Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

3540 - Bản tin ngày 1-8-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Vụ Bắc Kinh thay đổi từ ngữ trong quy định hàng hải của TQ để xác định vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của VN ở Biển Đông là khu vực điều hướng “gần bờ” thay vì “xa bờ”, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Động thái mới của Trung Quốc nhằm gia tăng kiểm soát Biển Đông? Sự thay đổi này xuất hiện trong phiên bản sửa đổi của một quy định được soạn thảo năm 1974, liên quan đến những quy tắc kiểm tra các tàu đi biển, có hiệu lực từ hôm nay.
TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore bình luận, diễn biến này “không gây bất ngờ, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông báo lập quận hành chính đối với Hoàng Sa và Trường Sa”, cùng với vụ Bắc Kinh xác lập khu vực điều hướng hàng hải có phạm vi giới hạn từ 2 điểm trên đảo Hải Nam đến 3 điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa. 
Nhà nghiên cứu Đặng Sơn Duân viết: Trung Quốc tập trận uy hiếp Đài Loan, cuộc chiến công hàm. Theo ông Duân, khu vực mà các máy bay ném bom TQ sử dụng để thực tập oanh tạc “khả năng cao là khu vực mục tiêu chính là khu vực Trung Quốc đã khoanh vùng để tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu”, nghĩa là phía đông vịnh Bắc Bộ.
Ông Duân bình luận: “Hoạt động cất cánh của oanh tạc cơ H-6 tại căn cứ Lỗi Dương và khu vực mục tiêu ở phía tây bán đảo Lôi Châu cho phép tôi rút ra kết luận quan trọng: Trung Quốc đã huấn luyện oanh tạc để tấn công quần đảo Pratas (Đông Sa) hoặc Đài Loan hoặc cả hai”.
Zing đưa tin: Đại sứ Trung Quốc – Australia tranh cãi về Biển Đông trên Twitter. Đại sứ Australia tại Ấn Độ, ông Barry O’Farrell nói rằng, Australia “quan ngại sâu sắc” về các hành động gây bất ổn và có thể dẫn đến leo thang căng thẳng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đại sứ Barry O’Farrell gửi thông điệp tới Đại sứ TQ tại Ấn Độ, Tôn Vệ Đông: “Cảm ơn Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ. Tôi hy vọng bạn tuân thủ phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng tài, vốn là kết luận cuối cùng và mang tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế, cũng như nên kiềm chế các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng nói chung”.
Đáp lại, họ Tôn thẳng thừng bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague, nói phán quyết “trái luật” và “không có hiệu lực ràng buộc”, là quan điểm mà Bắc Kinh đã và đang theo đuổi ở Biển Đông.
Cập nhật tin người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vừa bắt giữ 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ tố giác của một phụ nữ, theo báo Dân Trí. Một phụ nữ ở xã Hải Đông, TP Móng Cái, trong lúc đang khai thác thủy sản ở bãi biển đã phát hiện một tàu lạ chở người vào đất liền, nên báo công an.
Công an TP Móng Cái vào cuộc, truy bắt nhóm người trên. Cả 6 người trên tàu đều là công dân Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Móng Cái. Những người này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ cùng chủ tàu, lái xe taxi tham gia vận chuyển.


Nhóm người TQ vừa nhập cảnh trái phép vào TP Móng Cái. Ảnh: QN/DT

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Bộ Quốc phòng ngày 31/7, Thiếu tướng Lê Văn Phúc thống kê, lực lượng biên phòng đã ngăn chặn 16.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Phúc cho biết, “trong số những người bị bắt có những người cố tình trốn cách ly bằng cách chui gầm xe, trốn trong các kiện hàng. Số người nước ngoài thì tìm cách móc nối thông qua mạng xã hội, qua cư dân làm ăn bên kia biên giới, thuê người Việt Nam đưa đường”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ đội biên phòng cũng thừa nhận, đường biên giới đất liền VN dài trên 5.000 km nên 1.600 tổ, chốt với khoảng 7.000 lính biên phòng bám biên là khá mỏng. Tội phạm tổ chức theo dõi cán bộ, “thấy chỗ nào sơ hở là lợi dụng đưa người nhập cảnh trái phép”. Đấy là chưa nói bờ biển VN dài hơn 3000km nên cũng có sơ hở cho người vượt biên xâm nhập bằng đường biển. 
Công an TP HCM vừa phát hiện 2 người từ Giang Tô, Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Q.5, theo báo Thanh Niên. Trước đó, Công an phường 7, quận 5 tuần tra đến trước nhà số 890 Trần Hưng Đạo thì phát hiện 2 người TQ, khi kiểm tra thì 2 người này không xuất trình được hộ chiếu. Làm việc với cơ quan chức năng, họ khai nhận, cư trú tại tỉnh Giang Tô, TQ và vừa nhập cảnh trái phép vào VN. Một người có biểu hiện sốt, sổ mũi nên đã được đưa vào khu cách ly của quận.
Trong cuộc họp tổng kết tình hình dịch bệnh tháng 7, quan chức thành Hồ thừa nhận, phát hiện 72 người nhập cảnh trái phép, 66 người là từ Trung Quốc, báo Người Lao Động đưa tin. Trong số 72 trường hợp nhập cảnh trái phép bị phát hiện, có 66 người từ TQ, 6 người từ Campuchia, rải rác trên địa bàn các quận 5, 6, 11, 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh và các huyện Củ Chi, Bình Chánh.  
Sáng nay, lực lượng biên phòng huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đã bắt giữ 6 đối tượng nhập cảnh trái phép ở cửa khẩu Tân Thanh, theo báo Tiền Phong. Nhóm này là người VN, gồm 4 nam và 2 nữ, có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và Phú Thọ. Họ khai nhận đã sang TQ làm thuê ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, sau đó nhập cảnh trái phép về VN theo đường mòn, khu vực mốc 1087, biên giới Việt – Trung, gần tỉnh Lạng Sơn.
Môi trường ngày càng ô nhiễm
Vụ nguồn nước từ nhà máy nước sạch sông Đà bị đổ dầu thải, báo Lao Động cập nhật: Ba đối tượng đổ dầu làm ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà lĩnh án. Theo cáo trạng, bị cáo Lý Đình Vũ đã nhận xử lý dầu thải cho Công ty CP gốm sứ CTH nhưng sau đó thuê các đồng phạm là Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám chở đến Hòa Bình, đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà hồi tháng 10/2019.
Vụ án hình sự này đã được khởi tố từ ngày 17/10/2019, nhưng gần 10 tháng sau thời điểm khởi tố, ngày 31/7/2020, các bị can trong vụ này mới chính thức nhận án. Với hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, TAND TP Hòa Bình đã tuyên phạt Vũ 5 năm tù, Thám 4 năm và Đại 3 năm 6 tháng tù. 


Dầu thải do nhóm Vũ và đồng phạm đổ khiến ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội. Ảnh: Tô Thế/LĐ.

Báo Hà Nội Mới đưa tin: Ô nhiễm do khói, bụi tại một số địa phương ở huyện Đông Anh. Tin cho biết, tại thôn Vân Điểm và Thiết Bình ở xã Vân Hà, mỗi ngày, người dân phải hít thở không khí nhiễm độc vì trong khu vực luôn xuất hiện những đụn khói đen bốc mùi khét do hành động đốt rác và tái chế phế liệu ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Trang Giáo Dục và Thời Đại dẫn lại số liệu do Bộ TN&MT thống kê: Cả nước còn 123 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ TN&MT còn điểm mặt một số vụ gây ô nhiễm như vụ đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vụ Công ty công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng, vụ ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại một số xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. 
Dân khổ vì vấn đề môi trường ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, theo VOV. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Dù chính quyền tỉnh Bình Thuận nhiều lần yêu cầu các nhà máy thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi than phát sinh, khắc phục tiếng ồn, nhưng nhà máy này mặc kệ, tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân kể, từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 “thì đời sống sinh hoạt, sức khỏe của các hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài bụi than, tiếng ồn, thỉnh thoảng còn có mùi khét”.


Các xe chở tro, xỉ than về bãi. Ảnh: VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét