Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

3962 - Tình hình sức khoẻ Abe Shinzo và các kịch bản kế nhiệm

Biên dịch Phan Nguyên



Đối với Abe Shinzo, ngày 24 tháng 8 lẽ ra là một dịp để ăn mừng. Đó là ngày thứ 2.799 liên tục ông giữcương vị thủ tướng Nhật Bản, đưa ông trở thành người tại vị lâu nhất trong lịch sử đất nước, vượt qua kỷ lục do ông họ của ông, Sato Eisaku, thiết lập. Thay vào đó, ông Abe đã mất cả buổi chiều nằm tại Bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo để kiểm tra y tế và bác bỏ những thông tin cho rằng ông sắp từ chức.

Sức khoẻ yếu từ lâu đã ám ảnh ông Abe. Nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông kết thúc đột ngột vào năm 2007 sau một năm đầy biến động, cùng với đó là sự bùng phát của bệnh viêm loét đại tràng, một bệnh đường ruột mãn tính. Một loại thuốc mới đã giúp ông Abe kiểm soát các triệu chứng kể từ khi ông tiếp tục công việc vào năm 2012.

Tuy nhiên, khi ông rút lui khỏi tầm mắt công chúng trong những tháng gần đây, những đồn đoán về sức khỏe của ông đã gia tăng. Truyền thông Nhật Bản đã phân tích các cảnh quay về dáng đi của ông để xem liệu có phải ông phải đi chậm lại hay không. Đài truyền hình TBS đưa tin bây giờ ông mất 21 giây để đi bộ xuống hành lang bên ngoài văn phòng của mình, so với 18 giây hồi tháng Tư. Lần đến bệnh viện hôm 24/08là lần thứ hai của ông trong mấy tuần nay. Vào ngày 28 tháng 8, ông Abe dự kiến có ​​một cuộc họp báo để làm rõ tình trạng sức khỏe của mình.

Các trợ lý thừa nhận rằng căng thẳng trong việc lãnh đạo đất nước vượt qua đại dịch đã khiến ông Abe bị ảnh hưởng sức khoẻ, nhưng họ không ủng hộ ý kiến cho ​​rằng ông quá yếu đến mức không thể tiếp tụccông việc. Nhiệm kỳ thứ ba và theo quy định cũng là cuối cùng của ông trên cương vị lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền sẽ kéo dài đến tháng 9 năm sau. Một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra cùng thời điểm đó. Vào ngày 26 tháng 8, Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide tuyên bố rằng “còn quá sớm để nói về ‘thời kỳ hậu Abe’”. Tuy nhiên, tình trạng sức khoẻ suy giảm của thủ tướng đã thúc đẩy chính các đồn đoán như vậy. Một trong những cố vấn của ông Abe cho biết trong LDP “nhiều người đang tranh thủ tình hình”.

Việc kế nhiệm có thể diễn ra theo ba cách. Nếu ông Abe phải nhập viện hoặc mất năng lực làm việc tạm thời, phó thủ tướng Aso Taro sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời. Ông Abe có thể từ chức sớm, cho phép LDP bầu người thay thế để hoàn thành nhiệm kỳ hiện tại của mình. Các quy tắc của đảng cho phép tổ chức một cuộc bầu cử khẩn cấp tại một cuộc họp giữa các nghị sĩ của đảng, qua đó bỏ qua nghi thức bỏ phiếu toàn đảng. Hoặc ông Abe có thể ở lại cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, cải tổ nội các của mình hoặc thậm chí kêu gọi một cuộc bầu cử để tái khẳng định quyền kiểm soát của mình.

Khả năng duy trì hoạt động của ông Abe chỉ là một trong nhiều điểm không chắc chắn. Hai đảng đối lập, Đảng Dân chủ Lập hiến và Đảng Dân chủ vì Nhân dân, đã tuyên bố sáp nhập vào đầu tháng này. Sự ủng hộ dành cho họ vẫn còn quá yếu để có thể thách thức quyền lực của đảng LDP, nhưng LDP có thể ủng hộ một cuộc bầu cử sớm để tước đi cơ hội tập hợp lực lượng và tạo dấu ấn của họ. Thế vận hội Olympic Tokyo vẫn trong tình trạng lấp lửng vì covid-19. Ông Abe dường như đã coi sự kiện này như cơ hội tạo dấu ấn của mình trước khi nghỉ hưu – nhưng nó có thể hoàn toàn không xảy ra.

Thêm nữa, nếu Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11, các lời kêu gọi ông Abe ở lại có thể tăng lên do kỹ năng của ông trong xử lý quan hệ với vị tổng thống Mỹ sớm nắng chiều mưa. Hơn nữa, Covid-19 đã khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào thế khó và tỉ lệ ủng hộ ông Abe cũng đi xuống: GDP giảm kỷ lục 7,8% trong quý hai năm nay so với quý đầu tiên. Mức độ ủng hộ chính phủ ông Abe hiện ở mức 34%, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông. Ông Abe có thể muốn lấy lại sự ủng hộ để trao cho người kế nhiệm một cơ hội đắc cử cao hơn — cũng như muốn có tiếng nói lớn hơn trong việc lựa chọn người kế nhiệm, theo lời người cố vấn của ông.

Kishida Fumio, người đứng đầu ban chính sách của LDP, được cho là ứng viên yêu thích của ông Abe. Các cử tri xem ông là người có năng lực, ôn hòa và nghiêm túc. Ishiba Shigeru, một cựu bộ trưởng quốc phòng và nông nghiệp, thể hiện vai trò ít thấy là một người hay chỉ trích Abe. Ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các đảng viên LDP bình thường, nhưng ít nghị sĩ của đảng ủng hộ ông. (Ông Abe có thể từ chức sớm để tránh một cuộc bỏ phiếu toàn đảng và qua đó ngăn chặn sự trỗi dậy của ông Ishiba, theo lời Toshikawa Takao, nhà biên tập tờ Tokyo Insideline, một tờ báo chính trị.) Ông Suga là một bậc thầy về quản lý bộ máy hành chính, nhưng có rất ít kinh nghiệm chính sách đối ngoại. Kono Taro, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm và Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Ngoại giao, đều có tham vọng giữ các chức vụ cao hơn, mặc dùkhả năng trở thành ứng viên của họ vẫn được xem là xa vời.

Sự khác biệt giữa tất cả các nhân vật này chủ yếu là về giọng điệu và sách lược hơn là về ý thức hệ. Khác biệt về chính sách là rất nhỏ. Ông Kishida sẽ giữ vững lá cờ của ông Abe, mặc dù ông xuất thân từ một nhóm trung dung hơn của đảng, ít ủng hộ các ưu tiên của ông Abe, chẳng hạn như sửa đổi hiến pháp. Ông Ishiba có thể ủng hộ các chính sách tài khóa và tiền tệ chính thống hơn, nhưng không gian hành động của ông sẽ bị hạn chế sau đại dịch. Ông Suga có thể giao nhiều quyền lực hơn cho các chính quyền địa phương. Ông Kono tự cho mình là một nhân vật khác thường, có lập trường mâu thuẫn với đảng khi phản đối năng lượng hạt nhân và ủng hộ việc cho phép con trai của các công chúa — hoặc thậm chí các côngchúa — được kế thừa ngai vàng. Cuối cùng, quyết định sẽ phụ thuộc vào tính cách và cán cân giữa các phe phái. Sone Yasunori đến từ Đại học Keio cho biết: “Quá trình lựa chọn không thực sự liên quan đến lựa chọn chính sách”.

Ai thay thế ông Abe cũng sẽ kế thừa những vấn đề đau đầu: nợ công khổng lồ, dân số ngày càng giảm và một nền kinh tế đã khập khiễng trong nhiều thập niên qua. Nhưng người đó cũng sẽ nắm giữ quyền hành lớn. Trong thời gian cầm quyền lâu dài của mình, ông Abe đã tập trung hoá quá trình ra quyết định, thành lập hội đồng an ninh quốc gia và chuyển quyền lực ra khỏi bộ máy hành chính. Theo lời Tobias Harris đếntừ Teneo, một công ty tư vấn: “Để lèo lái đất nước vượt qua một thế giới đầy biến động, người ta cần một thủ tướng mạnh mẽ — hình mẫu đó đã ăn sâu”. “Quyền lực thể chế sẽ giúp sức cho một thủ tướng nào có thể kiểm soát được LDP.” Tuy nhiên, hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu bản thân ông Abe, chứ không phải người kế nhiệm tiềm năng của ông, có thể duy trì sự kiềm chế của mình đối với đảng hay không.


Nguồn: “Speculation about the health of Japan’s prime minister is rampant”, The Economist, 28/08/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét