những bản viết tay cổ nhất được viết vào khoảng thế kỷ III - TCN và những bản mới nhất được thảo vào năm 70 - SCN, giai đoạn quân La Mã tấn công người Do Thái.
Bí mật từ nghĩa địa những người gác kho sách
Với địa hình và thời tiết khắc nghiệt, khu vực Qumran khô cằn, cách thành phố Thánh Jerusalem khoảng 25 km, trở thành nơi ở ẩn lý tưởng của những người bất đồng với hàng giáo phẩm ở Jerusalem, trong đó có rất nhiều người Essene. Họ tạo lịch riêng, dựa theo chuyển động của mặt trời, mỗi năm có 364 ngày, thay vì tính theo chu kỳ của mặt trăng như ở vùng đất Thánh. Họ sống tập thể, khổ hạnh theo những quy định tự đề ra cho cộng đoàn và sống "thọ" hơn (thường sống được đến 30, 40 tuổi) so với tuổi trung bình thời kỳ đó.
Để đi đến kết luận này, Yosshi Nagar, nhà nhân chủng học thuộc Cơ quan Cổ vật Israel (Israel Antiquities Authority) (1), cho biết đã tiến hành khai quật 33 ngôi mộ vào năm 2017, trên tổng số 70 mộ giữa hoang mạc, ngay sát khu Qumran. Tất cả đều có điểm chung là người chết được chôn thẳng xuống đất sâu 1 mét, theo tư thế nằm ngửa, hai tay vắt chéo đặt bên hông, đầu hướng về phía nam chói chang nắng vào giữa trưa. Kết quả phân tích cho thấy những bộ xương này có từ thế kỷ I - CN, cùng thời với các bản viết tay Qumran và giai đoạn người La Mã chiếm vùng đất Do Thái thời đó.
“Những người đàn ông được chôn ở đây đều có tuổi trung bình cao hơn so với tuổi trung bình của dân làng hoặc người quá cố được chôn ở những nghĩa trang bình thường. Tôi còn thấy rằng một số người bị chứng lồi xương ở tai (một bệnh có thể gây điếc, do nước lạnh và gió gây ra). Tôi quyết định kiểm tra xem có bao nhiêu người ở những nơi khác trong nước bị bệnh này. Kết quả là có chưa đầy 1% dân số, trong khi ở Qumran có đến 33%. Các bản chép tay ghi lại rằng ít nhất ba lần mỗi ngày, họ trầm mình trong bể tắm nghi lễ (mikveh)”.
Đó có thể là những người Essene, chiếm đa số trong cộng đoàn Qumran, được chôn cất để canh gác thư viện của “Những Người con của Ánh sáng” (Sons of Light). Tên của cộng đoàn, cũng như cuộc sống của họ được lưu lại trong nhiều bản chép tay. Khu khảo cổ Qumran tập trung đến 7 trong tổng số 12 hang chứa những bản chép tay trải dài từ thế kỷ III - TCN đến thế kỷ I - CN.
Trong bài phân tích Những bản chép tay Biển Chết và nguồn gốc Kitô giáo (2), tác giả André Paul cho biết phần lớn được viết bằng chữ Hebrew (ngôn ngữ của Luật lệ), 10% được viết bằng tiếng Aram (tiếng nói thông thường) và nhiều đoạn bằng tiếng Hy Lạp. Nội dung “Các Cuộn Sách Biển Chết” được xếp thành ba nhóm chính : Thánh kinh (có khoảng 200 bản sao chép Kinh thánh Hebrew hiện là những bản kinh thánh cổ nhất thế giới), sách ngụy kinh (apocrypha) và tác phẩm của giáo phái (bình luận về kinh thánh, lề luật của cộng đoàn, phụng vụ… do thành viên giáo phái viết).
Ảnh hưởng của cộng đoàn Qumran đến Kinh Tân Ước ?
Tầm quan trọng của “Các Cuộn Sách Biển Chết” được nhà sử học Emile Puech, Trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp ở Jerusalem, nhấn mạnh trong phim tài liệu Những tiết lộ về Các Cuộn Sách Biển Chết (Révélations sur les manuscrits de la mer Morte, đài France 5, 16/04/2020) :
“Những bản chép tay này cho phép chúng ta biết đâu là những ý tưởng của những tín đồ này, cách cử hành thánh lễ của một cộng đồng hoặc của Do Thái Giáo (Judaism) nhiều thế kỷ trước thời Chúa Jesus. Chúa Jesus đã mang lại điều gì mới hay sự khác biệt nào ? Và những tín đồ này, cũng như cách thờ phụng của họ đã truyền cảm hứng gì ? Đó là điều quan trọng mà những bản chép tay này mang lại”.
Nhà sử học người Pháp về Kinh Thánh cho rằng những người Essene đã miêu tả Do Thái Giáo trước thời Chúa Jesus, thậm chí nhiều ý tưởng tiên phong của họ có thể được đưa vào Kinh Tân ước.
“Những người Essene chờ Đấng cứu thế trở về. Người ta có thể thấy là một trong số nhiều bản chép tay Qumran nhắc đến việc Thiên Chúa sẽ làm khi Đấng cứu thế trở về. Thực ra, đó là một đoạn tóm tắt hoặc nhiều đoạn trong Sách Ê-sai hoặc Sách Thánh Vịnh (Psalms). Người ta thấy có nhiều điểm giống hệt nhau trong Tin mừng theo Thánh Mátthêu và Tin Mừng theo Thánh Luca (Kinh Tân Ước) với những bản chép tay có từ nhiều thế kỷ trước. Điều này thật lạ !”
Theo nhà sử học Emile Puech, những Kitô hữu đầu tiên có thể đã lấy cảm hứng từ cách viết của người Essene mà vẫn truyền tải được thông điệp riêng của họ. Một trong những ví dụ là đoạn tả Chúa Jesus thuyết giáo trên núi trong Tin mừng theo Thánh Mátthêu.
Cộng đoàn Qumran tiếp tục sao chép và viết sách cho đến thế kỷ I - CN. Hang số 4, gần Qumran, là nơi chứa nhiều bản chép tay nhất, khoảng 600-700 bản, nhưng tất cả đều trong tình trạng rất xấu và bị mục thành nghìn mảnh.
Tại sao người Essene lại phải vội vàng giấu hàng loạt sách trong hang gần nơi họ ở nhất ? Jodi Magness, nhà khảo cổ học thuộc đại học Bắc Carolina (Mỹ), giải thích trong bộ phim tài liệu của đài France 5 :
“Trong cuộc nổi dậy năm 68 (của người Do Thái chống lại người La Mã xâm lược), khu Qumran bị phá hủy. Rất nhiều đầu mũi tên của người La Mã đã được tìm thấy trong các đợt khai quật khảo cổ. Người Essene ở Qumram nghĩ rằng ngày tận thế mà họ vẫn ngờ đã tới. Chắc là để bảo quản những bản chép tay đó, họ đã giấu trong hang ngay trước ngày Qumran bị người La Mã tấn công và phá tan hoang vào năm 68”.
Kho báu bị chôn vùi gần 2000 năm
Giới chuyên gia vẫn băn khoăn với câu hỏi : Tại sao những người Essene không quay lại tìm kho sách chép tay ? Hàng loạt sự kiện đau thương sau đó có lẽ là lời giải thích cho câu hỏi này.
Sau khi thoát khỏi Qumran, những người sống sót trở về Jerusalem, nhưng sau đó vùng đất Thánh cũng bị quân La Mã tàn phá vào năm 70. Một số “Người con của Ánh Sáng” thoát được ra ngoài nhờ một đường hầm và đến pháo đài Massada.
Nằm ở phía nam Qumran, pháo đài Massada được xây trên độ cao hơn 300 mét so với Biển Chết, dưới thời Herodes Đại đế, vua của vùng Judea và bị bỏ hoang trước đó 60-70 năm. Người Essene sống chung với những người nổi dậy chống quân La Mã đến nương thân từ trước. Họ tiếp tục chép sách và xây dựng một quần thể gồm phòng chép sách, nhà ăn tập thể, bể tắm theo nghi lễ... như ở Qumran.
Năm 72, quân La Mã quyết định tấn công pháo đài. Khoảng 6.000 đến 8.000 quân được điều đến vây Massada. Năm 73, khi đột nhập được vào thành, người La Mã phát hiện toàn bộ dân cư (rất nhiều phụ nữ và trẻ em) đã bị sát hại, những người cuối cùng đã đốt hết mọi thứ trong thành và tự sát. Có lẽ đây cũng là số phận của những người Essene cuối cùng và điều này giải thích tại sao những Cuộn Sách Biển Chết nằm yên trong hang suốt gần 2000 năm.
Theo nhà khảo cổ học Jodi Magness, “người Essene đã để lại khối lượng thông tin khổng lồ về thế giới của Chúa Jesus, về Do Thái Giáo thời kỳ đó và bối cảnh ra đời Công Giáo”. Kho Sách Biển Chết có tổng cộng khoảng 900 cuộn, theo thẩm định từ khoảng 25.000 mảnh vụn được tìm thấy từ thập niên 1950.
Các nhà nghiên cứu vẫn miệt mài với công việc tỉ mỉ như trò chơi xếp hình. Trả lời AFP ngày 05/06/2020, giáo sư Oded Rechavi, đại học Tel-Aviv, giải thích : “Có rất nhiều mảnh vụn mà chúng tôi vẫn chưa biết phải chắp nối như nào và nếu xếp nhầm, điều này có thể làm thay đổi đáng kể cách diễn giải”.
Dù sao, khách tham quan khắp thế giới vẫn có thể chiêm ngưỡng một phần kho báu trong Thánh Địa Sách của Bảo tàng Israel ở Jerusalem.
*****
Tài liệu tham khảo
(1) France 5, Révélations sur les manuscrits de la mer Morte, 16/04/2020 (Windfall Films Ltd - Groupe Argonon và France Télévisions, 2019).
(2) André Paul, “Les manuscrits de la mer Morte et les origines du christianisme”, Nouvelle Revue théologique 2006/3 (tập 128), t. 388-404.
Bảo tàng Israel, Israel Museum.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét