Công tác nhân sự của đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam nên dân chủ hóa thay vì "biệt lệ hóa" mãi như với các trường hợp "đặc biệt" hay "siêu đặc biệt", ý kiến trong giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam nói với BBC vào lúc có thông tin mới do đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra về Hội nghị 15 và công tác nhân sự.
Hôm 28/12/2020, nhiều báo chính thống của nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc Hội nghị Trung ương 15 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến nhóm họp vào tháng Giêng năm 2021 ngay trước thềm Đại hội 13 của đảng này, sẽ xem xét các "trường hợp đặc biệt".
Báo mạng VnExpress thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ hôm thứ Hai đưa tin cho hay:
"Tại hội nghị Trung ương 15 (khóa XII), Bộ Chính trị sẽ "báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng".
Tờ báo cho biết tại một hội nghị tập huấn tuyên truyền cho Đại hội 13 của cầm quyền dành cho báo chí Việt Nam, các đại biểu được thông báo cho biết thực hiện quy trình công tác nhân sự Đại hội này "các cơ quan chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương trước; sau đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; rồi đến các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và "trường hợp đặc biệt" được chuẩn bị sau cùng."
Cùng ngày, cũng liên quan sự kiện hội nghị này, báo mạng VietnamNet thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đưa tin cho hay:
"Những "trường hợp đặc biệt" tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII sẽ được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ trước khi trình BCH Trung ương khóa XII xem xét, quyết định."
Cũng hôm thứ Hai, báo Tuổi Trẻ cho biết thêm:
"Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 đồng chí, giảm gần 300 so với số quy hoạch khoá XII."
Về điều được cho là "cách làm mới", tờ báo thuộc Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản HCM của Việt Nam, tường trình thêm:
"Việc quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khoá XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho "các nhiệm kỳ tiếp theo" như nhiệm kỳ trước."
Hội nghị Trung ương 15 "đặc biệt" thế nào?
Bình luận về các diễn biến liên quan hội nghị Trung ương sắp diễn ra này, hôm 28/12, hai nhà quan sát thời sự, chính trị từ Việt Nam đưa ra bình luận với BBC:
"Tôi cho rằng có ít Đại hội nào mà trước đại hội lại có nhiều hội nghị Trung ương dồn dập như Đại hội 13 này," từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mạc Văn Trang nói.
"Sở dĩ như vậy, theo tôi là bởi vì có nhiều vấn đề mà chưa nhất trí được với nhau, có nhiều ý kiến khác biệt nhau, mà ý kiến quan trọng nhất trong và cho Đại hội lại là vấn đề về nhân sự, thế còn những thứ về báo cáo chính trị, về điều lệ v.v..., thực ra cũng góp ý dễ dàng thôi và nhiều khi Đại hội xong, người ta cũng chẳng quan tâm đến nghị quyết, vấn đề là ai làm cái gì?
"Lần này có nhiều hội nghị trung ương dồn dập như thế, và tới hội nghị 15 mới bàn chuyện "nhân sự đặc biệt" là vì tôi nghĩ giữa những phe phái, mà trước đây thường có miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với câu hỏi cơ cấu nhân sự như thế nào cho hài hòa, hợp lý theo quan điểm của đảng.
"Thế thì lần này chắc gặp nhiều khó khăn về nhân sự, nhiều cái chưa nhất trí được, đặc biệt về nhân sự "đặc biệt". Sở dĩ tại sao "nhân sự đặc biệt" để cuối cùng, là bởi vì nếu như nhân sự không đặc biệt, các nhóm, những người không đặc biệt mà dàn xếp được với nhau ổn thỏa rồi và nhất trí rồi, thì người ta chẳng cần bàn đến đặc biệt nữa.
"Nhưng vì Tứ trụ không nhất trí được với nhau về những nhân vật ấy, cho nên theo tôi người ta "cò cưa" mãi và cuối cùng có khi lại phải có nhân vật gọi là nhân vật hay trường hợp "đặc biệt" hay "rất đặc biệt", "siêu đặc biệt" được đưa ra để mà dàn hòa các mối quan hệ, theo tôi thực chất là như vậy thôi."
Từ Hà Nội, nhà quan sát Lê Văn Sinh, cựu giảng viên, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) nói với BBC:
"Báo chí và truyền thông nhà nước vừa đưa tin Hội nghị 15, BCHTW Khóa XII của ĐCSVN sẽ " xem xét nhân sự đặc biệt " trong những ngày sắp tới. Điều này theo tôi có nghĩa là tại các Hội nghị từ 14 trở về trước, người ta chưa thống nhất được với nhau ai đi, ai ở, nếu chiếu theo quy định của Đảng về tuổi tác, nhiệm kỳ và sức khỏe.
"Điều đáng nói về Hội nghị 15 là, Đảng một lần nữa lại bỏ qua tiêu chí tuổi tác do chính mình đề ra. Cách làm nhân sự này từng được áp dụng tại Đại hội XII, nay lặp lại.
"Quan sát các xã hội đương đại, ta thấy rằng, cách thức tuyển chọn các nhà lãnh đạo xã hội có những tiêu chí riêng. Nơi thì giới hạn nhiệm kỳ, nơi lại đặt giới hạn tuổi tác. Khi người ta tự thay đổi các tiêu chí do chính mình đặt ra thì điều đó phản ánh tính bất ổn của chính thiết chế xã hội của hệ thống chính trị đó."
Trở lại thông lệ hay tiếp tục "biệt lệ hóa"?
Gần sát Đại hội 13 của ĐCSVN, trong công luận Việt Nam đang có ý kiến cho rằng có thể Hội nghị 15 và đại hội 13 tới đây sẽ mở đường cho tiền lệ về "trường hợp Siêu đặc biệt", được hiểu là trở thành trường hợp đặc biệt nhiều lần.
Ý kiến và câu hỏi từ công luận cũng đang đặt ra về việc liệu đảng Cộng sản có nên trở lại "thông lệ" hơn là "biệt lệ hóa" trong công tác về nhân sự nói chung và đặc biệt liên quan nhân sự cao cấp, các nhà quan sát hôm thứ Hai bình luận với BBC về điều này:
"Theo tôi cũng không nên quy định "đặc biệt" hay "siêu đặc biệt", bởi vì nếu dân chủ, thì cũng không nên quy định giới hạn tuổi nữa, bởi vì có những người 70 tuổi, thậm chí 80 tuổi mà họ vẫn khỏe mạnh, sáng suốt, minh mẫn và có uy tín, nhất là có sức khỏe ổn định, thì có thể vẫn bầu được," Phó Giáo sư Mạc Văn Trang nói.
"Thí dụ trường hợp của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chẳng hạn, ông đến 90 tuổi mà dưới nền dân chủ người dân vẫn có thể qua lá phiếu phổ thông, bầu cho, hay như trường hợp cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, rồi gần đây là các ông Donald Trump, ông Joe Biden, đều là những trường hợp trên 70 tuổi cả, thậm chí gần 80 tuổi, nhưng người ta vẫn bầu.
"Cho nên theo tôi nghĩ vấn đề tuổi giới hạn một cách máy móc, thì cũng không đúng, mà cứ để dân chủ hóa công tác nhân sự, chưa nói tới phải dân chủ hóa toàn bộ để có bầu cử tự do cho toàn dân là cấp văn minh cao hơn, và cứ để dân chủ, dân chủ hóa dù như tại hiện tại để cho người ta lựa chọn thì người ta sẽ căn cứ rằng nhiều tuổi, nhưng có khi sức khỏe trường hợp cụ thể 70 tuổi có khi lại tốt hơn trường hợp cụ thể 50 tuổi nào đó, tôi thấy là nhiều trường hợp 50 tuổi, 60 tuổi là cán bộ trung cao ở Việt Nam được thông báo bị các bệnh nan y, trong đó có ung thư nhiều lắm!
"Cho nên, nếu cứ để dân chủ thực sự, thì người ta sẽ chọn ra những người mà trong đó tuổi tác chỉ là tương đối thôi, mà quan trọng nhất là năng lực và phẩm chất, chất lượng lãnh đạo, quản lý, cho nên không nên cứ gò mãi vào trường hợp đặc biệt, trên tuổi, rồi hơn hai tuổi, hơn ba tuổi, hay hơn năm tuổi v.v... rồi dẫn đến "siêu đặc biệt", nó rất máy móc và mất thì giờ, không cần thiết."
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh phát biểu:
"Đúng là có ý kiến trong công luận cho rằng, Hội nghị 15 và Đại hội XIII sẽ có thể mở đường cho tiền lệ về trường hợp "Siêu đặc biệt". Với tôi, nếu dự báo này trở thành hiện thực thì đây là điều không tốt cho đảng cầm quyền.
"Hẳn là ngưòi ta chưa quên một cá nhân thâu tóm quyền lực tối thượng vào tay mình trong quá khứ như thế nào ? Bất cứ ai - dù kiệt suất đến đâu - nắm giữ quyền bính quốc gia suốt đời là trái với sự tiến bộ lịch sử.
"Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam nên trở lại với "thông lệ" hơn là "biệt lệ hóa" khi tuyển chọn nhân sự cao cấp của mình.
"Tại Trung Quốc và Nga sự phá vỡ "thông lệ " đã và đang dẫn tới sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Liệu đó có nên coi là bài học cho Việt Nam hay không?
Ý nghĩa và vai trò của tiêu chuẩn sức khỏe?
Hôm 28/12, cựu quan chức cấp cao và chuyên gia về quy hoạch nhân sự thuộc Ban Tổ chức Trung ương đảng, ông Nguyễn Đức Hà, báo cáo viên tại cuộc hội nghị tuyên truyền cho Đại hội 13, được báo chí Việt Nam dẫn lời cho hay "Lần này Trung ương quy định rõ tiêu chuẩn đại biểu dự Đại hội XIII, trong đó có tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe và trách nhiệm nêu gương".
Hai nhà quan sát từ Sài Gòn và Hà Nội đưa ra bình luận về ý kiến này và đặc biệt nhận xét về tiêu chí sức khỏe và vị trí, ý nghĩa trong các tiêu chí trên.
"Tôi nghĩ những tiêu chuẩn mà ban lãnh đạo ở bên trên của đảng mà họ nêu ra thì có thể là một, hai, ba hay thậm chí bảy, tám, chín, mười chứ chẳng cứ là hai hay ba điều nào, cái này trong điều lệ đảng người ta nêu ra trong công tác xây dựng đảng cả rồi.
"Thành ra, muốn nhấn mạnh gì thì nhấn, nhưng cái quan trọng nhất là vấn đề dân chủ, tại đại hội cơ sở người ta bầu ai, thì tức là người ta tín nhiệm người ấy rồi, vậy nên tôn trọng, còn nếu ở trên cứ gò mãi và tôi thấy trong nhân sự, không những là nhân sự để bầu Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà các đại biểu được đi dự Đại hội cũng bị gò ép một cách máy móc, mà đã nói tôn trọng dân chủ, tại đại hội cơ sở, người ta đã bầu đại biểu đi dự đại hội các cấp trên, thì phải tin tưởng người ta.
"Còn tiêu chuẩn mà muốn đưa ra thì nhiều lắm, nhưng kỳ này có chú ý đến tiêu chí sức khỏe, có lẽ là vì khá nhiều quan chức bây giờ khi nào mà có vấn đề gì đó thì đều khai là bị "ung thư", mắc "trọng bệnh", thậm chí có thể bị "bệnh tâm thần", đủ cả, cho nên người ta nhấn mạnh cái đó để người ta chú ý chăng?
"Theo tôi, nếu đã gọi là dân chủ thì người ta bầu đại biểu cấp dưới đi dự đại biểu cấp trên, thì tôi cho rằng phải tôn trọng, còn các tiêu chuẩn đã có hết trong các điều lệ, văn bản của đảng rồi."
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Hà Nội nói:
"Ông Nguyễn Đức Hà, cựu quan chức cao cấp Ban Tổ chức Trung ương, nói rằng lần này Trung ương ĐCSVN quy định rõ tiêu chuẩn đại biểu dự Đại hội XIII, trong đó có tiêu chuẩn về "chính trị, sức khỏe và trách nhiệm nêu gương".
"Tôi cho rằng, rất khó để định lượng hai tiêu chuẩn "chính trị" và "trách nhiệm nêu gương". Tiêu chuẩn sức khỏe thì rõ như ban ngày. Một người bệnh tật, ốm yếu đến tự phục vụ mình chưa xong thì sao có thể phụng sự Đảng, đất nước và nhân dân?
"Cách đây chưa lâu, Thủ tướng Nhật Bản, Abe Shinzo tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Ông giải thích rằng, sức khỏe của mình có thể sẽ ảnh hưởng đến các quyết định làm phương hại cho đất nước."
Hội nghị TƯ15 và tín hiệu về Đại hội đảng sắp tới?
Đường lối và nhân sự là hai vấn đề được cho là có liên hệ, liên thông với nhau, đặc biệt trong hoạch định, thực thi và/hoặc đổi mới sách lược, chiến lược và chính sách, trước câu hỏi các thông tin về chuẩn bị Hội nghị Trung ương 15 cho Đại hội 13 như theo báo chí Việt Nam vừa đưa ra, liệu có thể có tín hiệu gì mới đáng lưu ý về kỳ Đại hội sắp diễn ra hay không, các nhà quan sát đáp:
"Tôi thấy qua các đại hội cơ sở vừa rồi, cho đến chuẩn bị Đại hội 13, qua quá trình, tôi thấy nó thể hiện một cách làm việc thiếu dân chủ, áp đặt từ trên xuống dưới một cách nhiều khi quá đáng.
"Chẳng hạn như là đưa ai về làm bí thư ở địa phương, bí thư huyện, bí thư tỉnh, bí thư thành phố, mà áp đặt, thứ hai nữa là giới hạn trong phạm vi quy hoạch của Trung ương thôi, để mà lựa chọn, thì nó không phát hiện được những nhân tố mới.
"Và khi mà đưa ra những tiêu chuẩn với một thái độ, cách làm việc gay gắt, quyết liệt, rất máy móc như thế, thì nhiều người có sáng kiến hay có tư tưởng đổi mới không dám bộc lộ ra.
"Tôi thấy tất cả, chỉ thấy có mấy vị như ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Phú Trọng, hay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, là những người hay phát biểu nhất, còn những ông kể cả như ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban bí thư, hay các ông bà khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều thận trọng khác thường, không thấy dám phát ngôn gì đặc biệt, còn chưa kể tới các cấp Bộ trưởng hay khác v.v...
"Tức là nó mở ra một không khí cũng không thực sự được dân chủ, đủ cởi mở, để mọi người, trong đó có cả cán bộ, quần chúng, nhân dân, trình bày quan điểm của mình hay là được phát biểu một cách công khai.
"Có thể trong nội bộ ban lãnh đạo và đảng có thể cũng có những trao đổi, nhưng tôi nghĩ không khí kiểm soát dân sự như thế, chưa kể các vụ xử "đốt lò" lặp đi lặp lại đi song song bên ngoài các hội nghị, thì các vị trong diện được quy hoạch thời điểm này phải giữ mình, nín thở, giữ mồm, giữ miệng ghê lắm, không dám nói và nói hết gì đâu.
"Thế nhưng tôi cũng nghĩ rằng, đến sau khi bầu rồi, đã vào bộ máy rồi, lúc đó mỗi người mới năng động và mới sẽ theo quan điểm thực của họ, và khi đó có thể họ mới sẽ có phát huy được tác dụng nhất định nào đó, do đó về tín hiệu tại Đại hội 13, tôi nghĩ về kinh tế chắc sẽ có nhiều cởi mở hơn và có thêm những cơ hội để cho những sáng kiến dám nghĩ, dám làm trong đổi mới kinh tế.
"Còn về vấn đề chính trị, dân chủ, nhân quyền, tôi nghĩ đảng sẽ càng siết chặt hơn và càng siết chặt hơn, bởi vì trước tình hình thế giới có những biến động, ở trong nước càng có nhiều người hơn quan tâm các sự kiện quốc tế, thì ở trong đảng người ta càng sợ hơn, càng siết chặt hơn và biểu hiện gần đây như là đe dọa, rồi bắt một loạt Facebookers, những người mà chỉ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, nhưng bị bắt và nhiều vụ bị xử rất nặng, thì tôi nghĩ không hy vọng gì vào những thay đổi về chính trị, về dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự v.v...," nhà tâm lý học, PGS Mạc Văn Trang từ Sài Gòn nói.
Còn từ Hà Nội, ông Lê Văn Sinh nói:
"Qua những gì đã và đang diễn ra trong cách thức làm nhân sự cao cấp của Đảng cho chúng ta thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay với cung cách tuyển chọn các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước theo lối truyền thống.
"Đó là Ban lãnh đạo đương nhiệm vạch đường lối cho Ban lãnh đạo mới thực hiện chúng, nhân sự chỉ là tìm người thực thi Nghị quyết của Đảng.
"Trong trường hợp lo ngại về khả năng " trệch đường ray", người ta dùng tới biện pháp "đặc biệt" như chúng ta thấy ở Đại hội XII, và có thể tại Đại hội XIII sắp tới.
"Với cách làm " nhân sự" này, tôi e là Đảng sẽ rất khó có sự thay đổi căn bản nào," nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận với BBC trên quan điểm riêng.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55467254
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét