Tác giả: Helmut P. Müller - Dịch giả: Phan Ba
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 và Phần 6
“Kit Carson” chỉ là một trong những chương trình quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý và xã hội đó, cùng với nhau, hỗ trợ cho nhau và bên cạnh nhau, những chương trình mà với chúng, người Mỹ cố gắng – như Tổng thống Johnson có lần diễn đạt – chấm dứt “tình trạng tiến thoái lưỡng nan đẫm máu ở Việt Nam”.
Một nhóm chuyên gia ở bên kia Thái Bình Dương suy nghĩ điên đầu để tìm kiếm một con đường an toàn, nhanh chóng và danh dự cho tất cả các bên – và hàng trăm ngàn bộ não úng thủy trong chính phủ Mỹ, trong các trung tâm ở hậu phương và hậu cầu ở Việt Nam bận bịu làm việc với một sự hăng hái giống như của các nhà truyền đạo cho cái mục đích gần này, cái nằm ở thật xa.
Vì Việt Nam không phải là Mỹ. Những ý tưởng thành công của một xã hội máy tính phát triển cao chắc chắn phải thất bại ở một đất nước mà người dân của nó từ hàng chục năm nay bị chia xé, bị hành hạ, bị đe dọa và bị rạn nứt về đạo đức, những người hoàn toàn không đáp ứng được những yêu cầu để thực hiện thậm chí là các chương trình “ngu ngốc đến đâu cũng làm được”. Ở Việt Nam, điều ấy được xác nhận thêm một lần nữa, điều mà những người hiểu biết châu Á đã biết được từ lâu rồi: Những ý tưởng tốt đẹp nhất của Phương Tây không thể thành công ở Viễn Đông.
Bởi vì vậy mà đầu tiên và trực tiếp thì chỉ có một bên hưởng lợi từ cái chương trình khổng lồ đó của các biện pháp giúp đỡ: kẻ địch. Qua nhiều kênh đen tối của cái đất nước bị bỏ bùa mê này, hắn ta là kẻ cùng dự phần trong bóng tối ở tại hầu hết mọi đầu tư của Mỹ. Qua tống tiền, trộm cướp, tham nhũng và mua bán chợ đen, Việt Cộng lấy từ người Mỹ những gì họ cần, từ tiền mặt cho tới đồ hộp, để ít nhất là có thể sống lây lất qua ngày. Đường mòn Hồ Chí Minh – quân lính và vũ khí thâm nhập vào miền Nam trên con đường này – khó có thể bị ngăn chận như thế nào nào thì những kênh bí mật đó cũng khó có thể bị chận lại như thế đó.
Đó là một cái vòng luẩn quẩn: Tăng cường về vật chất cho miền Nam đồng thời cũng là một sự tăng cường cho Việt Cộng. Họ có thể tự cho phép mình – mặc dù về mặt quân sự hoàn toàn không có một cơ hội nào – nói rằng: “Thời gian làm việc cho chúng tôi.”
Vì ở Việt Nam, những cú muỗi đốt của du kích quân là đủ để gây sự bất an. Việt Cộng biết điều đó – và đó là chiến thuật của họ. Ý nghĩ về cuộc cách mạng – bùng cháy từ “sự căm phẫn của nhân dân” – trước sau thì cũng đã bị mang đi chôn rồi. Và thậm chí đến Hà Nội cũng không dám mơ tới một chiến thắng ở một trận chiến trực diện. Câu khẩu hiệu bây giờ là phải sống còn.
Việt Cộng vẫn là những người đi chân đất chống lại cỗ máy của một cường quốc thế giới…
Để có thể hiểu được những vấn đề mà ngay cả một cường quốc thế giới cũng phải đối mặt với chúng trong một cuộc chiến tranh như vậy, người ta phải bắt đầu từ ở tuyến sau. Ở đây, con số gây mê hoặc đó phải được chuyển hóa thành hành động, cái con số mà thế giới bị nó mê hoặc: “Người Mỹ tốn mỗi ngày 60 triệu dollar cho cuộc chiến ở Việt Nam.”
“Tổng số đó chỉ là một con số khô khan”, thiếu tướng C. W. Eifler, chỉ huy “1st Logistical Command” – tổ chức hậu cầu khổng lồ của người Mỹ ở Việt Nam, nói. “Đứng ở phía sau đó là một cỗ máy cung cấp mà chúng tôi chưa từng biết tới trong lịch sử của chúng tôi. Ở chín cảng, hằng tháng chúng tôi dỡ 500.000 tấn hàng tiếp tế quân đội và phân phối chúng đi cho tới mảnh đất xa xôi nhất của đất nước này. Mỗi một ngày, sáu chiếc tàu biển rời Hoa Kỳ và bắt đầu cuộc hành trình ba tuần đến Việt Nam. Cứ mỗi phút người ta bốc hàng xuống ít nhất là từ 48 chiếc tàu ở Việt Nam. Phi đoàn vận tải của không quân cũng như 400 chiếc tàu ven biển tiếp nhận việc chuyển tiếp. Thêm vào đó, chúng tôi sử dụng 4.000 chiếc xe tải của Lục Quân. Chỉ riêng chúng hằng tháng đã chạy trên 10 triệu ki-lô-mét – và đó là trong một đất nước hầu như không có một mạng lưới đường sá.”
Bộ Chỉ huy Tiếp vận Mỹ – với những căn cứ chính ở Sài Gòn, Cam Ranh và Qui Nhơn – đến Việt Nam trong tháng 4 năm 1965. Vào thời điểm đó, có 35 sĩ quan và người lính thuộc Bộ Chỉ huy – ngày nay là 58.000 người! “Người lính thì chiến đấu, chúng tôi thì giữ cho anh ấy khỏe”, viên tướng nói, “từ chúng tôi, anh ấy nhận đủ ‘beans, bullets and black oil, to do his job’ [đậu, đạn và dầu đen, để làm công việc của anh ấy]. Và người lính chiến đấu chưa từng bao giờ được ăn ngon như thế trong một cuộc chiến như ở Việt Nam.”
“Chiến dịch Attlebor” – 90 ki-lô-mét Tây Bắc Sài Gòn – cho thấy việc đó hoạt động trong trường hợp khẩn cấp như thế nào. “Chúng tôi cần khẩn cấp nhiên liệu cho xe tăng của chúng tôi, đạn dược và vũ khí hạng nặng”, tiếng kêu cứu qua vô tuyến của nhóm quân chiến đấu, “bất ngờ đụng độ với quân địch mạnh.” Sau đó, những chiếc máy bay vận tải Hercules của Không Quân cất cánh từ nhiều phi trường. Trong vòng hai giờ, họ chở 60.000 lít nhiên liệu cũng như 1.000 tấn đạn dược và vũ khí vào trong khu rừng rậm Tây Bắc Sài Gòn!
“Từ nước uống qua lựu đạn cho tới tiểu thuyết trinh thám – chúng tôi chịu trách nhiệm cung cấp đúng thời hạn cho mọi thứ ở Việt Nam”, thiếu tướng Eifler nói. “Chiến tranh trong một đất nước nhiệt đới đã đưa ra một tiêu chuẩn hoàn toàn mới cho tiếp vận.” Ngoài những thứ khác, Bộ Chỉ huy cung cấp hằng tháng cho “lực lượng vũ trang của thế giới tự do”:
250 triệu lít nhiên liệu – một lượng đủ để cho 30 chiếc xe ô tô Mỹ chạy 4.000 năm, mỗi năm 20.000 ki-lô-mét;
45.000 tấn đạn dược, từ cỡ nhỏ nhất cho tới bom 1.000 kg;
15 triệu khẩu phần ăn cũng như 2,5 triệu bánh mì được làm từ 12 cơ sở làm bánh mì dã chiến;
190.000 quyển sách, 182.000 tạp chí và tròn 8 triệu tờ báo.
Bên cạnh phục vụ về y tế (Khẩu hiệu: “Bất cứ người bị thương nào cũng nằm trong tay của một chuyên viên trong vòng 25 phút”), “1st Logistical Command” còn lo tìm đất đai, xây nhà cũng như quản lý các dự án. Chỉ riêng cho tiền mướn nhà là đã phải chi 25 triệu dollar. Để cho người lính đang chiến đấu không bị thiếu thốn vũ khí và trang bị, một “Hệ thống Bóng Đỏ” được thiết lập: Hằng ngày, phụ tùng thay thế được máy bay chở thẳng về Mỹ và được sửa chữa hay thay thế trong vòng một tuần. Ngay cả những việc vụn vặt cũng không bị quên lãng: 36 “cơ sở giặt dã chiến” giặt và làm sạch mỗi tháng năm triệu cân Anh quân phục của các lực lượng chiến đấu, và 60 phòng tắm di động mang lại cho sự thoải mái cực độ cho những người lính Mỹ chiến đấu trong rừng rậm: mỗi tháng một triệu lần tắm bồn!
“Thêm vào đó, chúng tôi chuyên chở bằng máy bay hằng ngày 35 tấn trái cây và rau tươi từ vùng cao ở Đà Lạt đi khắp nơi trên nước Việt Nam”, thiếu tướng Eifler kết thúc đề tài. “Những người lính của chúng tôi được cung cấp phần ăn tốt nhất có thể có mà một người lính trên thế giới từng có được. Chỉ riêng điều kiện khí hậu là đã buộc chúng tôi phải cung cấp cho trên 90 phần trăm lực lượng chiến đấu với “khẩu phần hạng A”: mỗi ngày gà rán hoặc thịt rán, khoai tây được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau, nước xốt, rau cải, xa lát tươi, trái cây và kem ăn. Không người lính Mỹ nào ở Việt Nam mà không được chúng tôi bảo đảm có ít nhất là một bữa ăn nóng trong ngày – và ngay cả khi anh ta đang ở trên chiến tuyến ngoài cùng.”
Tiếp tế được tổ chức trong quy mô lớn cho tới mức con người một mình không còn có thể làm hết được. Trong Bộ Chỉ huy Hậu cần ở Sài Gòn có một trung tâm máy tính điện tử, cái đã nhận lấy nhiệm vụ này. Cho tới ngày nay, trong máy tính ở đây có 238.000 loại hàng tiếp tế khác nhau được ghi nhận. Chỉ cần ấn nút, và thế là hàng tiếp vận sẽ lăn đi…
Sự khác nhau giữa siêu tổ chức của một cường quốc thế giới và những người lính đi bộ luôn phải ứng phó của quân đội du kích chính là nguyên nhân cho sự thảm bại về đạo đức của nước Mỹ ở Việt Nam: Thế giới e ngại theo dõi “sự phô trương quyền lực áp đảo” ở một bên cũng như rùng mình ngưỡng mộ “sự đối kháng đáng khâm phục của Việt Cộng bị săn lùng” ở phía bên kia. Cảm xúc đó cuối cùng đã phủ một tấm màn của xuyên tạc chính trị và nhầm lẫn lên Việt Nam: Không phải Hà Nội và Việt Cộng – những người cho tới ngày nay đã giết chết trên 100.000 thường dân Việt Nam – bị đóng dấu là kẻ xấu, mà lại là Mỹ.
Cái cảm giác sâu sắc của thiện cảm giành cho người yếu thế hơn đã bao phủ lên trên mọi số liệu và hiện thực và lại gia tăng sức mạnh cho chính bên luôn luôn khước từ tìm kiếm hòa bình ở tại bàn tròn – Việt Cộng và những người đứng sau lưng họ. Cuộc chiến, nguyên do của nó và tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nó đã trượt ra khỏi mọi sự đánh giá khách quan…
Ngay chính khách và giới quân sự Mỹ cũng không thống nhất với nhau lâu nay trong câu hỏi cốt lõi: Làm sao để thắng cuộc chiến này. “Nhiều quân lính hơn, và chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này trên phương diện quân sự”, tướng Westmoreland. “Không thể thắng cuộc chiến này về mặt quân sự được – mà phải chiến thắng nó ở phía sau tiền tuyến”, đó là ý kiến của Đại sứ Bunker. “Chỉ những chương trình dân sự của chúng ta mới có thể mang lại quyết định.” Và một đại tá trong Bộ Tổng Chỉ huy của Mỹ ở Sài Gòn, với một tờ giấy nằm dưới tấm lót bàn viết của ông ấy, đã đưa ra một biểu hiện cho sự chán chường thất vọng của không ít người Mỹ: “Nếu bày được mưu mẹo cho tôi, để tôi có thể lừa trả cái đất nước khốn nạn này về lại cho người Pháp – tôi sẽ trả cho anh 100 dollar.”
“Người Mỹ đã quan tâm quá ít đến vấn đề Việt Nam trong một thời gian quá dài”, Lam Chau nói, một thương gia người Hoa khá giả ở trong khu Chợ Lớn thuộc Sài Gòn. “Họ mang đến đây tiền và lối sống Mỹ – nhưng Việt Nam không cần cả hai thứ đó. Con người ở đây tìm kiếm sự an toàn, trật tự và hòa bình – nhiều hòa bình. Và một cuộc sống Việt mới. Nhưng điều đó phải thức tỉnh dậy từ trong nước – không phải từ trên các bàn làm việc của Mỹ. Bởi vậy mà sức mạnh của Việt Cộng đã tăng lên với những sai lầm của người da trắng. Hoàn toàn không phản đối ý định tốt của người Mỹ – nhưng cuộc chiến thật ra chỉ kéo dài cuộc chiến mà thôi…“
“Tôi không biết điều gì tệ hại hơn – cuộc chiến hay Việt Cộng”, Tuan Nguyen nói, người làm thông dịch viên cho hội từ thiện Đức Malteser. “Nhưng tôi không thích cả hai, vì đối với tôi, bạo lực không phải là lý lẽ.”
Tuan 25 tuổi, nói tiếng Đức và tiếng Anh trôi chảy và thật ra là một nhà vật lý học. Nhưng người đàn ông trẻ tuổi với gương mặt thẹo này cảm thấy chương trình trợ giúp của người Đức “là một nổ lực và sự trợ giúp thật sự cho Việt Nam – vì nó có ích cho tất cả mọi người.” Vì vậy mà anh đã rời phòng thí nghiệm của mình và tình nguyện trình diện khi người của Hội Malteser tìm một thông dịch viên.
“Thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng tốt hơn là người Mỹ nên bỏ rơi chúng tôi – dù ý định của họ có tốt cho tới đâu. Vì vấn đề này cuối cùng thì chỉ có thể được giải quyết bởi người Việt. Miền Bắc và miền Nam phải cùng nhau ngồi vào một bàn – không có Trung Quốc và không có Mỹ ở phía sau. Chiến tranh không thể mang lại sự quyết định. Nó chỉ có thể nhân lên sự chết chóc lớn ở Việt Nam. Và đối với tôi như là một người Việt thì ai chết cũng không khác nhau – tất cả họ đều là đồng bào…”
Tuan không chống người Mỹ. “Tôi chỉ chống lại những sai lầm của họ thôi”, anh nói. “Ví dụ như bao nhiêu chương trình mới được dựng lên đó. Chúng có những cái tên nghe rất hay ho và đứng ở sau chúng là đồng dollar – nhưng ai phải thực hiện những chương trình đó kia chứ? Biết bao nhiêu người nông dân ở đây không biết đọc và không biết viết! Ngay từ đầu là họ đã rơi ra khỏi mọi chương trình đó rồi. Và phần lớn những người này còn không biết chủ nghĩa cộng sản hay công bằng xã hội là gì nữa. Đối với họ, thế giới là một mảnh ruộng mà họ muốn cảy bừa trên đó để có thể sinh sống. Còn những gì khác xảy ra nữa thì họ không quan tâm đến.”
Tuan là một trong số những người Việt Nam mà cảm xúc của họ tựa như một con lắc – nửa ở miền Bắc, nửa ở miền Nam. “Ông phải hiểu rằng”, anh ấy nói, “anh của tôi tham gia Quân đội Nhân dân của Bắc Việt Nam. Anh ấy là thiếu tá Không quân và lái một chiếc MiG 19. Anh ấy hầu như bay không nghỉ để bắn hạ những chiếc máy bay bỏ bom của Mỹ trên Bắc Việt Nam. Trên thực tế, ở bất cứ chuyến bay nào, anh ấy cũng nhắm bắn vào những người bảo vệ tôi – và những người bảo vệ tôi lại bắn vào anh tôi. Thật gần như tâm thần phân liệt vậy…”
Thỉnh thoảng, Tuan nhận được thư của người anh, qua những con đường vòng vo và chậm hàng tuần. “Em Tuan của anh”, trong lá thư cuối cùng có viết, “em ở miền Nam và anh ở miền Bắc. Nhưng cả hai chúng ta đều chiến đấu cho một Việt Nam duy nhất. Nhưng ai đang đứng ở bên sai. Ai hả Tuan?”
“Chiến tranh đứng ở bên sai”, người thông dịch viên 25 tuổi nói. “Cuộc chiến mà không thể giải quyết được những gì chỉ để cho hòa bình giải quyết…”
“Mọi vấn đề đều dựa trên cuộc chiến hiện nay”, Trần Văn Hương giải thích, cựu đô trưởng Sài Gòn, sau Diệm là thủ tướng của đất nước này trong ba tháng và từ ít lâu nay là ứng cử viên dân sự hàng đầu cho chức vụ tổng thống nước Việt Nam. “Đó là một cuộc chiến mà phải được chấm dứt – và phải được chấm dứt qua thương lượng. Nhưng lần này thì không đạt được hòa bình từ thương lượng giữa Bắc Việt Nam và Mỹ – như 1954 giữa Việt Minh và người Pháp – lần này thì chỉ có thể có hòa bình trực tiếp giữa Bắc và Nam Việt Nam. Hai bên phải bỏ súng xuống trong danh dự, để dân tộc có thể sống được trong tự do và thịnh vượng. Có thể năm hay mười năm nữa thì rồi hai bên sẽ cùng nhau quyết định về câu hỏi thống nhất.”
Người dân Nam Việt Nam nghĩ gì về đề tài này, điều đó thì người ta biết: trong chương trình thăm dò ý kiến lớn nhất từng được tiến hành ở Việt Nam, dựa trên cơ sở của cuộc khảo sát mang tính đại diện trong mùa Xuân 1967, người ta đã nhận được một câu trả lời gây ngạc nhiên trong nhiều điểm…
Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/12/25/dia-nguc-xanh-viet-nam-cau-hoi-khong-loi-dap-lam-sao-thang-duoc-cuoc-chien-nay-phan-7/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét