Tác giả: Ranna Mitter/ Foreign Affairs
Dịch giả: Võ Xuân Quế/ Viet-studies
Quyền lực sẽ – và không sẽ – biến dạng tham vọng của Trung Quốc ra sao
Trung Quốc có muốn thay đổi trật tự toàn cầu để thúc đẩy lợi ích của mình và phản ánh hình ảnh của chính họ không? Có thể đó là câu hỏi quan trọng nhất trong địa chính trị ngày nay, nhưng những câu trả lời mà nó đưa ra có xu hướng tiết lộ nhiều thành kiến hiện đại hơn là về những gì một siêu cường Trung Quốc tương lai sẽ như thế nào.
Những người quan tâm tới một Trung Quốc bành trướng, ác độc, đưa ra bằng chứng về sự hung hăng trong tư thế của Bắc Kinh ngày nay. Những người có quan điểm ít bi quan hơn nêu bật những đặc điểm dễ chịu hơn trong chính sách của Trung Quốc hoặc lưu ý rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khiến nước này không thể định hình lại thế giới ngay cả khi họ muốn.
Nhiều nhà quan sát phương Tây nhận thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang bùng phát, trong đó Trung Quốc được coi là phiên bản của Liên Xô thế kỷ XXI.
Những dự báo như vậy quá cứng nhắc và bao quát để có thể mô tả hữu ích sự phức tạp của sự trỗi dậy của Trung Quốc – để nắm bắt được sự không chắc chắn vốn có trong mục tiêu tương lai của Trung Quốc hoặc để nhận ra những yếu tố thiết yếu đã hình thành nên khát vọng của Trung Quốc.
Quyền lực của Trung Quốc ngày nay là một lực lượng mạnh mẽ, năng động được hình thành bởi mối liên hệ giữa chủ nghĩa độc tài (authoritarianism), chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism), tham vọng toàn cầu (global ambitions) và công nghệ (technology). Gọi nó là mô hình ACGT: với các chữ cái đầu (authoritarianism, consummerism, global ambitions, technology) giống như các nucleotide trong DNA, những sợi sức mạnh này của Trung Quốc kết hợp và tái kết hợp để tạo thành bản sắc chính trị hiện đại và cách tiếp cận của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn củng cố sự kìm kẹp của mình đối với xã hội Trung Quốc, khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời phát triển và xuất khẩu công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Không thể hiểu được vị thế hiện tại và triển vọng tương lai của Trung Quốc nếu không nhìn thấy cả bốn mục tiêu đó cùng nhau.
Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất quan trọng trong việc hiểu Trung Quốc ngày nay và quỹ đạo có thể xảy ra, cũng như phản ứng của nước này đối với đại dịch COVID-19. Nhưng bốn lực lượng ACGT có một tầm quan trọng vượt ra ngoài bất kỳ một nhà lãnh đạo hoặc cuộc khủng hoảng nào. Chúng định hình ý tưởng của Bắc Kinh về vị trí của mình trong một trật tự thế giới được tái tạo, trong đó Trung Quốc sẽ đóng một vai trò ưu việt ở châu Á và xuất khẩu mô hình đầu tư kinh tế của mình, dựa trên các ý tưởng phát triển cộng đồng và thờ ơ với các chuẩn mực tự do (mặc dù không phải lúc nào cũng chủ động thù địch với họ).
Để hợp pháp hóa cách tiếp cận của mình, Trung Quốc thường lật lại lịch sử, lấy ví dụ như quá khứ tiền hiện đại của mình, hoặc diễn giải lại các sự kiện của Thế chiến II. Đường lối ngày càng độc đoán của Trung Quốc dưới thời ông Tập chỉ mang lại một tương lai khả dĩ cho đất nước. Để hiểu được Trung Quốc có thể đứng đầu ở đâu, các nhà quan sát phải chú ý đến các yếu tố chính của sức mạnh Trung Quốc và các khuôn khổ mà qua đó sức mạnh đó được thể hiện và hình dung.
Quan hệ của sức mạnh Trung Quốc
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện một cách rõ ràng hệ thống quản trị độc tài của họ như một mục tiêu bất di bất dịch[1], chứ không phải là bước đệm cho một nhà nước tự do. ĐCSTQ nhấn mạnh rằng, đó là một chế độ xứng đáng: lợi ích mà xã hội Trung Quốc thu được từ các nhà lãnh đạo hiệu quả của đảng nhiều hơn là bù đắp cho việc thiếu sự tham gia của quần chúng vào việc lựa chọn của họ. Ít nhất là trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thúc đẩy chủ nghĩa độc tài trong nước.
Vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã quảng cáo rằng, việc trấn áp virus của họ là một chức năng của hệ thống chính phủ từ trên xuống và cưỡng chế. (Người ta ít quan tâm đến việc thừa nhận rằng phản ứng kém ban đầu của nó là do đảng-nhà nước không có khả năng xử lý thông tin không được hoan nghênh).
Tính cách tự tin và đối kháng mới của ĐCSTQ đánh dấu một sự khác biệt đáng kể so với phiên bản do dự hơn của chủ nghĩa độc tài trước ông Tập, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn xem các nền dân chủ như Singapore [2] – tuy không hoàn hảo và phi đạo đức – như những mô hình tiềm năng. Không còn nữa.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ muốn củng cố quyền cai trị của họ ở trong nước. Tham vọng của họ là toàn cầu. Điều này không hoàn toàn mới: nhà lãnh đạo Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và người đồng cấp Cộng sản của ông, Mao Trạch Đông, đều có tầm nhìn về một vai trò quốc tế lớn đối với đất nước của họ vào những năm 1940 và 1960.
Tuy nhiên, Trung Quốc của ông Tập đã kết hợp tham vọng quốc tế với sức mạnh kinh tế, quân sự và công nghệ để đạt được phạm vi toàn cầu thực sự, từ các cơ sở cảng ở Athens đến căn cứ hải quân ở Djibouti cho đến việc triển khai công nghệ 5G trên toàn thế giới. Ông Tập đã tuyên bố [3] trong một bài phát biểu năm 2017 trước Đại hội Đảng 19 rằng, Trung Quốc sẽ tiến gần hơn đến “sân khấu trung tâm” của các vấn đề thế giới.
Để có được vị thế đó, Trung Quốc đã tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa vật chất trong nước. Kể từ năm 1978, ĐCSTQ đã nỗ lực giải quyết một trong những sai sót đáng chú ý nhất của Liên Xô: không đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng trong nước.
Cuộc cách mạng của Trung Quốc đã trở thành cuộc cách mạng tiêu dùng trong bốn thập kỷ qua, xây dựng một xã hội ngày càng không dùng tiền mặt, nơi mua hàng trực tuyến truyền cảm hứng cho các dịp như Ngày Độc thân của nền tảng thương mại điện tử Alibaba[4] – sự kiện tiêu dùng lớn nhất thế giới, trong đó hàng hóa trị giá 38 tỷ USD đã được bán vào năm 2019.
Mức sống gia tăng đã nuôi dưỡng kỳ vọng rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa kinh tế của mình ngay cả sau khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng vào đầu năm 2020 do đại dịch. Sự thịnh vượng ngày càng tăng ở Trung Quốc cũng mang lại lợi ích cho các quốc gia ở phương Tây và ở châu Á đã chào đón hàng triệu người Trung Quốc mua hàng xa xỉ, dịch vụ du lịch và giáo dục đại học.
Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc đã thực hiện một hướng đi mới trong sự tham gia toàn cầu của mình. Sự kết hợp của tăng trưởng kinh tế và chi tiêu lớn cho nghiên cứu trong hai thập kỷ qua đã tạo ra một trong những môi trường sáng tạo nhất trên trái đất. Các công nghệ mới do Trung Quốc phát triển thúc đẩy quân đội của đất nước và sản xuất hàng hóa mới cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần thiết lập trạng thái giám sát dữ liệu lớn. Năng lực công nghệ ấn tượng của Trung Quốc tạo thành phần mạnh mẽ và hấp dẫn nhất trong việc cung ứng cho thế giới.
Thể hiện ở sự tái tạo
Các bộ phận quyền lực khác nhau của Trung Quốc nổi lên không phải được bịa ra mà là từ một bộ các kết cấu lịch sử tiếp tục đè nặng lên mọi quyết định của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rút ra từ quá khứ khi hiểu được vai trò ngày càng tăng của nước này trên thế giới. Giờ đây, họ đưa ra tuyên bố theo chủ nghĩa xét lại về vai trò sáng lập trong trật tự quốc tế sau năm 1945, tán thành các chuẩn mực quản trị truyền thống của Trung Quốc, tìm kiếm sự lãnh đạo của Nam bán cầu và sử dụng ngôn ngữ và các biểu tượng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách rõ ràng.
Trung Quốc đứng bên lề trong phần lớn thời gian của Chiến tranh Lạnh sau năm 1960, không phải ở phe phương Tây hay ở phe Liên Xô. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc không chỉ đóng vai trò là một bên tham gia mà còn với tư cách là người xác lập quan trọng của trật tự quốc tế xuất hiện sau Thế chiến thứ hai.
Tại Hội nghị An ninh Munich 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị[5] nhắc nhở người nghe rằng, Trung Quốc là nước ký kết Hiến chương Liên Hợp Quốc đầu tiên vào năm 1945, một thực tế được các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc đi nhắc lại trong những năm gần đây. Nhưng để nắm lấy thời điểm đó – khi đại diện của những người theo chủ nghĩa Quốc dân đảng (Kuomintang) thống trị phái đoàn từ Trung Quốc đã giúp thành lập Liên Hợp Quốc – ĐCSTQ đã phải điều chỉnh lại lịch sử thế kỷ 20 làm nền tảng cho quyền thống trị Trung Quốc.
Kể từ những năm 1980, đảng này đã thừa nhận rằng kẻ thù cũ của họ, những người Quốc Dân đảng và các đồng minh phương Tây của họ, là những đối tác quan trọng trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Nhật Bản từ năm 1937 đến năm 1945; trước đây, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã được ghi công duy nhất vì đã chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản[6] vào Trung Quốc đại lục. Sự công nhận đó đã cho phép đảng diễn giải lại lịch sử Trung Quốc rộng rãi hơn, coi sự thành lập của Trung Quốc hiện đại không chỉ trong cuộc cách mạng cộng sản năm 1949 – như tưởng tượng ban đầu – mà còn trong cả Thế chiến thứ hai.
Sự thay đổi này không phải là một vấn đề của lịch sử; thay vào đó, nó phản ánh cách Trung Quốc tự tưởng tượng và muốn được hiểu. Trung Quốc hiện đặt mình vào vị trí trung tâm trong chiến thắng của Đồng minh và việc thiết lập trật tự sau năm 1945. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ châu Á và tiêu diệt hơn nửa triệu quân Nhật cho đến khi người Mỹ và người Anh đến sau trận Trân Châu Cảng, với cái giá là 14 triệu sinh mạng của Trung Quốc.
Sự đóng góp to lớn này làm cơ sở cho Bắc Kinh, khăng khăng rằng Trung Quốc đã “hiện diện trong quá trình kiến tạo” thế giới thời hậu chiến. Vai trò quốc tế ngày càng mở rộng của nó trong thế kỷ XXI dựa trên vai trò trung tâm được giả định này trong thế kỷ XX. Dưới thời ông Tập, Trung Quốc hiện là nước đóng góp tài chính[7] lớn thứ hai cho LHQ và nằm trong nhóm 10 nước đóng góp nhân sự cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thức lại và rút lui khỏi các nghĩa vụ và chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do càng củng cố thêm vị trí của Trung Quốc rằng nước này hiện là người kế thừa xứng đáng nhất di sản của năm 1945. Những sự gợi lại Thế chiến thứ hai tiếp tục là trung tâm trong đời sống công cộng ở Trung Quốc. Ví dụ, các quan chức ĐCSTQ đã mô tả chiến thắng được cho là của Trung Quốc trước loại coronavirus mới vào mùa xuân năm ngoái là kết quả của “chiến tranh nhân dân”, lặp lại[8] ngôn ngữ mà Mao sử dụng trong cuộc chiến chống Nhật Bản.
Một lịch sử thậm chí còn lâu đời hơn đã củng cố ý thức của Trung Quốc về vai trò toàn cầu của họ. Trong những năm gần đây, các học giả có ảnh hưởng của Trung Quốc, như Diêm Học Thông (Yan Xuetong) và Bạch Đồng Đông (Bai Tongdong), đã tranh luận về sự hiểu biết trật tự quốc tế được dự báo bởi các quan điểm Nho giáo tiền hiện đại [9].
Các nhà quan sát phương Tây thường giải thích hành vi của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế là hoàn toàn theo chủ nghĩa hiện thực. Nhưng việc sử dụng các biện pháp hùng biện dựa trên tư tưởng truyền thống cho thấy rằng Trung Quốc, giống như tất cả các quốc gia, muốn những lựa chọn của mình được hiểu như đạo đức chứ không như là những lựa chọn thực dụng.
Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ như ren (nghĩa là “lòng nhân từ”), họ truyền tải lợi ích và hành động của nhà nước bằng ngôn ngữ lý tưởng và đạo đức. Những sự viện dẫn truyền thống này sẽ trở nên thường xuyên hơn khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn giải một hình thức Nho giáo hiện đại hóa phù hợp với các giá trị toàn cầu hóa, nhấn mạnh “đạo đức” và “một tương lai chung” đồng thời hạ thấp các giá trị Nho giáo hẹp hòi hơn, chẳng hạn như niềm tin vào tôn ti xã hội.
Viễn cảnh về một Trung Quốc cơ bản là đạo đức ủng hộ cho một tham vọng khác: mong muốn trở thành người lãnh đạo của Nam bán cầu của Trung Quốc. Mục đích này không phải là mới; trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình như một nhà vô địch của cái mà lúc đó được gọi là Thế giới Thứ ba, trái ngược với một phương Tây tư bản độc ác và một Liên Xô xơ cứng. Trung Quốc tự coi mình không chỉ là người bảo vệ mới của trật tự sau năm 1945 mà còn là người kế thừa chủ nghĩa chống đế quốc phi phương Tây của thế giới hậu thuộc địa – một hành động kép không thể tránh khỏi mà Bắc Kinh dường như đang thực hiện.
Trung Quốc ngày nay không tìm cách châm ngòi cho các cuộc cách mạng trên khắp Nam bán cầu. Thay vào đó, nó coi các nước nghèo hơn là cơ sở cho một chính sách nhấn mạnh cả phát triển kinh tế và nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Hình thức can dự này của Trung Quốc không nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa độc đoán hoàn toàn; các quốc gia như Ethiopia và Myanmar là những ví dụ về cách các nền dân chủ bề ngoài (mặc dù là phi tự do) có thể thu được lợi nhuận từ mô hình phát triển của Trung Quốc.
Nhưng nỗ lực của Trung Quốc ở nước ngoài cũng không cần bất kỳ sự khuyến khích tự do hóa hoặc cải cách dân chủ nào. Những người ủng hộ Trung Quốc cho rằng mô hình thúc đẩy phát triển của họ linh hoạt hơn bất kỳ mô hình nào tôn vinh nền dân chủ tự do. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc tế rộng lớn của Trung Quốc, là phương tiện chính mà qua đó nước này tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo của mình ở nước ngoài.
Khi Trung Quốc chi vốn ra nước ngoài, nước này càng bám chắc luận điệu của chủ nghĩa Mác-Lênin ở trong nước. Các quan chức Trung Quốc chưa sử dụng ngôn ngữ này trong các tuyên bố phù hợp với khán giả quốc tế, phần lớn là do Trung Quốc đang cố gắng thể hiện mình là một quốc gia phi cách mạng trong trật tự toàn cầu và muốn tránh nhớ lại bóng ma của chủ nghĩa Mao. Nhưng trong nước, đảng này sử dụng các thuật ngữ như douzheng (đấu tranh), phản ánh quan điểm của thuyết Hegel rằng xung đột phải có trước một tổng hợp cuối cùng.
ĐCSTQ cũng thường đề cập đến maodun (mâu thuẫn), cho rằng căng thẳng trong xã hội có thể tạo ra kết quả mang tính xây dựng, một ý tưởng cũng thường được Mao đề cập đến và rất được ông Tập tán thành, và ông đã sử dụng cụm từ này trong bài phát biểu năm 2017 trước Đại hội Đảng 19 để mô tả “mâu thuẫn mới giữa phát triển không cân bằng và không đầy đủ và nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Cụm từ này gợi ý rằng mặc dù nhiều khía cạnh của tư tưởng Mác-Lênin truyền thống, bao gồm cả đấu tranh giai cấp, hiếm khi được nghe thấy trong các luận điệu đương thời của Trung Quốc, nhưng tư tưởng đó không hoàn toàn vắng mặt. Trong bài phát biểu, ông Tập gật đầu thừa nhận rằng bất bình đẳng giữa các giai cấp vẫn là một thực tế ở Trung Quốc và đảng này coi sự bất bình đẳng đó là một khuyết điểm trong câu chuyện tổng thể về sự thành công mà họ mong muốn thể hiện.
Thế tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn chỉ dẫn nào về cách người ngoài nhìn nhận việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc định hình tầm nhìn của họ về sức mạnh và vị thế của Trung Quốc trên thế giới như thế nào. Dưới thời ông Tập, Bắc Kinh đã gây khó khăn hơn cho các quốc gia khác khi bỏ qua chủ nghĩa chuyên chế ở trung tâm của mô hình ACGT.
Ví dụ, vào năm 2013, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quảng bá về lợi ích thương mại và công nghệ mà BRI sẽ mang lại cho các nước tiếp nhận. Một số nhà quan sát phương Tây thậm chí còn gọi BRI một cách tán thành là “Kế hoạch Marshall của Trung Quốc[10]” (trước sự bực bội của nhiều nhà bình luận Trung Quốc, những người không muốn liên kết với Chiến binh Lạnh của Mỹ).
Tuy nhiên, bảy năm sau, chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc đã xuất hiện đầy đủ hơn nhờ vào cả hành động và luận điệu của Bắc Kinh. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, các quan chức Trung Quốc đã chỉ ra khả năng huy động nguồn lực và thu thập dữ liệu nhanh hơn so với các đối tác trong các chính phủ dân chủ và tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tạo ra một loại vắc-xin cho thế giới.
Nhưng bất kể lợi ích tiềm năng của nó là gì, chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc sẽ không dễ dàng thu phục được trái tim và khối óc trên toàn thế giới. Khi các chương trình BRI lan rộng, cũng sẽ gây lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Ở các quốc gia tiếp nhận phi dân chủ, chẳng hạn như Campuchia, Trung Quốc có thể gặp ít trở ngại hơn, nhưng sự phản kháng có khả năng xảy ra ở các quốc gia như Kenya và Zambia, nơi các quốc hội và giới truyền thông có thể tranh luận về sự can dự của Trung Quốc và ở đó thái độ của công chúng đối với Trung Quốc và hệ thống của nó là hỗn hợp hoặc thậm chí công khai thù địch.
Sự thù địch đó có thể trở nên gay gắt hơn nếu các khía cạnh đối đầu của quyền lực toàn cầu Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Khi lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh sẽ không thể tiếp tục tận dụng những chiếc ô an ninh hiện có – ví dụ như ở Afghanistan trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, khi NATO thực sự giúp bảo vệ tài sản của Trung Quốc.
Các lợi ích kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc ngày càng đòi hỏi sự hiện diện an ninh toàn cầu của Trung Quốc được mở rộng. Đặc biệt, Ấn Độ Dương có thể chứng kiến hoạt động lớn hơn của Trung Quốc khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy lợi ích thương mại của mình trong tam giác địa lý được hình thành bởi các cảng quan trọng ở Hy Lạp, Djibouti và Pakistan. Đối phó với khả năng này, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (được gọi chung là “Bộ tứ”) đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương vào tháng 11 vừa qua.
Mặc dù nhiều quốc gia hài lòng với đầu tư của Trung Quốc, sự có mặt của quân Giải phóng Nhân dân có thể sẽ là một sự phát triển ít được hoan nghênh hơn. Ngoại giao của Trung Quốc có thể rất điêu luyện, nhưng giọng điệu thường xuyên chói tai và không có sức quyến rũ hiện tại của họ cũng đủ để loại bỏ nhiều đối tác tiềm năng; Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước để phát triển các khả năng quyền lực mềm cần thiết để miêu tả bất kỳ sự mở rộng nào của PLA trong tương lai là cung cấp an ninh chung chứ không chỉ đơn giản là thực thi mong muốn của Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia trước đây từng tán tỉnh Bắc Kinh khó chịu. Vào cuối những năm 2010, Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong số các quốc gia giàu có trong việc cung cấp các sản phẩm tiêu dùng của mình (chẳng hạn như ứng dụng TikTok cực kỳ phổ biến) với loại ánh hào quang công nghệ cao trước đây gắn liền với Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã áp dụng một phong cách ngoại giao mang tính đối đầu cao sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và trong quá trình này đã chuyển sự chú ý của công chúng ở phương Tây sang các khả năng độc tài của công nghệ Trung Quốc. Các nhà quan sát phương Tây đang lo lắng về việc sử dụng công nghệ giám sát cho phép đàn áp nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và khả năng sử dụng công nghệ này ở Hồng Kông để theo dõi và truy tố những người biểu tình bất bạo động.
Sự chú ý mới của toàn cầu về chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ của quốc gia này trong việc đưa mô hình của mình ra nước ngoài. Ví dụ, hãy xem xét cuộc đấu tranh của Trung Quốc để khiến các nước lớn khác cam kết kiên quyết áp dụng công nghệ 5G do gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei phát triển. Một số quốc gia ở phía Bắc bán cầu – Úc, Đức, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ – đã nói rõ rằng họ sẽ không sử dụng công nghệ 5G của Huawei vì lo ngại về tính bảo mật của thiết bị 5G và về việc có liên quan đến sự độc đoán của chế độ Trung Quốc.
Lúc đầu, Vương quốc Anh đồng ý cho phép Huawei truy cập giới hạn vào thị trường 5G của mình nhưng đã đảo ngược quyết định đó vào tháng 7 năm 2020. Ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới Himalaya vào tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố rằng, họ sẽ tránh việc sử dụng các sản phẩm Huawei trong tương lai của mạng 5G.
Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á đã sẵn sàng chấp nhận 5G của Trung Quốc hơn, và vẫn còn một nhóm lớn các quốc gia[11] vẫn có thể sử dụng vì nó rẻ và hiệu quả; đối với họ, lợi thế kinh tế của việc nắm bắt công nghệ vượt trội hơn bất kỳ mối lo ngại nào về bảo mật. Việc áp dụng rộng rãi 5G của Trung Quốc sẽ không mở ra vị thế thống trị toàn cầu của Trung Quốc, nhưng nó sẽ tạo thành một dấu ấn rộng lớn. Ý nghĩa của một khối 5G như vậy là rất đáng kể, vì Bắc Kinh sẽ có khả năng kiểm soát một yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia lớn, cũng như có khả năng tiếp cận với lượng dữ liệu khổng lồ.
Thế giới của Trung Quốc
Thậm chí, việc đạt được quyền bá chủ từng phần như vậy có thể khó khăn nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục hăm dọa những người đồng cấp của họ ở nơi khác. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với sự bùng phát COVID-19 cho thấy rằng dưới áp lực, khuynh hướng độc tài của Trung Quốc lấn át mong muốn tương tác với thế giới của họ. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Úc, đã đề xuất rằng cần có một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus. Thay vì hoan nghênh ý tưởng đó, như một cường quốc linh lợi nên làm, Trung Quốc ngay lập tức tẩy chay việc bán lúa mạch từ Úc.
Khi chính phủ Anh ám chỉ rằng họ có thể đảo ngược quyết định cho phép Huawei tham gia mạng 5G của Anh, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa[12] “hậu quả”, gửi một tín hiệu rõ ràng rằng đầu tư từ Trung Quốc không chỉ đơn giản là một giao dịch thương mại mà còn là một đòn chính trị – và mang lại lệnh cấm mà họ không muốn. Những phản ứng khôn ngoan của Trung Quốc sau khi bùng phát đã khiến những người chỉ trích nước này dễ dàng nêu bật những gì họ cho là hành vi không đáng tin cậy của họ, bao gồm quân sự hóa Biển Đông, các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra nhằm vào các quốc gia bao gồm Mỹ và việc khai thác các sơ hở trong Các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nhưng ngay cả khi nhiều nước phương Tây tìm cách xác định các cách thức mà hành vi hiện tại của Trung Quốc là bất hợp pháp, họ vẫn tránh được một câu hỏi khó hơn. Mục tiêu chính đáng của Trung Quốc trong khu vực và thế giới rộng lớn hơn là gì?
Trung Quốc là một quốc gia lớn mạnh, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Không thể kỳ vọng một quốc gia có quy mô như vậy sẽ tham gia vào trật tự toàn cầu chỉ dựa trên các điều kiện của các đối thủ – đặc biệt là vì một số thành công gần đây của Trung Quốc có phần lớn là sự thất bại của phương Tây. Việc chỉ trích Huawei có thể là chính đáng, nhưng công nghệ 5G của Trung Quốc hấp dẫn đối với nhiều quốc gia vì không có giải pháp thay thế rõ ràng nào của phương Tây.
Việc chỉ trích Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại LHQ theo những cách làm suy giảm tầm quan trọng của nhân quyền cá nhân là hoàn toàn phù hợp, nhưng Trung Quốc đã không buộc Mỹ giảm tài trợ cho các cơ quan của LHQ và do đó làm suy yếu họ.
Hiện tại, Trung Quốc đang tự hại mình khi cho rằng bất kỳ lời chỉ trích nào đối với chính trị nội bộ của họ là vượt quá giới hạn. Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự trong những năm 1950. Thành tích khủng khiếp về sự phân biệt đối xử đối với người da đen trong nước đã làm hoen ố hình ảnh quốc tế và cung cấp mục tiêu dễ dàng cho các đối thủ; Chính phủ của Mao đã mời các nhà hoạt động và trí thức da đen[13], chẳng hạn như W. E. B. Du Bois và thủ lĩnh Báo đen Huey Newton, đến Bắc Kinh. Các chính trị gia Mỹ lập luận mạnh mẽ rằng phần còn lại của thế giới không có quyền chỉ trích chính trị chủng tộc nội bộ của Mỹ. Lập trường này không bền vững, và sự phản kháng trong nước kết hợp với sự xấu hổ từ bên ngoài đã thay đổi luật pháp ở Mỹ.
Là một cường quốc đang lên, Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với những chỉ trích từ bên ngoài về chính trị trong nước. Việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu khiến nước này dễ bị soi mói hơn bởi chủ nghĩa độc đoán của nó ở trong nước. Nhưng nó có thể làm điều gì đó sáng tạo hơn là phàn nàn về sự khinh bỉ của phương Tây: Trung Quốc có thể dựa trên lịch sử tự tái tạo gần đây của mình.
Sau khi Trung Quốc dưới thời Mao trở nên kiệt quệ về kinh tế và chính trị, vào những năm 1980, người kế nhiệm của Mao, Đặng Tiểu Bình, đã điều chỉnh một ý tưởng từ cựu Thủ tướng Chu Ân Lai gọi là “Bốn hiện đại hóa” (về nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học và công nghệ) để định hình lại Trung Quốc. Đặng cho phép nông dân bán các sản phẩm thu hoạch của họ trên thị trường tự do, trao cho các học giả quyền tự do học thuật đã biến mất dưới thời Mao, và thiết lập các “đặc khu kinh tế”, với các biện pháp quản lý và khuyến khích thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Như Đặng đã xoay trở sau khi Mao qua đời, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại nhiều trong thập kỷ tới để kết hợp tốt hơn – thay vì bác bỏ – những lời chỉ trích từ nước ngoài. Bất chấp danh tiếng độc tài của đất nước, cuộc tranh luận nội bộ đã đóng một phần quan trọng trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho đến gần đây, các nhà văn và nhà tư tưởng chính trị tự do vẫn có không gian trong hệ thống Trung Quốc để đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng đối với những đồng nghiệp cứng rắn hơn của họ; tương tác với một số nhà phê bình ở nước ngoài cũng giúp kiểm tra các ý tưởng và chính sách của chính Trung Quốc.
Việc chấm dứt cuộc tranh luận như vậy trong những năm gần đây có thể không khiến đất nước quay trở lại trong thời gian ngắn, nhưng có khả năng sẽ xảy ra trong những năm tới khi sự cứng nhắc của tư tưởng chính trị ngăn cản giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đánh giá lại các chính sách. Cấp thêm không gian cho bất đồng không nhất thiết đòi hỏi phải dân chủ hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, nó là một cam kết để xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ (đảo ngược số lượng đáng báo động về việc sa thải và giam giữ luật sư, nhà hoạt động và học giả trong những năm gần đây) và tạo ra sự minh bạch thực sự của chính phủ cả trong và ngoài nước.
Trung Quốc sẽ cần phải làm tốt hơn là giảm nhiều nhóm thiểu số của mình thành những mẫu mực cổ xưa của truyền thống dân gian. Thay vào đó, nó nên tìm cách thuyết phục những nhóm này – bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương – rằng việc tham gia vào dự án của Trung Quốc sẽ khẳng định ý thức về phẩm giá và bản sắc của họ. Khi nói đến bất đồng chính kiến ở Hồng Kông – một thử nghiệm khác về khả năng của ĐCSTQ trong việc xây dựng một chính thể hòa nhập – luật an ninh mới cấm cái gọi là thù hận chính phủ cho thấy không có khả năng nghe và học hỏi từ một truyền thống quản lý thực sự là của Trung Quốc nhưng khác với của Bắc Kinh.
ĐCSTQ cũng không sẵn sàng trình bày với Đài Loan bất kỳ tầm nhìn nào về một tương lai chung mà hòn đảo này có thể tìm thấy một điểm khởi đầu hợp lý để thảo luận. Trung Quốc không tuyên bố là tự do, nhưng nó có mục đích là một chế độ tài đức coi trọng việc tranh luận thẳng thắn về các quan điểm khác nhau (shi shi qiu shi: “tìm kiếm sự thật từ các sự kiện”). Các hành động hiện tại của đảng không thắng được những người Trung Quốc sống ở biên giới đất nước, đừng bận tâm đến việc đặt Trung Quốc là một điển hình về sự phát triển thành công cho thế giới rộng lớn hơn.
Đối thủ lớn nhất của nó
Trở ngại lớn nhất mà Trung Quốc sẽ gặp phải không phải là sự thù địch của Mỹ hay các đối thủ khác. Thay vào đó là sự độc tài của chính Trung Quốc. Cam kết của Bắc Kinh đối với khía cạnh đó của bản sắc cốt lõi của Trung Quốc sẽ khiến ba nucleotide khác – chủ nghĩa tiêu dùng, tham vọng toàn cầu và công nghệ – trong DNA của họ khó kết hợp lại thành công, gây ra sự thù địch ở nước ngoài và nâng cao rào cản giữa Trung Quốc và thế giới mà họ đang cố gắng hàn gắn.
Sự hiếu chiến ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ đầu năm 2020 không phải là điềm báo tốt. Nhưng không thể không tưởng tượng ra một phiên bản ít đối nghịch hơn của chủ nghĩa chuyên chế Trung Quốc: trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, Trung Quốc tự hào với một nền văn hóa báo chí điều tra đang phát triển, xã hội dân sự đang phát triển và phương tiện truyền thông xã hội rất sống động – cùng với lĩnh vực công ngày càng mở rộng ngay cả trong sự vắng mặt một cách đầy đủ của dân chủ.
Có thể không có cơ hội nào để ĐCSTQ trở thành một đảng dân chủ tự do, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể quay trở lại quỹ đạo trước đó. Chủ nghĩa độc đoán của một Trung Quốc thuộc loại này – Trung Quốc xuất hiện trước năm 2012 – sẽ ít bị khán giả trong và ngoài nước chú ý hơn.
Bắc Kinh không tìm cách áp đặt bản sao hệ thống của chính mình lên các quốc gia khác. Nó cam kết củng cố uy tín ý thức hệ của mình ở trong nước với tư cách là một nhà nước thành công theo chủ nghĩa dân tộc và xã hội chủ nghĩa, nhưng nó không yêu cầu các quốc gia khác phải theo bước chân của mình.
Trung Quốc cảm thấy không có nghĩa vụ duy trì trật tự quốc tế tự do vì bất kỳ niềm tin có tính nguyên tắc nào vào chủ nghĩa tự do. Thay vào đó, một mệnh lệnh dựa trên sở thích của Trung Quốc có thể sẽ bao gồm các yếu tố sau: cam kết về chủ quyền quốc gia rất mạnh mẽ; phát triển kinh tế, hoàn toàn có thể nhấn mạnh đến năng lượng tái tạo (một chủ đề mà sự hùng biện của Trung Quốc hiện đang vượt xa hành động của Trung Quốc); việc mở rộng và tích hợp một hệ thống BRI sẽ hướng mạnh đến các nhu cầu kinh tế của Trung Quốc; và bối cảnh công nghệ toàn cầu bị chi phối bởi các quy chuẩn của Trung Quốc. Sự kết hợp này chắc chắn sẽ có ít điểm hấp dẫn đối với các nhà dân chủ bị giam giữ, nhưng nó có thể tạo thành một đề xuất thay thế bền vững cho ít nhất một phần của trật tự tự do hiện có.
Tầm vóc ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á có thể dẫn đến việc tăng cường khuynh hướng độc tài giữa các nền dân chủ trong khu vực. Với ảnh hưởng của Trung Quốc, ngón tay cái sẽ nghiêng về phía phi dân chủ trên quy mô các nước có cấu trúc dân chủ mỏng manh, chẳng hạn như Myanmar và Thái Lan.
Các quốc gia như Philippines đã trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các quy tắc của Trung Quốc[14] khi chính trị của họ trở nên độc tài hơn; Hàn Quốc, tự do hơn nhiều về chính trị, sẽ trở nên dễ bị tổn thương bởi một hình thức của thời Chiến tranh Lạnh – thời kỳ Phần Lan hóa – nghĩa là, sự bẻ cong của một nền dân chủ trước ảnh hưởng của một nước láng giềng độc tài quyền lực – vì họ ở gần Trung Quốc trong trường hợp sự rút lui của Mỹ khỏi Đông Á.
Trung Quốc được hưởng lợi từ thực tế là không có quốc gia nào khác trên thế giới có thể điều khiển tổ hợp nucleotide ACGT độc nhất của họ. Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không thể thay thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, chứ chưa nói đến thế giới. Cho đến nay, Trung Quốc là tác nhân lớn nhất trong khu vực, mang lại cho nước này sức mạnh thống trị. Nhưng sự mờ mịt của hệ thống hiện tại của Trung Quốc và tư thế quyết đoán, đôi khi đối đầu của họ tạo ra sự ngờ vực trong khu vực và toàn cầu.
Mỹ có thể khoan dung với hầu hết các nước châu Á (ngoại trừ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên) vì sự hiện diện của họ ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đã giành được sự đồng thuận dân chủ. Trong thời đại của các quốc gia dân chủ và dân tộc chủ nghĩa cao, Trung Quốc phải làm cho các tham vọng quốc tế của mình trở nên hấp dẫn đối với người khác, ngay cả khi chúng sẽ không bao giờ được chấp nhận hoàn toàn.
Các quốc gia ở Nam Mỹ do Mỹ thống trị trong những năm 1950, hoặc ở Đông Âu bởi Liên Xô trong cùng thời kỳ, đều nghèo nàn và phi dân chủ. Theo thời gian, Trung Quốc sẽ khó khăn hơn nhiều để duy trì sự chấp nhận phổ biến đối với sự tham gia ngày càng tăng của họ vào các quốc gia châu Á giàu có với các khu vực công cộng sôi nổi, ngay cả khi họ có thể sử dụng sức mạnh quân sự của mình để gây áp lực với các nước láng giềng và cố gắng ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Cấu trúc chính trị của Trung Quốc cũng sẽ thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ tới và sẽ bộc lộ sự phân hóa giữa các yếu tố cởi mở và khép kín của xã hội nước này. ĐCSTQ đã khuyến khích các chuyên gia trẻ của Trung Quốc trong lĩnh vực học thuật, kinh doanh và luật học ở nước ngoài. Nhưng trong hàng ngũ của chính đảng, kinh nghiệm ở nước ngoài ít có giá trị hơn nhiều và thậm chí có thể làm tổn hại đến triển vọng thăng tiến của một người.
Một số ít trong số các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ tiếp theo của Trung Quốc dường như có kinh nghiệm quốc tế đáng kể, mặc dù họ không nghi ngờ gì về lời khuyên của những người làm chính trị. Trung Quốc có thể sẽ phát triển một tầng lớp chính trị hướng nội bên cạnh tầng lớp tinh hoa chuyên nghiệp được kết nối toàn cầu và hướng ra bên ngoài. Sự đối lập đó sẽ đưa ra một thách thức lớn, bởi vì nó cho thấy một sự mâu thuẫn, khi sử dụng một thuật ngữ của chủ nghĩa Mác, giữa hai mục tiêu chính, quốc tế hóa và duy trì quyền lực của đảng.
Ngoài ra, sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra theo cơn địa chấn. Bắt đầu từ năm 2029, dân số Trung Quốc sẽ giảm khoảng năm triệu người mỗi năm, khiến Trung Quốc trở thành một xã hội già hơn nhiều trước khi đạt đến trạng thái thu nhập cao. Trung Quốc sẽ cần phải chi trả cho phúc lợi của hàng triệu người lớn tuổi mà không có đủ nguồn lực của một xã hội giàu có đang già đi như Nhật Bản. Cú sốc kinh tế bất ngờ do virus coronavirus gây ra đã khiến Trung Quốc khó mở rộng quan hệ thương mại với các nước láng giềng trong khu vực, mặc dù việc kiểm soát virus này dường như đang dẫn đến sự phục hồi ổn định.
Các quan chức Trung Quốc hiện đang nói về một nền kinh tế “tuần hoàn kép” có tầm với toàn cầu trong khi vẫn duy trì thị trường nội địa được bảo vệ. Nhưng hành động cân bằng này không bền vững trong dài hạn. Một cách tiếp cận tốt hơn sẽ cho thấy Trung Quốc nhạy cảm hơn nhiều với nhu cầu và mong muốn của các đối tác, thể hiện sự khéo léo mà họ đã không thể hiện trong những năm gần đây trong quan hệ với các nước láng giềng.
Một nỗ lực dựa trên ACGT để định hình lại trật tự quốc tế đòi hỏi một nỗ lực ngoại giao tổng thể của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc hiện nay thường viện dẫn các vùng chứa nhiều đường hóa học trước khi xoay chuyển với tốc độ chóng mặt sang các khía cạnh mang tính cưỡng chế và đối đầu nhiều hơn. Thay vào đó, Trung Quốc cần hiểu rõ hơn rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu đòi hỏi sự nhượng bộ, rộng lượng và sẵn sàng tiếp thu những lời chỉ trích: một điều khó có thể đạt được ở một quốc gia nơi văn hóa chính trị trong nước khuyến khích sự đàn áp bất đồng chính kiến, thay vì chào đón.
Trở ngại lớn đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế không phải là sự thù địch của Mỹ hay những kẻ thù nội bộ. Đúng hơn, đó là điểm độc tài trong bản sắc cốt lõi của ĐCSTQ. Chủ nghĩa độc tài đó và đôi khi chủ nghĩa bành trướng đối đầu có tác động làm lu mờ các thành phần khác trong mô hình của Trung Quốc – sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa tiêu dùng và cải thiện lối sống vật chất, cam kết thiếu sót nhưng chân thành đối với sự phát triển toàn cầu và xóa đói giảm nghèo và năng lực thực sự đáng kinh ngạc của Trung Quốc đối với đổi mới công nghệ.
Các yếu tố chính trong hỗn hợp hệ tư tưởng của Trung Quốc – chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng truyền thống, phép loại suy lịch sử và thành công kinh tế – phần lớn đã làm lu mờ sức mạnh luôn hạn chế của chủ nghĩa tự do phương Tây trong việc ảnh hưởng đến cách ĐCSTQ nhìn thế giới. Nhưng tương lai toàn cầu của Trung Quốc phụ thuộc vào cách họ có thể kết hợp thành công các khía cạnh khác của mô hình ACGT. Hiện tại, chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc có nguy cơ hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong việc tạo ra một hình thức trật tự toàn cầu mới hợp lý.
***
Rana Mitter là Giáo sư Lịch sử và Chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford và là tác giả của sách China’s Good War: How World War II Is Shaping a New Nationalism. Bài tiểu luận này xuất phát từ Lloyd George Study Group on World Order.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/12/29/the-gioi-ma-trung-quoc-muon/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét