Một con số ảm đạm được Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) mới đây nhận định về tỉ lệ thất nghiệp trong thành phần lao động trẻ tại một số quốc gia ở Đông Nam Á tăng vọt gấp đôi thậm chí gấp 10 lần trong năm 2020. Hai cái tên đáng lưu ý trong số trong danh sách này là Việt Nam và Campuchia.
Trong đó, Việt Nam sẽ đối diện với con số thất nghiệp ở nhóm tuổi lao động từ 15-34 là 13,2%, gấp đôi so với con số 6,9% năm 2019. Còn Campuchia, con số này nhảy vọt từ mức 1,1% năm 2019 lên tới 13,1% trong năm 2020, cao gấp 10 lần. Lực lượng lao động Việt Nam theo ghi nhận của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO) năm 2019 là 54,3 triệu người, độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi chiếm khoảng 38%. Như vậy, năm 2020 sẽ có khoảng 2,72 triệu người trẻ tuổi thất nghiệp, tăng hơn 1,4 triệu người so với năm 2019.
Con số thất nghiệp đối với những lao động lớn tuổi có thể còn cao hơn. Khả năng 5 triệu người sẽ tham gia vào đội quân thất nghiệp theo như nhận định của bà Vụ Trưởng Thống Kê Dân Số và Lao Động Việt Nam – Vũ Thị Thu Thủy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Đối với những người trẻ tuổi thất nghiệp ở các đô thị, cuộc sống sẽ cực kỳ khó khăn. Họ thuộc nhóm đối tượng có rất ít khả năng có thể tiếp cận các chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm vì vô số các qui định, thủ tục hành chính nhiêu khê và bộ máy công quyền nhũng lạm.
Một lượng lớn người lao động trẻ không có việc làm tạo ra áp lực an sinh xã hội rất đáng lo ngại. Tỷ lệ thuận với điều này là tệ nạn xã hội và các vấn đề trị an ở các đô thị. Các con số thống kê tội phạm của ngành công an Việt Nam liên quan tới cướp giật, xiết nợ theo kiểu xã hội đen, nặng lãi, lừa đảo… đã tăng phi mã trong thời gian gần đây.
Còn nhớ vào tháng Năm, 2020, ông Nguyễn Xuân Phúc và đám “chiên da kinh tế” vẫn còn say sưa với những liều “ketamin tăng trưởng” quá liều và các kịch bản phát triển kiểu “bốc thuốc” mà ông “lang băm” – Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra. Ông thủ tướng CSVN tràn trề tin tưởng, chỉ đạo các bộ ngành “Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7% – dù đây đã là mức cao nhất Đông Nam Á vẫn theo dự báo của IMF. Cùng với đó, kiểm soát lạm phát dưới 4%... Với 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.”
Những “thiên tài AQ” của CSVN có lẽ tin tưởng rằng chỉ cần hô nghị quyết thật to thì có lẽ mọi thứ sẽ diễn ra đúng như ý muốn.
Trái với mong đợi của ông Phúc, kết quả tăng trưởng GDP của hai quí đầu năm rất khiêm tốn, 1,81%. Tuy vậy, đây cũng là một chỉ số tăng trưởng dương hiếm hoi của bức tranh kinh tế ảm đảm trong toàn khu vực. Và giới chức cộng sản lại quay sang “tự sướng” theo một kiểu khác. Nhưng cần nhắc lại rằng, đó là vì nền kinh tế lấy gia công và xuất cảng làm chủ đạo của Việt Nam hiện có trụ đỡ từ khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, có nguồn gốc đa dạng và sức sống tốt, đã đóng vai trò là chiếc phao cứu sinh quan trọng nhất trong thời điểm này chứ không phải bởi các chính sách kinh tế của các “thiên tài AQ” của đảng CSVN.
Ở thời điểm hiện tại, 50% khối dân doanh tư nhân vừa và nhỏ đã gần như hoàn toàn tê liệt. Người ta thấy một tình trạng phổ biến trên khắp mọi tỉnh thành là những trung tâm thương mại truyền thống vắng lặng, các con phố buôn bán đều tràn ngập biển báo ngưng kinh doanh, sang nhượng, cho thuê mặt bằng… Khối dân doanh, tư thương vừa và nhỏ tuy chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nền kinh tế chính thức, xong lại là khối kinh tế đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an sinh xã hội và việc làm.
Đây cũng là khối kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh. Chắc chắn, không chỉ 74% trong số lực lượng dân doanh còn non trẻ này sẽ “một đi không trở lại” mà việc phục hồi của số doanh nghiệp ít ỏi còn lại cũng vô cùng yếu ớt. Với hơn 30 triệu người lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi dịch bệnh, tăng trưởng nhờ yếu tố tiêu dùng và đầu tư tư nhân chỉ là “giấc mơ ban trưa.”
Sau những tuyên bố to tát của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gói cứu trợ 63.000 tỷ đồng cho lao động bị mất việc làm, người nghèo và doanh nghiệp vừa và nhỏ có một kết quả cuối cùng như một sự châm biếm. Đối với doanh nghiệp, con đường để chạm tay vào các gói hỗ trợ thật không khác gì “bắc thang lên Trời.” Tuyệt đại đa số khối dân doanh không thể tiếp cận với bất cứ chính sách hỗ trợ nào. Việc giảm thuế thu nhập, tạm hoãn bảo hiểm, tử tuất chỉ là một trò hề.
Trong khi đó, với những dân nghèo, các lao động bị mất việc làm thì đa phần đều chỉ nhận tiền cứu trợ trên tivi mà thôi. Tiền cứu trợ phần lớn đã đi nhầm vào nhà quan chức từ cấp thôn, xã cho tới các cấp cao hơn. Khi bị báo chí phát hiện thì những con vật ký sinh trùng hai chân có thẻ đảng này chỉ xin “rút kinh nghiệm” và làm đơn trả lại tiền cứu trợ là xong. Chỉ là “nhầm lẫn” thôi mà!
Câu chuyện tận thu thuế “thu nhập cá nhân” các lao động của công ty Pouchen bị cắt giảm vì doanh nghiệp không có việc làm trong thời gian qua có lẽ là một ví dụ điển hình nhất cho tính “nhân văn” của một hệ thống cướp bóc nhà nước luôn vỗ ngực “do dân và vì dân.” Đợt cắt giảm lao động của doanh nghiệp này vào ngày 22 tháng Tám vừa qua là 2800 lao động. Ngoài chế độ bảo hiểm theo qui định, mỗi công nhân được công ty trợ cấp một tháng lương mỗi năm thâm niên công tác. Hơn 260 tỷ đồng trợ cấp đã được chi trả ngay trong một ngày cho người lao động cùng với sổ bảo hiểm.
Những công nhân có thâm niên cao nhận được 320 triệu đồng, mức trung bình là 40-60 triệu đồng. Mặc dù công ty đã đề nghị Cục Thuế thành Hồ không thu 10% thuế “thu nhập cá nhân” vào số tiền trợ cấp mất việc của người lao động nhưng không được chấp nhận. Cũng giống như hơn 5000 lao động bị cắt giảm trước đó, họ đều bị Cục Thuế khấu trừ thẳng 10% vào những đồng tiền trợ cấp mất việc này.
Việc “truy cùng thu tận” tới mức bất nhân này dù đã bị chính hệ thống báo chí “lề phải” lên tiếng nhưng không hề có mảy may tác động đến giới chức CS. Hệ thống thuế của nhà nước cộng sản chưa bao giờ sắt máu tanh tưởi như bây giờ. Ngoài việc nghĩ ra muôn vàn thứ thuế phí mới, việc “truy cùng, thu tận” được coi là “nhiệm vụ chính trị” của hệ thống này!
Nôn nóng mong muốn một bản thành tích kinh tế được tô hồng nhất có thể trong bối cảnh hiện nay, ông Phúc đã hối thúc tất cả các ban ngành, tỉnh thành tập trung vào thúc đẩy việc “đốt tiền thổi GDP,” giải ngân hết 700.000 tỷ vốn đầu tư công, kêu gọi mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục ngành du lịch nội địa. Kết quả chưa đi tới đâu thì việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và nhập cảnh trái phép đã gây ra đợt dịch lần thứ 2 ở Đà Nẵng vào tháng Bảy và lan rộng ra các tỉnh thành khác nhanh chóng. Sự trở lại của dịch cúm Tàu chấm dứt những hy vọng mong manh về sự phục hồi kinh tế.
Một yếu tố “nhạy cảm” khác mà giới chức cộng sản Việt Nam không nhắc đến là sự phụ thuộc chặt chẽ với Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư công. Hầu hết các dự án xây dựng, giao thông, năng lượng, khai mỏ …quan trọng ở Việt Nam đều do các nhà thầu Trung Quốc thực thi. Tiến độ của các dự án này không do giới chức Việt Nam có thể quyết định, giống như câu chuyện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Cho nên, muốn thúc đẩy đầu tư công thì có lẽ mỗi tỉnh thành lại phải xây thêm vài cái tượng ông Hồ, ốp đá hoa cương vài tuyến đường …để tăng GDP.
Sau rất nhiều những chỉ đạo “dọn ổ, đón đại bàng” của ông Phúc, không những chẳng có con “đại bàng” nào chịu về ngoài một vài con “gà mái già hết trứng.” Trung tuần tháng Tám, 2020, Apple đã quyết định lựa chọn Ấn Độ là điểm đến sau khi rời Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Một trong những lý do để Apple từ chối “cái ổ” của ông Phúc là vì “không có chỗ ở cho công nhân.”
Những tập đoàn xuyên quốc gia của xứ “tư bản dã man, bóc lột người lao động” lại quan tâm tới nhân quyền, tới nơi ăn chỗ ở cho người lao động trước khi quan tâm tới trình độ tay nghề. Trong khi đó, giới chức của “lực lượng tiên phong giai cấp công nhân” CSVN thì coi nhân quyền người lao động như “con c…” và chưa bao giờ quan tâm tới nơi ăn chốn ở không khác gì chuồng lợn ở những xóm trọ nghèo của các “ông chủ.”
Đó quả thực là một sự thực cay đắng. Sau khi nhân danh “đấu tranh vì hạnh phúc của Nhân dân,” những người cộng sản đã hiện thực hóa một xã hội nguyên mẫu “Trại súc vật” của George Orwell và người lao động Việt Nam quay trở lại “chế độ nô lệ mới.”
Như vậy, “năm mũi nhọn đột phá” mà ông Phúc đề ra rốt cục chỉ là câu chuyện showbiz chính trị rẻ tiền. Sẽ không có một phép lạ nào xảy ra cứu vãn cho cuộc sụp đổ toàn diện về kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp hai con số, nền kinh tế giảm phát, vỡ nợ quốc gia và hỗn loạn xã hội, những “thiên tài AQ” của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chỉ biết viết thêm nhiều khẩu hiệu và nghị quyết, xây thêm nhiều nhà tù để tống giam những nhà đấu tranh dân chủ và lao vào cắn xé nhau trong cuộc ăn chia cuối cùng trước khi rời khỏi con tàu đắm Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét