Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

4006 - Nguyễn Đức Chung và ‘họa anh hùng’

Trân Văn


Sự kiện ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Chủ tịch thành phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bị tạm giam hôm 28 tháng 8 vì “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” đã tô vẽ thêm cho đại họa về… “anh hùng”.

Ông Chung trở thành “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2004 và từ đó thăng tiến không ngừng: Phó Giám đốc, Giám đốc Công an Hà Nội, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội…

Theo những thông tin do Bộ Công an công bố hồi cuối tuần trước, ngoài vụ án vừa kể, dường như, ông Chung sẽ còn bị khởi tố để điều tra thêm về một số hành vi phạm tội nữa vì là đồng phạm trong ba vụ án khác.

Vụ án thứ nhất “Vi phạm quy định về kế toán - rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Vụ án thứ hai: “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng - rửa tiền. Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở KH-ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Vụ án thứ ba: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Hà Nội.

Trên thực tế, cả công luận lẫn công chúng đã đề cập đến việc ông Chung có dấu hiệu phạm nhiều tội từ lâu, ít nhất là từ giữa thập niên 2010, khi Công ty Nhật Cường đột nhiên được chọn làm nhà thầu cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho việc thực hiện kế hoạch quản trị - điều hành ở Hà Nội bằng mạng máy tính. Hay khi Công ty Arktic trở thành doanh nghiệp độc quyền cung cấp RedOxy-3C (sản phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước) cho Hà Nội.

Tuy nhiên ông Chung vẫn… vô sự như ông Phan Văn Vĩnh – một “anh hùng” khác của “các lực lượng vũ trang nhân dân” ... Ông Vĩnh trở thành “anh hùng” trước ông Chung vài năm và giống như ông Chung, ông Vĩnh thăng tiến không ngừng bất kể điều tiếng: Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, Thiếu tướng Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Trung tướng Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát,…

Một năm sau khi nghỉ hưu, “anh hùng” Phan Văn Vĩnh mới bị khởi tố rồi bị tống giam với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - bày ra, sắp đặt để Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) tổ chức đánh bạc qua mạng Internet trên phạm vi toàn quốc. Thêm một năm nữa sau khi bị phạt chín năm tù vì tội vừa kể, ông Vĩnh bị khởi tố thêm tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

Cho đến bây giờ, bảy năm sau khi ông Vĩnh ra lệnh bán vật chứng (615 khối gỗ trắc) của một “vụ án buôn lậu”, hệ thống tư pháp vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả của quyết định càn rỡ ấy vì tòa xác định, các bị cáo chỉ buôn chứ không… lậu!

Ngoài những cá nhân… “anh hùng” đã xộ khám, Việt Nam còn có những tập thể… “anh hùng”. Nhìn một cách tổng quát, số “anh hùng” cá nhân hay “anh hùng” tập thể phá hơn… giặc càng ngày càng nhiều!

Sau khi xảy ra vụ thảm sát tại bãi đá Gạc Ma và để mất thêm hàng loạt bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa, năm 1989, quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam được phong tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân”. Tuy được phong tặng danh hiệu được xem là cao quý này sau hải quân hàng chục năm nhưng sau hàng chục vụ tai nạn xảy ra đối với các phi cơ quân sự. đến 2010, quân chủng Phòng không – Không quân cũng trở thành “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm ngoái và năm nay, hai quân chủng “anh hùng” này nổi như cồn vì thi nhau bán công thự, công thổ, chỉ đạo tham gia các chương trình liên kết, liên doanh “trời ơi, đất hỡi”... Các Tư lệnh của quân chủng phòng không – không quân và hải quân người thì bị cách chức (Thượng tướng Phương Minh Hòa), người thì bị phạt tù (Đô đốc Nguyễn Văn Hiến), toàn bộ Ban Thường vụ Đảng ủy của các quân chủng phòng không – không quân, hải quân cũng bị xử lý kỷ luật.

Bên cạnh những “Anh hùng các lực lượng vũ trang”, những cá nhân, tập thể là… “Anh hùng lao động” cũng y như thế. Ông Trương Văn Tuyến, Tổng Giám đốc VINASHIN, “Anh hùng lao động” đầu tiên của ngành dầu khí bị truy tố vì “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trở thành tập thể “Anh hùng lao động” năm 2011 và phá sản vì thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.

Ê ẩm vì PVC tập thể “Anh hùng lao động” và Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải thu hồi danh hiệu “Anh hùng lao động” của PVC và “Huân chương Lao động” đã cấp cho ông Thanh .

Việc tước danh hiệu “anh hùng” dẫu hi hữu nhưng không phải là chưa có tiền lệ. Năm 2014, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã từng tước danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” của ông Hồ Xuân Mãn.

Ông Mãn được tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” năm 2010 lúc đang là Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cựu chiến binh là đồng đội của ông Mãn mất bốn năm gặp gỡ nhiều người, tố cáo với nhiều nơi, rằng ông Mãn – điển hình của việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên toàn quốc – “khai man thành tích” và được cả tổ chức đảng lẫn hệ thống công quyền tiếp sức để trở thành… “anh hùng” giả!

Cuối cùng, do có rất nhiều nhân chứng còn sống, nhiều tài liệu còn được lưu giữ cẩn thận, cả đảng và nhà nước phải nhìn nhận ông Mãn đã… man khai. Trong 17 thành tích mà ông Mãn liệt kê và được tổ chức đảng cũng như hệ thống công quyền ở Huế xác nhận, chỉ có 2/17 là đúng. Tuy nhiên một trong hai không được đồng đội của chính ông Mãn đồng tình xem là thành tích…

Năm 1972, khi còn là du kích, ông Mãn đã xả súng vào một đám giỗ ở ấp Phò Ninh (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để giết Trưởng ấp. Tuy vụ xả súng vào đám giỗ - có cả ông nội của ông Mãn ngồi tại đó - giết được Trưởng ấp nhưng làm chín thường dân (bao gồm ba đứa trẻ) mất mạng, tám người bị thương và toàn bộ nạn nhân không phải bà con thì cũng là hàng xóm nhưng lúc báo công, ông Mãn vẫn xếp toàn bộ nạn nhân vào loại ác ôn, có… nợ máu với nhân dân.

Chẳng rõ trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng, có nơi đâu, thời nào, “anh hùng” liên tục gieo rắc đại họa cho dân lành như lúc này ở Việt Nam. “Anh hùng” từ đâu mà ra và vì sao lại thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét