ĐBQH Phạm Phú Quốc (Ảnh chụp màn hình SGGP)
Sự kiện nóng nhất tuần này liên quan tới một trong những người đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của dân chúng Việt Nam ở cấp cao nhất: Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo điều tra của Al Jazeera – một hãng tin ở khu vực Trung Đông – thì ông Phạm Phú Quốc đã chi tối thiểu 2,5 triệu Mỹ kim để trở thành công dân Cyprus khi đang đại điện cho “ý chí, nguyện vọng” của chừng 100 triệu người tại Việt Nam.
Rất nhiều người Việt sử dụng mạng xã hội như ông Đặng Huỳnh Lộc, nhận định: Hành động của ông Quốc – một Đại biểu Quốc hội - là phản quốc. Hành động này chứng tỏ đại biểu nhân dân thản nhiên ruồng bỏ tổ quốc, khinh miệt đồng bào. Anh Thi Hoang Phan tin rằng, hệ thống chính trị ở Việt Nam có rất nhiều người như ông Quốc và sự phấn đấu của chúng, chui sâu, leo cao chỉ để dễ dàng mãi quốc cầu vinh.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Chu nêu thắc mắc: Còn bao nhiêu người như Phạm Phú Quốc? Ông Chu nhắc lại một sự kiện nhiều người biết: Cuối năm 1997, ông Lê Khả Phiêu – lúc đó là Tổng Bí thư – từng có ý định công bố danh sách hơn 40 viên chức là lãnh đạo cao cấp của Việt Nam mở tài khoản ở nước ngoài để khởi động công cuộc chống tham nhũng nhưng bất thành và tạo ra mâu thuẫn phe nhóm khiến ông Phiêu mất chức. Sự kiện ấy là lý do để ông Chu khẳng định: Từ lâu, Bộ Chính Trị và BCH TƯ đảng hẳn đều đã biết thực trạng, nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gửi tiền ở nước ngoài nhưng không bao giờ điều tra: Tiền ấy ở đâu ra? Tại sao phải che giấu ở nước ngoài?.. Ông Chu ngậm ngùi: Tại sao ông Phiêu bất lực trước làn sóng tham nhũng ở hàng ngũ cán bộ cao cấp và bây giờ, cán bộ tham nhũng bước vào giai đoạn đếm không xuể!
Theo ông Chu, dung dưỡng tham nhũng đã đẩy sự tha hóa của cán bộ đến mức phản bội cả tổ quốc lẫn nhân dân, trốn chạy ra nước ngoài. Với ông Chu: Vài chục người Việt đã “mua” quốc tịch của Cyprus bằng cách “đầu tư” như ông Quốc chỉ có hai loại. Thứ nhất là tham quan. Thứ hai là tư bản đỏ. Ông Chu than đau, khi đó là những kẻ vừa ca ngợi chế độ, rao giảng đạo đức, vừa cướp đoạt tài sản của dân chúng để trốn chạy khỏi chế độ hiện tại. Trong hơn 400 Đại biểu Quốc hội có bao nhiêu ông bà như ông Phạm Phú Quốc? Trong hàng ngàn cán bộ do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có bao nhiêu ông bà như bà Hồ Thị Kim Thoa? Trong hàng chục ngàn doanh nghiệp nhà nước có bao nhiêu ông bà như ông Trịnh Xuân Thanh?.. Cuộc trốn chạy bằng “mua” quốc tịch nước ngoài của tham quan và tư bản đỏ chính là sự sỉ nhục và nỗi đau của người ở lại.
Có những facebooker như Bạch Hoàn nhìn “hộ chiếu vàng” – cách Cyprus ví von về chương trình thu hút đầu tư vào quốc đảo này – mà ông Quốc và vợ con đang cầm trong tay ở một góc độ khác. Bạch Hoàn cho rằng, những quyển “hộ chiếu vàng” của những cá nhân đang đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân trong cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam như ông Quốc, đã tạo ra những “sợi dây” mà đồng bào của họ chọn để… “treo cổ”. Sau khi so thu nhập bình quân hàng năm của người Việt với khoản tiền mà ông Quốc đã chi để “mua “hộ chiếu vàng” cho ông và vợ con, Bạch Hoàn phát giác: Những công dân Việt Nam là thường dân phải làm việc và nhịn ăn, nhịn mặc trong… 963 năm, nói cách khác là 14 thế hệ phải cùng nhịn mọi thứ, kể cả… tiểu tiện thì mới đủ tiền để mua “hộ chiếu vàng”!
Dựa trên các thông tin liên quan đến chương trình “hộ chiếu vàng” của Cyprus, Bạch Hoàn ước đoán: Vợ chồng ông Quốc làm thủ tục mua “hộ chiếu vàng” khoảng giữa năm 2018. Cô nhắc lại một sự kiện cũng xảy ra vào thời điểm đó: Một công dân Việt Nam 29 tuổi ngụ tại Gia Lai đã quyết định kết thúc cuộc đời của anh bằng một sợi dây treo cổ. Vật mà thanh niên tội nghiệp ấy để lại cho cuộc đời là lá thư tuyệt mệnh, giải thích lý do dẫn tới quyết định giã biệt cuộc đời - cuộc sống cơ cực, bần hàn, không lối thoát… Bạch Hoàn nhắc thêm một câu chuyện vừa xảy ra tháng này, lúc ông Quốc đang biện bạch về việc vợ chồng ông thủ đắc “hộ chiếu vàng”: Một cặp vợ chồng ở Đắk Lắk vừa tự treo cổ tại một khu nhà trọ để tự giải thoát họ khỏi thảm cảnh kéo dài do bệnh tật, đói nghèo và không có gì để hy vọng ở tương lai…
Theo Bạch Hoàn, đó là bi kịch của xã hội chúng ta – xã hội Việt Nam: Có bao nhiêu người đang phải giật gấu vá vai, chạy ăn từng bữa, thiếu thốn, khốn cùng? Có bao nhiêu người đang bị đói nghèo bủa vây, trói chặt? Có bao nhiêu người sống trong khổ đau và mỏi mệt vì không nhìn thấy tia hi vọng nào ở tương lai?.. Khát khao một cuộc sống nhẹ nhàng, tốt đẹp hơn là chính đáng. Tìm lối thoát cho hiện thực bế tắc cũng là chính đáng. Chỉ có điều, ở một đất nước như Việt Nam, quan mà giàu thì dân sẽ nghèo, nhà quan mà thừa mứa thì nhà dân sẽ bần hàn. Khi Đại biểu Quốc hội tìm tương lai bằng cách bỏ ra vài triệu USD mua quốc tịch một quốc gia châu Âu thì có những thường dân cũng tìm đến châu Âu bằng cách náu thân trong những container chở hàng đông lạnh,… có những người ở lại, tìm tương lai ở kiếp sau bằng sợi dây treo cổ.
Có thể thấy, tâm sự, nhận định về scandal Phạm Phú Quốc của những Đặng Huỳnh Lộc, Anh Thi Hoang Phan, Nguyễn Ngọc Chu, Bạch Hoàn,… cũng là tâm sự, nhận định của hàng trăm ngàn người khác trên mạng xã hội trong tuần này. Những tâm sự, nhận định đó tuy chính đáng nhưng tiếc là không… chính thức, mà ở Việt Nam, tất cả những tâm sự, nhận định không… chính thức đều bị xem là bậy bạ, thậm chí bị xếp vào loại “xấu, độc” và tùy tính chất, mức độ mà có thể bị chế tài theo nhiều phương thức khác nhau.
Khi tâm sự, nhận định… chính thức, phải như tuyên bố của ông Nguyễn Sinh Hùng hồi tháng 4 năm 2014, lúc đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội và phải có ý kiến trước những thắc mắc về trách nhiệm của Quốc hội đối với việc đưa ra các chủ trương, quyết định sai: Quốc hội chỉ nhận khuyết điểm chứ không thể kỷ luật Quốc hội vì Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai thì không được phép thắc mắc về tư cách đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” hàng trăm triệu người Việt của ông Quốc!..
Còn bức xúc tới mức dám nghĩ, dám đòi quyền lựa chọn đại diện cho mình và thay đổi thiết chế để giám sát những đại diện của mình trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền giống như thiên hạ thì phải tham khảo những tuyên bố như tuyên bố của bà Vũ Thị Nghĩa, làm việc tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, trên báo Đồng Nai hồi hạ tuần tháng trước: Chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn không phải sự áp đặt từ phía Đảng hay một lực lượng chính trị nào khác mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho phép khẳng định: Ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng.
Ở Việt Nam, chính đáng có thể khác rất xa… chính thức! Chính đáng mà không… chính thức vẫn là… bậy bạ. Tuy càng ngày, số người Việt có nhận thức, phát ngôn… bậy bạ càng nhiều nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng, vẫn chưa có chỗ nào dành cho… chính đáng. Những người như ông Quốc và các đồng chí của ông vẫn kiên định trong việc giành, giữ quyền vạch ra, thực thi… đường lối, chính sách!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét