Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

3964 - Đại hội 13: Điều gì sau ‘hiện tượng hai quốc tịch’ của Đại biểu Quốc hội?

TS Phạm Quý Thọ


Hình minh hoạ. Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc

Hình minh hoạ. Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc



Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam đương nhiệm ‘có hai quốc tịch’ đang trở thành ‘hiện tượng’ vì sự ‘lặp đi lặp lại’ trong thời gian gần đây khiến dư luận quan tâm. Hiện tượng này không những chỉ bị chỉ trích về sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số đại biểu mà còn đặt nghi vấn về tính đại diện ‘hình thức’ có căn nguyên từ ‘cơ chế Đảng cử, dân bầu’. Cơ chế này được xác định để kiểm soát hoạt động của Quốc hội mang tính chất ‘pháp trị’ hơn là ‘pháp quyền’ trong chế độ đảng cộng sản toàn trị.

‘Hiện tượng’ hai quốc tịch

Dư luận lại đang xôn xao về việc một vị Đại biểu Quốc hội Việt Nam(ĐBQH) đương nhiệm thuộc Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, là doanh nhân của doanh nghiệp nhà nước có hai quốc tịch. Tin này ‘bị rò rỉ’ từ nguồn tin từ nước ngoài. Chuyện là, mới đây, Đài Al Jareeza (Qatar) nêu danh sách nhiều chính trị gia, quan chức và doanh nhân từ nhiều nước trên thế giới có quốc tịch quốc đảo Síp (Cyprus), trong đó có tên vị đại biểu trên là người Việt Nam. Đài này còn nêu đây là chương trình ‘khuyến khích’ đầu tư đã có từ trước của quốc đảo này với ‘giá tiền’ quốc tịch tăng dần đến 2,5 triệu đô la mỹ như hiện nay.

Hình minh hoạ. Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Hình minh hoạ. Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cand.com.vn

Việc Đại biểu Quốc hội đã có tiền lệ từ mấy năm nay. Năm 2016 cựu ĐBQH Nguyệt Hường có quốc tịch Malta, được biết, do cơ quan chức năng phát hiện, đã ‘rút lui’ trong im lặng. Bà này là một doanh nhân có quá trình hoạt động trong cơ quan dân cử khá dài: ĐBQH khóa 12 và 13, đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 1999 – 2011. Trước đó, đã xảy ra ‘sự kiện đình đám’ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, khi doanh nhân, cựu ĐBQH Hoàng Yến bị cho là đã khai lý lịch "không chính xác" khi ứng cử tại Long An, cụ thể là bà này đã không khai đã là Đảng viên và khai độc thân khi đã ly hôn với chồng là Jimmy Trần, quốc tịch Mỹ, đang bị truy tố vì tội lừa đảo, nên đã bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội năm 2012. Xung quanh sự kiện này có nhiều tin tồn bà là ‘nạn nhân’ của cuộc đấu đá quyền lực trên chính trường. Bà Yến hiện có quốc tịch Hoa Kỳ và đang sống ở đó. Truyền thông thi thoảng đưa tin bà vẫn điều hành Tập đoàn Tân Tạo với tư cách chủ tịch qua hình thức trực tuyến.

Chế độ ‘Đảng cử dân bầu’

Về hình thức, các ĐBQH được giới thiệu ứng cử trong quá trình ‘hiệp thương’, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tất cả hoạt động này dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản. Thực chất quá trình này được khái quát là chế độ ‘Đảng cử, dân bầu’.

Các vị đại biểu quốc hội, về nguyên tắc, nói chung phải là người đại diện cho dân. Cụ thể hơn, họ đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của vùng, miền, nhóm dân cư khác nhau. Liên quan đến vấn đề này, V. I. Lênin, lãnh tụ của Cách mạng Tháng 10 Nga từng nói rằng, chính trị là biểu hiện của kinh tế tập trung, hàm ý rằng các ĐBQH đại diện cho lợi ích kinh tế của các nhóm dân cư khác nhau.

Quan niệm trên đã thay đổi cùng chế độ toàn trị khi đồng nhất lợi ích trên cơ sở sở hữu toàn dân, mà chỉ thiên về giải quyết các khác biệt vùng miền và các nhóm dân cư, như người dân tộc, nhóm yếu thế…. Tuy nhiên, khi ‘thị trường’ thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng đã ‘để mắt’ tới giới doanh nhân, những người được cho là ‘gần thị trường’, và đã ‘quy hoạch’ một số ‘điển hình’ sao cho có cơ hội cất ‘tiếng nói đại diện’ cho giới này trên nghị trường.

Ý tưởng này thực ra là không tồi. Tuy nhiên, sự khác biệt về mục đích và động cơ của giới doanh nhân với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của Đảng, sẽ tất yếu nảy sinh ‘xung đột’. Họ hoặc là ‘khôn khéo’ để biến thành những kẻ cơ hội, đánh bóng bản thân, mong quyền lực che trở để ‘làm ăn’, hoặc, không sớm thì muộn, sẽ buộc phải bỏ cuộc chơi, và hơn thế, có thể trở thành ‘vật tế thần’ của đấu đá quyền lực.

Chế độ ‘Đảng cử, dân bầu’ không thể tạo ra tính đại điện đúng nghĩa, thực chất. Trước Đại hội 12, chủ đề này đã có lúc được nêu trên nghị trường, nhưng sau đó đã bị quên lãng…

Pháp trị và pháp quyền

Quốc hội về lý thuyết là ‘cơ quan quyền lực cao nhất’, nhưng trong chế độ đảng toàn trị chỉ là cơ quan phân quyền, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng. Cơ quan này vẫn hàng năm xây dựng luật lệ, quy tắc theo hướng pháp trị. Nghĩa là, Quốc hội cần tạo ra những thể chế theo chương trình nghị sự định sẵn sao cho Đảng có thể điều hành toàn diện xã hội và người dân.

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường thúc đẩy Quốc hội, dù muốn hay không, các luật, lệ cần được xây dựng để đáp ứng thực tế này. Quốc hội đã và đang hướng hoạt động cải cách thể chế kinh tế, thậm chí trong giai đoạn ‘bất ổn kinh tế vĩ mô’ trước Đại hội 12, đã tổ chức các hội thảo về các nội dung liên quan. Lúc đó, các chính khách và các nhà nghiên cứu ‘tránh né’ bàn về thể chế chính trị, và đương nhiên, họ ‘xoay sở’ trong ‘vòng kim cô ý thức hệ’ để giải thích khái niệm ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.

Nhiều luật, lệ, quy định liên quan đến các vấn đề được cho là ‘nhạy cảm’ với chế độ, hoặc là được ban hành nhưng vẫn gây tranh cãi, như Luật An ninh mạng, Luật Báo chí… hoặc là ‘hoãn đi hoãn lại’ như Luật Biểu tình…. Nhiều quyền công dân cơ bản mặc dù được quy định trong Hiến pháp nhưng không thể được cụ thể hoá trong cuộc sống. Tiến đến chế độ pháp quyền sẽ luôn là thách thức. Sự thay đổi có thể đang diễn ra, dù chậm chạp, trước hết là quyền kinh tế được nới lỏng hơn để cứu tăng trưởng. Ngoài ra, sức ép từ hội nhập kinh tế quốc tế cũng có thể hỗ trợ người dân tiếp cận với các quyền khác. Chẳng hạn, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất đối với Việt Nam từ trước tới nay, buộc Việt Nam phải thực thi các điều khoản về điều kiện lao động, tổ chức công đoàn độc lập và bảo vệ môi trường…

Nếu quan sát những gì diễn ra gần đây với chế độ toàn trị ở Trung Quốc, dân tuý ở Nga, các quốc gia ‘gần gũi’ với Việt Nam, thì cải cách chính trị không hề đơn giản, trong đó ‘cải tổ hiến pháp’ bị ‘chi phối’ để sự cai trị của lãnh tụ được ưu tiên kéo dài. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng, nóng bỏng hiện nay tại Belarusia cho thấy sự cai trị độc đoán, chuyên quyền hơn 26 năm của Tổng thống Alexandre Lukachenko, đang khiến cho người dân nổi giận, đòi dân chủ.

Quay lại với vị ĐBQH có hai quốc tịch của Đoàn TP Hồ Chí Minh, theo tiền lệ, kết cục được biết trước, ông ta có thể bị buộc thôi tư cách đại biểu, có thể được gia đình ‘bảo lãnh’ sang sống ở quốc đảo… Chỉ có giới báo chí được ‘hưởng lợi’ với kiểu tin nóng này. Còn người dân ‘bất bình’ trong im lặng, họ lại tự vấn đến khi nào họ có được những đại biểu của chính mình. Tuy nhiên, việc tổ chức bầu Quốc hội khoá 15 nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến vào năm tới vẫn sẽ theo ‘cơ chế Đảng cử, dân bầu’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét