Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

5304 - Việt Nam ‘không lạnh nhạt với chính quyền Joe Biden’

VOA Tiếng Việt


Việc chính quyền Hà Nội chúc mừng Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden khá muộn màng là do ‘cẩn trọng’ và cân nhắc những rủi ro có thể xảy đến từ chính quyền Trump, một nhà bất đồng chính kiến trong nước nhận định và cho rằng điều này khó có thể làm tổn hại quan hệ giữa hai nước.

Ngày 30/11, tức là gần một tháng sau ngày bầu cử Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam gồm Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện chúc mừng đến ông Joe Biden đắc cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ, Thông tấn xã Việt Nam loan tin.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng gửi điện mừng đến Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris và các nhà lãnh đạo Việt Nam ‘đã trân trọng mời’ Tổng thống và Phó Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất, theo báo nhà nước.

Ngay sau khi truyền thông Mỹ đồng loạt loan báo ông Joe Biden đã giành đủ phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống, lãnh đạo nhiều nước đồng minh của Mỹ từ Âu sang Á như Anh, Pháp, Đức, Canada, Úc, Nhật, Hàn, Ấn Độ, Israel… đều gửi lời chúc mừng. Ông Biden cũng đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo ba nước châu Âu.

Còn Trung Quốc mãi đến gần đây mới gửi lời chúc mừng đến Trung Quốc thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Riêng Nga nằm trong số những nước ít ỏi vẫn chưa chúc mừng ông Biden.

‘Đợi kết quả chắc chắn’

Hà Nội ‘có chậm trễ’ nhưng sự chậm trễ đó là do ‘cẩn trọng’, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến từ Hà Nội, nhận định với VOA.

Theo giải thích của ông, do kết quả bầu cử Mỹ còn bị dính tranh chấp vì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump kiên quyết không công nhận và tiếp tục kiện cáo nên các lãnh đạo Việt Nam chờ đến khi chắc chắn mới chúc mừng.

“Trong những ngày vừa qua, sau khi họ (các lãnh đạo Việt Nam) thấy các bang chiến trường đã xác nhận chiến thắng của ông Biden nên họ thấy chắc chắn ông Biden đã thắng rồi nên họ mới chúc mừng,” ông A nói.

Các tiểu bang Arizona và Wisconsin vừa xác nhận chiến thắng của liên danh Biden-Harris sau hành động tương tự của các bang Pennsylvania, Michigan, Georgia và Nevada. Đây toàn là những bang chiến trường quyết định kết quả chung cuộc nơi mà đội ngũ của Tổng thống Trump tung ra thách thức pháp lý trong thời gian qua.

Một lý do nữa giải thích cho sự chần chừ của Hà Nội, theo Tiến sĩ A, là các rủi ro trong mối quan hệ với chính quyền sắp mãn nhiệm của ông Donald Trump.

Ông A cho rằng thực ra sau khi có kết quả bầu cử mà ‘mọi người đều chắc chắn ông Biden sẽ trở thành Tổng thống’ Việt Nam có thể làm như các nước là chúc mừng ông Biden ngay vì ‘chênh lệch phiếu là cả chục ngàn chứ không phải chỉ vài trăm như tranh chấp giữa ông George W. Bush và ông Al Gore hồi năm 2000’, ông A nói.

Tuy nhiên, do quan hệ giữa Việt Nam với chính quyền Trump ‘đang có sự mật thiết và đang tiếp tục các cuộc viếng thăm nên các lãnh đạo Hà Nội cẩn trọng’. Trong bối cảnh Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’ Brien có chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 11, ông A nhận xét nếu chúc mừng ông Biden sớm ‘sẽ kẹt cho Việt Nam’.

“Họ cũng sợ một vài tháng cuối cùng này ông Trump có thể làm chuyện gì đó không hay cho Việt Nam chẳng hạn như tăng thuế như những lời đe dọa của ông ấy từ lâu nay,” ông phân tích.

So sánh việc Việt Nam nhanh chóng chúc mừng ông Trump hồi năm 2016 và chậm chúc mừng ông Biden hiện nay, ông A cho rằng ‘không có chuyện Việt Nam lạnh nhạt với chính quyền Biden’.

Theo lý giải của ông thì hồi năm 2016 bà Hillary Clinton đã nhận thua trước ông Trump nên Việt Nam không có gì ngại ngần trong việc chúc mừng ông Trump ngay và xúc tiến cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ ông Trump sớm.

‘Quan hệ sẽ ngày càng tốt’

“Nó không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa hai nước bởi vì thực sự quan hệ đó là lợi ích lâu dài của hai nước quyết định chứ không phải là việc chúc mừng sớm hơn một vài ngày hay là muộn hơn một vài ngày,” ông A nói.

Nhận định về Việt Nam được gì dưới chính quyền của ông Trump trong 4 năm qua, nhà quan sát này cho rằng ‘cũng có những điều có lợi cho Việt Nam như chiến tranh thương mại với Trung Quốc làm cho nhiều nhà đầu tư quốc tế chuyển sang Việt Nam hay như việc ông Trump mạnh dạn lên tiếng chống Trung Quốc’.

Tuy nhiên, vẫn theo Tiến sĩ A, ‘đó chỉ là cái lợi trước mắt’ chứ về lâu dài hành động của chính quyền Trump ‘không có lợi cho Việt Nam’.

“Chính ông Trump đã làm cho các đồng minh tan đàn xẻ nghé từ NATO, EU cho đến đông nam Á. Việc phá quan hệ đồng minh chưa chắc có lợi cho Việt Nam mà nhìn về lâu dài thậm chí là có hại,” ông phân tích.

Ông cho rằng chính sách kiềm chế Trung Quốc là sự đồng thuận của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ mà chính quyền của ông Joe Biden sẽ tiếp tục.

Theo ông A thì chính cựu Tổng thống Barack Obama ‘là người đã thật sự xoay trục sang châu Á’ và ‘đó thể hiện tầm nhìn lâu dài và là một bước chuyển lớn’. “Ông Trump nổi lên một cái là phong cách chống Trung Quốc hùng hổ nhưng mọi chuyện thực sự bắt đầu từ thời ông Obama,” ông A nói.

“Tôi hy vọng chính quyền Biden sẽ củng cố các liên minh quốc tế kể cả ở vùng đông nam Á để chống lại kẻ thù rất nguy hiểm là Trung Quốc,” ông A nói.

Nhà bất đồng chính kiến này cho rằng việc ông Joe Biden có gia nhập lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP – kết quả đàm phán từ thời ông Obama, hay không thì ‘cần thêm thời gian’.

Trước mắt, chính quyền Biden sẽ tập trung vào những vấn đề nội bộ của nước Mỹ như chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế nên chưa tập trung vào quan hệ với các nước trong khu vực đông nam Á, nhưng chính sách đối ngoại ở đông nam Á ‘vẫn là ưu tiên của chính quyền Biden,’ Tiến sĩ A nhận định.

Sang năm 2021 khi Việt Nam và Mỹ đều có dàn lãnh đạo mới, nhà quan sát này bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước ‘chắc chắn vẫn tiếp tục phát triển’.

“Về dài hạn, lợi ích của Việt Nam và Mỹ trùng nhau. Lãnh đạo mới của Việt Nam và chính quyền Biden sẽ tìm cách hợp tác với nhau. Do đó, không lo quan hệ song phương sẽ xấu đi mà chỉ hy vọng nó sẽ tốt lên,” ông nhận định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét