Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

3947 - Scandal ‘kiểu Phạm Phú Quốc'

Trân Văn


Nếu đảng công bố rộng rãi bản kê khai tài sản của các viên chức trong diện phải kê khai tài sản cho dân chúng giám sát và không vô hiệu hóa nỗ lực hình sự hóa những trường hợp “giàu có bất minh” nhằm truy cứu trách nhiệm tất cả những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc khối tài sản mà họ sở hữu, chắc chắn sẽ không có scandal Phạm Phú Quốc.

Chuyện ông Phạm Phú Quốc, Đại biểu Quốc hội, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bỏ ra 2,5 triệu Mỹ kim để nhận quốc tịch của Cyprus chỉ là một trong những trường hợp người Việt bị mất… cả chì lẫn chài, kể cả khi Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bỏ phiếu bãi nhiệm ông Quốc vì “thủ đắc song tịch”, chính quyền TP.HCM cách chức Tổng Giám đốc IPC của ông vì lý do nào đó sắp sửa… tìm ra.

Bất kể thế nào thì 2,5 triệu Mỹ kim mà ông Quốc đã chi cho Cyprus để nhận quốc tịch của hòn đảo này vẫn nằm trong ngân khố của… Cyprus. Tiểu sử của ông Quốc cho thấy ông là viên chức được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lựa chọn để điều hành các doanh nghiệp của nhà nước (DNNN) trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân.

Về lý thuyết, những công việc ấy không thể giúp tạo ra 2,5 triệu Mỹ kim để dùng vào việc “mua” quốc tịch Cyprus. Khoản 2,5 triệu Mỹ kim đó kết tinh từ… hiệu quả hoạt động của hệ thống DNNN mà ông Quốc tham gia điều hành và từ quá trình… chuyển hóa công thổ, công thự, công sản cho tư nhân để giảm nợ, cắt lỗ của hệ thống này, giúp quốc gia khỏi phá sản.

Lẽ ra 2,5 triệu Mỹ kim ấy phải được chuyển tới các công trình phúc lợi công cộng để trẻ con khỏi phải học ca ba. Hai, ba bệnh nhân khỏi phải chia nhau một cái giường hay nằm vạ vật ngoài hành lang bệnh viện khi cần chữa bệnh. Người tàn tật, người già được trợ cấp, không phải phơi nắng, đội mưa để mưu sinh. Người nghèo, người thất nghiệp không vất vưởng, vạ vật ở đầu đường, xó chợ…

Nói cách khác, những khoản tiền như khoản 2,5 triệu Mỹ kim mà ông Quốc kiếm được và đã chi để mua quốc tịch Cyprus ấy, đã cũng như đang và sẽ còn là lý do khiến dân lành đổ nhiều mồ hôi, nước mắt hơn nhưng tương lai của cả họ lẫn con cháu bấp bênh, nhiều rủi ro hơn.

Bãi nhiệm, cách chức ông Quốc chỉ là biện pháp đối phó với tình thế, không phải là giải pháp để thực hiện cam kết “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như thiên hạ. Tuy nhiên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ muốn dùng biện pháp giải quyết tình thế chứ không thích, không chọn những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Thành ra mới có…Phạm Phú Quốcn.

Cách nay hai tháng, Bộ Công an công bố quyết định khởi tố bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vì đã chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm TP.HCM gây thiệt hại cho công quỹ chừng… vài ngàn tỉ đồng. Quyết định khởi tố vừa kể được công bố cùng lúc với quyết định… đình chỉ điều tra bị can Hồ Thị Kim Thoa vì bà đã… xuất ngoại.

Chẳng ai biết kết quả truy nã sẽ thế nào nhưng giả sử cảnh sát quốc gia nào đó đồng ý bắt giữ bà Thoa theo đề nghị của Bộ Công an Việt Nam và bàn giao bà cho Việt Nam xét xử thì gia đình bà vẫn cứ là chủ Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) và Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) – hai công ty vốn là DNNN được… giải tư cho bà và thân nhân.

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ thắc mắc, tại sao bà Thoa và thân nhân có cả ngàn tỉ đồng để thâu tóm cổ phiếu của DQC và RDP. Với đảng, chuyện những đảng viên như bà Thoa giàu có bất thường không phải là chuyện lớn, thành ra năm 2017, đảng chỉ… cảnh cáo bà Thoa vì bà dính líu đến sự thăng tiến bất thường của Trịnh Xuân Thanh.

Có thể vì bà Thoa biết điều, chủ động xin từ chức (3) nên đảng chủ động bỏ qua tất cả những lỗi lầm đã được phát giác trước đó như: Vi phạm đủ thứ trong định giá DQC để giải tư, chuyển nhượng cổ phần của DQC, tùy tiện chuyển nhượng 4.000 mét vuông đất ở quận 4, TP.HCM.

Ba năm sau, từ chuyện phải xứ lý sai phạm trong quản lý công thổ của môt số viên chức hữu trách ở TP.HCM, Bộ Công an mới thấy xử lý theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” không ổn và quyết định phải truy cứu trách nhiệm của bà Thoa thì bà đã ra nước ngoài định cư, gầy dựng lại sự nghiệp bằng mớ tài sản vắt từ mồ hôi, nước mắt người dân lành thưở bà cùng đảng… phục vụ họ. Xét cho đến cùng, bà Thoa có khác gì ông Quốc?

Không biết ông Quốc có đề cập tới khối tài sản khổng lồ, đủ để trích nộp 2,5 triệu Mỹ kim cho Cyprus trong Bản Kê khai tài sản mà ông đã nộp cho đảng hay không. Nhiều phần là có vì điều đó sẽ giúp ông bảo đảm yếu tố… trung thực. Trường hợp ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và trường hợp ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng là hai bài học đáng giá cho những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản như ông Quốc.

Năm 2014, “kẻ xấu” nào đó đã tiết lộ Bản Kê khai tài sản mà ông Khánh nộp cho đảng: Sở hữu hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh, 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện, chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB.

May cho ông Khánh là ông đã kê khai… trung thực nên đảng chỉ chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung truy tìm… “kẻ xấu”. Bởi đảng không bận tâm đến chuyện vì sao ông Khánh – một Thanh tra viên cao cấp lại giàu có đến như vậy nên ông Khánh tiếp tục được đảng tín nhiệm, tiếp tục lãnh đạo lực lượng chống tham nhũng cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2018.

Năm 2017, tới lượt ông Thơ bị “kẻ xấu” hãm hại theo cùng một cách - tiết lộ Bản Kê khai tài sản mà ông Thơ nộp cho đảng: Chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Chưa kể còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý.

May cho ông Thơ là ông cũng kê khai… trung thực, còn đảng vẫn… kiên định trong đường lối về xem xét tài sản viên chức nên không để “kể xấu” dẫn dụ theo hướng, truy vấn vì sao ông Thơ giàu đến thế, đảng chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ “bị lọt ra ngoài”.

Năm 2018, trước tình trạng càng ngày càng nhiều người, kể cả cán bộ lão thành đề nghị nên công bố các Bản Kê khai tài sản của những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản cho nhân dân giám sát giống như thiên hạ, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, từ chối thẳng thừng vì đó là vấn đề rất khó, nhạy cảm do liên quan đến các quyền về đời tư của viên chức.

Dẫu liên tục khẳng định, chống tham nhũng là nỗ lực không có vùng cấm, không chấp nhận ngoại lệ nhưng đảng vẫn giành và giữ quyền bảo mật thông tin về tài sản của những viên chức trong cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền. Nói cách khác, tuy tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật nhưng quyền về đời tư của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn cao hơn quyền được biết, được bàn, được kiểm tra của công dân mà đảng vẫn xiển dương và thề tôn trọng!

Nếu Bản Kê khai tài sản của ông Quốc được bạch hóa cho dân chúng giám sát và ông… trung thực trong việc kê khai tài sản mà ông thủ đắc, có lẽ “ta” đã không bị Al Jazeera đẩy vào thế kẹt. Còn nếu ông giấu diếm thì với sự giám sát của nhân dân, chính họ sẽ chỉ cho đảng thấy ông thiếu trung thực ra sao. Tuy nhiên bất kể thế nào, ông Quốc có trung thực hay không thì từ đồng chí tới đồng bào đều không có quyền chất vấn tại sao ông giàu và cũng chẳng ai có quyền buộc ông phải nộp lại những tài sản mà ông không thể giải trình minh bạch về nguồn gốc.

Tham nhũng không phải là vấn nạn mới và không chỉ là vấn nạn của riêng Việt Nam. Cũng vì vậy, ngăn ngừa – tiêu diệt tham nhũng là một trong những nỗ lực có tính chất toàn cầu, thành ra mới có Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC). UNCAC giống như đại lộ để thiên hạ hợp lực ngăn ngừa – diệt trừ tham nhũng nhưng đảng không muốn đồng hành cùng thiên hạ trên đại lộ đó.

Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ gợi ý và giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội “làm giàu bất chính” theo tinh thần UNCAC nhằm truy tố những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc.

Tuy nhiên Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi “làm giàu bất chính” là tội phạm khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015 vào năm 2017. Nhờ vậy, những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản như ông Ngô Văn Khánh, ông Huỳnh Đức Thơ, bà Hồ Thị Kim Thoa,… vẫn vô sự nếu… “kê khai trung thực”!

Cuối năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một ước đoán, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỉ. Do vậy, người ta tiếp tục nuôi hy vọng, khi sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, Việt Nam sẽ đặt định giải pháp để xử lý những viên chức giàu có bất minh nhưng không may, Bộ Chính trị rồi Quốc hội dứt khoát lắc đầu.

Tháng 11 năm 2018, đa số đại biểu Quốc hội… nhất trí gạt bỏ toàn bộ những đề nghị xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc ra khỏi Luật Phòng – chống tham nhũng mới. Scandal Phạm Phú Quốc giúp lý giải tại sao những người đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân lại hành xử khó hiểu như vậy!

Đảng đang lựa chọn một số cá nhân để sắp đặt làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương trong năm năm sắp tới. Giống như cách nay năm năm, ông Trọng lại thay mặt đảng thề: Không để lọt cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc.

Ông Khánh, ông Thơ, bà Thoa,… đều đã được xác định là những người… trung thực trong… kê khai tài sản. Khối tài sản kếch xù của họ chẳng lẽ không phải là biểu hiện giàu nhanh và… đều có… nguồn gốc hợp pháp? Đảng chưa kết luận nên chưa biết ông Quốc có… trung thực trong kê khai tài sản hay không nhưng ông Quốc cũng là một người được đảng chọn mặt gửi vàng!

Nếu đảng tiếp tục bảo mật, từ chối công bố Bản Kê khai tài sản của những viên chức được đảng qui hoạch làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương để bảo vệ quyền về đời tư của những cá nhân này thì những scandal kiểu Phạm Phú Quốc sẽ còn khuấy động dư luận nhiều lần. Với các diễn biến càng lúc càng phức tạp về sắp đặt nhân sự cho nhiệm kỳ tới, không thể loại trừ khả năng Bản Kê khai tài sản của những người được đảng chọn vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ đảng bị phơi ra cho công chúng ngắm để cùng rụng rời vì khối tài sản của nhiều người đạt mức một vài ngàn tỉ. Không tin? Cứ chờ, thế nào cũng còn lắm chuyện rất hay…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét