Cho dù ta có đi đâu xa, hình ảnh xóm làng xưa cũ một lúc nào đó bỗng chốc hiện về làm lòng ta dâng trào cảm xúc, nhất là khi nghe ai đó nhắc đến đúng cái nơi ta sinh ra và lớn lên.
Trong lúc tìm tư liệu cho bài viết Hoà Hưng và đình Chí Hoà, nơi gia đình tôi cư ngụ thuở nhỏ, tôi bắt gặp bài viết ghi chép lại lịch sử và giai đoạn hình thành nhà thờ Hoà Hưng trong trang mạng Giáo xứ Hoà Hưng. “Vào những năm từ 1940-1943, có một số người từ miền Bắc vào miền Nam sinh sống, thì có một nhóm người đến định cư ở hẻm 19 đường Verdun (nay là hẻm 521 đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10). Con hẻm này nằm song song với đường Tô Hiến Thành, cách đường Tô Hiến Thành độ 150m (đường Tô Hiến Thành lúc đó là đường Milice)”.
Hẻm 521 gắn liền với tuổi thơ của tôi, từ khi ba má tôi về đây sinh sống trong một khu xóm cuối hẻm mà người dân quanh vùng vẫn gọi theo cái tên khi xóm nhỏ hình thành “xóm nhà cháy”. Xóm nhà cháy chỉ là một phần dân cư rất nhỏ được phân lô gọn gàng trong khu vực Hoà Hưng. Từ khi tôi hiểu chuyện chỉ nghe người ta gọi tên như thế, chứ ít ai biết khi xưa nó là hẻm 19. Việc thay đổi tên của một con hẻm hay một cái đình, ngôi chùa, thậm chí một địa danh do phân định lại ranh giới hành chánh qua các thời kỳ vẫn là chuyện thường xảy ra khắp nơi không riêng gì làng Hoà Hưng hay làng Chí Hoà nơi tôi sinh ra và lớn lên đến lúc trưởng thành.
Khi đọc qua lịch sử giáo xứ Hoà Hưng, tự nhiên những hình ảnh từ thuở ấu thơ trong tôi lần lượt hiện về. Với tôi cái tên Hoà Hưng nghe êm tai và có ý nghĩa hơn tên Chí Hoà. Vả lại địa phận Hoà Hưng hình thành từ rất lâu đời, còn Chí Hoà theo tôi chỉ xuất hiện sau khi được sát nhập thôn làng vào nhau từ thời Tự Ðức. Chuyện xa xưa, không biết thế nào, tôi không dám bàn tới. Nhưng tên Chí Hoà thì cho cảm giác nghe lạnh người hơn dù rằng chuyện thất thủ tại đồn Chí Hoà trong trận chiến với thực dân Pháp đã đi vào lịch sử (Pháp đọc trại thành Kỳ Hoà). Nhưng dẫu sao thì địa danh Hoà Hưng vẫn còn lưu truyền trong dân gian cho đến tận bây giờ.
Trở lại thuở những người Bắc di cư đến Hoà Hưng sinh sống. Những người này hầu hết làm nghề xây dựng, họ là thợ hồ, thợ sắt, thợ cốt pha và lao động tổng quát, họ ở đây là gần nơi họ làm, vì khi ấy công trình khám Chí Hoà và công trình trường tiểu học Chí Hoà đang xây dựng. Trong nhóm người này, có khoảng trên dưới 40 gia đình là người Công giáo. Có lẽ đây là câu trả lời thắc mắc của tôi khi còn thuở nhỏ. Sao khu xóm mình lại có người Bắc sống xen kẽ với người miền Nam?
Thật là ấu trĩ! Những người Bắc di cư đến Hoà Hưng sinh sống đã có từ trước, sau này vào đầu thập niên 1950 khi đó một ít người miền Trung và rất nhiều người miền Tây ở các tỉnh tản cư hoặc di dân về đây sinh sống, trong đó có gia đình ông Nội của tôi, do ông được bổ nhiệm làm cai đội giám thị nhà lao Chí Hoà. Còn gia đình ba má tôi về xóm nhà cháy từ đầu năm 1960 khi ông phục vụ ở Biệt khu Thủ Ðô (thành Lê Văn Duyệt). Thuở những người miền Bắc vào đây lập nghiệp, vùng đất này còn thưa thớt dân cư, khắp nơi là ruộng rẫy ao đầm và cách khoảng vài chỗ lại có dăm ba cái nghĩa địa của người Chà Và và người Việt, trong đó nghĩa địa Chí Hòa có diện tích khá lớn. Và đó cũng là ranh giới phía Tây của làng Hoà Hưng được mở rộng thêm từ sau năm 1920 khi thành lập quận 3.
Vào thời gian này, tôi cũng như đám bạn cùng xóm trên xóm dưới lớn nhỏ đều theo học trường tiểu học Chí Hoà. Lúc này, trường Chí Hoà đã được xây thêm dãy lớp học hai tầng hình chữ U bao quanh ba dãy lớp trệt đã có vào thời gian đầu xây dựng. Ðiểm dễ nhận biết là các dãy lớp cũ tường vách có tô điểm hoa văn bắt chỉ, trong khi khối nhà hai tầng mang dáng dấp kiến trúc giản đơn. Trường có đến ba cổng chánh mở ra ba hướng. Nhưng điều đặc biệt nhất chính là vị trí của trường, nằm lọt thỏm trong nhiều khu dân cư đông đúc, nối thông nhau bằng những con hẻm chi chít ngoằn ngoèo từ xóm này sang xóm khác, dẫn ra các đường lớn Hoà Hưng, Lê Văn Duyệt và Tô Hiến Thành.
Chính vì trường có ba cổng ra vô, trong những năm tiểu học tôi tha hồ muốn vào ra cổng nào cũng được. Nhờ đó mà tôi “khám phá” ra thêm những con hẻm từ nhỏ tới lớn, đường ngang ngõ tắt thông ra cả một khu vực rộng lớn. Tất nhiên chuyện này má tôi không biết. Thỉnh thoảng bà hỏi, sao hôm nay đi học về trễ vậy, nhớ đừng có la cà, tụm năm tụm ba đi chơi lung tung. Hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ má tôi suốt ngày lo buôn bán ở chợ Hoà Hưng, kiếm từng đồng nuôi ăn nuôi học cho đàn con đông đúc. Ngôi chợ này gắn bó với má tôi gần suốt cuộc đời khi đặt chân lên đất Sài Gòn. Và cũng chính nhờ vậy mà mỗi khi phụ bà vài việc giao hàng, tôi lại biết thêm nhiều con hẻm khác mở rộng xa hơn đến các khu gia binh quanh các trại lính trên đường Tô Hiến Thành, Bắc Hải, rồi băng qua đường Lê Văn Duyệt; biết thêm nhiều khu xóm nhà sàn bên depot xe lửa Chí Hoà, xóm ga, xóm mả của giáo xứ Hoà Hưng nằm khiêm tốn bên nghĩa địa Chà Và; phía hông chợ Hoà Hưng thông qua xóm vườn tre nơi có mấy nhà đánh xe thổ mộ. Nói chung là cả làng Hoà Hưng rộng lớn thuở xưa mà khoảng thời gian này trở thành phường Chí Hoà khi thành lập quận 10 (1969).
Nói đến nghĩa địa của giáo xứ Hoà Hưng thì trong ghi chép lịch sử hình thành nhà thờ Hoà Hưng có nhắc đến chuyện mua mảnh đất nhỏ làm nghĩa trang lo cho giáo dân có mồ yên mả đẹp để con chiên yên tâm phụng thờ Ðức Chúa. Nói đúng ra, trước kia khi chưa có nhà thờ Hoà Hưng bà con giáo dân trong vùng đi nhà thờ Chí Hoà. Nhà thờ Chí Hoà cách Hoà Hưng chừng 2 cây số, giáp ranh giữa Ðô Thành Sài Gòn và tỉnh Gia Ðịnh, dân cư thưa thớt. Vào mùa mưa, sáng đi lễ phải qua nghĩa địa Ðô Thành, nổi tiếng là nhiều ma (nay là công viên Lê Thị Riêng) và con đường từ đường Verdun vào nhà thờ Chí Hoà (sau là đường Ðất Thánh) là đường đất lầy lội. Cho nên việc xây cất một nhà thờ ở Hoà Hưng là điều cần thiết.
Trang mạng Giáo xứ Hoà Hưng có ghi: “Hơn hai tháng sau, Cha Thiên về Hoà Hưng tìm chỗ để cất nhà thờ. Sau nhiều lần đi lại Cha đã chọn được chỗ là nơi nhà thờ Hoà Hưng hiện nay. Nơi này khi ấy là nhà của bà Ơn, hai gian nhà lá, có chái hai bên, xung quanh nhà đất rất rộng. Khi Cha đến hỏi mua nhà để có chỗ làm nhà thờ thì bà bằng lòng ngay và rất mừng vì bà là gia đình có đạo. Sau đó Cha mua thêm một cái nhà nữa, nhà của bà người Hoa làm tiệm “chạp phô” (bán muối, nước mắm, nước tương, hành, tỏi, bánh kẹo…) Cha cho sửa cái nhà của bà Ơn lại, tạm làm nhà nguyện và một tháng Cha mới về làm lễ một lần.” Lần hồi, nhà thờ mua thêm mấy chục căn nhà lụp xụp quanh đó, mở rộng thêm, xây dựng lại nhà thờ, và cất thêm trường tư thục Thánh Tâm ba tầng bằng bê tông cốt thép.
Ðến đây, nhớ lại mấy tháng Hè năm lớp tư tôi có dịp theo học tại ngôi trường này. Lớp miễn phí nhưng cam kết không được bỏ giờ giáo lý mặc dù gia đình tôi là người ngoại đạo. Số là những ngày nghỉ Hè, tôi vẫn thường cùng đám bạn trong xóm vui chơi đủ các trò từ nhỏ đến lớn. Nhẹ nhàng thì xách rổ đi vớt cá rô, cá sặt trôi theo dòng nước ngập tràn trên đường Tô Hiến Thành mỗi khi trời mưa lớn, đá cá lia thia, thả diều, bắn bi… Mạnh bạo hơn thì chơi trò đánh trận giả, tạt lon, bông vụ, nhảy dây, đá banh. Trẻ con hiếu động ham chơi là chuyện thường ngày. Tiếc rằng xóm giềng thì nhỏ bé loanh quanh vài ba con hẻm, nhà cửa san sát, có chỗ nào cho bọn con nít vui chơi. Một lần đá banh cùng đám bạn, tôi sút trái banh nhựa nhẹ tơn ấy vậy mà nó bay cái vèo đập vào mái ngói nhà ông Mười tưng xuống trúng bàn thờ ông Thiên làm rớt bình bông bể nát. Ông Mười giận lắm, đến nhà mắng vốn má tôi. Hên là ba tôi không có ở nhà, không thì tôi chắc phải bị phạt đòn roi vào đít.
Chuyện xưa cũ lắm rồi, những người bạn nhỏ của tôi nay thành ông thành bà. Có người còn ở lại, có người đã rời xa xóm nhỏ. Và đâu đó có người ngồi nhớ về kỷ niệm ngày xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét