Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Hạ viện Hoa Kỳ chuẩn bị bỏ phiếu để lật quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật ngân sách quốc phòng. Ông Trump từ chối ký dự luật này, vốn nhận được sự ủng hộ áp đảo của Quốc hội, vì phần nội dung liên quan đến việc đổi tên các căn cứ quân sự được đặt tên theo các lãnh đạo ly khai trong Nội chiến Mỹ. Ông cũng muốn dự luật phải bao gồm một thay đổi không liên quan xoay quanh các biện pháp bảo vệ pháp lý cho các công ty công nghệ; ông nghĩ rằng các công ty này đã chống lại đảng Cộng hòa.
Một tòa án Trung Quốc đã kết án một nhà báo, Zhang Zhan, bốn năm tù vì đưa tin từ thành phố Vũ Hán vào giai đoạn đầu của đại dịch covid-19. Cô là người đầu tiên bị xét xử vì viết tin về vụ bùng dịch ở thành phố nơi dịch bệnh này lần đầu tiên được phát hiện. Các báo cáo của cô Zhang về các bệnh viện đông đúc và những con đường vắng đã vẽ nên một bức tranh đại dịch tồi tệ so với tin chính thức của chính phủ.
Anh cho biết 41.385 ca nhiễm covid-19 mới đã được xác nhận, con số kỷ lục trong ngày. Một biến thể lây lan nhanh của căn bệnh đã làm tăng tỷ lệ lây nhiễm ở nước này. Trong khi đó, Nam Phi, quốc gia đang chiến đấu với một biến thể khác của covid-19, hôm Chủ nhật thông báo đã có hơn 1 triệu ca nhiễm đã được xác nhận ở nước này.
Loujain al-Hathloul, một nhà hoạt động nữ quyền, đã bị kết án 5 năm 8 tháng tù ở Ả Rập Saudi vì tìm cách thay đổi hệ thống chính trị và gây tổn hại an ninh quốc gia. Hathloul bị giam giữ từ tháng 5 năm 2018, vài tuần trước khi phụ nữ được trao quyền lái xe, một trong những quyền mà cô vận động.
Nga trục xuất một nhà ngoại giao Bulgaria trong một màn ăn miếng trả miếng sau khi Bulgaria trục xuất một tùy viên quân sự của Nga vì cho rằng ông ta làm gián điệp ở nước này từ 2017. Hai nước từng là những đồng minh thân cận nhất trong Khối Warsaw; Bulgaria hiện là thành viên của EU và NATO.
Bất chấp thông báo về chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 10 tỷ USD, giá cổ phiếu Alibaba đã giảm gần 1/10 sau khi có tin hồi cuối tuần rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu thắt chặt quản lý đối với Ant Group, công ty con fintech của gã khổng lồ thương mại điện tử. Tuần trước, các nhà quản lý Trung Quốc đã mở điều tra chống độc quyền đối với các hoạt động của Alibaba. Alibaba cho biết họ sẽ hợp tác với cuộc điều tra.
TIÊU ĐIỂM
Triển vọng của chính quyền Biden trong năm 2021
Nhiều vấn đề của Mỹ sẽ tiếp tục lấn sang năm 2021. Chừng nào virus còn tràn lan, nền kinh tế vẫn còn lung lay. Tình cảm hoài nghi đối với tiến trình bầu cử do Tổng thống Donald Trump tạo ra sẽ còn tồn tại lâu. Tuy nhiên, việc ông thất cử đã làm thay đổi triển vọng sắp tới của nước Mỹ. Joe Biden sẽ hủy bỏ việc Mỹ rút khỏi WHO, tham gia lại thỏa thuận khí hậu Paris và khôi phục các biện pháp bảo vệ trẻ nhập cư bất hợp pháp được đưa đến Mỹ từ khi còn nhỏ.
Ông sẽ hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump và chấm dứt chính sách chia rẽ gia đình đối với người nhập cư. Chính quyền ông sẽ khôi phục lại chức vụ cho các nhà khoa học đáng tin cậy ở Cơ quan Bảo vệ Môi trường, và bảo vệ tính độc lập của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, với việc đảng Dân chủ khó thắng Thượng viện, ông Biden sẽ không thể thông qua hầu hết các chính sách kinh tế, chăm sóc sức khỏe, khí hậu và thuế mà ông đã cam kết. Dù vậy, năm 2021 có thể diễn ra tốt đẹp đối với ông Biden nếu việc triển khai thành công vắc xin covid-19 giúp thúc đẩy nền kinh tế và đưa tâm trạng quốc gia lên cao.
Đông Nam Á kẹt giữa hai siêu cường
Không khu vực nào trên thế giới đứng trước nhiều nguy cơ hứng chịu thiệt hại từ cạnh tranh kinh tế, chiến lược và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2021 cao hơn các quốc gia Đông Nam Á. Một mặt, họ cảnh giác với lời kêu gọi “người châu Á tự quản lý châu Á” của Chủ tịch Tập Cận Bình, mà đối với họ nghe như một cách nói khác cho việc Trung Quốc điều hành châu Á. Mặt khác, trong khi các thành viên ASEAN hoan nghênh Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất trong khu vực, họ đều biết xung đột sẽ là thảm họa.
Nhiều chính phủ trong khu vực không ưa dân chủ và gần như không nước nào mong muốn nó. Dù sao thì Trung Quốc ở quá gần và quá hùng mạnh về kinh tế để họ có thể chống lại. Nước này cho đến nay là đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á và là nhà đầu tư lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản. Sự thịnh vượng của ASEAN gắn liền với Trung Quốc. Theo một cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Singapore, cách tiếp cận sẽ bao gồm cả “phòng bị nước đôi, cân bằng lại và phù thịnh”.
Năm mới nhiều thách thức cho EU
Xích mích nội bộ, lo ngại về môi trường bên ngoài và các cuộc chia tay được dự đoán trước sẽ khiến EU bận tâm trong năm 2021. Các chính trị gia sẽ nhận ra việc đồng ý vay tiền (để giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của covid-19) là một điều dễ. Đồng thuận về hướng chi tiêu khó hơn nhiều. Những nghi ngờ về nhà nước pháp quyền sẽ tạo rắc rối cho khối: Bulgaria, Cyprus và Malta, những nước có đầy rẫy các cáo buộc tham nhũng, bán hộ chiếu và đàn áp báo chí, sẽ tham gia cùng Ba Lan và Hungary.
Vladimir Putin của Nga và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đe dọa biên giới EU. Chủ quyền châu Âu sẽ là từ khóa vì EU sẽ cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Cũng từ năm 2021 hậu quả của Brexit mới bắt đầu bộc lộ. Thỏa thuận do Anh ký với 27 thành viên còn lại sẽ có hiệu lực ngay cả khi nhiều chi tiết hóc búa vẫn chưa được giải quyết. Cuối cùng, vào mùa thu thủ tướng Đức Angela Merkel và là chính trị gia nhiều ảnh hưởng nhất EU, sẽ nghỉ hưu, để lại một khoảng trống quyền lực.
Mỹ Latinh chìm trong khó khăn
Đối với các lãnh đạo Mỹ Latinh, năm 2021 sẽ xoay quanh việc phục hồi kinh tế trong khi xoay chuyển cuộc khủng hoảng nợ và cố gắng thuyết phục công dân của mình rằng dân chủ vẫn chưa thất bại. Hậu quả kinh tế xã hội của đại dịch sẽ còn kéo dài. Sau khi các nền kinh tế trong khu vực suy thoái 8% hoặc hơn vào năm 2020, Mỹ Latinh sẽ có khoảng 40 triệu “người nghèo mới”, nâng tỉ lệ nghèo lên thành ít nhất 1/3 dân số.
Nỗi thất vọng sẽ chuyển hóa thành biểu tình đường phố — đặc biệt là ở Argentina và Colombia — bên cạnh mối đe dọa về chiến thắng của phe dân túy trong các cuộc bầu cử. Hầu hết các nước sẽ phải vật lộn chỉ để giành lại hơn một nửa sản lượng bị mất. Brazil có khả năng phục hồi nhanh nhất. Thiệt hại là lớn hơn ở Mexico, nơi các nhà đầu tư mất niềm tin vào tổng thống Andrés Manuel López Obrador. Với nợ công ở mức trên 80% GDP, Mỹ Latinh sẽ tìm cách xin thêm hỗ trợ từ IMF. Nếu không xin được, khu vực sẽ phải đối mặt với việc thắt lưng buộc bụng, hoặc khủng hoảng nợ, hoặc cả hai.
Nước Anh sẽ chật vật phục hồi từ đại dịch
Phục hồi từ covid-19 là chủ đề của năm 2021. Nước Anh đã trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong ít nhất một thế kỷ vào năm 2020. Chương trình trả lương của chính phủ đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng khi tình trạng mất việc làm tăng và tuyển dụng vẫn ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp rồi sẽ đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Thâm hụt chính phủ cao liên tục sẽ tạo nhiều lo ngại, nhưng ít hành động.
Bất chấp gián đoạn nguồn cung do đại dịch và Brexit, lạm phát vẫn sẽ ở mức thấp. Thị trường việc làm yếu sẽ kìm hãm việc tăng lương. Nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp. Ngân hàng Trung ương Anh nhiều khả năng sẽ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng hơn là áp dụng lãi suất âm nếu xuất hiện cú sốc kinh tế mới. Đến cuối năm 2021, nền kinh tế có thể đã bù đắp được thiệt hại của nửa đầu năm 2020. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn, nợ chính phủ lớn hơn nhiều bên cạnh những vết sẹo lâu dài.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2020/12/29/the-gioi-hom-nay-29-12-2020/#more-38313
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét