Nguyễn Thông
Một nước, một dân tộc không thể thiếu nền văn hóa. Văn học văn chương là cột trụ của nền văn hóa ấy. Nước Nam ta, bao đời nay theo dòng thời gian trôi đi, trôi mãi không ngừng, các sự kiện, vĩ nhân, anh hùng, dấu mốc lịch sử, khúc ngoặt khúc quanh dần chìm khuất, thậm chí mất hẳn sau lớp lớp sóng xô, nhưng văn chương tinh hoa vẫn tồn tại, còn mãi với đời. Người ta gọi đó là giá trị trường tồn.
Điều dễ nhận ra, những tác phẩm sinh nở từ cuộc sống hiện thực, phản chiếu bức tranh xã hội cụ thể, chứa những mảnh đời, thân phận, buồn vui trong chính thời đại mà người cầm bút sống, từng trải, chiêm nghiệm, mô tả, biên chép; những trang viết ròng ròng máu, mồ hôi, nước mắt, đầy tiếng khóc tiếng cười, thì thường thọ lâu bền hơn so với thứ văn chương hư cấu, tưởng tượng. Ngay cả Truyện Kiều, dù lấy cốt từ văn học lịch sử Tàu thì bức tranh xã hội mà cụ Tiên Điền mô tả vẫn là xã hội cụ đang sống, đang trôi từng ngày trong đời cụ, như chính cụ thổ lộ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đành rằng những tác phẩm hư cấu, tưởng tượng, không gắn với hiện thực đang tồn tại cũng có nhiều cái hay riêng của nó, nhất là điều được gọi là “giá trị nghệ thuật”, nhưng quả thật để tạo nên sự lay động lòng người, khiến người ta phải khóc cười thì văn chương phi hư cấu mới làm đầy đủ. Thứ văn ấy là văn trong sử, văn chứa sử, chứa bóng dáng thời đại qua mỗi chặng đường xã hội.
Không ai hồ đồ phán xét các nhà văn quốc doanh, văn chương mậu dịch là thoát ly hẳn cuộc sống. Phần đông nhà văn ta vẫn viết về tổ quốc tươi đẹp, quê hương yêu dấu, chủ quyền biển đảo, kinh tế thị trường, những trò đùa dai, những sự hiểu lầm, viết về tình yêu, về nỗi buồn, về sông dài núi cao, về đảng và bác, về chủ nghĩa xã hội… Nhiều lắm. Hình như họ chỉ quên cuộc sống bần cùng của dân chúng, nỗi đau của người bị áp bức, cảnh người lương thiện bị xô đẩy vào đường cùng. Văn mậu dịch nhiều niềm vui, màu hồng, tiếng cười nắc nẻ, trò giải trí, chỉ thiếu bức tranh xã hội xám xịt, thiếu bi kịch thân phận dân chúng cần lao. Đã qua rồi 20 năm Thủ Thiêm, 1 năm tròn Đồng Tâm, cụ Kình đã sắp giỗ đầu, chưa kể hàng trăm vụ dân oan lê lết khiếu kiện hết năm này năm khác, mà văn chương mậu dịch (tôi nhấn mạnh văn chương mậu dịch, chứ không phải nhà văn nói chung) không thấy đoái hoài gì, không lấy một chữ một câu. Chỉ chê trách nó thôi là còn quá nhẹ. Tuy nhiên, nó im còn đỡ, chứ lại rặn đẻ ra vài cái “chuyện làng Nhô” nữa thì mới khốn nạn, bất nhân.
Đừng trách tôi nặng lời. Tôi còn nhớ, thời thập niên 60 - 70, nhà cầm quyền luôn lo ngại nhà văn trong đội ngũ của họ dửng dưng với thời cuộc nên thường tổ chức những cuộc đi thực tế, họ gọi là lăn mình vào cuộc sống, thở hơi thở của nhân dân, bắt nhà văn phải xả thân vào hiện thực nóng bỏng, nếu thu hoạch được gì qua mắt thấy tai nghe thì viết ngay, sinh đẻ ngay tác phẩm. Trang văn vì vậy sôi động, ấm áp, sinh sắc, thu hút, chân thực, có hồn. Lứa chúng tôi ra đời giữa thập niên 50 được đọc nhiều tác phẩm như thế, dù biết rằng nó cũng chỉ là thứ sản phẩm minh họa, tính định hướng cao, hằn rõ vòng kim cô. Chả thể đòi hỏi gì hơn bởi dù sao cũng là đồ mậu dịch. Mậu dịch mà được vậy là khá lắm rồi.
Lâu nay nhà văn luôn đòi quyền tự do sáng tác, khi công khai, lúc ngấm ngầm. Chả ông bà nhà văn nào tự nhận mình không thích tự do sáng tác. Chỉ có điều, khi đã tự nguyện chấp nhận mình thành nhà văn mậu dịch, thành viên của hội văn quốc doanh thì quyền tự do sáng tác không có tác dụng nữa. Họ cũng như ông Fadeev của Liên Xô ngày trước thôi, rất ngạo nghễ tuyên bố “các nhà văn xô viết chúng ta được sáng tác theo tiếng gọi của trái tim mình, nhưng trái tim chúng ta đã thuộc về đảng”. Hồi cuối thập niên 60, tôi được nghe kể, ông Trường Chinh đến chỉ đạo đại hội nhà văn (thời nào cũng vậy, đảng rất thích chỉ đạo văn nghệ sĩ), nghe loáng thoáng nhà văn nào đó rụt rè về quyền tự do sáng tác, anh Cả liền mắng ngay, đại loại, ai bảo rằng các anh chị không có quyền tự do sáng tác, các anh chị vẫn có quyền tha hồ chửi bọn đế quốc Mỹ đó thôi. Bị cụ mắng, thế là tịt ngòi, cấm ai dám ho he. Vậy nên, đừng trao quyền tự do sáng tác cho nhà văn quốc doanh làm gì, bởi nó là thứ xa xỉ, thừa, không cần thiết, lãng phí. Có đảng thì không có tự do, có tự do thì không có đảng.
Nhưng xin thưa với các nhà văn quốc doanh, chính cụ Cả cũng từng khuyên rất chí lý với những nhà văn nhà thơ xa rời cuộc sống, thờ ơ trước số phận nhân dân. Cụ bảo “Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!/Thời rượu nồng, nệm ấm đã qua rồi/Thôi thôi đừng khóc gió với than mây/Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ”. Nhà văn mậu dịch, ai mà chả biết chả thuộc chả nghe tuyên ngôn này. Vậy thì hỡi các vị, đảng đã dạy, hãy thực hiện đi, về với đời thực, với dân chúng, với Thủ Thiêm, Đồng Tâm, với những “cái đêm hôm ấy đêm gì”...
Phải nhìn thẳng và thừa nhận rằng chưa bao giờ văn chương thơ phú mất giá như thời hội đoàn quốc doanh. Dẫn ra thì bảo thô tục, thiếu tao nhã nhưng cái sự thê thảm ấy đã được nhà thơ bình dân Nguyễn Bảo Sinh đúc kết một cách chính xác và chua chát: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/Hôm qua nó bảo dí thơ vào lồn/Vợ tôi dở dại dở khôn/Hôm nay lại bảo dí lồn vào thơ”. Mà chẳng riêng gì thơ, văn học phải đạo, nghệ thuật phải đạo, bị tuyên giáo định hướng dẫn dắt đều như thế. Kịch rặt những trò cười nhảm nhí rẻ tiền, đùa dai hiểu lầm; phim, nói như thi sĩ chuyên nghiệp Trần Đăng Khoa, “ngồi buồn cởi cúc coi chim/còn hơn vào rạp xem phim nước mình”…
Còn điều nữa muốn nói, nhưng không phải với nhà văn quốc doanh, mà với hội của họ. Xứ này nhiều hội đoàn quá rồi, bội thực hội, mãn hội, thành gánh nặng cho dân. Lưng còng dân chỉ gánh đảng và tay ngắn tay dài, tay phải tay trái của đảng đã đủ chết, mong sao bớt được những thứ hội đoàn của nợ. Báo Tuổi Trẻ năm 2016 có bài tít đậm nêu rõ xứ ta mỗi năm phải chi ngân sách tới 68.000 tỉ đồng để nuôi các hội đoàn. Đọc con số, nhiều người chết ngất. Hội văn bút quốc doanh là một trong những cái miệng cá ngão bú bầu sữa ngân sách kinh khủng đó. Hỡi hội nhà văn quốc doanh, nên tự làm nuôi lấy mình, lao động để tồn tại, sống bằng ngòi bút, đừng bấu xấu trông chờ tiền thuế của dân. Hãy học các nhà sư (tất nhiên không phải sư quốc doanh), giác ngộ “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm thì một ngày không có ăn). Nhà chùa gánh trọng trách nặng nề cứu nhân độ thế mà còn biết tự lực cánh sinh vậy, huống hồ nhà văn quen khóc gió than mây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét