Những người phê phán bầu cử tự do thường đánh đồng các cuộc vận động tranh cử với những chương trình truyền hình thực tế. Ở đó, sức hút cá nhân sẽ lấn át mọi tiêu chí khác, và cử tri sẽ bầu cho ứng viên nào giỏi hùng biện nhất. Các nghiên cứu về bầu cử Mỹ lại cho thấy kết quả khác hẳn.
Sự cuốn hút chưa bao giờ là tất cả
Giới nghiên cứu bầu cử Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu suốt hơn nửa thế kỷ để giải thích hành vi bỏ phiếu của người dân. Từ năm 1948 đến nay, vào mùa thu trước mỗi kỳ bầu cử, Chương trình Nghiên cứu Bầu cử Quốc gia Hoa Kỳ (American National Election Studies – ANES) sẽ thăm dò ý kiến cử tri về các ứng viên tổng thống. Đây là nguồn dữ liệu dồi dào nhất cho các nghiên cứu về chính trị qua góc nhìn của người dân.
Năm 2004, Martin P. Wattenberg của Đại học California – Irvine tìm hiểu tác động của sức hút cá nhân của ứng viên (personal popularity) đến quyết định bầu cử của người dân. Tác giả dựa vào hai câu mà năm nào ANES cũng hỏi về lý do mà một người bầu hoặc không bầu cho một ứng viên nào đó. Dữ liệu nghiên cứu trải dài suốt 13 cuộc bầu cử từ thời Eisenhower (1952) cho đến thời George W. Bush (2000). Số mẫu khảo sát trung bình xấp xỉ 2.000 mỗi năm.
Hai câu hỏi khảo sát cụ thể là:
- Có bất kỳ đặc điểm gì về [tên ứng cử viên] khiến bạn muốn bầu cho người đó? Đặc điểm đó là gì? Có đặc điểm nào khác nữa không?
- Có bất kỳ đặc điểm gì về [tên ứng cử viên] khiến bạn không muốn bầu cho người đó? Đặc điểm đó là gì? Có đặc điểm nào khác nữa không?
Từ những câu trả lời tích cực cho các câu hỏi mở này, tác giả Wattenberg so sánh sự yêu mến (popularity) dành cho các ứng viên tổng thống, đồng thời xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá yếu tố này.
Bảng bên dưới thể hiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các ứng viên tổng thống, trích từ nghiên cứu “Elections: Personal Popularity in U.S. Presidential Elections” (2004) của Martin P. Wattenberg, đăng trên Tạp chí Presidential Studies Quarterly Vol. 34.
Nhìn chung, có hai xu hướng đáng chú ý. Thứ nhất, tỷ lệ yêu mến của người dân dành cho các ứng viên có xu hướng giảm đi theo thời gian. Tỷ lệ ủng hộ 70% dành cho Eisenhower (người lãnh đạo nước Mỹ đi qua Thế Chiến II) chưa từng lặp lại trong những năm sau đó. Cán cân ngày càng cân bằng, chênh lệch giữa các ứng viên chỉ còn là vài điểm phần trăm.
Thứ hai, không phải lúc nào ứng viên có “lượt like” nhiều hơn cũng trở thành tổng thống. John F. Kennedy thắng cử dù có tỷ lệ yêu mến thấp hơn Nixon đến 10%, và năm 2000, khi Geogre W. Bush thắng cử dù bị ghét nhiều hơn là được thích so với Al Gore. Dữ liệu năm 1980 còn cho thấy cả hai ứng viên (Reagan và Carter) đều không vượt qua ngưỡng 50% ủng hộ.
Sự yêu mến dành cho các ứng viên giảm đi được cho là do người dân bắt đầu có nhiều thông tin về người mà họ muốn bầu hơn, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành truyền thông và các công cụ giám sát ứng viên tổng thống. Càng biết nhiều về một ứng viên thì người ta càng ít yêu mến cá nhân ứng viên đó. Cử tri của các đảng cũng không còn bầu cho một ứng viên chỉ vì đó là người mà đảng của họ đề cử. Các quyết định của họ phi đảng phái (non-partisan) và trực tiếp hơn.
Khi đi sâu vào các câu trả lời, nghiên cứu còn chỉ ra rằng cử tri nhận thức rất rõ ràng về sự khác biệt giữa các yếu tố khách quan và sự cuốn hút cá nhân chủ quan. Tác giả tập hợp các ý kiến thành năm tiêu chí đánh giá ứng cử viên, bao gồm:
(1) Tinh chính trực (integrity): Xem xét liệu ứng viên đó có đáng tin cậy hay không, dựa trên các nhận xét của cử tri về sự trung thực, chân thành của một ứng cử viên, hoặc các mối liên quan đến những bê bối tham nhũng
(2) Sự đáng tin cậy (reliability): Tương tự như tiêu chí đầu tiên, nhưng tập trung vào bình diện khả năng hơn là đạo đức. Yếu tố này chỉ sự quyết đoán, mạnh mẽ, khả năng chịu áp lực và giải quyết vấn đề của ứng viên.
(3) Năng lực (competence): Đo lường ứng viên dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết chính trị của họ thể hiện trong quá khứ.
(4) Sự cuốn hút (charisma): Nói về khả năng “quyến rũ” công chúng, bao gồm tố chất lãnh đạo, nhân phẩm, sự khiêm nhường, tinh thần yêu nước và khả năng truyền cảm hứng
(5) Nhóm yếu tố cá nhân (personal): Liên quan đến độ tuổi, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp v.v…
Bảng bên dưới chấm điểm các ứng viên tổng thống trong giai đoạn 1952 – 2000 theo năm tiêu chí này. Điểm trung bình từng cột được tính bằng cách lấy số bình luận tích cực trừ đi số bình luận tiêu cực và nhân với 100 để loại bỏ số thập phân.
Theo kết quả này, giả thuyết ai được yêu mến hơn thì sẽ thắng cử chỉ đúng trong giai đoạn từ 1952 – 1972. Trong bảy trường hợp còn lại, có đến năm lần người được chấm điểm thấp hơn trở thành người thắng cuộc. Ngoài ra, từ sau năm 1972 thì chỉ có một nửa số ứng viên được điểm dương.
Nếu nhìn vào điểm lôi cuốn (charisma) ở cột thứ tư, chỉ có vị tổng thống thời chiến Eisenhower đạt tiêu chuẩn lãnh đạo mẫu mực. Những người còn lại đều không có kết quả ấn tượng. Cũng cần lưu ý rằng người trả lời có thể nhầm lẫn giữa cảm tình của họ dành cho một ứng viên với các yếu tố khác như năng lực hay sự chính trực.
Những kết quả trên đây cho thấy rằng hình ảnh cá nhân của ứng viên không có vai trò quyết định trong các cuộc bầu cử Mỹ như người ta hay nghĩ.
George W. Bush bị đánh giá thấp so với Gore cả về năng lực lẫn sự cuốn hút, nhưng ông vẫn trở thành tổng thống năm 2000.
Bill Clinton thì chưa từng được đánh giá cao về sự cuốn hút trong cả hai lần tham gia tranh cử, dù nhiều người luôn tin là vậy. Cột điểm này của ông trong năm 1992 và 1996 lần lượt là –2 và +3. Đáng chú ý, năm 1996, ông được cho điểm thấp nhất trong lịch sử về sự chính trực (–23 điểm). Tổng điểm của Clinton trong hai năm đều âm nặng (–24 và –14 điểm), nhưng ông thắng cử trong cả hai lần.
Reagan thắng cử năm 1980 dù được chấm điểm thua xa Carter (–19 so với +8). Carter cũng thắng cử năm 1976 dù điểm của ông thấp hơn Ford, nhưng lại thua năm 1980, khi điểm của ông cao hơn đối thủ.
Cần nói gì về cuộc bầu cử 2016?
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là cuộc bầu cử chia rẽ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nó ghi nhận tỷ lệ tham gia bầu cử thấp nhất trong vòng hai thập niên.
Trước cuộc bầu cử, không ai có thể tin rằng Hillary Clinton, một trong những chính trị gia nổi tiếng và thành công nhất Hoa Kỳ trong 20 năm trở lại đây, lại thất bại trước một tỷ phú bất động sản, ngôi sao chương trình truyền hình thực tế là Donald Trump.
Do đó, thay vì tranh luận cụ thể về các chính sách, truyền thông dành một lượng thời gian khổng lồ để bàn luận về sự cuốn hút của từng ứng viên.
Chính bản thân Hillary Clinton đã thừa nhận với báo chí rằng bà không sở hữu sự cuốn hút tự nhiên mà Obama hay Bill Clinton có. Họ là những người có thể “nhanh chóng kiểm soát, khuấy động và truyền cảm hứng cho khán giả ngay khi họ bước vào khán phòng”, còn bà không thể làm vậy. Tờ báo cánh hữu Washington Times vào tháng 2/2016 cũng đăng bình luận rằng Hillary cần một cuộc phẫu thuật để “cấy ghép sự lôi cuốn”. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Hillary thua vì thiếu sự hấp dẫn cần thiết với công chúng.
Noor Ghazal Aswad, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Memphis, không hoàn toàn đồng tình với cách tiếp cận này.
Nghiên cứu của cô, được đăng tải trên tạp chí chuyên môn có tiếng Presidential Studies Quarterly năm 2018, chỉ ra rằng Donald Trump và Hillary Clinton có những cách khác nhau để tạo nên sự cuốn hút của riêng mình. Bằng việc phân tích các phát biểu của hai ứng viên, tác giả cho thấy trong khi Trump thành công trong việc xây dựng tinh thần tập thể trên hết, Clinton nhỉnh hơn trong việc kiến tạo giá trị của những người ủng hộ và nhấn mạnh những điểm chung giữa họ và bà.
Nghiên cứu cho thấy bà Clinton không hề kém cạnh trong việc xây dựng nền tảng cuốn hút của mình với các cử tri. Bộ tiêu chí được sử dụng để so sánh gồm có: đề cao tập thể (collective focus), chú trọng giá trị của những người ủng hộ (follower’s worth), xây dựng điểm tương đồng giữa người ủng hộ với lãnh đạo (similarity to followers), đề cao hợp tác (cooperation) và có thiên hướng hành động (action-oriented).
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy ảnh hưởng của các định kiến giới lên đánh giá của truyền thông về Hillary Clinton, khi bà là ứng viên tổng thống đầu tiên thuộc giới nữ.
Sẽ là phiến diện nếu cho rằng thất bại của Hillary Clinton trước Donald Trump chỉ là vấn đề nổi tiếng hay sự cuốn hút. Trên hết, chúng ta nên nhớ rằng Hillary Clinton hơn Donald Trump đến gần ba triệu phiếu phổ thông, tức là người dân Mỹ thực chất đã bầu cho bà nhiều hơn.
Tính cách, sự cuốn hút và sự nổi tiếng của một cá nhân chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình đường lối tranh cử của họ, nhưng đó chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất, hay quan trọng nhất. Nghiên cứu của Martin P. Wattenberg nhắc đến ở đầu bài cho rằng đã có một quá trình chuyển đổi trọng tâm của việc đánh giá ứng viên tổng thống từ dựa trên tính cách (personality-based) sang dựa trên vấn đề (issues-based) trong những năm gần đây. Theo đó, cử tri ngày càng coi trọng cách một ứng viên đối phó với các thách thức hơn là việc họ hùng biện lôi cuốn thế nào.
Còn rất nhiều yếu tố khác nữa ảnh hưởng đến kết quả một cuộc bầu cử. Các nền dân chủ vẫn còn đang vận hành, làm quen và tự điều chỉnh để tồn tại. Bầu cử tự do chắc chắn sẽ vẫn là công cụ hiệu quả nhất để giải quyết các xung đột chính trị xã hội một cách hòa bình. Vấn đề ở chỗ chúng ta có thực hành dân chủ thường xuyên và đúng cách hay không mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét