Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

3863 - Danh tiếng để làm gì?

Nguyễn Thông

Trên tivi, báo chí quốc doanh đang thông tin về vụ phá đường dây buôn lậu xe hơi từ Lào về An Nam. Chính các cơ quan truyền thông báo chí mậu dịch nói rất rõ những chiếc xe lậu, trong đó có nhiều xe hạng sang như Lexus, Camry, Mercedes... được mua với giá rất rẻ bên đó, sang xứ ta đem bán giá cao gấp nhiều lần, thậm chí cả chục lần.

Buôn lậu đương nhiên là phạm tội, là vi phạm pháp luật quốc gia, cần phải trừng trị. Nhưng từ vụ này phát lộ thực trạng rất đáng lên tiếng.

Thực trạng ấy là gì? Hầu như ai cũng biết, lâu nay hai xứ Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào) đều bị coi là vùng ven, chậm tiến, nghèo nàn, lạc hậu so với An Nam, đất Việt. Không chỉ dân chúng mà cả cán bộ ta cũng nghĩ vậy. Còn các nhà cai trị, họ thừa biết hai ông em dại đã ruổi nhanh vượt cả thằng anh nhưng họ cố ý lờ thực tế ấy đi, vì nhiều lý do. Tuy nhiên, thời buổi công nghệ thông tin, lại cộng thêm giao thương, quan hệ, đi lại rộng mở dễ dàng nên chẳng thể bưng bít, giấu được mãi. Lào và Cam bề ngoài vẫn tỏ ra nhún nhường, tôn trọng ông anh đầu đàn Đông Dương nhưng thực tế họ đã vượt lên bỏ anh xa lại đằng sau. Cả về thể chế chính trị và đời sống họ đều đã trên một vài bậc. Người dân của họ dễ thở hơn, cuộc sống khấm khá hơn, giá cả hàng hóa rẻ hơn, ngay cả bộ máy cầm quyền cũng có vẻ ít tham nhũng hơn, ít phải chống, đốt lò hơn, ít khiến dân khó chịu bực bội. Họ (Cam, Lào) không tuyên bố "độc lập, tự do, hạnh phúc" nhưng dân chúng nước họ đã thực sự có độc lập, tự do, hạnh phúc, chứ không phải bánh vẽ.
 
Chiếc xe hơi, với đại đa số dân An Nam tới giờ vẫn là niềm mơ ước khó thành sự thực, thậm chí không bao giờ thành. Bởi giá nó quá cao, thu nhập của người lương thiện lại quá thấp, miếng ăn bỏ vào mồm chưa đủ nên chả ai dám tính chuyện mua ô tô. Đó là chưa kể ô tô nhập về theo ngạch thương mại chính thức bị nhà nước đè ra phết thuế 150%, một dạng ăn chặn, ngồi mát ăn bát vàng. Nhà sản xuất làm ra xe chỉ lời lãi một, còn nhà cai trị lãi mười.

Ông em rể tôi đã rảo cẳng đi ta bà tam tinh nhiều nơi, có lần y sang Campuchia về, kể bên cái xứ bị coi là lạc hậu ấy dân chúng sắm ô tô dễ như mua rau mua cá. Chính y tận mắt ngó nông dân Campuchia chạy xe Camry đi làm ruộng, chiếc xe ô tô đối với họ chả là gì. Còn ông anh đồng môn với tôi từng sống cả chục năm ở Lào thì kể dân Lào không thèm mua xe bởi nó... rẻ quá. Bằng chứng rõ nhất là vụ người Việt sang Lào buôn ô tô vừa bị phanh phui, bởi mua được chiếc xe bên ấy đem về sẽ một vốn mười lời.

Mục đích của mọi thể chế, bộ máy cai trị, đường lối, chủ trương, chính sách tử tế (xin lưu ý là tử tế) là dân giàu nước mạnh. Làm gì, nói gì cũng chỉ cốt đạt được điều đó. Nếu có danh vị, được xếp vào thứ bậc này nọ, được bọn nịnh tán dương chỉ số hạnh phúc cao, GDP vượt qua nước này nước khác, đứng hàng thứ mấy thứ mấy, tự đắc chí đất nước chưa bao giờ như bây giờ, v.v.. nhưng dân chúng vẫn nghèo khổ, đời sống vẫn vô cùng chật vật khó khăn, vật giá cao ngất, mức sống thua kém cả những nước lâu nay bị xem là đàn em, thì đó chỉ là thứ danh hão, hão huyền, mơ mộng, tự lừa dối, mị dân, không thực chất. Phải biết xấu hổ. Xấu hổ với Lào, với Campuchia, với bọn buôn lậu.

Danh hão chả để làm gì ngoài tự sướng với nhau. Họ vẫn say sưa tự lừa dối chính mình/Trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh. Đừng mơ mộng bàn chuyện tới năm 2030, 2045 sẽ như thế nào, hãy bàn ngay việc sang năm 2021 chiếc xe ô tô ở xứ này có ngang giá với Lào, Campuchia hay không, dân có mua được hay không. Thậm chí bàn chuyện gần hơn, giá thịt lợn tết sắp tới có còn ngất ngưởng trong sự thèm khát của dân không...

Nguyễn Thông
Nguồn: https://thongcao55.blogspot.com/2020/12/danh-tieng-e-lam-gi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét