Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

3949 - Nhà Trắng 2020 : Chiến thuật "đục nước béo cò" của Donald Trump

Tú Anh



Tổng thống Donald Trump (T) và liên danh phó tổng thống Mike Pence, tại Fort McHenry à Baltimore, Marylan, ngày 26/08/2020.
 REUTERS - JONATHAN ERNST

Covid 19, Belarus, Địa Trung Hải vẫn là thời sự nóng trên báo Pháp hôm nay 27/08/2020, nhưng chủ đề làm tốn hao giấy mực nhất vẫn là  Donald Trump với các thủ đoạn bất chấp chuẩn mực trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng .

Donald Trump khai pháo

Tối nay, đỉnh điểm của Đại Hội đảng Cộng Hòa, từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đọc bài diễn văn quan trọng, phát pháo khởi hành chặng cuối cùng phân tranh thắng bại trước ngày 03/11.

Với tựa « Donald Trump canh tân chiến dịch tranh cử và  phát động từ Nhà Trắng », La Croix lưu ý sự khác biệt giữa « phong cách Trump » và những người tiền nhiệm. Các vị tổng thống trước vì không muốn có sự lẫn lộn giữa vai trò tổng thống và chính trị phe phái. Còn Donald Trump thì bất chấp, ông lấy Nhà Trắng làm phông sân khấu.

Kết quả thăm dò ý kiến do CBS công bố ngày 23/08  cho thấy Joe Biden dẫn trước 10 điểm. Liệu Donald Trump sẽ loan báo những đề nghị mới, chiến lược mới thu hút dân Mỹ hay kích hoạt gây căng thẳng thêm ? Nhật báo Công giáo đặt câu hỏi.

Câu hỏi này được Le Monde tìm cách trả lời qua bài phân tích của nhà chính trị học Denis Lacorne : Hỗn loạn, hy vọng cuối cùng của Donald Trump.

Vì sao tổng thống mãn nhiệm vẫn được 43% cử tri tin tưởng cho dù yếu kém về quản lý kinh tế và thiếu khả năng đối phó với đại dịch ?

Thứ nhất, khoảng 40% cử tri Cộng Hòa là những người ủng hộ Trump vô điều kiện, không chấp nhận tranh luận có chỉ trích. Bất cứ những gì Trump làm, Trump tuyên bố cho dù mâu thuẫn, cho dù không thật, đều không quan trọng.

Giả thuyết thứ hai là thành phần cử tri nòng cốt này tôn sùng Donald Trump như một chiến sĩ quả cảm, người hùng của « phe ta » chống « phe địch » từ Obama phản trắc, Clinton tham ô, Biden ngủ gật, thiên tả, vô thần, da đen, di dân da màu sẵn sàng lấn chiếm khu da trắng.

Giả thuyết thứ ba là « thái độ  lạc quan tự mãn » của Donald Trump lại có tác dụng. Nào là siêu vi sắp biến mất, kinh tế hồi sinh, trường học mở cửa lại… nhờ tinh thần phá chấp, thái độ kiên trì và trực giác của tổng thống mà tại Mỹ « chỉ có » 177.000 nạn nhân thay vì hàng triệu như dự báo.

Từ tỷ lệ cử tri nòng cốt này, làm sao rút ngắn khoảng cách với đối thủ Dân Chủ ?

Theo tác giả, Donald Trump, như những lãnh đạo học đòi độc tài, tính đến chuyện dời ngày bầu cử, nhưng ý định này bị chống ngay từ trong nội bộ vì vi phạm trắng trợn Hiến Pháp. Thế là ông đánh vào bưu điện, cắt ngân sách để làm khó cử tri đảng Dân Chủ, phần đông là dân da màu có thói quen bầu qua bưu điện vì  không thích xếp hàng hàng giờ trước phòng phiếu nhất là trong bối cảnh đại dịch.

Với ngân sách eo hẹp, chắc chắn là một phần lớn phiếu bầu sẽ không được kiểm đúng thời hạn do ủy ban bầu cử mỗi bang đề ra. Tình trạng hỗn loạn này có thể cho phép Donald Trump lật ngược thế cờ tại các bang mà cử tri hai bên có tỷ lệ tương đồng.

Cũng cùng một nhận định Donald Trump « viết lại » câu chuyện chống dịch để nhận công lao, Le Figaro cho là cuộc bầu cử 2020 mang hương vị của 2016. Joe Biden hôm nay chiếm thượng phong cũng như 4 năm trước đây, không ai tin  Hillary Clinton có thể bị đánh bại, trừ Donald Trump. Trong khi Donald Trump làm mọi cách để chinh phục cử tri bình dân da trắng thì Joe Biden không làm gì để thuyết phục công nhân da trắng bỏ Donald Trump. Chủ nhân Nhà Trắng có thể nhờ vào hành phần cử tri này để ngồi lại thêm một nhiệm kỳ.

Hai tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus,  khủng hoảng tiếp diễn

Le Monde với chân dung Svetlana Tsikhanovskaia đưa tựa lớn trên trang nhất : « Tại Belarus, sợ hãi đã đổi bên », cho bài phỏng vấn dài nhà lãnh đạo đối lập Belarus đang  tị nạn tại Litva.

Trong bài phân tích « Vấn nạn của Liên Hiệp Châu Âu đối với khủng hoảng Belarus » Le Monde không giấu bi quan. Trước hết là bản thân nhà độc tài Lukashenko. Hành động cầm súng AK phô trương và gọi người biểu tình là « lũ chuột » trong khi cả trăm ngàn người xuống đường chứng tỏ tổng thống Belarus không có khả năng tôn trọng và đối thoại với người khác biệt ý kiến.

Chiến lược của châu Âu là không đánh đồng chế độ Belarus với  điện Kremlin . Đối với Belarus, châu Âu cứng rắn với chế độ và trừng phạt cá nhân quan chức và cùng lúc bênh vực phe đối lập.

Còn đối với Nga, châu Âu nỗ lực thuyết phục Putin xem Belarus không phải là Ukraina, phong trào phản khán đòi tự do nhưng không chống Nga. Châu Âu hy vọng Nga sẽ giúp, dù thụ động, một cuộc chuyển tiếp dân chủ.

Putin không bác giải pháp trung gian hoà giải của OSCE ( Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu mà Nga và Belarus là thành viên) nhưng thiên về những người muốn thắt chặt quan hệ với Nga. Putin giữ thái độ thận trọng một phần vì  chính Nga không tiên liệu được diễn biến tình hình, phải chuẩn bị mọi tình huống và để đặt Lukashenko vào thế lệ thuộc Matxcơva.

Cuối cùng, tính chất của phong trào phản kháng. Hội đồng điều phối của đối lập tự xưng « phi chính trị », không có các khuôn mặt đối lập truyền thống tham gia. Ngoại trừ Svetlana Tsikhanovskaia, do thời thế đưa ra ánh sáng, thành phần còn lại là dân chúng bình thường, những nhà hoạt động vô danh.

Theo Le Monde, đối lập phải tạo niềm tin là có một giải pháp thay thế chế độ hiện nay để thu hút những người còn do dự. Đó là chưa kể các nhà ngoại giao quốc tế, họ rất sợ khoảng trống chính trị. Le Monde cảnh báo đối lập Belarus .

Trả lời phỏng vấn của nhật báo độc lập, Svetlana Tsikhanovskaia tin rằng « phong trào dân chủ tiếp tục đi tới và tổng thống Lukashenko sẽ ra đi ».

Les Echos cả quyết là điện Kremlin tìm phương án B thay thế Lukashenko tuy Svetlana Tsikhanovskaia nói rằng bà chưa được đại diện Nga tiếp cận. Trái lại, trong những ngày qua, lãnh đạo đối lập Belarus gia tăng tiếp xúc với các thủ đô châu Âu.

Về vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc, Le Figaro cho rằng vụ này làm tổng thống Putin bối rối. Bởi lẽ, theo một nhà phân tích Nga, ở nước Nga  chỉ có Putin mới có thể cho phép ám sát. Đó là lý do vì sao tổng thống Nga quay sang « cáo buộc châu Âu » muốn làm Nga mất uy tín. Để cho độc giả tự suy đoán, Le Figaro cho biết luật sư Navalny có rất nhiều kẻ thù trong giới quan chức tham ô, đại gia bê bối. Evgueni Prigogine có biệt danh là « đầu bếp của Putin » đứng đầu một đạo quân dư luận viên, bộ não của công ty lính đánh thuê Wagner đe dọa sẽ làm cho luật sư chống tham ô « tán gia bại sản » trừ phi « về trời » .

Địa Trung hải, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy lạp gờm nhau trên biển.

Vì sao nên nỗi và liệu có tránh được xung đột mà cả châu Âu lo ngại? Les Echos mô tả thế trận trên biển như các tựa bên trên. Athens và Ankara tập trận cách nhau vài trăm mét. Pháp, Ý, Chypre và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tham gia cùng hải quân Hy Lạp.

Tuy Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thượng phong nhưng Nga có lập trường gần với đảo Chypre, khiến Ankara khó xử. Theo chuyên gia địa chiến lược Ian Lesser, đánh nhau đâu có lợi gì nhưng do khủng hoảng y tế vì siêu vi corona, mọi lãnh vực kinh tế đều thiệt hại. Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp tại Syria, Irak, Libya nên tự tin có thể phiêu lưu trên biển. Càng có nhiều mặt trận thì nguy cơ xung đột gia tăng theo.

Trong vụ xung đột năm 1990, hai bên nhanh chóng xuống thang vì lúc đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thế lực mạnh trên chính trường và thân thiện với các tướng lĩnh Hy Lạp, biết lúc nào phải dừng. Thêm vào đó, Mỹ can thiệp ngoại giao. Liệu Hoa Kỳ sẽ dấn thân hòa giải như cách nay 30 năm không? Câu hỏi chưa có câu giải đáp.

Thái Lan : phân tích những bất mãn của tuổi trẻ

Phóng viên Bruno Philip của Le Monde tường thuật buổi tiếp xúc với Panusaya biệt danh « trái xoài » và luật sư Anon Nampa, « Harry Potter » của Thái Lan. Đây không phải là lần đầu tiên Le Monde chú ý vào phong trào dân chủ Thái Lan và các khuôn mặt đối lập thế hệ trẻ. Trong số báo hôm nay, phóng viên tại Bangkok được cô sinh viên có cái tên thật dài Panusaya Sithijirawattanakul và biệt danh « trái xoài » kể lại trong bối cảnh nào mà cô lấy hết can đảm tuyên đọc « yêu sách 10 điểm » đòi cải cách chế độ vương quyền.

Chỉ trích quốc vương là một hành động gần như là bội phản, có thể lãnh án 15 năm tù. « Văn bản do hai người bạn học soạn ngày hôm trước, nhưng tôi xin được tuyên đọc », Xoài hãnh diện cho biết. Làm cách nào khác bây giờ ? Muốn dân chủ thì không có cách nào khác ngoài cải cách chế độ quân chủ, từ bao lâu nay kiểm soát xã hội Thái Lan từ trên xuống dưới.

Thật ra, theo nhận xét của phóng viên Le Monde, Thái Lan không phải là một chế độ độc tài, cũng không phải là nền dân chủ. Nước này nghiêng về một xu hướng chuyên quyền ngoan cố từ khi tướng Chan O-Chan đảo chính vào năm 2014.

Luật sư Anon Nampa đến điểm hẹn trong lúc mưa như trút. Sinh quán vùng đông-bắc nghèo khó, thành trì chính trị của thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinwatra, cậu học sinh Anon phải cố học để tiến thân.

Trong cuộc biểu tình đầu tiên, Anon hóa trang như Harry Potter, cầm đũa thần, bước lên khán đài, kích động đám đông với chủ đề «chúng ta chống lại một kẻ mà chúng ta không có quyền gọi tên ».

Cũng cùng tinh thần lạc quan như nữ sinh viên « Xoài », luật sư trẻ Anon cho biết « Yêu cầu đòi cải cách chế độ quân chủ ngày càng được dung thứ. Có ai trong phe bảo hoàng phản bác các đề nghị của chúng tôi ? Ngay các  thẩm phán cũng tỏ ra đồng cảm với tôi khi tôi bị câu lưu ».

Covid 19, chính phủ Pháp trên khắp mặt trận

Hành pháp siết chặt các biện pháp ngăn dịch để trấn an dân chúng. Các bộ trưởng liên tiếp thăm viếng các cơ sở giáo dục, bệnh viện, xí nghiệp để làm an lòng dân, tựa của Le Figaro.

Libération chú ý đến lời tuyên bố của bộ trưởng Giáo Dục: Niên học mới sẽ diễn ra bình thường nhưng thầy cô phải đeo khẩu trang kể cả giáo viên mẫu giáo trong bối cảnh từ 5 tuần nay số người bị lây nhiễm gia tăng không ngừng nhất là trong giới thanh niên.

Tin lãnh vực văn hóa, nghệ thuật được 2 tỷ euro hỗ trợ cũng là một tin vui và nhận được nhiều bình luận chờ xem cụ thể ra sao.

La Croix cho biết thêm về  tình trạng Covid-19  lây lan nhanh chóng khác thường tại Marseille gây lo ngại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét