Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

3564 - Lý Đăng Huy – Chân dung về “Mr. Dân chủ” của người Đài Loan




“Chúc chính phủ mới thuận lợi thành công, đồng bào cả nước bình an như ý, và vận mệnh của Trung Hoa Dân Quốc rạng rỡ sáng ngời. Tạm biệt.” Đó là những lời cuối cùng của Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) nói trước người dân cả nước với tư cách của người đứng đầu quốc gia vào năm 2000, thời khắc ông chuyển giao quyền lực cho tổng thống kế nhiệm của Đảng Dân tiến. 
Cùng với lời chào từ biệt, Lý Đăng Huy nhẹ nhàng rũ bỏ quyền lực.
Vào tối ngày 30/7/2020 theo giờ địa phương, ông cũng nhẹ nhàng rời khỏi thế giới.
Nhưng thế giới mà ông để lại cho người đời sau rất khác so với thế giới mà ông đã bước vào.

Một chuyên gia kinh tế nông nghiệp

Sinh ra trong một gia đình tương đối có điều kiện, Lý Đăng Huy theo đuổi sự nghiệp học hành bài bản. 
Ông học Đại học Kyoto của Nhật, rồi Đại học Quốc gia Đài Loan, sau đó tiếp tục hoàn thành các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại hai trường đại học của Mỹ, Iowa State University và Cornell University. 
Trong hơn 20 năm, ông giảng dạy kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Chính trị Đài Loan.
Cũng trong thời gian đó, Lý Đăng Huy được mời tham gia vào Ủy ban Liên hiệp Tái thiết Nông thôn của Đài Loan. Ông đóng góp tích cực vào các chính sách phát triển nông thôn, cải tạo thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, cân bằng phát triển nông và công nghiệp.
Bước ngoặt đối với Lý Đăng Huy xuất hiện khi ông được Tưởng Kinh Quốc trọng dụng và liên tục đề bạt cho đến thời điểm cuối cùng, khi chính trường Đài Loan trải qua những phong ba biến động có một không hai trong lịch sử.


Vợ chồng Lý Đăng Huy gặp gỡ Tổng thống Tưởng Kinh Quốc. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Vợ chồng Lý Đăng Huy gặp gỡ Tổng thống Tưởng Kinh Quốc. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Một học trò chính trị

Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo) là con trai của Tưởng Giới Thạch, người nắm quyền tuyệt đối tại Đài Loan kể từ khi thất trận trước Đảng Cộng sản sau cuộc nội chiến ở Trung Quốc(1946 – 1949). 
Khác với cha mình, Tưởng Kinh Quốc có đầu óc tương đối cởi mở và tiến bộ. 
Thời điểm ông nắm quyền điều hành chính phủ vào năm 1972 với chức vụ Chủ tịch Hành pháp Viện (tương đương chức Thủ tướng), đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn khi chương trình viện trợ kinh tế của Mỹ cho Đài Loan chấm dứt sau 15 năm, còn trên mặt trận ngoại giao Đài Loan cũng thất thế so với Bắc Kinh. 
Tưởng Kinh Quốc buộc phải tìm cách dựa vào nội lực để phát triển đất nước. Một nhân tài kỹ trị như Lý Đăng Huy là thứ nội lực mà Tưởng đang cần.
Được Tưởng trọng dụng, Lý Đăng Huy thăng tiến nhanh chóng trên con đường chính trị. 
Ông trở thành thị trưởng Đài Bắc (1978), rồi tỉnh trưởng Đài Loan (1981-1984), và giữ chức phó tổng thống bên cạnh Tổng thống Tưởng Kinh Quốc vào năm 1984. 
Lý Đăng Huy tự nhận mình là học trò của “trường Tưởng Kinh Quốc”, luôn cẩn trọng ghi chép và học hỏi mọi thứ khi làm việc bên cạnh Tưởng.
Theo lời Lý Đăng Huy kể lại, thời điểm ông vừa nhậm chức thị trưởng Đài Bắc, Tưởng Kinh Quốc trong hai tháng liền ngày nào cũng ghé qua nhà Lý mỗi tối để hỏi han tình hình làm việc. Cho đến một ngày Tưởng nói, “được rồi, mai khỏi ghé nữa”, vì yên tâm rằng ông đã đủ năng lực để một mình cáng đáng đại cục.
Từ một nhân vật gần như hoàn toàn vô danh trên chính trường, Lý kiên trì học hỏi mọi thứ cần thiết trong công việc điều hành đất nước.
Ông như âm thầm chuẩn bị cho những biến cố mà không ai thấy trước.


Ông Lý Đăng Huy tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1988. Ảnh: AP.
Ông Lý Đăng Huy tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1988. Ảnh: AP.

Một chính khách samurai

Vào tháng 1/1988, Tưởng Kinh Quốc qua đời vì bệnh.
Giống như mọi thể chế độc tài khác, việc Tưởng đột ngột mất đi tạo ra một lỗ đen quyền lực.
Trên danh nghĩa luật pháp, khi tổng thống qua đời, phó tổng thống Lý Đăng Huy nghiễm nhiên tiếp quản vị trí. 
Trên thực tế, vào thời điểm đó, hầu hết đều nghĩ ông chỉ tạm thời điền vào chỗ trống, làm một tổng thống bù nhìn không có thực quyền.
Lý do giản dị vì thể chế của Đài Loan khi ấy vẫn còn là “đảng đứng đầu, nhà nước theo sau”, trong đó đảng ở đây là chỉ Quốc Dân Đảng (KMT), vốn đã nắm giữ quyền lực suốt từ năm 1945. 
So với các nguyên lão trong triều, Lý Đăng Huy vừa non tuổi đảng (chỉ mới gia nhập năm 1972), vừa không có thế lực, lại không được bang hội nào ủng hộ. 
Ông lại là người Đài Loan chính gốc, sinh ra tại đảo quốc, trái ngược hoàn toàn với truyền thống xưa nay của Quốc Dân Đảng chỉ trao quyền cho những người gốc Trung Hoa đại lục.
Thế lực gia đình trị nhà họ Tưởng trong khi đó vẫn còn hiển hiện, với việc Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch, quyết định can thiệp không cho Lý Đăng Huy có cơ hội lấy được chiếc ghế đứng đầu Quốc Dân Đảng.
Vượt qua tất cả những trở lực trên, Lý Đăng Huy khiến tất cả đều sửng sốt ngạc nhiên.
Nhiều nhà bình luận chính trị sau này ví ông với hình ảnh của một “chính khách samurai”, như một kiếm khách khi thì biết âm thầm chờ đợi, và khi cần thì không ngần ngại xuất kiếm tung chiêu.
Tận dụng sự ủng hộ của dư luận và báo chí, ông lần lượt buộc phe Tống Mỹ Linh phải vẫy khăn tay rút khỏi chính trường, sau đó hợp tác với các phe phái trong đảng để có đủ sự ủng hộ, rồi khôn khéo nhờ áp lực từ lực lượng sinh viên cả nước để tước đi quyền lực của những phe nhóm thủ cựu. 
Trong hai năm, ông thành công trong việc nắm giữ quyền lực chính phủ, của đảng và của lực lượng quân đội.
Yếu tố “võ sĩ đạo” trong chính trường của Lý còn thể hiện ở mảng đối ngoại, với cách ông cương nhu uyển chuyển với Bắc Kinh. Vừa ủng hộ việc mở rộng quan hệ kinh tế và giao lưu văn hóa đôi bên, ông vừa thẳng thừng gạt bỏ ý đồ của chính quyền cộng sản muốn thu phục đảo quốc. Lý luôn khẳng định lập trường quan hệ với đại lục phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai quốc gia với nhau.
Năng lực chính trị của Lý Đăng Huy là điều không phải nghi ngờ, nhưng không thể không nhắc đến những tiền đề để ông có được thành quả đó.
Tiền đề quan trọng nhất là Tưởng Kinh Quốc. 
Ngoài việc trọng dụng Lý, Tưởng trong những năm cuối đời còn thực hiện một loạt chính sách thay đổi bộ mặt của Đài Loan, như cho phép việc thành lập các đảng phái chính trị (sau khi Đảng Dân Tiến ra đời một cách bất hợp pháp năm 1986), bãi bỏ thiết quân luật, bỏ lệnh cấm báo chí độc lập…
Chính nhờ những thay đổi này, người dân Đài Loan mới có thể góp sức ủng hộ cho Lý Đăng Huy lật đổ sức mạnh độc tôn của Quốc Dân Đảng.
Người Đài Loan cũng không e ngại việc Lý trở thành một kẻ độc tài mới, vì giờ đây họ đã có quyền lên tiếng, nhất là khi bản thân Lý Đăng Huy cũng không có ý định nối gót những tấm gương độc tài trước đó.


Sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Tự Do, Đài Bắc, Đài Loan năm 1990. Ảnh: CW.
Sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Tự Do, Đài Bắc, Đài Loan năm 1990. Ảnh: CW.

Mr. Dân chủ

Là lãnh đạo đầu tiên của đất nước chịu đối thoại và lắng nghe sinh viên, Lý Đăng Huy được giới sinh viên đấu tranh cho dân chủ lựa chọn ủng hộ. Bản thân ông thời sinh viên cũng từng tham gia đấu tranh chống độc tài. 
Trong cuộc đối thoại với các sinh viên trong Phong trào Vận động Hoa bách hợp dại (Wild Lily Student Movement) vào tháng 3/1990, Lý đưa ra lời hứa sẽ cải cách triệt để đất nước. 
Các sinh viên và người dân cả nước không phải chờ lâu để thấy ông biến lời nói thành hiện thực.
Ba tháng sau, Lý Đăng Huy tổ chức Hội nghị Quốc sự (National Affair Conference) bàn về tiến trình cải cách với thành phần tham gia thuộc Quốc Dân Đảng lẫn phe đối lập.
Năm nội dung cải cách được đưa ra tại đây: bầu cử và thành phần quốc hội; phân quyền và bầu cử cho chính quyền địa phương; tách bạch quyền lực chính phủ và đảng cùng với việc tiến hành bầu cử lãnh đạo trung ương; cải cách hiến pháp; chính sách quan hệ với Trung Quốc.
Không lâu sau đó, quyết định tiến hành bầu cử tổng thống trực tiếp cho đảo quốc được thông qua. 
Năm 1996, với 54% phiếu bầu trực tiếp từ người dân, hơn gấp đôi so với người về nhì, Lý Đăng Huy trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan.
Cùng năm đó, trang bìa của tạp chí Newsweek đăng ảnh Lý Đăng Huy cùng dòng chữ lớn “Mr. Democracy” (Ngài Dân chủ), ghi nhận kỳ tích của ông trong việc biến đổi đất nước từ chế độ độc tài độc đảng gia đình trị sang thể chế dân chủ.
Nó đáng được gọi là kỳ tích không chỉ vì quá trình này diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, mà còn vì, như Lý Đăng Huy nhiều lần tự hào, đây là cuộc “cách mạng tĩnh lặng” (Quiet Revolution), không thương vong, không đổ máu, quyền lực chuyển từ một nhóm người sang mỗi người dân thường một cách hòa bình và văn minh.
Nó vừa là bài học, vừa là tấm gương cho mọi quốc gia đã, đang và sẽ phải đấu tranh chống lại những nhóm độc tài.
Khi một người nhìn ra thứ tốt nhất cho cộng đồng, cho đất nước, từ bỏ ảo tưởng quyền lực, mỗi người dân đều sẽ trở thành một “Mr./ Ms Dân chủ”. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét