Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

3585 - Đảng viên cộng sản hiện nay và trước kia!


Một đại biểu cầm phiếu bầu các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội đảng.
Một đại biểu cầm phiếu bầu các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội đảng. AFP

Chưa qua thử thách

Đảng bộ trường THPT Hoàng Diệu, tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho 11 học sinh lớp 12 của trường. Một nam sinh lớp 12 trường THPT số 1, tỉnh Lào Cai được Thường trực Thành ủy Lào Cai phê chuẩn kết nạp đảng vào tháng 6 năm 2020. Một nữ sinh lớp 12, trường THPT Thủ Đức, TP.HCM được chính thức được kết nạp đảng vào sáng 27 tháng 7 năm 2020.
Theo qui định tại Khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam điều kiện trở thành đảng viên phải là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào đảng.
Với việc kết nạp một loạt học sinh lớp 12 vào đảng, GS. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nói với RFA:
“Từ trước họ vẫn cho kết nạp học sinh chứ không phải không có. Nhưng bây giờ thì tôi cho rằng họ đang mua chuộc cái đám trẻ này vì đám trẻ hiện nay cũng đang cả nghĩ. Nó thấy trước mắt nếu vào đảng nó sẽ có những lợi quyền chính trị.
Thật ra thì cái đám này nó sẽ rất cơ hội. Nếu có cái chuyển biến gì thì nó ngả cờ nó theo thôi. Tôi nghĩ chúng nó chả có lý tưởng gì đâu. Đến lúc nào đó có một sự kiện đánh động được cái tâm thế của xã hội thì họ sẽ quay lại họ theo. Họ sẽ từ bỏ cái đảng ‘xôi thịt’ này. Đó là cái hy vọng!”
Về trình độ học vấn, người được xét kết nạp vào đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. Như vậy, việc kết nạp những học sinh chưa hết lớp 12 không có gì đáng nói, có chăng là chất lượng của những đảng viên quá trẻ này như thế nào mà thôi.
Theo chia sẻ của GS. Nguyễn Đình Cống qua email với RFA tối ngày 3 tháng 8, thì trong số bạn bè quen biết của ông có một số được kết nạp đảng từ lúc còn học phổ thông. Ông thấy các bạn ấy cũng phát huy được tác dụng. Ông kết luận, nếu trong học sinh mà có một vài bạn có năng khiếu hoạt động chính trị, cơ sở đảng thấy cần kết nạp để tạo nguồn thì có thể vận động họ vào. Đó là trường hợp cá biệt. Còn nếu có phong trào hoặc chủ trương lôi kéo học sinh vào đảng thì không nên. Đa số học sinh chưa có đủ bản lĩnh.
Đồng quan điểm với GS. Nguyễn Đình Cống, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, ngoài bản lĩnh để quyết định có vào đảng hay không, các đảng viên tương lai còn phải trải qua nhiều thử thách. Môi trường học đường không là môi trường phù hợp. Ông nói:
Tôi cho rằng cái gọi là tư duy chung, nếu đúng lý tưởng của đảng đặt ra thì chắc chắn nó phải có đủ thử thách. Đặc biệt là thử thách tập trung vào mục tiêu chung của cả dân tộc. Lấy mục tiêu chung làm trọng thì mới nên kết nạp vào đảng.
Trong môi trường học sinh thì chưa đủ thử thách, chưa đủ điều kiện để thể hiện bản chất của một con người. Về mặt lý thuyết, để lựa chọn những con người tiên tiến vào đảng thì chắc chắn là môi trường thử thách nó phải phức tạp hơn. Nó cần phải có môi trường khốc liệt thì thử thách để đánh giá con người mới chắc chắn.”
Chất lượng đảng viên
Những năm vừa qua, nhiều đảng viên cộng sản rời bỏ đảng với lý do được họ nêu ra là đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước, như lời nhà văn Nguyên Ngọc từng nói với RFA vào tháng 10 năm 2018. Cùng thời điểm đó, PGS-TS Mạc Văn Trang cũng tuyên bố ra khỏi đảng bởi ông nhận thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập, tự do, người dân hạnh phúc. Thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó.
Trước đó, nhà báo Phạm Chí Dũng, cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP.HCM viết đơn xin ra khỏi đảng vào năm 2013. Bác sĩ, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long tuyên bố ra khỏi đảng vào tháng 8 năm 2014.
Nói về chất lượng và lý tưởng đảng viên ngày nay, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng nó khác thời kỳ đầu rất nhiều. Ông giải thích:
“Trong thời gian Việt Nam phải giải phóng khỏi chế độ thực dân trong hoàn cảnh rất khó khăn, một sống một chết, thì chắc chắn là chất lượng đảng viên rất tốt. Họ là những người giác ngộ được nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nước ngoài. Trong hoàn cảnh sinh tử đó thì tôi cho rằng cái tình đồng chí gắn kết con người cùng một mục tiêu rất là mạch lạc.
Thế nhưng đến khi chuyển sang thời kỳ hòa bình, tức là thời kỳ xây dựng đất nước thì lúc đó chắc chắn cái lợi ích nó sẽ làm hỏng con người. Trong đó có sự cân đối giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, nó làm hỏng phần đạo đức. Từ đấy nó có cái sự phân hóa về mặt nhận thức, về mặt tiếp cận công việc chung, về mặt xác định hành động.”
Ông Đặng Hùng Võ nói thêm rằng, phong trào chỉnh đốn đảng hiện nay vẫn đang tiếp tục ở Việt Nam. Hy vọng là phong trào này có thể làm cho tư duy của mỗi một người trong đảng sẽ ‘ngay ngắn’ hơn, sẽ đúng hơn và đồng nhất hơn. Hiện nay trong những môi trường khác nhau thì tư duy của lãnh đạo đảng cơ sở, từng chi bộ một có những nhận thức khác nhau.
Ngoài hiện tượng nhiều đảng viên bỏ đảng, một số đảng viên đảng cộng sản vướng vòng lao lý như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trương Minh Tuấn…
GS. Nguyễn Khắc Mai nêu sự khác biệt giữa những người vào đảng thời kỳ đầu với những người vào đảng sau này:
“Bây giờ không có đảng viên như ngày xưa đâu. Khác nhau rất nhiều. bậy giờ thì cái chính là để kiếm một chỗ đứng trong chính quyền hay là trong các bộ máy chính quyền thì phải vào đảng mới được thăng tiến. Bây giờ cái mục tiêu và lợi ích vào đảng khác trước rất xa. Bây giờ là vì những lợi ích rất cụ thể, thiết thực. Lý tưởng như ngày xưa thì chả có đâu. Hiếm lắm.
Việt Nam thời nay nó đang quay trở lại thời kỳ phong kiến. Nó siêu phong kiến nhờ có những phương tiện khoa học kỹ thuật mới nên nó làm rất mạnh. Do đó nói tuổi trẻ hiện nay gia nhập đảng vì lý tưởng thì đó chỉ là ảo tưởng thôi.”
Trao đối với RFA về chất lượng đảng viên hiện nay, GS. Nguyễn Đình Cống tạm phân đảng viên thành bốn hạng: Một là các đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Hai là đảng viên trí thức. Ba là đảng viên bình thường. Bốn là đảng viên đã nghỉ hưu. Ông tiếp: 
“Tôi có biết ít nhiều hạng một và hạng hai. Đáng lẽ họ phải là những tinh hoa, có phẩm chất cao, nhưng thực tế thì danh thực bất tương đồng. Các trí thức của đảng mà tiêu biểu là những thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương, ở Tạp chí cộng sản, ở Ban Tuyên huấn, phần lớn là hữu danh vô thực. Một số không ít là những phần tử cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực, thiếu dũng cảm nhưng lắm mưu mô, nhiều thủ đoạn.
Hạng ba tôi ít được tiếp xúc nên không tiện nêu nhận xét. Tôi biết nhiều và khá rõ hạng bốn. Có một số rất ít, tuy tuổi cao nhưng còn giữ được tính tích cực, gương mẫu, còn phần lớn thuộc loại vô tích sự. Không ít người đã sức cùng lực kiệt, cố giữ sinh hoạt đảng để khi chết, trong điếu văn được kể có nhiều năm tuổi đảng.”
Ông kết luận rằng, đảng cố phát triển để có số đảng viên thật đông, nhưng chất lượng quá kém. Đây là một sai lầm về chủ trương của đảng cầm quyền.
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức, xây dựng đảng khai mạc tại Hà Nội ngày 25 tháng 12 năm 2019, các tổ chức đảng trên cả nước đã kết nạp mới 143.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam lên 5,2 triệu.
Lâu nay, nhiều người trong nước thường có câu ‘ông/bà/người ấy đảng viên mà tốt’. Thực tế cho thấy đa số những đảng viên trong vị trí cầm quyền, có vai vế trong chính phủ các cấp không thực hiện đúng tôn chỉ ‘mỗi người vì mọi người’, ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét