Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

3583 - Nhật ký Bắc Kinh (05/06/20): Ngọn lửa dân chủ của Triệu Tử Dương



Mỗi năm cứ đến ngày 4 tháng 6, ngày kỷ niệm cuộc đàn áp biểu tình của sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989, an ninh lại thắt chặt quanh địa điểm này ở trung tâm Bắc Kinh. Nhưng có một nơi khác chính quyền cũng phải canh gác hàng năm.
Cảnh sát mặc thường phục thường được triển khai đến khu vực xung quanh ngôi nhà cũ của cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Triệu Tử Dương, người đã rơi khỏi trung tâm quyền lực sau khi thể hiện sự đồng cảm với phong trào dân chủ và phản đối việc đàn áp bằng vũ lực.
Ông Triệu sống ở một hồ đồng (hutong) không quá xa Thiên An Môn. Đó là những con đường và con ngõ nhỏ hẹp hình thành bởi các dãy nhà tứ hợp viện (siheyuan) truyền thống của Trung Quốc.
Hôm thứ Năm, vào ngày kỷ niệm, tôi cố gắng đi ngang qua nhà ông Triệu vào buổi chiều. Vô số xe cảnh sát đậu gần đó, và một phần do các biện pháp phòng ngừa coronavirus, toàn bộ con đường trước nhà ông đã bị phong tỏa.
Ông Triệu qua đời vào tháng 1 năm 2005. Hơn 15 năm sau, nhà của ông vẫn bị theo dõi vì nhiều người tôn kính ông như một nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ hóa.
Sớm ngày 19 tháng 5 năm 1989 – khoảng hai tuần trước cuộc đàn áp Thiên An Môn – ông Triệu đã nói chuyện với các sinh viên tập trung tại quảng trường. Với một chiếc loa phóng thanh và nước mắt lưng tròng, ông nói với đám đông: “Các bạn sinh viên, chúng tôi đến quá muộn. Chúng tôi xin lỗi.”
Đó là lần cuối ông xuất hiện trước công chúng. Ông đã trải qua khoảng 16 năm quản thúc tại gia cho đến khi qua đời ở tuổi 85.
Có một người đàn ông khoảng cuối độ tuổi 40 đến dự đám tang của Triệu và được gia đình nhà lãnh đạo quá cố tặng một tấm thiệp có bức ảnh ông mỉm cười. Ông vẫn trân trọng tấm thiệp, trong đó có hình ảnh in mờ ngôi nhà của ông Triệu ở mặt sau.
Đảng Cộng sản có lẽ đã lo sợ mộ phần của ông Triệu trở thành “thánh địa” tập hợp các lực lượng ủng hộ dân chủ. Mãi đến tháng 10 năm 2019, đảng mới cho phép chôn cất tro cốt của ông.
Ông Triệu hiện đang an nghỉ cùng vợ, Lương Bá Kỳ, trong một nghĩa trang bình thường cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 60 km – không phải trong Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn dành cho cán bộ đảng.
Ngày 4 tháng 6 năm nay là một ngày đẹp trời, nhiều nắng ở thủ đô. Dường như có nhiều cảnh sát và xe bọc thép quanh Thiên An Môn hơn ngày kỷ niệm mọi năm. Tôi không nghĩ đó là do tôi tưởng tượng ra.
Dù sao thì bất mãn về tác động của cuộc khủng hoảng coronavirus cũng đang âm ỉ. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đối mặt chỉ trích quốc tế về quyết định độc đoán của mình trong việc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, cấm các hoạt động bất đồng chính kiến ​​ở thuộc địa cũ của Anh.
Chính phủ do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn các nước khác, và dường như ngày càng tự tin vào sự cai trị độc đảng của mình. Dù vậy, an ninh thắt chặt trong ngoài Quảng trường Thiên An Môn cũng cho thấy nỗi sợ dai dẳng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và rằng “ngọn lửa dân chủ” của ông Triệu vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.
Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing DiaryNikkei Asian Review, 6/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét