Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

3842 - Nhìn về 2021, Đại hội 13 và đề nghị thiết thực cho VN

  • Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ California, Hoa Kỳ
Getty Images
GETTY IMAGES

Gần đây, khi phát biểu chỉ đạo Ủy ban soạn thảo văn kiện cho Đại hội 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu họ nhìn về tương lai gần và xa để tiên liệu và phác họa một viễn cảnh chính trị và quyền lực cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Cái khó ở đây có phải là sự giới hạn về tầm nhìn của cán bộ tư tưởng, hay là khả năng tồn tại của Đảng cho một viễn cảnh dài lâu như thế?

Thiếu vắng một truyền thống tự kiểm soát và biên độ khách quan, bản chất chính trị của một chế độ là ý chí duy trì quyền lực vĩnh viễn ở tầm mức gần như vô hạn.

Muốn được như thế, Đảng CSVN phải có khả năng, trên bình diện lý thuyết, tái kiến tạo một khung tham chiếu mới cho giá trị lịch sử và chính trị nhằm biện minh cho sự độc tôn và độc quyền lãnh đạo đất nước.

Cũng như Đảng đã trải qua nhiều lần tự thay đổi chính mình theo nhu cầu thời thế để tồn tại và vươn lên đáp ứng nhu cầu lịch sử, lần này, Đảng lại phải đối đầu với nguy cơ tự phân hủy từ trong nội bộ bởi nhiều nguyên nhân nội tại và khách quan.

"Dùng sức mạnh đồng thuận đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc"

Dân ta nói từ mấy thập niên nay, "chơi với Mỹ thì mất Đảng; chơi với Tàu thì mất nước". Thế nhưng ông Trọng lại cho rằng mất Đảng là mất tất cả, mà không hề nghĩ đến nguy cơ mất nước là mất luôn Đảng.

Nếu thế kỷ thứ 17-18 là của đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, 19 là Anh, 20 là Mỹ, thì 21 là của Trung Quốc. Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc - song song với sự suy tàn vì yếu tố nội bộ của Mỹ - là sự lớn mạnh của thế giới thứ ba, của Ấn độ, Úc, các nước ASEAN và Nam Mỹ.

Làm sao để vận dụng được thế đứng quốc gia giữa tiến trình đãi lọc, giao hoán và tái thiết lập trật tự thế giới là ván bài chiến lược quan trọng, thiết yếu cho sự tồn vong của tổ quốc Việt Nam trong thế kỷ 21.

Suốt trong chiều dài lịch sử, sự tồn tại và bành trướng lãnh thổ của Việt Nam trước nguy cơ Trung Quốc là cả một phép lạ. Nhưng phép lạ này không phải là ngẫu nhiên hay do Trời ban, mà là kết quả của một chiến lược lâu dài nhằm sống còn trước nguy cơ Bắc thuộc.

Đồng thuận nhân dân là sức mạnh quốc gia.

Ta hãy nhìn lại bài học lịch sử Việt Nam trong hai thế kỷ qua. Đồng thời với lập trường độc lập vững chắc từ biên giới phía Bắc, bằng tinh thần dung hóa linh động, nhà Nguyễn đã tiếp nhận lớp dân Hoa tỵ nạn khi nhà Minh sụp đổ, những người như Mặc Cửu, Dương Ngạn Địch, trao cho họ quyền sống, cơ hội làm thần dân và để khai phá, thu phục các vùng sông nước phía Nam. Nhờ đó mà quốc gia Việt mới mở rộng bờ cõi cho tới Cà Mau và Kiên Giang.

Tức là cứng rắn đối ngoại phải đi đôi với hóa giải và dung hòa đối nội. Vế sau tạo sức mạnh quốc gia cho tổ quốc; vế trước tạo không gian tồn tại cho khả năng tồn hữu của dân tộc.

Mỗi lần đất nước bị phân hóa, nội bộ không đoàn kết thì hiểm họa Bắc thuộc gia tăng. Dân tộc Việt có thể chống ngoại xâm, nhưng không tránh được nội loạn.

Từ đây, thật dễ thấy một chiến lược lâu dài cho vấn nạn tồn tại quốc gia bao gồm hai vế.

Vế thứ nhất là phải cấp thiết kiến lập một cơ sở đồng thuận dân tộc mới nhằm tạo sức mạnh đoàn kết quốc gia cho hiểm họa đối ngoại. Một mình Đảng CSVN, dù với quá khứ quân sự hào hùng, sẽ không thể có khả năng đương đầu với Trung Quốc nếu không có sự hậu thuẫn toàn diện của nhân dân, từ trong nước đến hải ngoại.

Đảng hãy bớt lòng kiêu hãnh về quá khứ, giảm mức lo ngại đối với khối nhân dân ngoài Đảng, vốn đa số.

Bước đầu là hãy chấm dứt sự lạm dụng luật pháp cho nhu cầu chính trị của Đảng khi theo đuổi chính sách thất nhân tâm với những biện pháp bức hại, bắt bớ, truy tố và tù đày, hay trục xuất ra khỏi nước, những người bất đồng chính kiến trong nước. Nếu được thế, đó sẽ là một thiện chí cao đẹp và nhân bản lớn lao mà Đảng nên thực thi.

Tiếp đến, hãy hình dung một tương lai khi sức mạnh của tập thể di dân gốc Việt ở Mỹ và các nước tiên tiến cùng lên tiếng ủng hộ lập trường quốc gia cho tổ quốc, có tiếng nói và ảnh hưởng quyết định đối với chính sách của Mỹ đối với quyền lợi Việt Nam - như cộng đồng Do Thái và Cuba đối với chính sách đối ngoại Mỹ hiện nay. Đây là một sức mạnh tối ưu mà Việt Nam có thể nắm được - nếu lãnh đạo chính trị quốc gia biết khai mở và vun bồi.

Cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ, dù có khác biệt chính kiến về nhiều vấn đề với Đảng, nhưng khi đối với hiểm họa Trung Quốc, họ sẽ chọn lựa Việt Nam, đứng chung chiến tuyến với Đảng, không phải vì Đảng, mà vì cho cơ đồ tồn vong tổ quốc. Đảng phải nắm lấy nguyên lý ái quốc này.

Mặc dù khả năng liên minh quân sự chính thức với Hoa Kỳ là điều rất khó có thể, nhưng Đảng hãy tiếp tục và tăng tốc mức độ tiếp cận và giao kết quan hệ chiến lược, cả về kinh tế lẫn quân sự, với Hoa Kỳ. Hãy mở cửa cảng Cam Ranh và mời Mỹ thuê dài hạn làm căn cứ chiến lược quân sự cho Đông Nam Á, thay thế cảng Subic Bay của Phi.

Từ góc độ chiến lược, Hoa Kỳ cần một Việt Nam ổn định và vững mạnh về quân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, chơi với Mỹ không sợ mất Đảng, mà ngược lại, củng cố thêm.

Thực trạng Đảng viên

Thứ hai, muốn thực hiện các vấn đề nêu trên cần đi vào căn cơ là cải tổ thể chế chính trị và công quyền nhà nước.

Trong những năm gần đây, Đảng và chính phủ đã thành công lớn trên nhiều lãnh vực, từ kinh tế, ngoại thương, ổn định giá cả và tiền tệ, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao mức sống cho nhân dân. Không ai phủ nhận những thành quả đó.

Getty Images
GETTY IMAGES

Thế nhưng vì ý chí quyền lực độc tôn và nhu cầu ổn định chính trị mà thực tế là trì trệ, Đảng và nhân dân đã phải trả một giá quá đắt trên phương diện nhân tâm và đồng thuận dân tộc.

Ngoài việc đàn áp giới bất đồng chính trị, chưa bao giờ mức độ bất mãn, chống đối ngầm đang lên cao như bây giờ.

Ngay cả trong hàng ngũ thuộc mọi tầng lớp và tổ chức Đảng, từ công quyền, công an, tuyên giáo, cho đến báo chí hay các tổ chức ngoại vi, đều ngấm ngầm biểu lộ thái độ coi thường, chế riễu mọi sinh hoạt và chính sách của Đảng.

Hầu hết mọi đảng viên nay đều trở nên những con người lưỡng diện. Một đằng thì họ tham gia sinh hoạt Đảng như là đi dự lễ cúng tế ở đình làng, đọc văn sớ thuần khẩu hiệu, nhưng bên trong, họ thầm bất mãn, coi thường uy linh Đảng và đánh giá thấp những gì họ phát biểu.

Từ đó, Đảng - như là một linh hồn tập thể - đang tự tha hóa và phản bội chính mình từ nội tại. Đây là căn bệnh nguy hiểm cho tinh thần Đảng viên, một mầm ung thư càng ngày càng lớn trong nội bộ Đảng.

Đảng phải tự vấn: Tình yêu nước là gì nếu không phải là ý chí vun đắp giá trị cá nhân trên nền tảng đạo lý công dân? Tại sao đến giờ vẫn tự đặt cho mình vai trò một tầng lớp cầm quyền độc đoán, vì 'ưu việt về di truyền', về đạo đức nội tâm hơn đa số người dân?

Sự phân biệt này cần chấm dứt vì nó thực chất là phân biệt con người và là nguồn gốc của tha hóa chính trị, tham nhũng.

Những đề nghị cụ thể

Suy nghĩ nhiều về hiện trạng xuống cấp của thế hệ Đảng viên hiện nay, tôi tin rằng nhiệm vụ lớn của Đảng ở Đại hội 13 là công tác khẩn cấp cải tổ thể chế quốc gia - nhằm nâng cao tinh thần Đảng viên, vun đắp luân lý, trách nhiệm công quyền, nâng cao lòng tin công dân vào nhà nước và pháp luật, chấn hưng đạo đức thế hệ trẻ.

Xin phép được nêu ra một số mục tiêu cụ thể:

Việc ưu tiên hàng đầu và sửa đổi Hiến pháp.

Hãy trở về với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thể chế Xã hội chủ nghĩa bị đào thải ở Đông Âu và Liên Xô đúng 30 năm trước, và hiện trở thành khẩu hiệu gây mâu thuẫn sắc tộc, chủng tộc và kinh tế tại Hoa Kỳ, nên không có lợi gì cho Việt Nam.

Tiếp theo là cải tổ và tái cấu trúc thể chế công quyền và cơ bản là lập ra định chế công lý và công bằng kinh tế và an sinh xã hội, bao gồm: Cải tổ quyền tư hữu và xóa bỏ ngay định chế "sở hữu toàn dân" đối với nhà cửa và bất động sản. Cải tổ chế độ thuế khóa. Đánh thuế lũy tiến vào giai tầng giàu có, lợi tức cao, nhất là giới kinh doanh bất động sản và các giới kinh tế ngoài biên chế tiền lương định kỳ như văn nghệ sĩ, thương gia, các công ty kinh doanh lợi nhuận lớn.

Getty Images
GETTY IMAGES

Cùng với chế độ tư hữu đất đai, phải đánh thuế bất động sản - như tất cả các quốc gia Âu Mỹ đã làm lâu nay. Theo đó thì gia cư chính sẽ được miễn thuế đến một mức hợp lý - ví dụ, theo thời giá hiện nay, một tỷ đồng. Thuế bất động sản định kỳ hàng năm, ví dụ 1% trên giá thị trường, sẽ cung cấp ngân sách quốc gia đầy đủ cho nhu cầu quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng hạ tầng cơ sở, để trả lương cao hơn cho các ngành giáo dục, y tế, tư pháp, công an, quân đội nhằm giảm thiểu quốc nạn tham nhũng.

Hãy nhìn vào hiện trạng giới chủ nhân bất động sản giàu có ở nước ta đóng rất ít - gần như không có - thuế nhà đất. Đó là một sự thể bất công và vô lý trầm trọng. Các vụ án tham nhũng lớn phần lớn liên quan đến đất, dấu hiệu của sự bất cập pháp lý mà Đảng biết nhưng cứ để các nhóm lợi ích hoành hành.

Cần ban hành những đạo luật mới - và đòi hỏi công an địa phương thực thi khẩn cấp - nhằm cai chế hiện tượng tội phạm đang đầy các ngõ phố và được bảo kê.

Bãi bỏ chế độ lý lịch và Đảng tịch cho tất cả chức vụ công quyền. Vấn nạn lớn cho sự băng hoại đạo đức hiện nay phần lớn phát xuất từ đòi hỏi lý lịch để rồi Đảng đã cơ cấu vào hệ thống công quyền quốc gia quá nhiều thành phần thiếu nhân cách và kiến thức.

Tinh giản và trong sạch hóa bộ máy công quyền. Tách rời Bộ Công An ra làm hai: Bộ Cảnh sát và Bộ Nội an, nhằm giám sát lẫn nhau và tránh tình trạng mâu thuẫn quyền lợi như hiện nay.

Cải tổ toàn diện Bộ Tư pháp với tên mới là Bộ Công Lý (Ministry of Justice) theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao định chế, chất lượng nhân sự và quy trình pháp chế. Theo đó là nâng cao vai trò độc lập và chuyên nghiệp của hệ thống tòa án.

Quy tụ các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm cùng nhau phác thảo một chiến lược Giáo dục mới cho quốc dân. Bổ nhiệm một dàn nhân sự chuyên nghiệp và trong sạch cho Bộ Giáo Dục và Đào tạo nhằm thu hút và kết hợp nhân sự, chuyên gia giáo dục trong và ngoài Đảng, trong nước và hải ngoại.

Hãy mở cửa hơn nữa cho Việt kiều được tham chính, ứng cử, được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo công quyền. Ví dụ, phải hủy bỏ điều kiện chỉ có đảng viên cộng sản mới được giữ chức vụ hiệu trưởng đại học - các đại học Đông Nam Á, và trên thế giới có đâu đặt tiêu chuẩn đảng phái như thế không và sự lạc điệu này cần chấm dứt.

Chính phủ cần cho phép Việt kiều chưa hề bỏ quốc tịch Việt Nam được ứng cử quốc hội. Ngày nay, so với các nước ASEAN, công dân Việt sống ở nước ngoài bị đối xử kém hơn nhiều vì không có quyền bỏ phiếu và ứng cử gì hết.

Chưa nói các ngành khác, những ngành mà Việt kiều có ưu thế là khoa học, giáo dục thì chức thứ trưởng, viện trưởng về khoa học, công nghệ, giáo dục nên có sự tham gia của họ.

Cần thành lập Bộ Bảo vệ Môi trường để gia tăng chức năng và thẩm quyền giám sát về an ninh và an toàn môi sinh.

Thành lập Bộ Gia cư và Bất động sản nhằm tập trung giải quyết vấn đề bất công trong thực trạng nhà ở cho giới nghèo khổ và lợi tức thấp.

Thành lập Bộ Việt kiều với chức năng độc lập với Bộ Ngoại giao. Hàm thứ trưởng của Bộ, ít nhất, phải có sự tham chính của Việt kiều. Cần giải thể ngay Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức ngoại vi hữu danh vô thực, vốn chỉ tốn ngân sách và góp phần đánh mất lòng tin vào thể chế chính trị quốc gia.

Hãy kiêu hãnh vì đám thay đổi

Cuối cùng, tôi chân thành chia sẻ một niềm kiêu hãnh và kỳ vọng mới của một công dân Việt ở hải ngoại mà tôi tin rằng đó cũng là lòng mong mỏi chung của cộng đồng người Việt khắp thế giới và toàn thể nhân dân Việt Nam. Đã bao thế hệ con dân Việt đã cùng với Đảng hy sinh xương máu, hạnh phúc bản thân và gia đình đi theo tiếng gọi cứu quốc.

Hôm nay, nguy cơ mất nước, bị thuộc địa hóa từ bên trong và tụt hậu triền miên đang dâng lên cũng chỉ vì tinh thần bảo thủ của một thiểu số trong Đảng CSVN, khăng khăng kiên định một hướng đi và lập trường chính trị đã và đang sai lệch, không đáp ứng với nhu cầu thời đại trước hiểm họa nội tại và khách quan, và đối với nhân tâm dân tộc.

Họ bắt các đảng viên khác và đại đa số nhân dân phải đi vào ngõ cụt về tư duy chỉ để thỏa mãn tự ái cá nhân, vì 'bệnh sĩ', không có lý do gì khác.

Như một tổng thể, Đảng hãy nhìn tới thập kỷ trước mắt bằng một niềm kiêu hãnh mới.

Năm 2021 mở ra không chỉ một năm mới mà là một thập niên, đến 2030, và xa hơn nữa.

Thay đổi cần sự can đảm và ý chí cải cách triệt để cho Đảng. Tương lai của Tổ quốc và Nhân dân đang chờ Đảng hành động.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55450621

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét