Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

3918 - Trung Quốc vẫn ‘nói một đàng, làm một nẻo’ - lựa chọn nào cho Việt Nam?

Diễm Thi RFA 


Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 năm 2014.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 năm 2014. Ảnh AFP


Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thể hiện quan điểm cứng rắn ở Biển Đông, Trung Quốc tìm cách lôi kéo các nước ASEAN qua chiêu bài cùng thảo luận về vấn đề Biển Đông. Theo thông tin từ South China Morning Post hôm 24 tháng 8, nhiều nhà ngoại giao ASEAN cho rằng mục đích của Trung Quốc là giữ các láng giềng châu Á bên mình và đẩy Mỹ ra khỏi vấn đề Biển Đông.

Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 20 tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để đảm bảo sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đồng thời với kêu gọi đàm phán với lãnh đạo 10 nước ASEAN, Bắc Kinh vẫn tiếp tục có những động thái bị cho là hung hăng trên Biển Đông, như quân đội nước này đang tổ chức cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông từ ngày 24 tháng 8 sang đến tháng 9, và đang chuẩn bị một cuộc tập trận khác ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Riêng với Việt Nam, vào dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 7 năm 2020, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc - có bài viết nhan đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Tác giả ca ngợi chính sách láng giềng hữu nghị lâu dài của Trung Quốc với Việt Nam và kết luận rằng, thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo”. Điều này không có gì lạ vì đó là bản chất của lãnh đạo Bắc Kinh từ bao đời nay, như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A:

“Tôi nghĩ việc Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo; nó vừa đấm vừa xoa là chuyện cổ như trái đất này. Từ thời cổ xưa, thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình nó vẫn thế. Không có gì lạ. Mà không chỉ với Việt Nam, với toàn thế giới nó đều như thế.”

Người Việt Nam từ nhiều năm nay không tin Trung Quốc là láng giềng tốt như phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt mà lãnh đạo hai nước tuyên bố. Điều này được thể hiện rõ hơn với các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ khắp cả nước vào năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ công bố hôm 14 tháng 7 năm 2015 cho thấy tại Việt Nam 60% những người được hỏi cho biết họ ‘hết sức lo ngại’ về tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Mới hôm 20 tháng 8, Trung Quốc xả lũ trên sông Hồng nhưng không cho Việt Nam biết thông số cụ thể. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho Việt Nam trong việc ứng phó.

Theo nhận định chung của rất nhiều người dân Việt Nam, nếu Trung Quốc coi trọng mối quan hệ bạn bè, láng giềng với Việt Nam thì họ đã không có những cư xử trên biển như vậy. Một khi Trung Quốc cư xử với Việt Nam như vậy thì phía Việt Nam coi Trung Quốc là bạn hay là thù?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến dự tiệc chào mừng Diễn đàn Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viên chủ trì tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26 tháng 4 năm 2019.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến dự tiệc chào mừng Diễn đàn Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viên chủ trì tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26 tháng 4 năm 2019. Reuters

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng, vấn đề xác định bạn - thù của Việt Nam hiện nay so với trước đây thì phải nói rằng rất khó có câu trả lời. Ông giải thích:

“Trong Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1980 chỉ rõ kẻ thù trực tiếp trước mắt là bọn diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary ở biên giới phía Tây Nam và bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Việt Nam xác định bạn-thù rất rõ ràng. Đến Hiến pháp năm 2013 thì không đặt ra vấn đề bạn-thù mà chỉ nói đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước CHXHCNVN.

Vấn đề bạn - thù về lý thuyết thì hiện nay Việt Nam không tuyên bố ai là kẻ thù của mình, vì Việt Nam vẫn muốn làm bạn với tất cả các nước. Nhưng nếu là bạn, là láng giềng như Trung Quốc thì không ức hiếp Việt Nam, không chiếm đảo của Việt Nam, không lấn biển của Việt Nam, không gây sức ép bằng giàn khoan, bằng Hải dương địa chất…

Vậy thì nhân dân đã phân biệt rất rõ Trung Quốc là kẻ thù. Trung Quốc không thể nào là bạn.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, từ vài năm qua, những câu chữ như ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ không còn xuất hiện trên mặt báo hay trong các phát biểu của lãnh đạo hai nước nữa. Không còn tập đoàn phản động Bắc Kinh, mà cũng không còn người bạn chí tình XHCN của Việt Nam nữa. Đối với Trung Quốc hiện nay, Việt Nam xác định vừa là đối tác, vừa là đối trọng.

Đối tác tức là hợp tác làm ăn, buôn bán, hữu nghị. Đối trọng là đấu tranh trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và vấn đề Biển Đông.

Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, vào năm 2014 cũng phát biểu rằng, quan điểm của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông và Trung Quốc là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay với lãnh đạo Hà Nội:

“Tôi không biết lãnh đạo Việt Nam bây giờ họ nghĩ gì và họ đánh giá thế nào. Nhưng từ những việc làm của họ thì mình có thể suy ra rằng họ cũng đánh giá không khác nhiều người Việt Nam bình thường lắm đâu. Cái thế của họ rất là khó khăn bới mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc (cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác) là một mối quan hệ rất là tế nhị và khó. Trong một mớ bòng bong và một mạng lưới như thế thì họ cố làm sao để giữa cho được sự cân bằng tốt nhất.

Nhưng theo tôi, trong thâm tâm của họ thì họ cũng coi Trung Quốc là kẻ thù số một của Việt Nam.”

Ông Nguyễn Quang A nói thêm rằng, đối với một kẻ thù có chung đường biên giới trên bộ và trên biển lớn như Trung Quốc, thêm vào đó là mối quan hệ gần như bị Trung Quốc mua chuộc của Lào và Campuchia, thì Việt Nam bị bao vây tứ bề. Nếu lãnh đạo Việt Nam không khôn khéo có thể dẫn đến sự tổn hại rất nguy hiểm.

Hồi tháng 4 năm  nay, Chính phủ Trung Quốc thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý "Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa" - cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc từ hàng ngàn năm qua trải qua nhiều thăng trầm. Trung Quốc luôn muốn Việt Nam phải thần phục mình và coi Việt Nam là một nước chư hầu. Việt Nam có lúc thần phục, nhưng cũng có lúc lại liên minh với Liên Xô để đối đầu lại Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của lãnh đạo Việt Nam hiện nay được công khai là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét