Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

3893 - Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến xác nhận phiếu đại cử tri sẽ nổ ra tại Quốc Hội?

Mai Vân RFI
Ảnh minh họa : Trụ sở Quốc hội Mỹ (Capitol), Washington DC. Ảnh 28/12/2020.
 REUTERS - LEAH MILLIS

Ngày 06/01/2021, hai viện Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ họp phiên toàn thể để kiểm phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2020, theo đó ứng cử viên Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ đã chiến thắng với 306 phiếu, còn ứng cử viên đảng Cộng Hòa, tổng thống đương nhiệm Donald Trump bị thua với 232 phiếu.

Cuộc kiểm phiếu này của Quốc Hội là bước cuối cùng để tái xác nhận chiến thắng của ông Biden, sau khi đại cử tri đoàn, ngày 14/12/2020 đã chính thức bầu ông Joe Biden làm tổng thống Hoa Kỳ.

Lẽ ra, cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội Mỹ chỉ là một sự kiện bình thường, mang tính chất thủ tục và ít được chú ý. Thế nhưng, do việc ông Trump dứt khoát không chấp nhận thất bại và liên tục có những nỗ lực nhằm đảo ngược kết quả cuộc bỏ phiếu, sự kiện này đã rất được quan tâm, nhất là khi tổng thống Mỹ không che giấu ý định ngăn không cho Quốc Hội xác nhận chiến thắng của đối thủ Biden.

Sau hàng loạt thất bại trong việc kiện đối phương gian lận trước tòa nhưng không đưa ra được bằng chứng, cũng như không ép buộc được các bang chiến địa thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho mình, tổng thống mãn nhiệm Mỹ đã lại tìm cách vận động các nghị sĩ trong đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội bác bỏ giá trị các phiếu đại cử tri ở một số bang đã bầu cho ông Joe Biden nhân phiên kiểm phiếu ngày 06/01/2021.

Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 21/12 vừa qua, khoảng hơn một chục dân biểu đảng Cộng Hòa, theo đề xuất của ông Mo Brooks, dân biểu đảng Cộng Hòa bang Alabama, đã đến Nhà Trắng để bàn bạc về cách ngăn không cho Quốc Hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ý tưởng chính của kế hoạch này là các nghị sĩ Cộng Hòa sẽ đặt vấn đề về các phiếu đại cử tri tại một số bang mà ông Biden thắng cử để buộc hai viện Quốc Hội xem xét từng trường hợp phản đối, với mục tiêu là vô hiệu hóa các phiếu đó, mở đường cho ông Trump chiến thắng.

Trong một bài phân tích ngày 16/12, hãng AP đã giải thích rõ thủ tục kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc Hội để đi đến kết luận rằng một lần nữa tổng thống Trump và những người thân cận với ông trong đảng Cộng Hòa sẽ khó có thể đảo ngược được tình thế.

Quy trình kiểm phiếu tại Quốc Hội lưỡng viện

Theo AP, công việc kiểm và đếm phiếu đại cử tri do Quốc Hội thực hiện là giai đoạn tối hậu của tiến trình xác định người sẽ lên làm tổng thống Mỹ, mà bước kế tiếp chỉ là lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống. Đây là một sự kiện đi theo một kịch bản cụ thể.

Vào ngày đó, cuộc họp chung của Thượng Viện và Hạ Viện sẽ mở ra dưới quyền chủ tọa của phó tổng thống Mike Pence trong tư cách là chủ tịch Thượng Viện. Nếu vì một lý do nào đó mà phó tổng thống vắng mặt, người thay thế sẽ là thượng nghị sĩ thâm niên nhất của phe đa số tại Thượng Viện, cụ thể lần này là ông Chuck Grassley, 87 tuổi, thuộc đảng Cộng Hòa ở bang Iowa

Theo chương trình, phiên họp kiểm phiếu sẽ khai mạc vào lúc 13 giờ, giờ Washington D.C. Chủ tọa phiên hợp sẽ mở các giấy xác nhận kết quả đã được niêm phong từ các bang gởi lên. Đại diện được chỉ định trước từ cả hai đảng trong cả hai viện sẽ đọc to các kết quả bầu của đại cử tri từ mỗi bang – theo thứ tự chữ cái (alphabet) và chính thức “đếm” số phiếu.

Ứng cử viên có số phiếu đại cử tri cao lớn nhất sẽ trở thành tổng thống Mỹ và chủ tịch Thượng Viện sẽ tuyên bố người chiến thắng.

Một kịch bản trái với thông lệ cũng đã được dự trù: Trong trường hợp hai ứng cử viên có cùng một số phiếu, thì Hạ Viện được giao quyền bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng theo nguyên tắc mỗi đoàn dân biểu đại diện cho từng bang được một phiếu bầu, chứ không phải là mỗi dân biểu một phiếu như thường lệ.

Theo AP, đây là điều chưa từng xảy ra kể từ những năm 1800 và năm nay cũng sẽ như vây vì theo kết quả bầu phiếu của đại cử tri đoàn, Joe Biden đã có chiến thắng quyết định với 306 phiếu so với 232 phiếu của Donald Trump.

Khi có khiếu nại

Điều gì sẽ xẩy ra nếu có dân biểu hay thượng nghị sĩ đứng ra phản đối kết quả bầu phiếu của các đại cử tri, một kịch bản mà tổng thống Trump và những nghị sĩ ủng hộ ông từng khẳng định sẽ thúc đẩy vào ngày 06/01 tới đây.

Theo AP, sau khi kết quả bầu phiếu đại cử tri tại một bang nào đó được đọc lên, bất kỳ thành viên nào cũng có thể đứng lên và phản đối kết quả tại bang đó với bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, để được xem xét, lời khiếu nại phải được ghi lại thành văn bản và có chữ ký của ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ.

Trong trường hợp có khiếu nại hợp lệ, phiên họp chung sẽ tạm ngừng để Hạ Viện và Thượng Viện họp riêng để xem xét, trong thời hạn tối đa là 2 tiếng đồng hồ. Để được chấp nhận, một khiếu nại phải được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đồng ý trong một cuộc bỏ phiếu với đa số đơn giản. Nếu khiếu nại bị bác bỏ, các phiếu đại cử tri ban đầu được duy trì.

Theo AP, lần sau cùng có khiếu nại hợp lệ là vào năm 2005, khi nữ dân biểu Stephanie Tubbs Jones bang Ohio và nữ thượng nghị sĩ Barbara Boxer bang California, cả hai đều thuộc đảng Dân Chủ, phản đối phiếu đại cử tri của bang Ohio với lý do có những điều bất thường không hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu. Cả hai viện Quốc Hội Mỹ khi ấy đã tranh luận và bác bỏ lời khiếu nại.

Đây là một sự cố rất hiếm, chỉ mới có hai lần trong lịch sử Mỹ. Nhưng năm nay, xác suất xẩy ra rất cao với quyết tâm phản đối qua tuyên bố của các nghi sĩ “chí cốt” với tổng thống Trump, đi đầu là dân biểu Mo Brooks của bang Alabama.Ông đã cho hãng AP biết ý định khiếu nại số phiếu đại cử tri tại các bang Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia và Nevada đều đã lọt vào tay ông Biden.

Điều đáng nói là ở Thượng Viện, một số thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa cũng để ngỏ khả năng ủng hộ nỗ lực của các đồng nghiệp tại Hạ Viện, như thượng nghị sĩ Tommy Tuberville vừa được bầu tại bang Alabama nhờ hậu thuẫn của ông Trump.

Nỗ lực vô ích

Câu hỏi sau cùng là liệu tổng thống Trump và giới nghị sĩ thân cận có sẽ thành công trong việc biến ngày kiểm phiếu tại Quốc Hội Mỹ thành ngày “chiến thắng” hay không. Trên vấn đề này, hầu hết các quan sát viên đều trả lời “không”. Thậm chí hãng tin Mỹ AP còn gọi đó là một “nỗ lực vô bổ tối hậu”.

Trước hết, cho đến lúc này, nếu một số dân biểu đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện rất hăng hái trong ý định phản đối, thì tại Thượng Viện, vấn đề chưa rõ ràng. Lãnh đạo phe đa số thuộc Đảng Cộng Hòa, thượng nghị sĩ Mitch McConnell cùng những phó tướng của ông đã yêu cầu các thượng nghị sĩ trong đảng không ký tên vào bất kỳ lời phản đối nào đến từ Hạ Viện, để khỏi bị “khó ăn khó nói” với ông Trump khi phải bỏ phiếu chống lại các khiếu nại.

Ngoài ra, kể cả khi được hậu thuẫn của một thượng nghị sĩ, những khiếu nại sẽ bị bác bỏ khi hai viện Quốc Hội bỏ phiếu về các đề nghị này.

Tại Hạ Viện, nơi mà đảng Dân Chủ vẫn nắm đa số, những lời phản đối chắc chắn sẽ không được thông qua. Còn ở Thượng Viện, nơi đảng Cộng Hòa chỉ nắm được được đa số sít sao, khả năng khiếu nại được thông qua cũng rất ít, trong bối cảnh nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã công nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét