Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

3993 - Navalny và những vụ đầu độc mà mật vụ Nga bị nghi là thủ phạm

Mai Vân


Đoàn xe cứu thương được cho là chở nhà đối lập Nga Navalny từ phi trường Tegel về bệnh viện ở Berlin (Đức), nơi ông được chữa trị. Ảnh chụp ngày 22/08/2020. REUTERS - FABRIZIO BENSCH

Thứ Năm 20/08/2020, vào lúc mọi con mắt đang đổ dồn về những cuộc biểu tình tại Belarus, một thông tin đến từ Nga đã gây chấn động: Nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny đã bất ngờ phải nhập viện trong tình trạng hôn mê rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chưa được xác định, nhưng giới thân cận của nạn nhân đều cho rằng nhân vật đối lập số một với tổng thống Nga Putin đã bị đầu độc.

Trên mạng Twitter, hôm Thứ Sáu 21/08, bà Kira Iarmich phát ngôn viên của ông Navalny, đã nói thẳng thừng rằng ông Navalny đã bị đầu độc. Theo bà, trước khi bị chở đi cấp cứu, nhà đối lập Nga không hề ăn uống gì ngoại trừ một cốc trà nóng ở phi trường Omsk, vùng Siberia, nơi ông chờ máy bay.

Bệnh viện Omsk, nơi ông Navalny được chở đến, cho biết là các xét nghiệm đều không phát hiện bất kỳ dấu vết chất độc nào trong máu cũng như nước tiểu của ông, nhưng lời khẳng định này không thuyết phục được những người hoài nghi, nhất là khi ngay từ tháng 7/2019, Alexeï Navalny đã báo động rằng ông từng là nạn nhân của một vụ đầu độc bằng “một hóa chất không xác định” khi đang thọ một án tù ngắn hạn.

Theo báo Le Monde ngày 21/08, các vụ đầu độc gần đây tại Nga “chưa bao giờ được điều tra đầy đủ”, mà chỉ có những trường hợp xảy ra ở nước ngoài mới có thể được xác minh chắc chắn, như trong 2 vụ ở Anh mà nạn nhân là Alexandre Litvinenko hay Sergei Skripal.

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Pháp France Inter ngày 20/08, ông Michel Eltichaninoff, một chuyên gia về Nga, tác giả tập biên khảo “Trong đầu của Vladimir Putin” nhận định: “Đầu độc vì mục tiêu chính trị là một tập quán có từ lâu đời ở Nga, đặc biệt là trong thế kỷ 20. Vào năm 1921, Lênin đã thành lập một phòng thí nghiệm độc dược để có thể sản xuất các chất nhằm mục tiêu loại bỏ các đối thủ chính trị. Việc đó đã được thực hiện trong suốt thế kỷ XX. Và trong lịch sử gần đây, đã có nhiều vụ đầu độc vì lý do chính trị mà thủ phạm là cơ quan mật vụ Nga”.

Nhà nghiên cứu Pháp đã gắn liền vụ Navalny với một vụ đầu độc tương tự mà nạn nhân là nhà báo người Nga Anna Politkovskaïa. Năm 2006, bà Politkovskaïa đã sử dụng một chuyến bay nội địa giữa hai thành phố của Nga. Trên máy bay, bà đã được phục vụ một ly trà. Kết quả là bà đã bị trúng độc. Trong vụ đó, Anna Politkovskaia không chết vì trúng độc, nhưng việc đầu độc bị coi là một cách hù dọa nhà báo.

Vào tháng 10/2006, nhà báo Nga đã bị ám sát tại Matxcơva, cuôc điều tra sau đó kết luận là bà bị sát hại vì những hoạt động báo chí, đặc biệt liên quan đến cuộc xung đột tại Tchetchenia. Năm 2012, một cựu trung tá mật vụ FSB bị kết án 11 năm lao cải về tội tổ chức vụ ám sát bà Politkovskaia.

Đài phát thanh Pháp France Info ngày 23/08 đã điểm qua nhiều trường hợp nhân vật đối lập Nga bị đầu độc mà tình báo hay mật vụ Nga bị nghi ngờ là thủ phạm.

Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất Novichok

Vụ đầu độc gần đây nhất mà tình báo Nga bị quy là thủ phạm là trường hợp của Sergei Skripal, một cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh Quốc, bị mưu sát năm 2018 bằng chất Novichok.

Vào ngày 04/03/2018, có hai người được phát hiện nằm bất tỉnh trên một băng ghế ở thị trấn Salisbury, Vương Quốc Anh. Đó là hai người Nga Sergei Skripal, 66 tuổi và cô con gái Yulia, 33 tuổi. Cả hai đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu và đã hồi phục sau đó vài tuần.

Cuộc điều tra do Anh Quốc tiến hành đã kết luận rằng hai người đều trúng phải Novichok, một chất độc mà chính quyền Xô Viết bí mật chế tạo ra trong thời Chiến Tranh Lạnh.

Sergei Skripal nguyên là một điệp viên hai mang, từng là đại tá tình báo quân đội Nga GRU, nhưng hoạt động cho tình báo Anh MI6 từ đầu thập niên 1990. Bị bắt vào năm 2004 và bị kết án 13 năm tù về tội phản quốc, ông đã được “trao trả” cho Anh vào năm 2010 để đổi lấy các điệp viên Nga bị Mỹ bắt giữ.

Luân Đôn tố cáo tình báo quân đội Nga GRU là thủ phạm vụ đầu độc ông Skripal, điện Kremlin dĩ nhiên đã phủ nhận hành vi can dự, nhưng vu việc đã gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và phương Tây.

Alexander Litvinenko, bị giết bằng chất polonium 210

Vụ đầu độc gần giống kịch bản của vụ Navalny nhất là vụ dùng chất polonium 210 vào năm 2006 để sát hại cựu điệp viên Nga Alexandre Litvinenko, cũng sống lưu vong tại Anh Quốc.

Là một cựu đại tá thuộc cơ quan KGB (sau đó đổi tên thành FSB), vào năm 1998, Alexandre Litvinenko đã lên tiếng tố cáo giới lãnh đạo FSB mà ông Putin đứng đầu, là đã ra lệnh ám sát một nhà tài phiệt Nga nổi tiếng, nguyên là phó bí thư hội đồng an ninh Nga Boris Berezovsky. Bị bắt đi bắt lại về tội “lạm quyền”, ông cùng gia đình đã chạy trốn qua Anh vào năm 1999 và sống lưu vong ở Luân Đôn.

Tháng 11/2006, ông dùng trà trong một nhà hàng ở thủ đô Anh Quốc với hai doanh nhân cũng là cựu thành viên KGB, Andreï Lougovoï và Dmitri Kovtoun, nhưng những ngày sau đó, ông bị nôn mửa, tiêu chảy, phải nhập viện và qua đời ba tuần sau đó.

Người ta đã tìm thấy chất polonium 210, một kim loại phóng xạ cực mạnh, rất hiếm và đắt tiền, trong dạ dày cũng như với liều lượng rất lớn trong ấm trà của nhà hàng tại Luân Đôn.

Một cuộc điều tra kéo dài 10 năm đã quy trách nhiệm cho điện Kremlin, nhưng trước đó, trên giường bệnh, cựu điệp viên Nga đã chỉ rõ thủ phạm là… Vladimir Putin.

Trong một bức thứ dưới dạng di chúc, mà trung tâm tư liệu truyền thông Pháp INA công bố ngày 21/08, Alexandre Litvinenko nêu đích danh tổng thống Nga là người chịu trách nhiệm: “Ông có thể bịt miệng một con người, nhưng những tiếng thét phản đối từ cả thế giới sẽ vang lên trong tai ông trong suốt quãng đời còn lại của ông, ông Putin ạ. Xin Chúa tha thứ cho những gì ông đã làm, không chỉ với tôi mà còn với cả nước Nga và người dân nước này.”

Viktor Iouchtchenko, gương mặt bị dioxine hủy hoại

Nạn nhân của những vụ bị nghi là mật vụ Nga đầu độc không giới hạn trong thành phần đối lập Nga. Người ngoại quốc cũng có thể là mục tiêu. Đây là trường hợp của Viktor Iouchtchenko, ứng cử viên phong trào “Cách Mạng Màu Da Cam”, đã đắc cử tổng thống Ukraina đầu năm 2005, nhưng trước đó một năm, đã bị đầu độc bằng chất dioxine, không chết nhưng gương mặt biến dạng.

Ngay trong lúc vận động tranh cử tổng thống ở Ukraina, ngày 06/09/2004, Viktor Iouchtchenko đột nhiên cảm thấy khó chịu. Được chuyển qua Áo chữa trị, ông trở về nước một vài ngày sau, gương mặt bị hủy hoại. Ông Viktor Iouchtchenko tuyên bố là ông bị đầu độc.

Các bác sĩ đã mất 3 tháng để kết luận là ông đã trúng phải chất dioxine mà không hay biết. Nồng độ chất này trong cơ thể của ông “cao hơn 10.000 lần mức tối đa cho phép”, theo báo Le Monde. Chất dioxine đã tán công vào gan, hệ thống tiêu hóa, lá lách và cuối cùng là da, khiến mặt của ông Viktor Iouchtchenko chằng chịt thẹo.

Vẫn theo Le Monde, cuộc điều tra thời đó hướng về phía Nga. Nhất là khi Matxcơva ủng hộ đối thủ của ông Iouchtchenko là Viktor Ianoukovytch. Cho đến nay, sau hơn 15 năm, vẫn chưa xác định chính thức ai có trách nhiệm trong vụ đầu độc ông Iouchtchenko bằng chất dioxine.

Vladimir Kara-Murza, bị đầu độc hai lần

Ngoài các trường hợp điển hình kể trên, danh sách những vụ đầu độc các thành phần đối lập với tổng thống Nga Putin bị tình nghi là do tình báo Nga thực hiện rất dài.

Có thể kể đến nhà đối lập Nga Vladimir Kara-Murza, chủ tịch phong trào Open Russia (Nước Nga Cởi Mở) mà mục tiêu là xây dựng và củng cố xã hội dân sự Nga, bị đầu độc đến hai lần vào năm 2015 và 2016,

Theo tìm hiểu của báo Le Monde, năm 2015, nhà đối lập Vladimir Kara-Murza được đưa vào khoa điều trị tích cực vì “suy thận nặng”. Các bác sĩ tìm thấy trong máu của nhân vật này dấu tích của 4 chất kim loại mangan, đồng, kẽm và thủy ngân với nồng độ cao “khác thường”

Vào năm 2016, khi kể lại câu chuyện cho báo Mỹ New York Times, nhà đối lập nhớ lại: “Chỉ trong khoảng 20 phút, trong lúc mà tôi vẫn cảm thấy bình thường, tim tôi đột nhiên đập rất mạnh, huyết áp tăng cao lên. Tôi đổ mồ hôi, nôn mửa và ngất xỉu”.

Một năm sau, ông lại gặp vấn đề, một số cơ quan trọng yếu bị suy yếu một cách lạ thường. Luật sư của ông giải thích: “Các bác sĩ nói với tôi là các phân tích đã kết luận rằng có những chất độc hại chưa được biết đến". Vladimir Kara-Murza sau đó đã nói với kênh truyền thông Mỹ NBC News: “Tôi đã biết ngay đó là cái gì vì là lần thứ hai như vậy trong thời gian hai năm. Và triệu chứng cũng gần như y như thế.”

Vladimir Kara-Murza, ngày nay 38 tuổi, đã từng bị đe dọa nhiều lần. Là chủ tịch phong trào Open Russia, ông cũng đã hướng dẫn một đề án nhằm hậu thuẫn các nhà đối lập trẻ nhân bầu cử Quốc Hội vừa qua. Ông cũng là một người bạn thân của nhà đối lập và cố phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov, thời Boris Eltsine, bị ám sát năm 2015.

Piotr Verzilov, bị mù mắt với một chất độc lạ

Một nghi án đầu độc khác liên quan đến nghệ sĩ đấu tranh Piotr Verzilov, mang hai quốc tịch Nga và Canada, chồng của nữ ca sĩ Nadejda Tolokonnikova trong nhóm ca nhạc Pussy Riot nổi tiếng là chống Putin.

Sau khi dự một phiên tòa ở Matxcơva ngày 11/09/2018 xét xử hai cảm tình viên nhóm Pussy Riot, ông đã phải nhập viện vì nhiều triệu chứng thần kinh, sau đó đã bị mù, nói năng và đi đứng khó khăn, và không nhận ra người thân.

Giới bác sĩ xác định ông bị nhiễm một chất độc lạ, và những người thân của ông tố cáo đây là một vụ đầu độc của tình báo quân đội Nga GRU.

Piotr Verzilov được biết đến nhiều nhất từ sau khi ông cùng vài người khác chạy vào sân trong trận chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới tổ chức tại Nga năm 2018, giữa hai đội Pháp và Croatia.

Trả lời tờ báo Đức Bild, Piotr Verzilov chỉ thấy 2 lý do có thể dẫn đến việc ông đầu độc: Chế độ muốn trừng phạt ông vì đã vào sân vận đông trong trận đấu Pháp -Croatia hay do mối quan hệ với 3 nhà báo Nga bị ám sát ở châu Phi.

Nghệ sĩ đấu tranh này làm việc trên một đề án phim với Alexandre Rastorgouïev, bị giết ngày 30/07/2018 cùng với 2 nhà báo Nga khác ở Trung Phi. Các nhà báo này điều tra về sự hiện diện của lính đánh thuê Nga tại quốc gia châu Phi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét