Hơn tuần qua, mặc dù người dân phát sốt vì dịch bệnh bùng phát trở lại, giết chết người, nhưng nhiều người đã phải lên tiếng, bàn luận về bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng: Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho dân tộc, cũng như bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhân 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, đã khai tử các nhà văn.
Ban Tuyên giáo có nhiệm vụ gì? Theo quyết định số 144-QĐ/TW, ngày 8/8/2018, thay thế Quyết định số 113-QĐ/TW, ngày 9/7/2012, của Bộ Chính trị khóa XI nêu rõ: “Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ“.
Vậy nếu Tuyên giáo dốt, thì hậu quả thế nào?
Đã có một “ông trùm” tuyên giáo Nhị Lê đăng đàn trên báo nói rằng, đảng Cộng sản “tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc“, gây ra nhiều bàn tán, chỉ trích trên cả nước. Rồi một Hoàng Chí Bảo kể chuyện đến phun dãi, ba xạo, bịa đặt về chuyện thời thơ ấu, chuyện ông bà cha mẹ, tình yêu… của Hồ Chí Minh, cứ như thể ông ta là ông Hồ nhập xác, lên đồng.
Còn Vũ Ngọc Hoàng, một người cả đời ôm đống lý luận Mác- Lê nin đến nỗi hai lần xuất huyết não nhưng vẫn chưa chịu buông. Tranh thủ “gom” mấy ngàn mét vuông đất vàng công sản để xây biệt thự trước khi nghỉ hưu, lại còn rêu rao “Tuyên giáo phải nhằm khai hoá văn minh cho dân tộc”.
***
Mới đây, hôm 31/7/2020, nhân 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ, tổ chức ở Hà Nội. Bài phát biểu “xúc động” này có đoạn:
“Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… tạo nên ‘Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ’ (thơ Lê Anh Xuân)…”
Trong số những nhà văn mà Ban tuyên giáo Trung ương mượn miệng Thủ tướng “khai tử” họ trên chiến trường, có năm nhà văn đã sống thêm vài chục năm sau thời “chống Mỹ, cứu nước”, trong đó có nhà văn vẫn còn sống cho tới ngày nay:
– Nguyễn Trung Thành, tức Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Báu, sinh năm 1932, quê Thăng Bình, Quảng Nam, với các tác phẩm: Đất nước đứng lên; Trên đường chúng ta đi; Rừng xà nu…
– Nguyễn Sáng (1932-2014) tức Nguyễn Quang Sáng, quê Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang, với tác phẩm Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng…
– Anh Đức (1935-2014) tức Bùi Đức Ái, quê Châu Thành, An Giang; tác phẩm “Hòn đất”.
– Trần Hiếu Minh (1921-2001) tức Nguyễn Văn Bổng, Vương Quế Lâm…, quê Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam, với các tác phẩm: Con Trâu; Áo trắng.
– Phan Tứ (1930-1995), tức Lê Khâm, quê Quế Sơn, Quảng Nam, cùng quê với ông Nguyễn Xuân Phúc, với các tác phẩm: Mẫn và tôi; Người cùng quê.
Cả năm vị này có nhiều điểm giống nhau. Họ là quân nhân, đảng viên ĐCSVN, dân miền Nam tập kết ra Bắc sau đó quay lại chiến trường miền Nam. Cả năm ông đều được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bốn ông được trao, riêng Nguyên Ngọc từ chối đề cử và tất nhiên không nhận phần thưởng đó. Đến tháng 10/2018, Nguyên Ngọc tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản.
Trước 1975, cả năm ông nói trên được xem là “tuyên giáo thứ thiệt”. Bởi ngòi bút của họ phục vụ cho Đảng, bịa đặt, thổi phồng những tội ác chưa từng có để quy chụp, lên án quân đội Mỹ và VNCH, kích động hận thù trong dân chúng và tuyên truyền, cổ vũ đánh nhau giữa hai miền Nam – Bắc.
Văn của họ điêu luyện đến nỗi khiến người ta nhắm mắt, bỏ ngoài tai tất cả. Trí thức miền Nam bỏ vinh hoa phú quý, chạy ra bưng biền. Học sinh bỏ trường, nhảy núi, chít khăn tang trên đầu, đi ném lựu đạn, ám sát, giết người không gớm tay. Những bà mẹ chất phát cả tin, ném vào lửa đạn những đứa con trai mình có được…
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN có thói quen đọc những bài phát biểu cấp dưới viết sẵn. Bài do cán bộ Ban Tuyên giáo viết, và cũng đã xin lỗi. Nhưng ở tầm Thủ tướng một quốc gia, ông Nguyễn Xuân Phúc không hề xem trước, là điều khó chấp nhận. Vì nếu có xem trước, dù dốt văn cỡ nào, ông Phúc cũng nhận ra vài nhà văn xứ Quảng.
Trong 5 nhà văn, có đến 3 người cùng quê Quảng Nam với ông Phúc, nơi ông từng ngồi ghế Chủ tịch tỉnh.
Ông Phan Tứ là cháu ngoại chí sĩ Phan Chu Trinh, anh họ bà Nguyễn Thị Bình (mẹ Phan Tứ là chị ruột mẹ bà Nguyễn Thị Bình), sở hữu căn biệt thự đẹp như mơ tại góc đường Phan Chu Trinh – Phan Đình Phùng, vốn là nhà quan chức chế độ VNCH. Chỉ là nhà văn, nhưng đám tang Phan Tứ năm 1995 được xem lớn nhất nhì Đà Nẵng, với dàn xe công đưa tiễn lên đến hàng trăm chiếc. Năm ấy, Nguyễn Xuân Phúc là Tỉnh uỷ viên, giám đốc sở của QN-ĐN.
Dối trá và dốt nát ở thể chế cộng sản là điều không phải bàn cãi. Nó gần như là một thứ văn hóa đặc trưng, một hình thái xã hội và đặc tính bản chất nhất của người cộng sản. Báo chí quốc doanh cũng phải đưa lên những “tấm gương” chủ tịch thành phố, quận, huyện chưa học hết cấp hai. Cô gội đầu, mát xa ngồi ghế tỉnh uỷ. Một gã ất ơ, tai tiếng, bỗng mang học vị tiến sĩ, làm trưởng ban cố vấn kinh tế cho Thủ tướng…
Người dân thì khinh bỉ, xem như chấp nhận một sự đau đớn và hổ thẹn đối với đất nước, với xã hội văn minh. Còn giới chóp bu thì xem đó là bình thường, bởi đơn giản họ là “bên thắng cuộc”, thì cai trị bằng hình thái gì chẳng được. Miễn sao, những kẻ đó, khi gia nhập ĐCSVN, phải thề sẽ cống hiến hết mình cho đảng. Trong lời thề, người ấy đưa ra cam kết “… nghiêm khắc tuân thủ kỷ luật Đảng, bảo vệ bí mật của Đảng, trung thành với Đảng… suốt đời đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản… và không bao giờ phản bội Đảng”. Hệ tư tưởng đó thấm đẫm trong giáo dục, truyền thông và hầu hết mọi ngóc ngách của xã hội Việt Nam.
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, đến cướp đoạt đất đai, thành quả của nông dân, tắm máu trong Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, rồi Cải tạo công thương sau 1975 ở miền Nam, bản chất cộng sản không hề thay đổi. Sai thì sửa, rồi tội ác vẫn tiếp diễn. Đảng chỉ quan tâm đến lợi ích của lãnh đạo đảng, chứ không phải người dân hay với chính đảng viên và tôi tớ trung thành.
Sự dối trá, bịp bợm ấy là thành quả của tuyên giáo. Một xã hội xảo ngôn, người dân bị bưng bít, thì những đứa trẻ lớn lên cũng sẽ chỉ tin vào Đảng và Bác. Nhà trường “phải là nơi làm cách mạng”, phải gieo cho được hận thù giai cấp.
Quay lại câu chuyện bài diễn văn của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Tuyên giáo đã “xin lỗi Thủ tướng và các văn nghệ sĩ”. Nhưng có người đặt câu hỏi, liệu cái sai này đến từ sự dốt nát của Tuyên giáo, hay họ cố tình “chơi” ông Phúc, cho dư luận châm chọc, sỉ vả trước cuộc chạy đua giành ghế đại hội XIII?
Với năm nhà văn kể trên, bốn ông đã về thế giới bên kia. Chỉ mỗi Nguyên Ngọc còn sống, nhưng “tự chuyển hoá” khi tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản. Có lẽ ông ý thức được sự xấu xa, biến tướng của cái đảng mà mình suốt một đời theo nó. Tuổi ngoài tám mươi, hình như ông không muốn mang của nợ búa liềm, như “lưỡi dao đồ tể” bên mình, khi về với đất Mẹ.
Thật ra, nếu cả năm ông đều còn sống đến hôm nay, thì cũng bị xem như hết giá trị lợi dụng. Văn của các ông không phải là văn học đích thực, nên giá trị cũng chẳng trường tồn. Tuyên giáo hôm nay có “khai tử”, gọi hồn các ông đi theo thế hệ Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… âu cũng là cái giá mà các ông phải trả cho quãng đời cầm bút “thờ ma” của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét