Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

5296 - Xuất khẩu lao động: Lừa đảo hay vô cảm gây nhức nhối nhiều hơn?

Trân Văn


Bàn thờ một nạn nhân trong vụ 39 người Việt chết thảm trong thùng container ở Essex, Anh Quốc hồi năm ngoái. Hình minh họa. 


Tờ Công an nhân dân (CAND) – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam – mới đăng “Nhức nhối nạn lừa đảo xuất khẩu lao động” (1), phóng sự mà đọc xong, nhiều người sẽ cảm thấy vấn nạn lừa đảo xuất khẩu lao động không nhức nhối bằng nhức nhối về… ý thức trách nhiệm, cũng như cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.

Phóng sự vừa kể đề cập đến hoạt động của một doanh nghiệp có tên là Công ty Cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA (MIKA), tọa lạc ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội, chuyên tuyển những thanh niên đã tốt nghiệp đại học để đưa sang Nhật làm thuê. Tùy trường hợp mà đương sự phải đóng cho MIKA từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Thế rồi MIKA đột ngột gỡ bảng hiệu, đóng cửa…

Theo tờ CAND, đa số nạn nhân của MIKA cư trú ở nông thôn, sau khi đã nỗ lực hoàn tất bậc đại học nhưng không tìm được lối vào đời nên tìm tới với MIKA... Vì MIKA có trụ sở, hoạt động công khai (nhận hồ sơ, dạy Nhật ngữ,…) nên họ tin MIKA sẽ mở ra một lối thoát cho cả họ lẫn gia đình. Họ đã nhờ cha mẹ đứng ra vay tiền để đóng cho MIKA, chấp nhận trả lãi song cuối cùng, tất cả cùng mất cả chì lẫn chài!..

Tại Hà Nội, không chỉ có một MIKA! Trong “Nhức nhối nạn lừa đảo xuất khẩu lao động”, tờ CAND chọn MIKA làm… ví dụ cho thực trạng phổ biến: Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội lại vừa tiếp tục cảnh báo về trình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nơi này đã đề nghị công an điều tra, xử lý MIKA vì không có giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã tư vấn, thu tiền để làm thủ tục cho nhiều người đi làm việc tại Nhật, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền. Đồng thời Cục Quản lý lao động ngoài nước còn đề nghị công an điều tra, xử lý một số doanh nghiệp khác giống như MIKA: Công ty Hoàng Phát, Công ty Quý Đức, Công ty Sinh Vũ,… vì không có giấy phép nhưng vẫn thu tiền nhiều người, hứa đưa họ đi làm việc tại Hàn Quốc!

***

Cách nay một năm, thiên hạ rúng động khi có 39 người Việt vay mượn những khoản tiền lớn để trả cho việc được vận chuyển vào Anh rồi chết ngạt trong một container được phát giác ở Essex. 39 người Việt đó cũng như nhiều đồng bào của họ hiện nay – những nạn nhân của MIKA, Hoàng Phát, Quý Đức, Sinh Vũ, - giống hệt nhau: Mơ ước có cuộc sống tốt đẹp hơn, xoay sở đủ kiểu để thực hiện ước mơ này và bị gạt.

Sau sự kiện Essex, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thế! Tuy lừa gạt trong việc đưa người Việt ra ngoại quốc làm thuê vẫn là vấn nạn được thừa nhận là… nhức nhối nhưng cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam chỉ có thể làm được một chuyện – bảo với công chúng rằng hệ thống công quyền vẫn thường xuyên thông qua cơ quan thông tin truyền thông cảnh báo người lao động!

Còn hệ thống công quyền? Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Cục Quản lý lao động ngoài nước thì mượn tờ CAND khuyên công chúng: Để tránh bị lừa, tránh rủi ro, tổn thất, người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp môi giới, chương trình mình muốn tham gia, quốc gia mình sẽ đến,… từ các nguồn chính thống!..

Cứ như tờ CAND tường thuật thì các nạn nhân của MIKA biết và tìm đến doanh nghiệp này là từ những lời mời chào trên mạng xã hội. Hết Bộ Thông tin – Truyền thông đến Bộ Công an khoe đã đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google, Facebook để các đại doanh nghiệp này ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc (2) và tìm ra - xử lý những cá nhân xúc phạm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trên mạng xã hội, trên Internet (3)… nhưng không có cơ quan hữu trách ở bất kỳ cấp nào thèm bận tậm đến việc bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của công dân như giải quyết vấn nạn lừa đảo những người muốn đi làm thuê ở ngoại quốc, kể cả khi đã có những thảm nạn như Essex!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét