Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

3555 - Có phải độc tài chống dịch tốt hơn dân chủ?


Thật đáng chán nản khi quan sát tình hình dịch bệnh và chống dịch bệnh ở các nước phát triển, có nền dân chủ được đánh giá là vững bền, như Hoa Kỳ, Anh, Italia… “Te tua”, “rối loạn” là những từ ngắn gọn và xác đáng nhất để mô tả tình hình chung. Trong khi đó, khó có thể phủ nhận là Việt Nam đã, đang và khả năng cao là sẽ tiếp tục làm tốt công tác chống dịch. Từ đó, suy ra…
Từ đó, người ta rất suy ra một điều: Thể chế độc tài chống dịch tốt hơn thể chế dân chủ. Đơn giản là dưới thể chế độc tài, hầu như không có khái niệm “tự do”, “nhân quyền”; công dân tốt là người chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối, chính sách của nhà nước. Vậy nên khi các lệnh phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội được ban ra, dân chúng răm rắp tuân theo. Những người phản đối chỉ là thiểu số và bị cộng đồng lên án. Trong khi đó, ở các quốc gia dân chủ, dân quen tự do ngôn luận, phản biện, tranh cãi, nên cứng đầu hơn, không dễ tuân thủ mệnh lệnh. Thậm chí, nếu cảm thấy quyền tự do cá nhân bị nhà nước xâm phạm, họ còn biểu tình. 
Tính đến hôm nay (30/7/2020), Mỹ – vốn được coi như đại diện của nền dân chủ tự do phương Tây – đã là quốc gia có tổng số ca nhiễm nCovid cao nhất và số tử vong nhiều nhất thế giới: Hơn 4,5 triệu ca nhiễm, hơn 150.000 người chết [1]. Công luận nước Mỹ chia rẽ vì Tổng thống và các phát ngôn của Tổng thống, vì chính sách, vì vụ George Floyd, vì biểu tình Black Lives Matter, v.v. 
Thật là càng tạo cơ sở cho những người Việt Nam vốn nghi ngờ về giá trị của dân chủ, nhân quyền khẳng định: Dân chủ tự do là loạn, độc tài mới là ưu việt, nhất là trong những giai đoạn dầu sôi lửa bỏng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.
Cũng có những ý kiến phản đối quan điểm trên, chẳng hạn giải thích: “Ở Mỹ, Tổng thống không có quyền ra lệnh phong tỏa. Mỹ là thể chế liên bang, nên các bang có quyền tự quyết, mỗi bang một khác, không tập quyền, không thống nhất được”. Hoặc: “Người Mỹ là thế đó. Tình yêu tự do thấm vào máu rồi, họ không thể chịu bất kỳ sự bó buộc nào”. 
Tất nhiên, những cách giải thích trên chỉ góp phần khẳng định quan điểm: Dân chủ tự do là loạn, là không chống nổi dịch bệnh; độc tài, tập trung quyền lực mới chống được dịch, mới là ưu việt. 
Vậy, sự thật là thế nào? Bản chất của việc chống dịch thành công là gì? Việc chống dịch nCovid liên quan ra sao đến dân chủ và độc tài? Ta có thể trả lời những câu hỏi này bằng cách sử dụng kiến thức… căn bản về toán học.

Phố Wall đang chìm trong lo âu giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: AP.
Phố Wall đang chìm trong lo âu giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: AP.

Đó là một hàm số có nhiều biến

Một hàm số (f) luôn phụ thuộc vào nhiều biến số x, y, z… Khi ta nói hàm số f đồng biến với biến x, nghĩa là ta ngầm giả định các biến kia (y, z…) không đổi. 
Ví dụ, độ ngọt của tách cà phê (hàm số f) phụ thuộc vào các biến số như lượng đường trong tách (x), lượng cà phê (y), lượng nước (z). Khi y và z không đổi, hàm số f đồng biến với x, nghĩa là x càng tăng, f càng tăng, và ngược lại: Càng nhiều đường thì tách cafe càng ngọt, và ngược lại. 
Tương tự, khi đánh giá kết quả chống dịch của một quốc gia (là hàm số f), ta phải xét trên tổng thể các biến: chính sách của nhà nước, ý thức người dân, thể chế chính trị, văn hóa, tâm lý dân tộc, khí hậu – thời tiết, trình độ khoa học – công nghệ – y tế… Rồi độ tuổi, tiền sử bệnh nền… Có thể kể ra đến hàng chục biến số như vậy. Đó là chưa kể đến những yếu tố mà khoa học chưa nghiên cứu, chưa giải thích được, cũng không biết nên định nghĩa và phân loại ra sao, như: Liệu có phải do ăn mắm, ăn tỏi, hay do hồi nhỏ chích ngừa sởi/ ho lao… mà người Việt Nam có sẵn đề kháng trong cơ thể hay không? 
Vì thế, rất khó để có thể khẳng định Việt Nam chống dịch giỏi là do thể chế chính trị… độc tài. 

Hai biến số: Chính sách nhà nước và ý thức người dân

Bây giờ, ta chỉ xét riêng hai biến số “chính sách của nhà nước” và “ý thức của người dân”.
Đầu tiên, với biến số “chính sách của nhà nước”, giả định tất cả các biến số khác là như nhau giữa các quốc gia. Ta sẽ thấy: Nhà nước càng chủ động ban hành chính sách cách ly/ giãn cách xã hội/ phong tỏa sớm, càng có hiệu quả trong việc chống dịch. Đơn giản vì cách ly càng sớm, càng hạn chế tiếp xúc giữa người với người, càng làm giảm nguy cơ lây nhiễm. 
Việc ban hành chính sách cách ly không liên quan đến chuyện nhà nước dân chủ hay độc tài: Thực tế cho thấy những nước làm sớm, làm tốt và quyết liệt chính sách cách ly hay giãn cách xã hội có New Zealand, Úc, Đài Loan, và Việt Nam. 
Biến số tiếp theo ta xét là “ý thức của người dân”, vẫn với điều kiện các biến số khác không đổi (như nhau giữa các quốc gia). Rõ ràng, dân càng tuân thủ chính sách cách ly, việc chống dịch càng có hiệu quả, và dân càng bất hợp tác, việc chống dịch càng mất hiệu quả. Tuy nhiên, lại không phải là quốc gia càng dân chủ thì dân càng bất hợp tác. Một ví dụ là Hàn Quốc. Tuy đây là nước dân chủ (có thể luận tội, bãi nhiệm ngay cả tổng thống đang đương chức), nhưng người dân vẫn tuân thủ rất tốt lệnh cách ly, trong khi vẫn bảo vệ tự do tôn giáo. (Nhớ rằng dịch bùng phát tại Hàn Quốc là do một phụ nữ theo giáo phái Tân Thiên Địa đi nhà thờ khi đã nhiễm nCovid). New Zealand là một ví dụ khác. Ở đây, dân tuân thủ nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang và cách ly. Người không chấp hành bị phạt nặng. Thậm chí Bộ trưởng Y tế David Clark cũng từ chức do vi phạm các quy tắc kiểm dịch. 
Cũng không hẳn là quốc gia càng kém dân chủ, càng độc tài thì dân càng chấp hành lệnh cách ly. Ngay trong thời gian giãn cách xã hội lần đầu (tháng 4), dân Việt Nam vẫn nhiều người tụ tập ăn nhậu (dù là nhậu chui), đi tung tăng ngoài đường với khẩu trang đeo không kín mũi. Đó là vấn đề ý thức, và hình như ý thức người dân, trong trường hợp này, không liên quan đến việc chính quyền là độc tài hay dân chủ. 
Xét qua hai biến số trên (chính sách của nhà nước và ý thức của người dân), ta thấy rằng cốt lõi để chống dịch thành công là một chính sách cách ly/ giãn cách xã hội/ phong tỏa kịp thời, và sự tuân thủ chính sách đó của người dân. Đồng thời, nói rằng “trong nền dân chủ, khó thực hiện chính sách cách ly” là sai so với thực tế.

Đài Loan bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, ai không chấp hành sẽ bị phạt. Ảnh: Chiang Ying-ying / AP.
Đài Loan bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, ai không chấp hành sẽ bị phạt. Ảnh: Chiang Ying-ying / AP.
Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.
Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.

Dân chủ không liên quan đến ý thức chấp hành kém

Những người cho rằng “trong nền dân chủ, khó thực hiện chính sách cách ly” có lẽ đã hiểu sai khái niệm dân chủ. 
Dân chủ là một hình thức tổ chức chính quyền hay một hệ thống quản trị đất nước thỏa mãn một số nguyên tắc nhất định, như: Toàn dân kiểm soát chính quyền một cách thường xuyên, liên tục; mọi công dân đều bình đẳng về quyền chính trị. Trong đó, để toàn dân kiểm soát chính quyền một cách thường xuyên, liên tục, thì nhất thiết dân phải có quyền bầu ra người lãnh đạo đất nước, thông qua những cuộc bầu cử công bằng và tự do, hay nói cách khác, thông qua lá phiếu của họ. 
Điều đó dẫn đến việc người lãnh đạo trong chế độ dân chủ luôn tìm cách để thu hút phiếu bầu. Thế nên ông/bà ta sẽ lúng túng, loanh quanh mỗi khi cần ra quyết định, bởi vì làm gì cũng phải xem dân phản ứng thế nào đã. Trước các vấn đề lớn, động chạm quá nhiều tầng lớp dân chúng, họ sẽ không dám quyết đoán, mà cứ dùng dằng, như trong trường hợp nCovid này là chần chừ cho cho đến khi… dịch bùng nổ. 
Cho nên, không phải là “trong nền dân chủ, khó thực hiện chính sách cách ly”, mà đúng ra phải hiểu là: Trong nền dân chủ, có khả năng lãnh đạo không dám quyết đoán ban hành và thực thi chính sách cách ly. 
Và tất nhiên, bất kỳ chính sách nào, ban hành ở bất kỳ xã hội nào, vào bất kỳ lúc nào, đều có thể gặp phải sự phản đối, thậm chí chống đối, từ một bộ phận dân chúng. Xã hội càng dân chủ thì điều đó càng có khả năng xảy ra. Lãnh đạo ra quyết định “phong tỏa toàn xã hội”, sẽ có người biểu tình phản đối phong tỏa. Lãnh đạo ra quyết định “không cách ly, để phát triển miễn dịch cộng đồng”, cũng lại sẽ có người biểu tình “đòi cách ly”. Đó là chuyện bình thường trong một nền dân chủ. 
Ở Việt Nam thì không có biểu tình, nhưng dân cũng chống đối bằng những hình thức khác, ví dụ như vẫn tụ tập ăn nhậu, vẫn đi ra đường, khẩu trang không che kín mũi, v.v. 
Cuối cùng, nếu nói độc tài là ưu việt, chống dịch tốt, bạn có thể nhìn vào Iran và Belarus. Buồn cười nhất là Belarus, Tổng thống (độc tài) Alexander Lukashenko không áp dụng bất kỳ biện pháp chống dịch nào, đất nước này có tốc độ lây nhiễm nCovid cao nhất châu Âu, và người dân Belarus thậm chí không có quyền biểu tình “yêu cầu thực hiện cách ly xã hội”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét