Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

3562 - Đằng sau sự chuyển hướng chính sách Biển Đông của Malaysia


Nhiều nhà quan sát tỏ ý ngạc nhiên khi Malaysia gửi công hàm ngày 29/7/2020 lên Liên Hợp Quốc. Với công hàm này, dường như Malaysia đã thể hiện sự chuyển hướng chính sách trong vấn đề biển Đông của mình.
Thời gian gần đây, Malaysia thể hiện rằng dường như họ đã không còn là một bên tham gia thực dụng và kín đáo trong tranh chấp ở biển Đông khi nước này tìm cách khẳng định các quyền thăm dò dầu khí ở vùng biển tại khu vực bãi ngầm Luconia và khi nhận thức của họ về mối đe dọa Trung Quốc được mở rộng. Malaysia dường như đã sẵn sàng tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực ngày càng gia tăng.
Tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Khi theo dõi những diễn biến của cuộc tranh chấp này, nhiều người hẳn sẽ nhận ra rằng so với quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines hay Việt Nam thì bầu không khí giữa Trung Quốc và Malaysia tương đối hòa bình. Tuy nhiên, tình hình gần đây dường như đã thay đổi: Quan hệ Trung Quốc-Malaysia đang trở nên ngày càng nhạy cảm trong vấn đề về biển Đông.
Tháng 12/2019, Malaysia đã đệ đơn lên Ủy ban Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa (CLCS) xin công nhận phần còn lại của thềm lục địa Malaysia bên ngoài phạm vi 200 hải lý ở phía Bắc biển Đông. Kể từ cuối năm 2019, tàu khoan thăm dò West Capella ký hợp đồng với Petronas (công ty năng lượng nhà nước của Malaysia) hoạt động gần rìa bên ngoài EEZ rộng 200 hải lý của Malaysia. Trung Quốc đã đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một số tàu hộ tống thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tiến sát đến khu vực tàu West Capella hoạt động. Trong tháng 4 và tháng 5/2020, Mỹ và Australia đã phái tàu chiến và tổ chức tập trận ngay khu vực tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với tàu West Capella. Trước khi xảy ra vụ việc này, giữa các tàu của Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia đã diễn ra một loạt cuộc đối đầu căng thẳng ở quần đảo Trường Sa.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia trong vấn đề biển Đông đã từ trạng thái tương đối hòa bình chuyển sang trạng thái vô cùng nhạy cảm. Sự thay đổi trong chính sách của Malaysia về biển Đông trong những năm gần đây là nguyên nhân chính, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra; cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ và các cuộc tranh giành quyền lực ở biển Đông ngày càng gay gắt cũng góp phần nhất định vào sự việc này. Trước khi thay đổi chính sách, Malaysia luôn thể hiện lập trường an toàn và thực dụng. Trung Quốc cũng như các nhà quan sát bên ngoài từ lâu đã coi Malaysia là một bên tham gia thực dụng và kín đáo trong các vấn đề về biển Đông vì nước này vẫn luôn thận trọng và tránh gây chú ý. Năm 2014, Tập Cận Bình còn ca ngợi “chính sách ngoại giao thầm lặng” của Kuala Lumpur trong vấn đề biển Đông.
Là một bên tham gia thực dụng và kín đáo, Malaysia xây dựng chính sách về biển Đông dựa trên những điểm sau:
Trước hết, Malaysia không coi vấn đề biển Đông là chủ đề thảo luận quan trọng mà thay vào đó ưu tiên thúc đẩy sự hợp tác thiết thực giữa hai nước trong các cuộc đối thoại Trung Quốc-Malaysia.
Thứ hai, trọng tâm dài hạn của nước này nằm ở việc phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí, và một mục tiêu như vậy là kim chỉ nam vững chắc cho chính sách thận trọng về biển Đông.
Thứ ba, Chính phủ Malaysia chưa bao giờ mong muốn làm leo thang các tranh chấp ở biển Đông và cũng không muốn có những cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra ở Malaysia do những tranh chấp này.
Cuối cùng, Malaysia vẫn luôn tỏ thái độ tích cực trong việc thúc đẩy các cuộc trao đổi và các hoạt động ngoại giao phòng ngừa so với các bên tham gia khác ở biển Đông, và cũng đóng vai trò tương đối tích cực trong các cuộc thảo luận về DOC và COC.
Như vậy, Trung Quốc và Malaysia có thể cho thấy sự đồng thuận cao độ trong việc chung tay thúc đẩy sự hợp tác thiết thực giữa hai nước cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu chính sách của Malaysia về biển Đông thay đổi, thì bầu không khí hòa bình và hòa hợp trước đó giữa Trung Quốc và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng.
Malaysia đã không còn là một bên tham gia thực dụng và kín đáo như trước nữa. Nhiều thực tế hiện nay đã cho thấy chính sách của Malaysia về biển Đông thật sự đã thay đổi.
Malaysia đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố đơn phương trong hệ thống luật pháp quốc tế. Năm 2009, nước này đã đệ đơn riêng và sau đó là đệ đơn chung với Việt Nam lên CLCS về việc đệ trình ranh giới thềm lục địa của họ. (Theo UNCLOS, các nước ven biển được hưởng EEZ trong phạm vi 200 hải lý. Ngoài phạm vi này, giới hạn bên ngoài của vùng thềm lục địa các nước sẽ được xác định sau khi họ đệ đơn lên CLCS.) Và như đã đề cập trên, 10 năm sau, vào tháng 12/2019, Malaysia một lần nữa đệ trình đề xuất lên CLCS.
Bên cạnh đó, mặc dù vẫn luôn tập trung vào việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí, nhưng gần đây Malaysia đã có những hoạt động chưa từng có trước đó tại các khu vực bị Trung Quốc coi là có tranh chấp.
Malaysia cũng đang trở nên cảnh giác và lo lắng trước những biện pháp thường xuyên và có hệ thống của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, gây nên sự căng thẳng trong khu vực. Sự đối đầu giữa hai nước Malaysia - Trung Quốc cũng xuất phát từ nỗi lo lắng này. Khi quan hệ Trung Quốc - Malaysia trở nên nhạy cảm hơn do các vấn đề liên quan tới biển Đông, Malaysia đã bắt đầu chú trọng tới các vấn đề này và thiết lập cơ chế tham vấn song phương dành cho các vấn đề trên biển với Trung Quốc vào tháng 9/2019.
Trong khi việc chính thức hóa một cơ chế tham vấn song phương phù hợp với cách tiếp cận hai lộ trình đối với các vấn đề về biển Đông và có lợi cho cả hai bên trong việc cùng bảo vệ an ninh và sự ổn định của biển Đông, thì điều này chắc chắn cũng phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Malaysia về biển Đông.
Sự thay đổi trong chính sách của Malaysia về biển Đông là một lý do quan trọng giải thích cho sự nhạy cảm ngày càng gia tăng trong quan hệ Trung Quốc - Malaysia liên quan đến vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, điều này không giải thích được lý do vì sao tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia liên quan đến biển Đông lại trở thành tâm điểm chú ý.
Việc Malaysia thay đổi chính sách về biển Đông không đồng nghĩa với việc nước này không nhận thức được những điểm phức tạp và nhạy cảm trong vấn đề biển Đông. Chẳng hạn, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc với tất cả các bên có liên quan, cũng như hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định ở biển Đông. Do đó, sự căng thẳng giữa Trung Quốc - Malaysia ở biển Đông nhận được sự chú ý quá mức như vậy còn do các nhân tố khác như đại dịch toàn cầu và sự cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng ở biển Đông.
Chính trong hoàn cảnh như vậy, Hải quân Mỹ và Australia đã cố ý tiếp cận địa điểm diễn ra cuộc đối đầu Trung Quốc - Malaysia trong các cuộc tập trận của họ. Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thậm chí đã thừa nhận rằng Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của họ. Hơn nữa, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch để thực thi các chiến lược mang tính ép buộc đối với các nước láng giềng và coi những biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện nhằm bảo vệ chủ quyền đối với biển Đông và duy trì sự ổn định trong khu vực là hành động bắt nạt. Trong Tuyên bố mới đây ngày 13/7/2020, Ngoại trưởng Pompeo chỉ rõ việc Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc đe doạ quyền khai thác tài nguyên của Malaysia tại khu vực bãi James và bãi Luconia.
Tuy nhiên, công hàm ngày 29/7/2020 của Malaysia cũng làm thất vọng không ít các quốc gia liên quan, khi đã lảng tránh Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, cho dù nhờ Phán quyết này, Malaysia đã tìm thấy những lý do để tái đệ trình về thềm lục địa mở rộng trước CLCS hồi cuối năm ngoái.
Có thể dự đoán rằng sự nhạy cảm ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Malaysia trong vấn đề biển Đông không chỉ tác động tới hai nước này. Tranh chấp Trung Quốc - Malaysia ở biển Đông cũng đã trở thành phương thức để qua đó Mỹ tìm cách gây ảnh hưởng đến công luận trong vấn đề biển Đông và hình thành một cuộc công kích nhằm vào Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, tất cả các bên cần tiếp tục hành động một cách thận trọng và giữ thái độ thực tế. Tất cả các vấn đề này sẽ đặt gánh nặng lên các cuộc đối thoại sắp tới về COC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét