Zhao Weihua được cho là Giáo sư từ Đại học Quảng Đông đã tung ra một lập luận không tưởng về cái gọi là “có một thỏa thuận tồn tại ngay trong suy nghĩ của lãnh đạo Việt Nam”. Theo đó, nếu Trung Quốc cam kết không dùng vũ lực để chiếm các đảo ở Trường Sa do Việt Nam đang quản lý, thì Việt Nam sẽ không đề cập đến chủ quyền của mình ở Hoàng Sa.
Theo truyền thông quốc tế, Triệu Úy Hoa (Zhao Weihua) được cho là Giáo sư từ khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quảng Đông, Trung Quốc, vừa qua đã lặp lại các quan điểm cũ trước đây về vấn đề chủ quyền liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, gây chú ý cho một số nhà quan sát. Theo một tài liệu dài 20 trang, ông Triệu cho rằng Hà Nội có thể sẽ nhượng bộ chủ quyền Hoàng Sa cho Bắc Kinh.
Không chỉ không tưởng
Ông Triệu đã bịa đặt ra những lập luận không tưởng về cái gọi là “có một thỏa thuận tồn tại ngay trong suy nghĩ của lãnh đạo Việt Nam”. Theo đó, nếu Trung Quốc cam kết không dùng vũ lực để chiếm các đảo ở Trường Sa do Việt Nam đang kiểm soát, thì Việt Nam sẽ không đề cập đến chủ quyền của mình ở Hoàng Sa hoặc sẽ không sử dụng Hoa Kỳ để can thiệp vào tranh chấp Việt – Trung.
Nói cách khác, ông Triệu Uý Hoa cho rằng Việt Nam có khả năng nhượng bộ chủ quyền tại Hoàng Sa để củng cố các vị trí của mình trên quần đảo Trường Sa, đồng thời nhượng bộ một cách có giới hạn ở Trường Sa liên quan đến đường phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ đường bờ biển của Việt Nam. Ông Triệu còn cho rằng Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, mà chỉ dùng chủ đề này như một công cụ để gây áp lực lên Trung Quốc.
Theo lập luận chẳng có cơ sở nào chống lưng của ông Triệu, trước năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng nước xung quanh. Trao đổi với truyền thông quốc tế, Giáo sư Carl Thayer từ Úc nói rằng dựa trên thực tế trong suốt thời gian dài từ năm 2009, ông từng tham dự 75 hội nghị và hội thảo quốc tế về Biển Đông ở 20 quốc gia trên thế giới, đồng thời gặp gỡ và tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các học giả Trung Quốc, ông cho rằng quan điểm của GS. Triệu về khả năng Việt Nam nhượng bộ chủ quyền Hoàng Sa chỉ là thiểu số.
GS. Thayer khẳng định: “Nói cách khác, ông Triệu là nhà phân tích học thuật duy nhất đã lập luận rằng Việt Nam sẽ từ bỏ yêu sách của mình đối với Hoàng Sa để đạt được thỏa hiệp với Trung Quốc về Trường Sa. Một đề xuất như vậy trong bối cảnh hiện nay là không tưởng tại Việt Nam”. Giới am hiểu thời sự về biển đảo ở Việt Nam chắc chắn cũng sẵn sàng chia sẻ quan điểm này của ông Thayer. Lý lẽ của ông Triệu chỉ là một thủ đoạn tung hỏa mù, một hình thức tung tin thất thiệt nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Một sự thật hiển nhiên được rộng rãi giới học giả quốc tế thừa nhận, nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này đã và đang được nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế và nhiều nhà khoa học khẳng định.
Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành – nguyên tắc chiếm hữu thật sự – của Công pháp quốc tế. Suốt trong nhiều thế kỷ, đặc biệt từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua các triều đại khác nhau, Nhà nước Đại Việt đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền.
… mà còn dối trá và nguy hiểm
Nhân kỷ niệm 20 năm Hiệp ước Biên giới và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, cùng lúc câu chuyện về thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan lại rộ lên gần đây. Nguyên Trưởng Ban Biên giới – TS. Trần Công Trực vừa chia sẻ với báo chí trong nước về quá trình đàm phán Hiệp ước Biên giới với Trung Quốc. Một lần nữa, với tư cách từng là Phó đoàn đàm phán cấp chính phủ thời bấy giờ, ông đã khẳng định không hề có chuyện Việt Nam bán đất, bán thác cho Trung Quốc như sự đồn đại bấy lâu nay của dư luận.
Đồng thời kiêm luôn cương vị Trưởng nhóm chuyên gia đàm phán biên giới đất liền, phân định Vịnh Bắc bộ và các vấn đề trên biển, TS. Trần Công Trục cũng đã thẳng thừng phê phán cái gọi là “đường biên giới lưỡi bò” trên biển. Ông Trục khẳng định đó là sự áp đặt chủ quan, không có cơ sở khoa học, không có căn cứ pháp lý. Muốn giải quyết tranh chấp trên biển, Trung Quốc phải thay đổi lập trường nhận thức, không áp đặt chủ quan. Nếu áp dụng bài học đàm phán biên giới trên đất liền để xử lý các vấn đề trên biển thì TS. Trục tin rằng, câu chuyện biển đảo có thể giải quyết được.
Xem vậy để thấy, cái gọi là “có một thỏa thuận tồn tại ngay trong suy nghĩ của lãnh đạo Việt Nam” về việc từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là một luận điệu dối trá. Đặc biệt, nếu chúng ta lưu ý tới Tuyên bố ngày 13/07/2020 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, chúng ta nhận thấy, lần đầu tiên, Hoa Kỳ đánh giá những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. Đây là thay đổi bước ngoặt so với lập trường bao lâu nay của Mỹ, chỉ tập trung vào tự do lưu thông hàng hải mà không bày tỏ quan điểm về tính hợp pháp trong những yêu sách chủ quyền của các bên có tranh chấp ở Biển Đông.
Trên nền bối cảnh đang có lợi thế về mặt chính trị và công pháp quốc tế như thế, Việt Nam đang thông qua các kênh theo luật định để khẳng định chủ quyền và các quyền của mình. Đặc biệt là viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có thể là một kênh thích hợp. Việc một học giả Trung cộng, dù là đại diện cho số ít và phát biểu ở cấp độ địa phương, nhưng luận điệu ấy có thể gây ra một số ngộ nhận nguy hiểm. Nó có thể gây hiểu nhầm là nội bộ lãnh đạo cấp cao Việt Nam có sự chia rẽ trong quan điểm đối với Trung Quốc nói chung, đặc biệt là đối với tranh chấp biển đảo nói riêng.
Một thực tế là địa phương Đà Nẵng đã được chính quyền Việt Nam giao cho việc quản lý quần đảo Hoàng Sa hơn nửa thế kỷ qua, từ năm 1961 đến nay. Chính vì thế, ngoài lòng đam mê về học thuật, giới sử học và trí thức Đà Nẵng còn dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho huyện đảo thân yêu của mình gần nửa thế kỷ nay bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đóng trái phép. Các nhà khoa học cũng đã tập trung nghiên cứu và tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn nhằm góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa.
Trong rất nhiều năm qua, Đà Nẵng đã tổ chức các diễn đàn về huyện đảo Hoàng Sa, trong đó nổi bật là hội thảo khoa học “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, với sự có mặt của các nhà nghiên cứu như Dương Trung Quốc, Nguyễn Khắc Mai, Trần Công Trục, Đinh Hoàng Thắng... được tổ chức vào chiều ngày 19/1/2014 ở ngay một khách sạn mang tên Hoàng Sa trên đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà. Nếu không được “bật đèn xanh” từ Ban Tuyên giáo Trung ương, nếu có chủ trương từ lãnh đạo “sẽ không đề cập đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa” thì làm gì hàng năm có các cuộc hội thảo về khoa học như vậy.
Hoàng Sa – Bãi cát vàng
Cũng theo TS. Trần Công Trục, trong giai đoạn nói trên, có một chứng cứ hết sức quan trọng để chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với 2 quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. TS. Trục cho biết, thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là Phủ khi thì Trấn: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa”; “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh”.
Sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Thời Pháp, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre 1884, chính quyền Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Vua Bảo Đại năm 1938 cũng quyết định
Trở lại với GS. Thayer, đối với Trường Sa, Việt Nam đang sở hữu 21 thực thể địa lý nằm rải rác từ Bắc đến Nam của Biển Đông. Việt Nam không tuyên bố các thực thể này là đảo. Việt Nam coi những thực thể này như những bãi đá nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý của Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc dựa trên thuyết Tứ Sa, bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, GS. Thayer thừa nhận: “Khu vực duy nhất nơi vùng EEZ của Việt Nam có liên quan là ở góc phần tư phía tây bắc của Biển Đông – nơi các EEZ của hai nước (Việt Nam tuyên bố chủ quyền tính từ đường bờ biển của mình và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền từ đảo Hải Nam) chồng lấn nhau”. Theo ông Thayer, đã có sự chấp nhận không chính thức một đường ranh giới giả định giữa hai bên. Mỗi bên có thể thực hiện các hoạt động ở bên của mình và bên kia được tự do chỉ trích. Những vấn đề chồng lấn này đến nay vẫn đang tồn tại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét