Năm 1962, mối quan hệ Tàu và Liên Xô rạn nứt, năm 1972 Mỹ đặt vấn đề bắt tay Tàu, đến năm 1978 thì Tàu chính thức mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ vào làm ăn. Mục đích trước tiên của Mỹ là xé nhỏ khối CS để nó yếu hơn mà dễ tiêu diệt, mục đích thứ nhì là để giúp cho những tập đoàn đa quốc gia Mỹ khai thác lao động và cả thị trường tiêu thụ tỷ dân làm lợi cho kinh tế Mỹ. Đấy là mặt nổi của dụng ý người Mỹ. Và rõ ràng Mỹ đã thành công. Lúc đó, Tàu xem Liên Xô là kẻ thù, thì Mỹ là kẻ thù của Liên Xô thế là Tàu bắt tay làm bạn của Mỹ. Điều này nó đúng với câu ngạn ngữ cổ xưa “Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta”.
Tuy nhiên, đến nay việc Mỹ - Tàu làm bạn đã kết thúc, việc bắt tay Tàu làm khối CS sụp, nhưng hệ quả của nó là Trung Cộng lại trỗi dậy và thách thức vị trí siêu cường số 1 của Hoa Kỳ. Từ đó Mỹ Tàu không còn bạn nữa mà là đối thủ của nhau. Chính trị gia lỗi lạc của xứ Ăng Lê – Winston Churchill đã từng nói một câu nổi tiếng rằng: “Không có tình bạn mãi mãi, không có kẻ thù mãi mãi, chỉ có quyền lợi là trên hết”. Vâng! Theo dòng lịch sử thì Mỹ và Tàu thù rồi kết bạn rồi thành thù cứ như con tắc kè hoa đổi màu vậy. Quyền lợi là con tắc kè, trạng thái thù và bạn mà màu sắc, nên dù cho thù hay bạn thì Mỹ và Tàu có quy tắc bất biến, đó là phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Phẩm chất này không hề tồn tại trong tư tưởng ĐCS Việt Nam.
Như vậy câu cổ ngữ “Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta” nó thể hiện tính thức thời của con người chứ nó không phải là chuẩn mực của sự khôn ngoan. Câu ngạn ngữ ấy chỉ giải quyết được tình thế chứ không thể lấy làm tiêu chuẩn sống, vì nếu áp dụng nó một cách máy móc thì đôi khi nó khiến ta hối hận không kịp. Lấy ví dụ: hổ là kẻ thù của báo, nhưng báo lại là kẻ thù của nai. Nếu căn theo câu ngạn ngữ “kẻ thù của kẻ thù là bạn ta” thì hóa ra nai xem hổ là bạn à? Thế thì khác nào nai tự đưa mình vào chỗ chết? Như vậy, dù trong tình huống nào, con người cũng nên xem quyền lợi của mình là trên hết mới có cách xử sự đúng nghĩa khôn ngoan. Nếu nai xem quyền lợi của mình là trên hết, thì chắc chắn nai cũng xem hổ là kẻ thù nốt, mặc dù hổ là kẻ thù của báo, mà báo là kẻ thù của nai.
Ở tầm lãnh đạo quốc gia, thì nguyên thủ không được xem thứ tình bạn ý thức hệ trên quyền lợi tổ quốc của mình, nếu làm vậy đất nước phải lãnh nhận hết mất mát này đến mất mát khác. Và thực tế, ĐCS Việt Nam lâu nay vẫn xem ý thức hệ cao hơn quyền lợi quốc gia. Họ dạy đảng viên của họ trung thành với đảng thay vì trung thành với tổ quốc.
Năm 2008, BBC có phòng phỏng vấn bà Bảy Vân - phu nhân của ông Lê Duẩn. Khi đó phóng viên Xuân Hồng có hỏi về công hàm thì bà Bảy Vân trả lời rằng "Lúc đó y (tức ông Tàu) lấy cái thế là trước kia ông Phạm Văn Đồng có ký một cái văn bản là Ngụy nó đóng ở ngoài đó. Cho nên giao cho Trung Quốc quản lý Hoàng Sa. Thế coi như Phạm Văn Đồng có kí tên, thì bây giờ Trung Quốc nó nói cái đó khỏi bàn, bởi vì đã có văn bản kí rồi. Nhưng mà không phải, cái đó trong tình anh em, nghĩa là để cho ổng (tức ông Tàu) trong khi mình chưa làm thôi... ". Qua lời bà Bảy Vân chúng ta thấy rõ, CS coi tình “anh em” cùng ý thức hệ trên cả quyền lợi quốc gia. Và đến nay thì sao? Đến nay dân tộc này phải nuốt trái đắng vì Hoàng Sa và Trường Sa đã mất về tay kẻ thù.
Năm 1974, Tàu cướp Hoàng Sa từ tay VNCH, Bắc Việt đứng khoanh tay nhìn và hoan nghênh hành động ăn cướp của giặc Phương Bắc. Lúc đó Lê Đức Thọ trấn an đảng viên rằng: “Hãy yên tâm! Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền”. Đây là một hành động có thể nói là rất vô minh của ĐCS. Họ đã xem tình bạn với CS Tàu vượt lên trên quyền lợi quốc gia. Và cho đến hôm nay, quan niệm ấy cũng chưa hề thay đổi. Trong quân đội CS giương khẩu hiệu “trung với đảng, hiếu với dân” để căn dặn lực lượng này phải trung với đảng trước tiên chứ không phải là trung thành nhân dân hay tổ quốc. Trong công an họ giương khẩu hiệu “còn đảng còn mình” chứ không phải là “còn dân còn mình” hay “đất nước còn mình còn”.
Ngày nay, ĐCS chơi với Tàu là hết mực trung thành, sẵn sàng ký với kẻ thù truyền kiếp rất nhiều văn bản bí mật giữa 2 đảng, nhưng chơi với Mỹ thì chỉ có mục đích duy nhất là... kiếm đô la. Vì vậy dù cho Mỹ có chìa tay ra thì ĐCS Việt Nam vẫn từ chối. Họ từ chối rõ ràng bằng chính sách 4 không “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Và cứ như vậy, Việt Nam rất cô đơn trước sự bắt nạt của kẻ thù truyền kiếp.
Vì thành trì tư tưởng của đảng như vậy, mà đến nay chủ quyền quốc gia thì cứ bị gặm nhấm còn bọn quan Cộng thì không ngừng vơ vét. Ngày nào còn CS, thì ngày đó đất nước và nhân dân còn phải chịu đựng thêm mất mát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét