Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới, nhằm bám chặt quyền lực độc tôn, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022. Le Figaro cảnh báo, Tập Cận Bình không dừng lại ở đây, mà tham vọng của ông ta là vượt lên khỏi tầm vóc Mao Trạch Đông : thống trị hoặc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới.
Về thời sự nước Pháp, Les Echos ghi nhận « Đến lượt Paris phải đeo khẩu trang » : do các trường hợp dương tính đã tăng gấp bốn lần, bắt đầu từ hôm nay khẩu trang trở thành bắt buộc khi ra đường ở Paris và ngoại ô gần. Le Monde chạy tựa trang nhất « Chính quyền Pháp trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt ».Libération đề cập đến việc chính phủ, cánh hữu và cực hữu đều nhấn mạnh nạn mất an ninh, chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống 2022.
Đúng năm sau khi thủ tướng Angela Merkel mở cửa cho người tị nạn, La Croix tìm gặp những người đã được nước Đức tiếp nhận và một số khuôn mặt đã giúp đỡ người tị nạn. Riêng Le Figaro dành hồ sơ cho chủ đề « Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm lên Trung Quốc ».
« Chỉnh phong » để hợp pháp hóa Nhà nước công an trị
Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới, nhằm bám chặt quyền lực độc tôn, không ai được tranh cãi, chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2022. Trong bài viết mang tựa đề « Tập Cận Bình siết lại những chiếc bù-loong cuối cùng của quyền lực tuyệt đối », Le Figaro nhận định ông Tập muốn đứng ngang hàng với nhà độc tài Mao Trạch Đông.
Chiến dịch « chỉnh phong » Diên An do Mao tung ra năm 1942 kéo dài ba năm đã làm cho 10.000 người chết, 10% đảng viên bị khai trừ. Còn hai năm nữa đến Đại hội quan trọng, Tập Cận Bình khởi động đợt thanh trừng nhắm vào bộ máy tư pháp và chính trị, nhằm dập tắt hẳn mọi phản kháng trong nội bộ.
Bắt đầu từ tháng Bảy, chiến dịch chỉnh phong 2.0 này sẽ diễn ra trong hai năm, nhằm « nạo chất độc đến tận xương », « nhổ bật đi những thành phần có hại cho tập thể ». Theo Trần Nhất Tân (Chen Yixin), nhân vật thân cận với Tập Cận Bình phụ trách việc thanh trừng, thì « đội ngũ tư pháp và chính quyền phải hoàn toàn trung thành, trong sáng và đáng tin cậy ».
Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh giải thích, ngoài mặt là chống tham nhũng, nhưng thực tế là thanh trừng để tống khứ đi những người cạnh tranh, nhằm nắm được quyền lực tuyệt đối trong Đại hội Đảng lần thứ 20. « Chỉnh phong » còn nhằm hợp pháp hóa một Nhà nước công an trị, đặt nền móng cho một « hệ thống SS » tại Trung Quốc.
Thanh trừng trong bối cảnh phức tạp
Tập Cận Bình, được cho là mạnh lên với việc quản lý đại dịch virus corona và sự tấn công liên tục của tổng thống Mỹ Donald Trump, tự tin bắt đầu cuộc thanh trừng với sự ủng hộ của phe dân tộc chủ nghĩa, nhưng trong bối cảnh phức tạp. Ở bên ngoài, Hoa Kỳ chuyển sang thế công khai tiến công, trong khi Trung Quốc vất vả không tìm được đồng minh. Trong nước thì kinh tế chậm lại, không có đủ cơ hội cho tầng lớp trung lưu ngày càng đòi hỏi cao. Bên cạnh đó là nguy cơ một đợt dịch thứ hai, lụt lội kỷ lục, mà theo người Hoa đó là điềm xấu.
Đại hội Đảng năm 2022 là dịp để thay thế một số lớn quan chức, ông Tập đang ở thế mạnh để bố trí người của mình. Từ nay cho đến lúc đó, không một tiếng nói phản biện nào được phép cất lên. Theo truyền thống, thì thời gian chuẩn bị đại hội là dịp cho những đòn đánh dưới thắt lưng, ly khai và đấu đá giành quyền lực, nhiều kịch bản có thể diễn ra. Cũng theo truyền thống, thì lẽ ra Tập Cận Bình phải rời ghế chủ tịch nước năm 2022.
Tuy nhiên đến nay không có dấu hiệu gì cho thấy ông chuẩn bị người kế nhiệm, mà ngược lại, tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hủy bỏ luôn quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ chủ tịch nước. Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz nhận xét, vấn đề là liệu Tập Cận Bình có xóa hết những hạn chế được Đặng Tiểu Bình đặt ra trước đây, và nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã chết hẳn hay không.
Cá nhân hóa quyền lực, Tập Cận Bình muốn làm bá chủ thế giới
Tại thành phố Linh Bảo (Lingbao) tỉnh Hà Nam (Henan), khoảng 30 cán bộ đã bị cách chức. Tuần rồi, giám đốc công an Thượng Hải, chức vụ quan trọng tại thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã bị thanh tra. Những tiếng nói phản biện hiếm hoi trong đảng đã bị bắt giữ, truy lùng, khai trừ.
Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường đảng trung ương là trường hợp mới nhất phải trả giá, tuy không hề là nhà ly khai. Bà phải trốn khỏi Trung Quốc vì đã chỉ trích việc tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình theo kiểu « trùm mafia ». Hồi tháng Bảy, giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của trường đại học Thanh Hoa bị công an bắt do phê phán việc xử lý đại dịch.
Chuyên gia Tăng Duệ Sinh (Steve Tsang) của Viện SOAS giải thích : « Tập Cận Bình càng mạnh thì ông ta càng cảm thấy an toàn hơn, càng siết chặt những tiếng nói phản kháng. Từ nay chỉ cần chỉ trích là trở thành nhà ly khai. Việc cá nhân hóa quyền lực khiến Tập phải tiếp tục chứng tỏ ông ta là người mạnh nhất, không ai có lợi gì khi phản đối ông ».
Trong một đảng luôn thiếu tính minh bạch, nếu thực sự có những ý kiến chống lại tổng bí thư thì cũng không thể bộc lộ, và những ai nói ra thì không ở trung tâm quyền lực. Điều khiến cho Tập Cận Bình lo sợ nhất là sự xuất hiện một phe phái độc lập, phản công lại thành trì mà ông đã gầy dựng từ 10 năm qua. Tăng Duệ Sinh kết luận : « Giờ đây ai phản đối sẽ phải sẵn sàng đi đến tận cùng, hoặc phải trả giá đắt. Không có một chỗ nào cho đối thoại ».
Le Figaro trong bài xã luận đã cảnh báo, Tập Cận Bình không dừng lại ở đây, mà tham vọng của ông ta là vượt lên khỏi tầm vóc Mao Trạch Đông : thống trị hoặc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới.
Dân Trung Quốc được yêu cầu không lãng phí, do thiếu thực phẩm?
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro ghi nhận « Người dân Hoa lục được yêu cầu ăn ít hơn, sau nạn lụt và dịch Covid ».
Chiến dịch vận động toàn quốc không để lại thức ăn thừa trên chén dĩa được ông Tập Cận Bình tung ra từ ba tuần qua nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Các hashtag #n-1 và #n-2 tràn ngập internet, nhắc nhở các nhà hàng buộc các nhóm thực khách đặt ít hơn 1 hoặc 2 phần ăn cho cả nhóm. Một nhà hàng ở miền trung thậm chí còn yêu cầu khách cân trước và sau bữa ăn để bảo đảm họ không ăn nhiều quá, nhà hàng khác thì phạt tiền nếu khách không ăn hết.
Đây là lần thứ hai Tập Cận Bình đánh vào nạn lãng phí lương thực, ước tính 17 đến 18 triệu tấn một năm tại Trung Quốc, nuôi được 30 đến 50 triệu người. Lần đầu tiên năm 2013 nhằm hạn chế những bữa tiệc linh đình của quan chức và doanh nhân, còn phiên bản 2020 đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đặc biệt khó khăn.
Liên tiếp xảy ra những trận lụt mạnh nhất từ nhiều thập niên, chuỗi cung ứng bị cắt đứt do đại dịch, cúm heo làm đàn heo giảm sút mạnh, châu chấu phá hoại mùa màng, và xung đột thương mại Mỹ-Trung. Hậu quả là giá thực phẩm tăng 13%, trong đó giá rau quả tăng cao nhất kể từ 5 năm qua, khiến người nghèo sau dịch Covid càng thêm khốn khó. Một số nước như Việt Nam và Thái Lan, do sợ thiếu thực phẩm, đã ngưng xuất khẩu trứng và ngũ cốc sang Trung Quốc.
Phải nói rằng chủ đề thực phẩm đặc biệt nhạy cảm tại Hoa lục, với nhiều trận đói đã xảy ra trong lịch sử, như nạn đói 1959-1961 đã làm 60 triệu người chết.
Vũ Hán cố trưng ra bộ mặt chiến thắng virus
Trên phương diện y tế, Le Monde mô tả « Vũ Hán, tủ kính trưng bày của Trung Quốc về một thế giới hậu Covid ». Bắc Kinh khoe khoang đã ngăn chận được dịch tại nơi xuất phát con virus độc hại, tuy nhiên thực ra vết thương chưa lành.
Hàng ngàn người nhảy múa trong lễ hội techno hôm 15/08 mà không hề mang khẩu trang. Công viên giải trí « Thung lũng hạnh phúc » đại hạ giá các trò chơi, lễ hội bia 21/08 vào cửa tự do, 400 địa điểm du lịch không thu phí…Tài xế taxi không còn mang khẩu trang, các camera đo nhiệt độ được tháo gỡ, khách thoải mái vào các cửa hàng không bị kiểm soát. Tất cả nhằm chứng minh thành phố từng bị phong tỏa như thời Trung Cổ trong 75 ngày đã trở lại bình thường. Thậm chí Viện bảo tàng quốc gia từ ngày 01/08 còn tổ chức triển lãm về cuộc đấu tranh chống virus, nhưng chỉ những ai có thẻ căn cước Trung Quốc mới được vào.
Tuy nhiên, các cơ sở thương mại bị giảm phân nửa doanh thu, khách sạn hoạt động cầm chừng dù đã giảm giá. Nhà văn Phương Phương, tác giả « Nhật ký Vũ Hán » bị cấm tiếp xúc báo chí ngoại quốc, một nhà hoạt động nữ quyền đã nhận trả lời phỏng vấn của Le Monde rốt cuộc từ chối sau khi ủy ban khu phố đến làm việc.
Ngải Vị Vị : Phương Tây không bảo vệ những giá trị của chính mình trước Trung Quốc
Cũng về Vũ Hán, Le Monde cho biết nghệ sĩ lưu vong Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) từ châu Âu đã thực hiện được một bộ phim về thành phố này trong thời kỳ phong tỏa, trong đó ông tố cáo phương pháp của chế độ.
Khoảng hơn một chục bạn bè, nhà đấu tranh đã giúp thực hiện cuốn phim, đa số bằng camera quay lén. Bộ phim tài liệu dài 1 giờ 50 phút trình bày hai tháng rưỡi Vũ Hán bị phong tỏa, trên mọi phương diện - từ sự tận tụy của đội ngũ nhân viên y tế cho đến việc từ chối giao tro cốt cho người thân, buộc phải có đảng viên đi kèm…
Ngải Vị Vị muốn cảnh báo phương Tây, rằng không quốc gia nào có thể huy động bằng ấy người lao vào chống dịch với cung cách quân sự như thế, tuy nhiên đây không phải là hình mẫu vì Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh nhân mạng.
Theo ông "chủ nghĩa tư bản nhà nước hiệu quả hơn tư bản dân chủ, và các thành phố hiện đại như Thượng Hải, Bắc Kinh tạo cảm giác giống như phương Tây. Tuy nhiên về văn hóa và ý thức hệ thì vô cùng khác biệt. Trung Quốc từ chối nhân quyền, độc lập tư pháp, tam quyền phân lập, quyền bầu cử. Không phải đảng đang lãnh đạo đất nước mà thực tế quyền hành trong tay chỉ một người. Nhưng Trung Quốc lại rất hùng mạnh". Vậy thì câu hỏi đặt ra là "Chúng ta muốn kiểu xã hội nào ? Châu Âu do dự, còn Hoa Kỳ chiến đấu".
Cuốn phim của Ngải Vị Vị chỉ có thể xem được trên internet, vì các liên hoan điện ảnh chính đều từ chối. Không ai muốn làm mất lòng Bắc Kinh, trong khi đây là bộ phim đầu tiên về Vũ Hán. Nghệ sĩ lấy làm tiếc : "Mọi người đều tự kiểm duyệt. Phương Tây không bảo vệ những giá trị của chính mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét