BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Hải Quân Việt Nam – Ấn Độ diễn tập liên lạc và phối hợp chung tại Biển Đông. Hôm 24/12, tàu hộ tống của Ấn Độ INS Kiltan cập cảng TP HCM, mang theo 15 tấn hàng cứu trợ nhân đạo cho nạn nhân lũ lụt ở miền Trung VN. Nhưng mục đích chính của tàu này là tham gia tập trận PASSEX với VN, dự kiến diễn trong hai ngày 26 và 27/12/2020, trong tình hình “New Delhi và Hà Nội tăng cường hợp tác hàng hải, đóng góp cho an ninh và ổn định khu vực”.
Báo Thanh Niên có bài: Đông Nam Á tăng cường trang bị tàu ngầm. Hôm 24/12, Hải quân Myanmar chính thức biên chế chiếc tàu ngầm đầu tiên vào hạm đội nước này, vốn là tàu ngầm INS Sindhuvir của Hải quân Ấn Độ tặng Myanmar cuối năm 2019 vào chuyển giao cho Myanmar tháng 10/2020. Đây là tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo 877EKM đóng tại Liên bang Soviet năm 1988. Thái Lan và Philippines cũng đã lên kế hoạch mua thêm tàu ngầm, Thái đặt mua 3 tàu ngầm điện – diesel lớp Nguyên S26T (2.600 tấn) của TQ.
Quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh của Quân đội, Công an
Quốc hội VN thông qua nghị quyết 132, quân đội, công an được dùng đất quốc phòng, an ninh xây dựng kinh tế, báo Thanh Niên đưa tin. Nghị quyết này quy định, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh vẫn phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính, “trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh”.
Nghị quyết 132 cũng quy định, nếu các đơn vị sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế “để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần – kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Bộ Quốc phòng trả lời cử tri TP.HCM về sử dụng đất quốc phòng. Trả lời câu hỏi của cử tri TP HCM về Nghị quyết số 132, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, “hiện, Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định để thực hiện Nghị quyết trên của Quốc hội”.
Sự kiện QH thông qua Nghị quyết 132 cho thấy, chiến dịch “chống tham nhũng” ở VN chỉ là một màn kịch không hơn không kém, vì nghị quyết nói trên đã mở đường cho việc lạm dụng đất quốc phòng, cùng các hệ lụy nguy hiểm khác. Mặc dù nghị quyết quy định: Đất quốc phòng vẫn chủ yếu phục vụ mục đích quốc phòng, các đơn vị dùng đất quốc phòng cho mục đích kinh tế phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng mấy quy định đó chẳng có ý nghĩa gì trước các thế lực “tư bản đỏ”.
Vụ phân lô bán nền đất quốc phòng tại Hà Tĩnh xảy ra hồi tháng 7/2019, khi nghị quyết nói trên chưa được thông qua, đã có sự lạm dụng đất quốc phòng. Bây giờ có nghị quyết rồi, quân đội muốn làm giàu dựa trên đất quốc phòng thì chỉ cần đóng tiền, bất kể quy định “vẫn phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự”, khi các bên còn “móc ngoặc” được với nhau.
Không khó để nghĩ đến kịch bản, trong đó một khu đất vốn có vai trò phục vụ quốc phòng, an ninh, nhưng lại được “quy hoạch” để có đầy chung cư, nhà cao tầng mọc lên trên đó. Đến khi có nguy cơ bị phá để khu đất trở về mục đích sử dụng chính, chẳng hạn như bố trí pháo phòng không, triển khai thiết bị, phương tiện, thì sẽ không được nữa, do khu nhà cao tầng, chung cư đứng chắn.
Nhưng hệ lụy nguy hiểm nhất là đất quốc phòng rơi vào tay người TQ thông qua các phi vụ “làm kinh tế”. Khoảng giữa tháng 5/2020, đại diện Bộ Quốc phòng cảnh báo cá nhân, DN Trung Quốc sử dụng đất trọng yếu. Hơn 7 tháng trôi qua, Quốc hội đã quên cảnh báo của Bộ Quốc phòng?
Với quy định chỉ cần đóng tiền sử dụng đất hằng năm thì có thể dùng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, những “nhà đầu tư” TQ có thừa khả năng đóng tiền để sở hữu những khu đất này, trong khi “đối tác” của họ là Bộ Quốc phòng VN sẽ đóng vai trò người sử dụng đất trên danh nghĩa.
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận: “Quốc gia có Luật đất đai nhưng lại không điều chỉnh được đất quân đội công an, buộc phải trao cho họ thêm quyền làm kinh tế, trao cho họ một luật đất đai riêng. Không có một quốc gia nào mà lực lượng bảo an đi làm kinh tế tràn lan. Không có một quốc gia nào mà những doanh nghiệp như TTC, City… làm dự án mà lại sử dụng một ‘lệnh khởi công’ từ quân đội”.
Nhà báo Mai Quốc Ấn hình dung ra cảnh tượng, “những người lính trẻ bồng súng gác trang nghiêm trước cổng doanh trại lực lượng vũ trang, thật đẹp và nghiêm trang biết bao. Nhưng cách họ không xa”, là… những bợm nhậu đang hò reo, cụng ly ngay trên nền đất được gọi là “đất quốc phòng”, “đất an ninh”, nhưng được dùng vào “mục đích kinh tế” để làm nhà hàng, quán nhậu. “Đó không phải là tưởng tượng mà là một thực tế thách thức đối với tôn nghiêm lực lượng vũ trang. Là một vết đau với những người từng cầm súng chiến đấu”.
Trong phần bình luận dưới bài viết này, độc giả Huỳnh Tùng cảnh báo: “Điều đại kị từ xa xưa thời vua chúa cho đến nay là Quân Đội dính tới kinh tế. Quân đội cầm súng, nhà nước cầm tiền. Quân đội sợ đói phải nghe nhà nước. Nhà nước sợ cướp phải cần quân đội”. Một quân đội có đủ khả năng lo về kinh tế cho chính nó, thì quân đội đó đủ khả năng để quay lại đánh nhà nước của nó. Một số ý kiến cho rằng, chuyện quân đội VN được phép làm kinh tế trên đất quốc phòng có thể mở đường cho nạn kiêu binh.
Mời đọc thêm: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh (Tin Tức). – Thí điểm chính sách đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế (VNE). – Giải mật Nghị quyết đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế (PLTP). – TP.HCM: Định giá lại khu đất công đang xây dựng dự án Metro Star (DV).
Tin môi trường
Báo Tiền Phong có bài: Hà Nội, TPHCM gia tăng ô nhiễm không khí. Sáng 24/12, Sài Gòn bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc. Theo Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, đó không phải là sương mù bình thường, Sài Gòn hiện bị ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng “với nhiều điểm đo ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe mọi người), ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người), thậm chí có hai điểm đo lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hiểm nhất trong thang bậc chất lượng không khí với khuyến cáo nguy hiểm, mọi người nên ở trong nhà)”.
Chuyện ở Tây Ninh: Phát hiện cơ sở sản xuất tinh bột sắn xả thải ra môi trường, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Lúc 14h30’ ngày 24/12, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, Công ty Xuân Hồng ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, đang xả thải trực tiếp ra môi trường.
Công ty này bơm nước thải từ bể lắng, chưa qua xử lý, để xả thẳng ra ao rồi chảy ra Suối Núc, thông qua đường ống nhựa được lắp ngầm nên rất khó phát hiện. Công ty Xuân Hồng có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không sử dụng, mà lợi dụng địa hình vắng vẻ, xung quanh là rừng cao su và gần ao, suối, để lén xả chất thải ra môi trường.
Vụ việc ở TP Đà Nẵng: Người dân khổ sở vì trại heo bốc mùi hôi, theo báo Pháp Luật TP HCM. Một số hộ dân ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cho biết, có trang trại nuôi heo khoảng 1.000 con, nằm gần khu dân cư, “thường xuyên bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng nhiều hộ dân xung quanh. Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân phải khổ sở sống chung với mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường”.
Báo Người Lao Động có bài: “Xác sống” đe dọa Trái Đất ẩn mình dưới Bắc Băng Dương. “Xác sống” đó là hàng trăm tỉ tấn carbon hữu cơ và methane “được khóa kín trong băng vĩnh cửu đang đứng trước nguy cơ được giải phóng ồ ạt và đe dọa khí hậu Trái Đất”.
Theo nghiên cứu của TS Sayedeh Sara Sayedi từ ĐH Brigham Young ở TP Salt Lake, Mỹ, biến đổi khí hậu có thể làm tăng tốc độ thải ra khí nhà kính từ Bắc Băng Dương. Hiện nay, băng giá đang bị tan dần ở vùng biển này đã giải phóng vào khí quyển trái đất hàng triệu tấn carbon hữu cơ và methane mỗi năm.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/12/25/ban-tin-ngay-25-12-2020/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét