1. Thảm sát Đồng Tâm
Từ bản chất, biến cố xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở ngoại ô Thành Phố Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng Giêng, 2020 là vụ lừa dân để cướp đất. Nhưng lần này cướp không xong, họ đã dàn dựng kịch bản chống “phản động” để mang 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng sau nhiều tuần lễ bố trí, cắt điện thoại và mạng internet quanh khu vực.
Họ giết ngay cụ Lê Đình Kình, một cụ già trên 80 tuổi có uy tín trong làng ngay trên giường ngủ, đốt cháy 3 nhân viên cảnh sát cơ động bất hạnh rơi xuống giếng trời, dùng đó là lý cớ để bắt giữ 29 người dân về hai tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”
Hai ngày sau, công an trả xác cụ Lê Đình Kình cho gia đình, với thi thể đã bị mổ bụng cùng với hai vết đạn bắn ở tim và bụng. Cụ Bùi Viết Hiếu là người chứng kiến tận mắt cảnh cụ Kình bị giết chết; cụ cũng bị bắn trọng thương nhưng không chết và nay đang bị kết án 16 năm tù. Dù đã gần một thế kỷ sống và quen với sự tàn độc của chế độ, nhưng người dân cả nước vẫn không khỏi bàng hoàng, đau đớn, nghẹn ngào trước hành động vô đạo, vô nhân của cuộc thảm sát này.
Ngày 7 tháng Chín, 2020 nhà cầm quyền CSVN đã dựng ra phiên tòa xét xử 29 người dự trù kéo dài trong vòng 10 ngày. Nhưng vụ xét xử không hề nhắc gì đến nguyên nhân của vụ án là vấn đề cưỡng chiếm đất đai tại cánh đồng Sênh xảy ra từ năm 2015, khi Bộ Quốc Phòng giao cho Công Ty Thương Mại Viettel xử dụng 50 hecta đất trong đó có 46 hecta đất nông nghiệp mà người dân xã Đông Tâm đang canh tác để sinh sống. Sau hai ngày xét xử, tòa án bất ngờ đổi tội danh cho 19 người từ “giết người” thành “chống người thi hành công vụ” và phiên tòa kết thúc sau 5 ngày xử.
Ngày 14 tháng Chín, Tòa tuyên án 6 người tội “giết người,” trong đó hai người con của cụ Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tử hình, cháu nội cụ Kình là Lê Đình Doanh bị chung thân, cụ Bùi Viết Hiếu 16 năm tù, ông Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù, anh Nguyễn Quốc Tiến 12 năm tù. 23 người còn lại bị tội “chống người thi hành công vụ” trong đó có 9 người bị tuyên án từ 3 đến 5 năm tù giam, số còn lại 14 người bị tuyên án tù treo và thả ngay tại tòa.
Vô số bài viết và tài liệu dẫn chứng được người dân phổ biến trên mạng đã chứng minh sự phi lý đến trơ trẽn của nhà cầm quyền Hà Nội khi dàn dựng vở kịch giết người tệ hại nhất thế kỷ, bao gồm cả việc thẳng tay sát hại 3 công an, đốt xác cho cháy đen rồi vu tội cho dân làng.
Vở kịch xử án với những màn tra tấn thô bạo không cần giấu giếm, trắng trợn vi phạm mọi cam kết về nhân quyền mà nhà nước CSVN đã ký kết. Các nạn nhân bị đưa ra tòa với những gương mặt thất thần, mang dấu vết bị tra tấn còn đầy trên cơ thể. Những lập luận kết tội chẳng khác gì “tòa án nhân dân” thời Cải Cách Ruộng Đất tái xuất hiện ở Thế Kỷ 21. Những bản án tử hình giết người diệt khẩu đến từ những con két mặc áo quan tòa không làm ai ngạc nhiên. Vì thế, “Thảm sát Đồng Tâm” lột tả sự thật là vì tham lợi riêng, các lãnh đạo đảng CSVN sẵn sàng cướp đất của dân, sẵn sàng giết dân, sẵn sàng dẫm đạp lên công lý và pháp luật. Nó không chỉ là biến cố thảm hại, nhục nhã nhất trong năm 2020 mà sẽ là một vết nhơ muôn đời mà những lãnh đạo CSVN để lại trong lòng người dân Việt.
2. 13 cơn bão đánh vào Miền Trung
Miền Trung, từ Bắc Tây Nguyên đến Nghệ An đã gánh liên tục 13 trận bão lớn nhỏ trong khoảng thời gian ngắn, từ đêm mồng 6 tháng Mười đến đầu tháng Mười Hai, 2020. Bão miền Trung thường mang theo những trận mưa lớn kéo dài gây ra nạn lũ lụt trên diện rộng. Riêng các cơn bão Molave (số 9 ngày 28 tháng Mười), Goni (số 10 vào ngày 6 và 7 tháng Mười Một) và Vamco (số 13 vào ngày 14 và 15 tháng Mười Một) đã mang lại nhiều tổn thất nhất.
Lũ lụt bình thường đã khiến đời sống người dân ở miền Trung vốn đã khắc nghiệt lại càng thêm khốn khó. Nhiều vùng bị ngập nước lên tận nóc nhà, khiến 342 người bị thiệt mạng hoặc mất tích. Thiệt hại về tài sản lên đến hơn 30 ngàn tỉ đồng, tương đương 1,3 tỉ Mỹ Kim. Nhưng chính hệ thống hàng trăm thủy điện bậc thang lớn nhỏ trên các dòng sông đã gây thêm tang thương cho người dân miền Trung. Chỉ riêng tỉnh Quảng Nam đã gánh 62 dự án thủy điện với công suất tổng cộng 1,6MW.
Để xây dựng các đập thủy điện, nhiều cánh rừng bạt ngàn đã bị đốn sạch cho nhu cầu xây đập. Hậu quả là không còn rừng để giữ nước, không còn rễ để giữ đất trên các sườn núi, đồi nên rất dễ gây ra nạn đất lở khi mưa nhiều và dai dẳng. Nạn sạt lở ở nhiều nơi đã là hiện tượng mới của nạn lũ lụt năm 2020 làm chết nhiều người với hàng loạt làng mạc, nhà cửa bị chôn vùi. Lượng nước mưa dâng nhanh trong các cơn bão lớn thường làm các đập thủy điện đạt đến giới hạn chứa nước nên buộc phải xả đập hàng loạt, dây chuyền, tạo nên lũ ống, lũ quét cuốn trôi làng mạc ở hạ nguồn. Trường hợp lũ đến nhanh, dân trở tay không kịp để di tản và di chuyển tài sản.
Thiên tai và nhân tai tàn phá miền Trung đã lay động lòng người Việt từ trong nước đến hải ngoại. Rất nhiều cá nhân, hội, nhóm đã tự động đứng ra tổ chức cứu trợ để xoa dịu phần nào nỗi đau của đồng bào miền Trung. Nổi bật lên trên hết là hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên. Bằng uy tín cá nhân, cô đã quyên được hơn 150 tỉ đồng trong thời gian ngắn và tự tổ chức cứu trợ, cũng như đích thân đến tận nơi, tự tay trao quà cho nạn nhân. Hình ảnh đẹp của ca sĩ Thủy Tiên đã làm mờ vai trò của Mặt Trận Tổ Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ trong việc cứu giúp bà con đang gặp khó khăn, dù nhà cầm quyền đã ra Nghị Định 64 buộc các tổ chức từ thiện phải đi qua trung gian của Mặt Trận Tổ Quốc. Vụ lũ lụt vừa qua càng tô đậm thêm nhu cầu xuất hiện nhiều đoàn thể xã hội dân sự để mọi người có thể chung tay giúp đỡ nhau khi mà chế độ càng ngày càng đánh mất niềm tin trong dân.
3. Vụ án Hồ Duy Hải
Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án thương tâm, đã lọt vào danh sách Top 10 tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2020, đủ cho thấy vụ án thu hút sự quan tâm không chỉ dư luận Việt Nam mà cả thế giới. Vụ án xảy ra đã 12 năm vào buổi tối định mệnh ngày 13 tháng Giêng, 2008 tại Bưu Cục Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, khi hai nữ nhân viên bưu điện tên là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ. Ngày 21 tháng Ba, 2008, nghi phạm Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) bị bắt. Qua hai lần xét xử sơ thẩm (năm 2008) tại Long An và phúc thẩm (2009) tại TP.HCM, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, khi Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang cũng đã bác đơn xin ân xá.
Nhưng do sự vận động mạnh mẽ của gia đình cùng với những phản đối của dư luận cũng như nhiều đại biểu quốc hội, năm 2014, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tòa án CSVN. Ngày 22 tháng Mười Một, 2019, Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị xem xét lại vụ án từ Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng Bảy. Ngày 8 tháng Năm, 2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm, 17 thành viên trong Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã bỏ phiếu công khai với quyết định là “dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án,” vì thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại và không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.
Kết quả giám đốc thẩm đã tạo ra làn sóng phẫn nộ rất lớn trong dư luận Việt Nam và Quốc Tế. Sáng ngày 16 tháng Sáu, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội nhóm họp để đánh giá vụ án và bản án giám đốc thẩm, và đi đến quyết định là “kiến nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội xem xét lại bản án giám đốc thẩm.”
Đây là một vụ án có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra, giải quyết vụ án như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo. Nhưng việc Tòa Án Nhân Dân Tối Cao cho rằng những vi phạm pháp luật nói trên không làm thay đổi bản chất của vụ án cho thấy nền tư pháp Việt Nam phi công lý. Một số luật sư Việt Nam cho rằng quyết định y án có thể sẽ có lợi về mặt chính trị cho những cá nhân liên hệ đến vụ án này trong thời kỳ trước đây; nhưng khả năng làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của đảng cầm quyền trong lâu dài và những phản ứng bất mãn của dư luận đã tạo nên một áp lực chính trị lớn lên ngành tư pháp và cả thể chế Việt Nam. Có thể nói là vụ án Hồ Duy Hải đang đặt lãnh đạo CSVN vào thế tiến thoái lưỡng nan.
4. Các nhà hoạt động bị đàn áp trước thềm đại hội 13
Cứ năm năm một lần, đảng Cộng Sản tổ chức đại hội, lần này là đại hội 13 (2021-2026) để chọn ra bộ máy lãnh đạo gồm Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và “Tứ Trụ” gồm Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội. Theo thông lệ trước mỗi kỳ đại hội, nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà đấu tranh dân chủ để ngăn chặn những ý kiến bất đồng. Chính vì vậy, năm 2020 đã diễn ra một làn sóng đàn áp tàn khốc đối với các nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Đã có hàng chục vụ bắt bớ nhắm vào các nhà hoạt động là thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, dân oan và những người cầm bút độc lập khác. Đơn cử như việc bắt giam mẹ con bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư; Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thành (Bà Đầm Xòe), Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Huỳnh Anh Khoa, Trần Đức Thạch, Đinh Văn Phú, Đinh Thị Thu Thủy, Phạm Đoan Trang,…
Ngoài ra, tòa án cũng xét xử một số nhà bất đồng chính kiến bị tạm giam và phán quyết họ mức án tù rất nặng. Tòa án tỉnh Nghệ An kết án thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù giam, 5 năm quản chế và nhà thơ Trần Đức Thạch mức án 12 năm tù giam, 3 năm quản chế. Toà án tỉnh Bến Tre kết án Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Ánh 6 năm tù giam, chịu quản chế 5 năm,…
Bên cạnh đó, Bộ Công An Việt Nam cũng tăng cường trấn áp nhằm đóng cửa Nhà Xuất Bản Tự Do, chuyên xuất bản những cuốn sách về đề tài xã hội, chính trị, và không chịu sự kiểm soát của chính quyền. Để làm được điều đó, lực lượng an ninh đã ráo riết truy bắt những người giao sách, lục soát và đe dọa các cơ sở in ấn bị tình nghi và triệu tập những người hỗ trợ.
Trước những vụ bắt bớ cùng với các bản án nặng nề và phi lý đối với các nhà hoạt động, CSVN liên tục hứng chịu sự chỉ trích của các tổ chức nhân quyền trên thế giới. Hôm 16 tháng Mười, 2020, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế (HRW) cáo buộc CSVN “tiếp tục có những vi phạm về các quyền dân sự và chính trị của người dân bằng cách hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, lập hội, tụ tập ôn hoà, tự do tôn giáo. Vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang gần đây nhất là một ví dụ nữa về sự đàn áp này.” Theo thống kê của HRW, Việt Nam hiện giam giữ hơn 130 tù chính trị và là nước có số tù nhân chính trị cao nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 175/180 về tự do báo chí, chung nhóm với các nhà nước độc tài khác như Trung Quốc, Lào, Iran, Triều Tiên,… Ngoài ra, hồi tháng Chín, 2020, 64 dân biểu Quốc Hội Châu Âu đã ký một bức thỉnh nguyện thư chung gửi Cao ủy thương mại EU và Đại diện cấp cao của Liên Âu phụ trách an ninh và đối ngoại và là Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đề nghị EU có những biện pháp gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền sau những vụ bắt bớ nhắm vào giới bất đồng chính kiến.
5. Đại Học Đông Đô bán bằng giả
Sau nhiều tháng điều tra, Cơ Quan An Ninh Bộ Công An xác định Đại Học Đông Đô đã cấp bằng giả cho 193 cá nhân trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngoài ra, tài liệu điều tra còn cho biết đại học này đã cấp tới 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh; nhưng hiện chỉ mới tìm được thông tin chính xác của 217 cá nhân. Toàn bộ bằng giả do Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Đại Học Đông Đô, người đang bỏ trốn và bị truy nã.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ, thì những cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ… trước hết sẽ bị hủy bỏ kết quả, thu hồi những văn bằng này. Bước thứ hai là bị kỷ luật về mặt cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gian dối. Riêng về những người cấp bằng thì có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm tù giam hoặc bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Về vấn đề có nên công khai danh tính của người mua sử dụng bằng giả, nhiều người cho rằng việc công khai danh tính những người mua bằng giả cũng là một trong những biện pháp nhằm răn đe và làm gương đối với hành vi sử dụng bằng giả trong công tác và học tập. Việc nâng cao trình độ là chuyện chính đáng, nhưng nó chỉ đúng khi thực hiện một cách hợp lý và trong một xã hội trong sạch. Khi một người ở vị trí là trưởng phòng, muốn biết thêm về các ứng dụng quản lý về kế toán, không có gì ngăn cản người này đi học một khóa bồi dưỡng về kế toán, tài chính, và sau khóa học được cấp môt chứng chỉ chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Từ đó có được lên lương hay lên chức thì tùy vào quy định cơ quan. Không thể chấp nhận một quan chức có bằng cử nhân kinh tế ghi danh học một văn bằng tiến sĩ triết học về Hy Lạp hay văn chương Hoa Kỳ và gọi đó là để “nâng cao trình độ” hầu thăng chức là điều không thế chấp nhận. Nhưng nó lại là một thực tế ở Việt Nam ngày nay!
Việc quy định phải có bằng B về ngoại ngữ để nâng ngạch là một việc làm rất khó vì bằng B tiêu chuẩn Âu Châu không phải dễ lấy. Phải vượt qua 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết một cách tương đối thông thạo. Điều này ngay cả giáo viên cũng chưa chắc làm được chứ nói gì tới học viên. Chính vì thế, nhu cầu này chỉ có thể giải quyết một cách tiện, lợi và RẺ là mua bằng. Đó là chưa nói đến vụ Bộ Giáo Dục còn đòi hỏi phải có bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín như ISI, SCOPUS… Thiết nghĩ cho đến khi nào xã hội Việt Nam bỏ qua được suy nghĩ về bằng cấp, về thành tích, về hư danh – đồng thời guồng máy nhà nước phải trong sạch, minh bạch; các cơ chế hành pháp, lập pháp, tư pháp phải độc lập và gạt bỏ chính trị (Đảng) trong nhà trường, thì mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề. Còn bằng không, thì hết vụ Đông Đô này sẽ còn “mọc” ra nhiều loại Đông Đô khác.
6. Lình xình bộ sách Tiếng Việt Lớp 1
Năm nay Bộ Giáo Dục cho sử dụng bộ sách Tiếng Việt Lớp 1 của nhà xuất bản Cánh Diều do nhà xuất bản trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội và Đại Học TP.HCM biên soạn. Khi đem áp dụng cho các trường học trên toàn quốc, tập sách này đã làm cho các phụ huynh ngỡ ngàng vì những nội dung của nó. Vô số những khuyết điểm về từ ngữ, ý tứ diễn đạt không phù hợp chút nào với trẻ tiểu học đã được phát hiện.
Nhiều phụ huynh công khai bày tỏ sự thất vọng, cũng như nêu lên rất nhiều ví dụ cho thấy bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Lớp 1 đang được đem ra dạy là một thảm họa cho nền giáo dục nước nhà. Ví dụ dạy cho một đứa trẻ 6 tuổi trả lời mẹ một cách cộc lốc “Chả sợ gì?” là sự thiếu tôn kính, vô giáo dục. Hoặc đem ngôn ngữ quen dùng ở miền Bắc vào dạy cho trẻ em miền Nam như “chén hết,” “dăm hôm,” “giá đỗ,” “giò,” “gà nhép,” “gà nhí”… là những chữ vượt quá sự hiểu biết của các em nhỏ. Hoặc dạy cách ghép vần vô tội vạ như u ghép với đ thành đu và dạy trẻ ghép thêm 5 dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng… Chữ đầu là chữ đú, ngay cả nhiều phụ huynh cũng cảm thấy khó khăn để hiểu, chữ thứ tư vô nghĩa, và khi đến chữ thứ năm thì thầy cô giáo không biết giải thích ra sao với các em?
Sách vừa mới phát hành thì bị ngay làn sóng phê phán gay gắt của phụ huynh khiến chính quyền và Quốc Hội phải lên tiếng thu hồi.Trong cuộc họp về sách giáo khoa vào ngày 12 tháng Mười, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ Tịch Quốc Hội đã yêu cầu Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phải tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh sửa khẩn cấp. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ Biên bộ sách giáo khoa này lên tiếng cho rằng “những người biên soạn làm việc rất kỹ và có quan điểm của mình,” đồng thời ông công kích những người phê phán là dựng chuyện theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người.” Những phát biểu của ông Nguyễn Minh Thuyết một lần nữa làm dấy lên sự tranh luận công khai giữa một số giáo viên với các nhà biên soạn, cho thấy rõ sự bất cập trong những tiêu chuẩn, ví dụ như về phương ngôn, về truyện ngụ ngôn được dùng làm bài học hướng dẫn học sinh và cả thầy giáo trong sách giáo khoa.
Trước những phê phán mạnh mẽ của dư luận, ông Phùng Ngọc Nhạ, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã phải ra công văn yêu cầu nhà sản xuất và Hội Đồng Thẩm Định phải thu hồi sách và cho tu sửa lại những nội dung gây tranh cãi. Ngay sau đó, Hội Đồng Thẩm Định đã tổ chức rà soát, làm việc với những tác giả tham gia soạn bộ sách giáo khoa này và đi đến một số thay đổi cụ thể. Như chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 hoặc thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng không phù hợp với các em nhỏ 6 tuổi. Tuy nhiên, việc tu sửa này chỉ là biện pháp tạm thời nhằm tránh né làn sóng phê phán quá mạnh của các phụ huynh. Bởi sách giáo khoa không phải là một sản phẩm bình thường dành cho khách hàng bình thường. Đây là tài liệu giáo dục hướng dẫn những mầm non lần đầu tiên tiếp xúc một cách có hệ thống và sự đúng đắn của tiếng Việt. Rõ ràng, các sai sót, lỗi lầm đó không phải chỉ là những hạt sạn, mà là những sai lầm cơ bản về hệ thống giáo dục hiện nay tại Việt Nam, cần phải có một nỗ lực cải tổ tận gốc rễ về tư duy và hành động trong ngành giáo dục.
7. Facebook và Youtube hợp tác với Hà Nội
Như những nước độc tài khác, nhà cầm quyền CSVN cũng khốn đốn với những phê phán và chỉ trích của người dân trên mạng xã hội mà cụ thể là trên Facebook và Youtube. Chế độ đã tìm mọi cách để trấn áp những tiếng nói của người dân, từ sách nhiễu, đánh đập đến bắt bớ và bỏ tù người lên tiếng. Với số lượng đông đảo dư luận viên (DLV) và 10.000 quân của lực lượng 47 vẫn không thể giúp chế độ dập được hoàn toàn tiếng nói của người dân. Ngày 2 tháng Ba, 2020 nhà cầm quyền CSVN đưa ra Nghị Định số 15/2020 nhằm siết chặt hơn việc kiểm soát các nội dung bài vở trên Facebook và Youtube. Ngoài việc tăng cường việc bắt giữ cũng như tăng tiền phạt những nội dung mà Cục An Ninh Mạng của Bộ Công An cho là vi phạm, Cục Phát Thanh, Truyền Hình, Thông Tin Điện Tử của Bộ Truyền Thông và Thông Tin (Bộ 4T) đã liên lạc và tạo nhiều áp lực lên công ty Facebook và Youtube để tháo gỡ những nội dung do Bộ 4T yêu cầu.
Lúc đầu, hai công ty Facebook và Youtube chỉ đáp ứng một cách chiếu lệ. Nhưng đến tháng Ba, 2020 Bộ 4T đã áp lực hai công ty VNPT (Tổng Công Ty Bưu Điện) và Viettel (Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội) cắt mạng hai server của Youtube và Facebook trong 3 tháng, khiến cho việc truy cập vào các trang này bị chậm. Mặc dù những server đặt ở hai công ty VNPT và Viettel chỉ lưu giữ những thông tin trao đổi bình thường, trong khi server chính về dữ kiện của người dùng đặt ở Singapore và Đài Loan; nhưng việc cắt mạng tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận của Facebook và Youtube, nên cuối cùng hai công ty này đã phải hợp tác với CSVN tháo gỡ những bài vở, youtube clip và cả những Fanpage mà Bộ 4T cho là chỉ trích chế độ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Trưởng Bộ 4T đã báo cáo với Quốc Hội vào đầu tháng Mười Một vừa qua rằng Facebook đã áp ứng các yêu cầu từ CSVN từ 10% (2017) lên 95% (2020). Riêng về Youtube thì đã đáp ứng từ 50% (2017) lên 90% (2020). Ngoài ra, Bộ 4T còn khoe là trong 10 tháng của năm 2020, Facebook đã gỡ bỏ hơn 2000 bài viết gọi là bôi nhọ chế độ, đóng 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống chế độ. Còn Google (Youtube) thì đã gỡ bỏ hơn 29.000 video có nội dung “xấu” và đóng 24 kênh Youtube có nội dung chỉ trích chế độ.
Trong cuộc điều trần tại Ủy Ban Tư Pháp, Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 17 tháng Mười Một, ông Mark Zuckerberg, sáng lập ra công ty Facebook đã thừa nhận là “tiếp tay” với nhà cầm quyền CSVN để kiểm soát và đóng tài khoản của người sử dụng có tiếng nói bất đồng với chế độ Hà Nội. Thượng Nghị Sĩ Marsha Blackburn chi trích công ty Facebook là đã ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài, tức nhà nước CSVN. Hôm mồng 1 tháng Mười Hai, 2020, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International, cáo buộc Facebook và Google đã đồng lõa với nhà nước Việt Nam nhằm kiểm duyệt các nội dung được cho là chỉ trích chính phủ để được tiếp tục hoạt động tại thị trường với 60 triệu người sử dụng này. Điều này góp phần tiếp tay cho nhà cầm quyền CSVN gia tăng việc bắt bớ, bỏ tù những người có tiếng nói ôn hòa trên mạng.
Sự kiện công ty Facebook và Youtube vì lợi nhuận thương mại đã cộng tác với chế độ độc tài Hà Nội đang dấy lên một làn sóng bất mãn và một số đoàn thể xã hội dân sự đang lên kế hoạch vận động các quốc gia phương Tây áp lực với Facebook và Youtube không thể thỏa hiệp với chế độ chà đạp quyền tự do ngôn luận của hơn 60 triệu người sử dụng tại Việt Nam.
8. Việt Nam và đại dịch Covid-19
Cho đến giữa tháng Bảy, sau hơn 3 tháng đại dịch COVID 19 bùng phát khắp thế giới, tại Việt Nam tuy có hiện tượng lây nhiễm nhưng con số quá thấp dưới 400 người, và không có ca nào bị tử vong theo báo cáo của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, vào cuối tháng Bảy, một làn sóng nhiễm mới đã bùng phát, lần này Đà Nẵng là tâm chấn với mức độ lây lan nhanh chóng hơn, và có ca tử vong được ghi nhận. Tuy nhiên, từ đầu tháng Chín đến nay, tình hình đã giảm và khá ổn định. Hiện nay, đang có đợt bùng phát thứ ba nhưng đa số là do sự lây nhiễm từ bên ngoài nước, và các biện pháp cách ly đã được thực hiện sớm nên mức độ nghiêm trọng không bằng đợt bùng phát hồi tháng Bảy.
Tính cho đến nay, tổng số ca nhiễm trên toàn quốc được báo cáo là chưa tới 1.500 người và con số tử vong là 35 người. Qua những con số này, Việt Nam được đánh giá là quốc gia khá thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, các sinh hoạt trong xã hội không bị xáo trộn hoặc bị tê liệt nhiều tháng như ở những quốc gia phương Tây. Qua đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhận được khoảng non 30 triệu Mỹ Kim hỗ trợ dưới nhiều hình thức để chống đại dịch từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Trung Quốc và một số quốc gia trong khối Liên Âu.
Mặc dù ngăn chặn sự lây nhiễm đại dịch COVID-19 thành công, nhưng những biện pháp “cách ly xã hội” đã khiến Việt Nam chịu thiệt hại khá nặng về mặt kinh tế, nhất là các ngành liên quan đến du lịch, nhà hàng, khách sạn. Tính đến tháng Chín, 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nhà cầm quyền CSVN có đưa ra gói hỗ trợ khẩn cấp lên đến 62 ngàn tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ Mỹ Kim) cho người dân lao động và các hộ nghèo; tuy nhiên theo phản ảnh của người dân qua các mạng xã hội thì những điều kiện mà nhà cầm quyền đưa ra quá phức tạp và tùy thuộc sự quyết định của cán bộ địa phương nên đến hôm nay, số tiền hỗ trợ mới chỉ phát ra khoảng một nửa. Trong khi đó, theo Tổng Cục Thống Kê thì tính đến tháng Mười Một, 2020, cả nước có gần 136.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, trong số này gần 60% số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, khai phá sản. Hiện nay trung bình mỗi tháng có khoảng 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường!
Báo cáo của Bộ Tài Chánh vào ngày 25 tháng Mười Hai, 2020 cho biết là khu vực đầu tư nước ngoài có non 30.000 doanh nghiệp thì có đến 55% doanh nghiệp đang hoạt động bị lỗ lớn và lỗ liên tục, vì thế mà những doanh nghiệp FDI tuy vẫn có thể sản xuất để xuất khẩu, nhưng sự đóng góp vào ngân sách đang bị giảm đáng kể. Đặc biệt các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc và Hong Kong là lỗ nhiều nhất. Điều này đã đối nghịch với những gì mà nhà cầm quyền CSVN đang thổi phồng việc hô hào “lót ổ phượng hoàng” để thu hút đầu tư ngoại quốc nhảy vào Việt Nam sau khi rút khỏi Trung Quốc do chính sách áp thuế của Hoa Kỳ. Mới đây, ngày 27 tháng Mười Hai, Tổng Cục Thống Kê công bố GDP của Việt Nam tăng trưởng 2,97% trong năm 2020 – thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất trong lúc các quốc gia đều bị tăng trưởng âm. Con số tăng trưởng này có được rõ ràng là nhờ vào các công ty FDI hơn là chính tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng với sự thua lỗ của của các doanh nghiệp FDI do tác động COVID-19 qua báo cáo của Bộ Tài Chánh nói trên, liệu nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao khi mà đại dịch vẫn còn là mối đe dọa của thế giới trong năm 2021.
9. Đấu đá nội bộ chuẩn bị đại hội 13
Các chế độ độc tài, đặc biệt là trong các thể chế cộng sản và quân phiệt, luôn luôn tồn tại các phe nhóm nhưng chấp nhận quy luật “cộng sinh,” đó là: “dựa vào nhau để tồn tại, dè chừng nhau để thủ thân, đấu đá nhau để thủ lợi.” Nói cách khác, trong những chế độ chính trị nằm dưới sự cai trị của một đảng độc tài hay một tập đoàn quân phiệt, nội bộ luôn luôn bất ổn định vì phe nắm quyền luôn luôn dè chừng những phe nhóm khác tìm cách “hất cẳng” mình. Đại hội đảng là dịp để cho các phe tranh đoạt quyền lực, giành thế thượng phong trong những vị trí lãnh đạo cho nhân sự của phe mình. Đại hội 13, được Bộ Chính Trị CSVN chuẩn bị từ hội nghị trung ương 9 vào tháng Mười Hai, 2018. Ông Nguyễn Phú Trọng, ngoài vai trò tổng bí thư, còn giữ hai nhiệm vụ then chốt của đại hội là chủ nhiệm Tiểu Ban Nhân Sự và Tiểu Ban Văn Kiện. Với trách nhiệm về nhân sự, ông Trọng có nhiệm vụ lọc lựa các bí thư tỉnh, thành phố, các tân ủy viên trung ương đảng, bộ chính trị và bộ tứ cho đại hội 13.
Dưới chiêu bài “đốt lò chống tham nhũng,” ông Nguyễn Phú Trọng đào xới những vụ án tham ô liên hệ đến cán bộ của những phe nhóm khác có tiềm năng “vươn lên” ở đại hội 13. Những cán bộ lần lượt đã bị biến thành củi như Hoàng Trung Hải, Ủy Viên Bộ Chính Trị mất ghế bí thư Hà Nội vào ngày 7 tháng Hai, 2020 vì vụ tham ô ở Tổng Công Ty Gang Thép Thái Nguyên. Nguyễn Văn Bình, Ủy Viên Bộ Chính Trị bị khiển trách hôm 6 tháng Mười Một, vì dính đến một vụ mua lại ba ngân hàng thương mại bị phá sản với giá zero đồng cách nay hơn 10 năm. Nguyễn Đức Chung, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng trở thành ủy viên Bộ Chính Trị khóa 13 đã bị kết án 5 năm tù giam vào chiều ngày 11 tháng Tám, 2020, vì bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ đánh cắp tài liệu mật của Bộ Công An đang điều tra công ty Nhật Cường mà vợ của Nguyễn Đức Chung là thành viên. Đây chỉ là những vụ án “dằn mặt” mang tính bề nổi của ông Trọng nhằm tạo uy quyền cho phe nhóm ông ta trong việc đưa những người thân cận vào các chức danh lãnh đạo cho 5 năm tới.
Một trong những “con gà” mà ông Trọng đã nhiều lần giới thiệu cho trung ương là Trần Quốc Vượng, hiện là thường trực Ban Bí Thư, vào chức danh tổng bí thư. Nhưng trong nội bộ có một số ủy viên Trung Ương Đảng không muốn phe nhóm ông Trọng khống chế, tiếp tục chiến dịch đốt lò. Đa số muốn đảng hướng về phía trước đẩy mạnh cải cách kinh tế để nhanh chóng hội nhập toàn cầu, nên đã ủng hộ ông Nguyễn Xuân Phúc trong vai trò tổng bí thư.
Điều này đã tái diễn lại nội dung tranh chấp giữa phe Nguyễn Phú Trọng và phe Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội 12 vào tháng Giêng 2016, khi phe ông Trọng muốn triệt hạ phe kinh tế của ông Dũng để tái cấu trục lại quyền lực của đảng và thâu tóm quyền lực cá nhân. Chính những đấu đá giữa phe ông Trọng – ông Vượng và phe ông Phúc (có sự hậu thuẫn của nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng) cho thấy là cuộc chiến đang ở vào lúc bất phân thắng bại vì cả hai phe chưa thuyết phục được số đông về chủ trương của mình.
10. Nguyễn Đức Chung vào lò!
Ngày 11 tháng Mười Hai, 2020, báo chí lề đảng đồng loạt đưa tin rằng sau hơn 4 tiếng đồng hồ xử kín, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Hà Nội tuyên án phạt ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội, 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định của Điều 337, Bộ Luật Hình Sự năm 2015. Ba người còn lại là tòng phạm bị phạt 3 năm tù giam gồm ông Phạm Quang Dũng (cán bộ công an điều tra thuộc C03), Nguyễn Hoàng Trung (tài xế của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (thuộc tổ thư ký của Văn Phòng Chủ Tịch Thành Phố).
Đây chỉ là vụ án thứ nhất, Nguyễn Đức Chung còn dính đến 2 vụ án khác cũng liên quan đến Công ty Nhật Cường đó là “tội buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.” Ngày 17 tháng Mười Hai vừa qua, hội nghị 14 của Trung Ương Đảng đã chính thức khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi đảng. Nếu tính từ lúc Nguyễn Đức Chung bị ngưng chức vụ chủ tịch UBND thành phố hôm 11 tháng Tám, 2020 dẫn đến bị bắt, bị truy tố và sau đó bị kết án hôm 11 tháng Mười Hai, vỏn vẹn chỉ 4 tháng. Đây có thể nói là vụ án kỷ lục về thời gian khá nhanh nên khá bất thường.
Ông Nguyễn Đức Chung là một cán bộ xuất thân ngành an ninh điều tra, từng là giám đốc Công An Thành Phố Hà Nội (2012-2016). Tháng Bảy, 2013 ông Chung được phong hàm thiếu tướng khi mới 46 tuổi, là thiếu tướng trẻ nhất ngành công an vào lúc đó. Tháng Mười Hai, 2015 được đề cử làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố thay ông Nguyễn Thế Thảo nghỉ hưu và tháng Giêng, 2016 được bầu vào Trung Ương Đảng khóa 12 (2016-2021). Ba tháng trước khi bị truy tố vì vụ án Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung giành được số phiếu tín nhiệm cao đề cử tiếp tục ở lại Trung Ương Đảng khóa 13 (2021-2026) và là một ứng viên Bộ Chính Trị của khóa 13 trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn thử những ứng viên tiềm năng cho đại hội 13. Điều này cho thấy là ông Chung tiến thân khá nhanh. Nếu không dính vào vụ án Nhật Cường, Nguyễn Đức Chung có nhiều triển vọng trở thành một trong những nhân sự thuộc hàng tứ trụ của đảng CSVN trong vòng 10 năm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét