Việc ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bí thư tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì liên quan đến những sai phạm đất đai khi còn là… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chẳng khác gì ví dụ minh họa, nỗ lực chỉnh đốn đảng là nỗ lực… vờn nhau trong đảng!
Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa công bố Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc xử lý những sai phạm đất đai theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, có hai cựu Chủ tịch tỉnh, sáu cựu Phó Chủ tịch, sáu thành viên UBND tỉnh trong giai đoạn từ 2011 đến 2017 phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Ông Nghị là một trong sáu cựu Phó Chủ tịch tỉnh phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Ngoài những viên chức lãnh đạo chính quyền tỉnh Kiên Giang, còn có 40 viên chức từng làm việc tại các sở, ngành, UBND các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Giồng Riềng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Riêng tại Phú Quốc, trong 21 viên chức phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có 11 đã bị… khiển trách và năm đã bị… cảnh cáo.
Nói cách khác, tuy sai phạm đất đai từ 2011 – 2017 ở Kiên Giang là sai phạm có hệ thống từ trên xuống dưới, diễn ra trên phạm vi rất rộng (tại 6/15 đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền tỉnh) và kéo dài suốt từ năm 2011 nhưng cứ nhìn vào thực trạng Phú Quốc, kết quả kiểm điểm, rút kinh nghiệm ở Phú Quốc sẽ thấy hệ thống công quyền ở Kiên Giang… nghiêm túc cỡ nào!
Chuyện hệ thống công quyền ở Kiên Giang phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm như Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa loan báo, bắt nguồn từ một cuộc thanh tra kéo dài tới hai năm (3//2018 – 3/2020) do Thanh tra của chính phủ tiến hành nhằm kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường từ 2011 đến 2017 tại Kiên Giang,
Hồi tháng 4 vừa qua, Thanh tra của chính phủ đã công bố kết luận và xác định: Các xã ở Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết về sử dụng đất như những tỉnh khác và các huyện không hề bận tâm. Tỉnh chậm điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc nên Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất không đúng với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt.
- Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc buông lỏng quản lý rừng khiến rừng bị lấn chiếm trong một thời gian dài. Sở Tài nguyên - Môi trường cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp tại Phú Quốc trái phép nên việc chuyển nhượng đất nông nghiệp trở thành phức tạp...
- Lãnh đạo tỉnh lạm quyền khi phê duyệt đơn giá để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án đầu tư. UBND tỉnh xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho một doanh nghiệp chưa đúng quy định nên phải truy thu 62 tỉ đồng. Sở Tài chính xác định sai giá đất với một doanh nghiệp khác nên phải truy thu 18 tỷ đồng.
Theo Thanh tra của chính phủ thì ngoài việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm, phải cương quyết thu hồi chủ trương đầu tư hoặc thu hồi dự án gắn với thu hồi quyền sử dụng đất đối với 43 dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư. Trách nhiệm thực hiện tất cả những đề nghị ấy được chính phủ giao lại cho Kiên Giang thực hiện.
Đối chiếu giữa Kết luận của Thanh tra Chính phủ với Báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên giang, báo chí Việt Nam đã đề nghị bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư tỉnh Kiên Giang, giải thích vì sao Thanh tra của chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ sai phạm nhưng báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên Giang chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, bà Em bảo rằng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang chưa nhận được Báo cáo của Thanh tra tỉnh.
Cứ như lời bà Em thì: Sau khi tập hợp kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị, Thanh tra tỉnh Kiên Giang sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có báo cáo thành ra nếu Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo thì… tỉnh đợi Trung ương chỉ đạo thêm.
Những diễn biến liên quan đến chuyện xử lý sai phạm đất đai ở Kiên Giang như vừa kể khiến người ta liên tưởng đến chuyện xử lý sai phạm đất đai ở Đà Nẵng. Sau khi dư luận râm ran một thời gian dài về việc quản lý, sử dụng đất ở Đà Nẵng có nhiều biểu hiện không giống ở đâu cả, chính phủ chỉ định Thanh tra cử người đến kiểm tra. Kết luận do Thanh tra của chính phủ công bố hồi giữa năm 2013 khiến thiên hạ chưng hửng: Sai phạm đất đai ở Đà Nẵng gây thất thoát 3.434 tỉ đồng.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Đà Nẵng – nhân vật phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm liên quan tới đất đai ấy – đang đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Nội chính của BCH TƯ đảng. Tại một buổi gặp gỡ cử tri hồi hạ tuần tháng 6/2013, ông Thanh tuyên bố: Cả ông lẫn Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng không chấp nhận Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thành ủy Đà Nẵng đã báo cáo với Bộ Chính trị, Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ đã đồng ý với quan điểm của UBND thành phố Đà Nẵng!..
Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ phát hành một thông cáo, khẳng định: Không có chuyện Thanh tra Chính phủ đồng ý với quan điểm nào khác của UBND thành phố Đà Nẵng như ông Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố… Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm trong quản lý đất đai ở Đà Nẵng làm thất thu ngân sách là có cơ sở pháp lý và đã được các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét, góp ý. Đồng thời đã được Thủ tướng chuẩn y.
Dù Thanh tra Chính phủ khẳng định chắc nịch như thế nhưng sóng vẫn… yên, biển vẫn… lặng. Người ta tin rằng, sở dĩ Kết luận của Thanh tra Chính phủ giống như hòn đá liệng xuống… ao bèo vì khi ấy, ông Nguyễn Bá Thanh đang giữ vai trò tiên phong trong việc giúp đảng tự… chỉnh đốn. Thậm chí một số người còn tin vì ông Thanh thề… “hốt liền, không nói nhiều” nên mới có vụ thanh tra… sai phạm đất đai ở Đà Nẵng!
Hai năm sau khi xảy ra bất đồng giữa Thanh tra của chính phủ với Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng, ông Thanh qua đời, tính mạng ông Trần Đại Quang (cựu Bộ trưởng Công an, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) như “chỉ mành treo chuông” vì bạo bệnh, Phan Văn Anh Vũ – nhân vật từng “chọc Trời, khuấy nước” ở Đà Nẵng bị bắt, sai phạm đất đai ở Đà Nẵng được xới lại và trở thành đại án.
Đến lúc đó, nhiều viên chức Đà Nẵng từng liên quan tới những sai phạm đất đai đã được Thanh tra Chính phủ nhận diện hồi 2013 mới bị khởi tố. Hai cựu Chủ tịch, một cựu Phó Chủ tịch, rồi cựu Chánh Văn phòng Thành ủy, cựu Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, cựu Giám đốc, cựu Phó Giám đốc một số sở, ban, ngành,… bị tống giam, bị phạt tù... Ông Thanh đã bị các vụ án liên quan tới sai phạm đất đai ở Đà Nẵng phơi ra như chính phạm.
Xét cả về tính chất lẫn mức độ, sai phạm đất đai ở Đà Nẵng không thay đổi nhưng hồi 2013 không thành án vì ông Thanh là nhân tố tích cực trong tiến trình… chỉnh đốn đảng. Đến 2018 những sai phạm này thành đại án vì đảng đổi ý, xác định đó là bằng chứng về việc đảng đang… chỉnh đốn. Bảo rằng chỉnh và… đốn phụ thuộc hoàn toàn vào… thời và… thế, có lẽ không ngoa.
Điều này đang lặp lại ở Kiên Giang, nơi báo chí có Báo cáo của Thanh tra tỉnh về việc xử lý sai phạm đất đai theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì… không biết gì (?), thành ra cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới điềm nhiên ngồi chờ… Trung ương chỉ đạo thêm! Không phải tự nhiên mà báo giới nhấn nhá việc ông Nguyễn Thanh Nghị - trưởng nam của ông Nguyễn Tấn Dũng – cũng bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Chưa biết ở lần kiểm điểm, rút kinh nghiệm này, ông Nghị có… bị gì không, có còn giữ được một chỗ trong BCH TƯ đảng nhiệm kỳ tới không? Ông Nghị đã từng bị bêu như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh và nhìn vào cách đảng khai thác yếu tố sử dụng xe hơi nguồn gốc bất minh, quá phận… để… chỉnh đốn Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, người ta từng tưởng tới… lượt ông Nghị.
Tuy nhiên vụ ông Nghị dùng chiếc Range Rover Evoque – tang vật trong một vụ buôn lậu mà công an Kiên Giang tịch thu rồi biến thành công xa của ngành – để sử dụng chẳng đi đến đâu vì không hiểu tại sao đảng chấp nhận chuyện Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang trả lại xe cho công an tỉnh, không… mượn nữa là… hợp lý.
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ từng nại cơ sở pháp lý và ý kiến các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường, rồi Thủ tướng chuẩn y để bảo vệ Kết luận về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng nhưng chẳng tới đâu. Năm nay, Thanh tra Chính phủ khẳng định các sai phạm đất đai ở Kiên Giang cần xử lý nghiêm nhưng đa số các viên chức có liên quan từ trên xuống dưới ở Kiên Giang chỉ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nặng nhất là 16 viên chức huyện Phú Quốc bị… khiển trách và… cảnh cáo.
Không phải tự nhiên mà bà Đoàn Tuyết Em thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết… chờ Trung ương chỉ đạo và sẽ xem xét rồi… tính nữa! Chắc chắn bà Phó Bí thư tỉnh không phải là người thiếu hiểu biết về… tình thế. Dựa theo cách tường thuật của báo chí Việt Nam, dường như Báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên Giang là do… Thanh tra Chính phủ cung cấp. Họ đang… vờn nhau! Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét