Kể từ khi kế hoạch tái thiết xây cất chợ mới (Bến Thành) và Sở Hỏa xa cùng với việc nâng cấp đường Sài Gòn – Chợ Lớn (Trần Hưng Ðạo), người dân nôn nao muốn được chứng kiến viễn ảnh một góc đô thị trù phú phát sinh từ chốn bùn lầy. Giá đất tăng từng ngày, khiến dư luận xôn xao. Nhiều người mua miếng đất lầy lội chưa được bao lâu nay đem bán lại với giá gấp mười. Nhưng có mấy ai mua để cất nhà, dân Sài Gòn thuở đó thích nhà ở thuê hơn là làm chủ.
Năm 1916, sau khi san lấp hoàn toàn khu vực ao đầm lầy Boresse, dân chúng bắt đầu đổ về ở nơi đây. Nền nhà gia cư theo quy định địa bạ là 4 x 20m, nhưng hầu hết được một vài người Pháp và thương gia người Hoa mua lại, xây cất kiểu nhà liên kế, hai tầng mái ngói. Tầng dưới làm nơi buôn bán, tầng trên để ở. Loại nhà này cho thuê. Người nắm giữ đa số địa ốc là con cái ông Hui Bon Hoa một trong những bốn đại thương gia giàu có nhất Sài Gòn – Chợ Lớn thuở bấy giờ. Gia đình Hui Bon Hoa sở hữu đến 30,000 căn nhà cho thuê tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Thống kê dân số năm 1920 cho thấy, riêng Sài Gòn có 141, 956 người, bao gồm người Pháp (dân sự và quân sự), người ngoại quốc, người Hoa, người Việt. Trong đó người Việt chiếm 74,000 người và người Hoa gần 32,000 người. Người Việt và người Hoa ở Saigon đa số tập trung quanh khu vực Chợ Cũ, dọc bến Chương Dương, rue D’Ayot (đường Nguyễn Thái Bình), rue Lefebre (đường Nguyễn Công Trứ), rue Chaigneau (đường Tôn Thất Ðạm), rue Bourdais (đường Calmette), rue Boresse (đường Yersin).
Ngoài đường Calmette, Yersin hình thành sớm nhất trong khu Boresse, những con đường mới mở dân chúng cũng bắt đầu kéo đến cư ngụ như đường Abattoir (Nguyễn Thái Học ngày nay). Con đường này nguyên giữa đường là một con kinh có từ năm 1866 chạy từ rạch Bến Nghé đến đường Lefebvre dài chừng 180m, dành cho ghe thuyền chở heo đến cung cấp cho lò mổ (người dân gọi là Công ty Heo). Theo sắc luật của Toàn quyền De Lanessan tháng 11-1894, đại lộ Abattoir, kể cả Công ty heo, là một phần ranh giới phía Tây Nam của Thành phố Sài Gòn. Ðường Abattoir vào năm 1920 được mở thông đến Galliéni (nay là đại lộ Trần Hưng Ðạo). Cả hai con đường này đều do công ty của bà Phạm Thị Vân thầu cải tạo và đắp mới từ năm 1917.
Từ năm 1920, các con đường nằm trong khu vực Boresse như Hamelin (sau là Hồ Văn Ngà), Dayot (Nguyễn Văn Sâm), Némésis (Phó Ðức Chính), Marchaisse (Ký Con) đã đông đúc hàng quán, dân cư. Nhất là đường Némésis chạy từ bờ rạch Bến Nghé tới đường La Grandière (Gia Long). Ðường này được xem là ngõ ra vào trực tiếp từ rạch Bến Nghé tới chợ mới Bến Thành. Ngày xưa bề ngang đường được mở rộng tới 60 mét vì chính quyền Pháp dự định đào một con kinh giữa trục đường, rộng 20 mét, liên lạc với rạch Bến Nghé cho thuyền bè chuyên chở hàng hóa. Ðó là lý do khiến nhiều người đầu tư đất đai tại đây.
Nhưng sang giữa thập niên 1920, mọi chuyện đã thay đổi. Gia đình con cái ông Hui Bon Hoa bắt đầu cho xây cất tư dinh và các dãy nhà ngói hai tầng bao quanh cho thuê mướn làm nhà ở và văn phòng dịch vụ mua bán. Ðồng thời gia đình Hui Bon Hoa hiến một lô đất lớn nằm ngay góc đường Lê Lợi để làm Nhà thương Ðô Thành. Không chỉ xuất tiền làm bệnh viện, khoảng giữa thập niên 1930, sau khi kinh tế An Nam hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới năm 1929-1931, Hui Bon Hoa family cũng hiến đất và cấp tiền để xây Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Ðông Dương, nay là Bệnh viện Từ Dũ) trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh), bệnh viện Nguyễn Trãi, trường tiểu học Minh Ðức.
Một trong những khu vực do công ty Hui Bon Hoa xây dựng rầm rộ nhất là suốt con đường Renns (nguyên là một con hẻm rộng dài chừng 200m thông hai đầu ra đường Công Lý và Phó Ðức Chính) sau này trở thành đường Lê Công Kiều. Tất cả các dãy nhà hai bên đường đều được công ty Hui Bon Hoa xây bán cho người Ả Rập di cư đến Sài Gòn sinh sống. Sang thời VNCH, con đường này trở thành phố bán đồ cổ cho đến hiện nay.
Ðường Bourdais (Bác sĩ Calmette) cũng là một con đường lớn, bắt đầu từ bờ rạch Bến Nghé đến đường La Grandière. Từ ngã tư đường Hamelin đến đường Batavia là dãy phố cho thuê của Chú Hỏa. Năm 1887, đốc phủ sứ Huỳnh Tịnh Của được chính quyền nhượng mảnh đất tại góc đường Bourdais và Batavia (đầu đường Calmette phía Trần Hưng Ðạo) để xây nhà ở. Ít lâu sau đất ấy về tay Chú Hỏa, biến thành dãy phố cho thuê, nhưng cuối cùng đất bị trưng dụng khi Sở Công chánh mở rộng đại lộ Trần Hưng Ðạo lần thứ hai vào thời ông Diệm. Miếng đất này nằm tại đầu đại lộ Trần Hưng Ðạo ngày nay, ngay phía trước vũ trường Văn Cảnh và nhà buôn máy may Sinco. Từ khu vực này, bước sang nhà ga Sài Gòn đến Chợ Bến Thành là khu vực cuối cùng của đầm lầy Boresse.
Một chi tiết thú vị của M.A. Petition một nhà du lịch thám hiểm người Pháp, trong chuyến đến Ðông Dương, dừng lại ở Sài Gòn ghi nhận về khu cuối của đầm lầy: “Qua khỏi kho bãi của Sở Hỏa xa là đến khu đất giáp với đường Espagne (Lê Thánh Tôn), đất một nửa của tư nhân, một nửa của nhà nước, sau này đất ấy dùng làm nền xây chợ Bến Thành. Năm 1889, tại khu vực này đất còn ẩm thấp, đường sá chưa hoàn bị. Các đại diện chủ nhà đất người Pháp gửi thư thỉnh nguyện đến thị trưởng Sài Gòn xin mở đường Némésis cho xe cộ lưu thông, xin nối dài đường Espagne, đồng thời xin xây cống rãnh vì họ nhận thấy nền và nhà ở của họ bị đe dọa hư hại do nước chảy tràn xuống từ khu đường trên đi Chợ Lớn (nay là đường Võ Tánh). Vì nước đọng thường xuyên thành vũng lầy bẩn thỉu nên các chủ đất lo ngại phải để cho đất trở thành hoang phế nếu chính quyền không lo việc chỉnh trang như đã dự định từ lâu. Khoảng năm 1896, gần bên ngã tư Némésis – La Grandière (Thủ Khoa Huân – Gia Long) có xưởng sản xuất xà-bông của ông Devise, trước làm chủ một tiệm hớt tóc trên đường Rigault de Genouilly (đại lộ Nguyễn Huệ) vào những năm 1880. Ðường Némésis chấm dứt tại đường La Grandière, nơi ngã tư bắt đầu đường Poulo Condore. Năm 1919, một đoạn của đường Némésis hợp với đường Poulo Condore trở thành đường Aviateur Garros (nay là đường Thủ khoa Huân)”.
Chợ nằm giữa một vùng rộng thênh thang, phía trước có công trường Eugène Cuniac, ba mặt còn lại có đường rộng liên lạc khắp các khu phố lân cận, đó là các đường: Schroeder (Phan Châu Trinh), Espagne (Lê Thánh Tôn), Viénot (Phan Bội Châu). Cùng lúc ấy, đại lộ Bonard được nối dài từ đường MacMahon đến công trường phía trước chợ. Nhiều cống thoát nước được xây bên dưới các con đường mới. Khu phố liền sau đó được cung cấp điện và nước.
Cuối năm 1920, toàn khu Tây Nam của Sài Gòn đã hình thành một cách rõ nét, tất cả những con đường đều được tráng nhựa. Cảnh buôn bán tấp nập quanh chợ Bến Thành (sau thuộc quận Nhì) rất nhộn nhịp. Tuy vậy, trong thời gian khủng hoảng kinh tế Thế Giới năm 1929, Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nạn thất nghiệp tràn lan, người thuê nhà không có tiền để trả tiền nhà. Một số dân cư có nhà cửa bán lấy tiền, chuyển đến những vùng đất mới như Phú Nhuận, Gò Vấp còn thưa dân cư. Thống kê dân số năm 1930 cho thấy, dân số mất đi so với thập niên 1920 là 23,000 người. Hầu hết dân chúng bỏ sang vùng đất khác là người Việt.
Trong Sài Gòn phong vị báo xuân xưa của tác giả Phạm Công Luận trích lại bài viết Nhớ lại Tết “kinh tế” năm xưa của nhà văn Tế Xuyên. “Năm ấy là năm 1932, suốt cả năm tôi từng thấy cả dãy phố đường Hàm Nghi, đường Tự Do, đường Tạ Thu Thâu hầu hết bỏ trống khoá cửa, chỉ vài căn có người mướn… Những kẻ thất nghiệp dám mướn phố lầu mà ở. Những căn phố ở khu trung tâm, gần chợ Sài Gòn. Chúng tôi đã có một “phép mầu nhiệm” để ở khỏi tốn tiền: chỉ xoay đủ trả tiền phố tháng đầu rồi từ tháng sau không trả tiếp nữa, ở lì luôn cả năm…”.
Vào thời gian này, Sài Gòn đã phát triển đến Ngã sáu Công trường Dân chủ ở phía Tây, phía Tây Nam thì đến đường Nancy (Cộng Hoà) và phía Tây Bắc đã đến Cầu Kiệu (Tân Ðịnh) nhờ khu đô thị đầu tiên trổi lên từ chốn bùn lầy Boresse năm xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét