Bốn chữ nói trên không phải tôi nghĩ ra, mà của cụ Đoàn Duy Thành, một nhân vật kỳ lạ trong kịch sử Việt Nam hiện đại. Cụ Thành từng là bí thư Hải Phòng quê tôi, vị tổng quản được nhất của đất Phòng từ xưa tới giờ. Chuyện về cụ hẵng gác lại, có dịp kể sau.
Ở Hà Nội đang diễn ra cái triển lãm nho nhỏ nhưng ý nghĩa về lịch sử của tấm quốc huy Việt Nam, thực ra là về họa sĩ sáng tạo nó, cụ Bùi Trang Chước. Một cái tên nghe vừa lạ vừa quen.
Rất nhiều người không biết cụ Chước. Ngay thế hệ chúng tôi sinh giữa thập niên 1950 cũng ít tỏ về cụ. Càng về sau lại càng mờ mịt. Cụ như vầng sáng bị che phủ bởi đám mây đời u tối.
Hồi xưa, nói thế chứ thực ra cũng chả xưa gì, chỉ thập niên 60 – 70 thôi, nếu có ai mày mò tìm hiểu về hội họa, về thế hệ họa sĩ được đào tạo từ thời Pháp, trưởng thành dạo 9 năm, thường chỉ nghe nhắc Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Phan Kế An… chứ bặt cái tên cụ Chước, Bùi Trang Chước. Một phần do lĩnh vực, khuynh hướng sáng tác (cụ Chước chỉ chuyên về đồ họa), nhưng phần lớn do cách đối xử của chế độ đối với con người.
Cụ Chước là cha đẻ của tác phẩm Quốc huy Việt Nam. Cụ đã bằng tài năng của mình, lao tâm khổ tứ, dồn biết bao trí tuệ, tình cảm cho tác phẩm này. Giờ thì người ta công nhận cụ Chước là tác giả, nhưng suốt nửa thế kỷ thì cụ phải ngồi rìa, ngay cả khi cụ còn sống, cả khi cụ đã cung cấp đủ vật chứng, nhân chứng để khẳng định chính mình là người tạo ra nó. Nhà nước, đủ các cấp, ban này bệ nọ, ông to bà nhớn bỏ ngoài tai lời cụ, lờ đi. Nhưng cụ Chước là vị phật sống, hiền lành đức độ, cống hiến thầm lặng, cụ chả yêu cầu nữa, xem mọi thứ trên đời là phù sinh phù vân cả. Tới khi cụ về cõi mây trắng, quốc huy của cụ vẫn thuộc người khác. Khói nhang trên ban thờ cụ vẫn thẳng, chỉ có cách đối xử của chế độ là cong. Cũng như có một thời người ta đối xử với cụ Văn Cao tác giả quốc ca vậy, thậm chí còn định phế luôn cả quốc ca.
Lạ là, cái người được chế độ công nhận tác giả quốc huy, dù biết mình chả phải, dù biết rõ mười mươi đó là tác phẩm của cụ Bùi Trang Chước, dù cả hai đều còn sống nhăn, dù chính mình đã được hưởng đủ danh lợi, thế nhưng vẫn chẳng nói gì. Cứ im lặng. Im lặng là vàng, cổ nhân bảo vậy. Mỗi lần quốc khánh, mỗi lần nhắc tới quốc huy, người ta, báo đài lại xúng xính tôn vinh vị tác giả giả ấy, cũng chả thấy nói gì. Suốt mấy chục năm, hưởng bao nhiêu là lộc của cụ Chước. Tư cách con người kể cũng lạ. Không phải người xấu mà có những điều thậm xấu.
Ít người biết, không chỉ tạo ra quốc huy, cụ Chước còn là người sáng tác ra đủ mẫu huân chương, kể cả Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, các loại huân chương khác. Còn tem thì vô kể. Những ai chơi tem chắc biết đến cái tên Bùi Trang Chước.
Cống hiến rất nhiều, làm ra sản phẩm rất nhiều, công lao hãn mã, đóng góp hiếm có cho chế độ, nhưng cho tới giờ cụ vẫn chả được Giải thưởng Nhà nước hoặc Giải thưởng Hồ Chí Minh như người ta. Nghe đâu cũng đặt lên hạ xuống nhiều lần, xét săm soi và kết luận cụ chưa đủ tiêu chuẩn. Một người bình dị, lão thực, không ồn ào như cụ Chước thì thiếu “tiêu chuẩn” là đúng rồi, cái bộ máy ăn xổi ở thì này có mấy khi quan tâm đến thực tài. Nhưng tôi tin, tin chắc như cua gạch, cụ cũng chả cần. Con cháu cụ nửa thế kỷ chứng kiến cách người ta đối xử với cha ông mình, chắc cũng chả cần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét