BTV Tiếng Dân
Số ca tử vong do virus Covid-19 ở VN tiếp tục gia tăng. Sáng nay, Bộ Y tế thông báo, bệnh nhân 524 và 475 tử vong vì nền bệnh lý nặng và mắc COVID-19. Ca tử vong thứ 4 là bệnh nhân 524, cụ bà tên L.T.D., 86 tuổi, quê Quảng Nam.
Cụ D nhập viện điều trị ở BV Đà Nẵng từ ngày 11 đến 16/7. Ngày 18/7, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và được chuyển tới BV đa khoa Bình An. Ngày 27/7, bệnh nhân được chuyển qua BV đa khoa khu vực Quảng Nam. Ngày 31/7, bệnh nhân được chuyển sang BV Trung ương Huế. Rạng sáng 2/8, bệnh nhân trở nặng, ngừng tuần hoàn, hô hấp. Đến khoảng 5h30’ cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Ca tử vong thứ 5 là bệnh nhân 475, cụ Đ.T.L., 83 tuổi, quê quán Đà Nẵng. Bệnh nhân nhập viện ở BV Đà Nẵng từ ngày 12/7/2020, đến ngày 17/7/2020, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt. Ngày 30/7/2020, bệnh nhân được phát hiện dương tính SARS-COV-2 và chuyển cách ly. Bệnh nhân bắt đầu suy kiệt và hôn mê khoảng 4h30’ sáng ngày 2/8 và được xác nhận đã qua đời khoảng 5h45’ cùng ngày.
Trong bản tin cập nhật vào thời điểm VN mới có 3 ca tử vong vì Covid-19, chúng tôi lưu ý về điểm chung của 3 ca tử vong đầu tiên, là các ca 428, 437 và 499: Các bệnh nhân đều không được xét nghiệm Covid-19 vào thời điểm họ xuất hiện triệu chứng ho, sốt hoặc các triệu chứng về đường hô hấp. Chỉ sau khi ca bệnh 416 được thừa nhận là ca phá vỡ “kỷ lục” 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng thì ngành Y tế mới bắt đầu tỉnh ra và xét nghiệm các bệnh nhân có triệu chứng đường hô hấp liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng.
Các ca 524 và 475 cũng tử vong vì nguyên nhân tương tự. Ca 524 xuất hiện triệu chứng sốt từ ngày 18/7, ca 475 xuất hiện triệu chứng tương tự trước đó một ngày, nhưng phải tới sau ngày 25/7 thì các bệnh nhân có triệu chứng đường hô hấp mới được xét nghiệm. Do sự chủ quan của ngành y tế, chẩn đoán bệnh sai, các bệnh nhân phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Diễn biến truyền thông “lề đảng” xung quanh 2 ca tử vong trong ngày 2/8 cũng giống như lúc trước. Các báo thi nhau nhấn mạnh rằng các bệnh nhân qua đời là người già, có nhiều bệnh nền, y bác sĩ đã cố hết sức… VnExpress có bài dẫn lời Giáo sư Nguyễn Gia Bình: ‘Bệnh nhân Covid-19 tử vong là bất khả kháng’. Ông Bình tìm đủ cách để thanh minh về cái chết của các bệnh nhân Covid-19 ở VN.
Vấn đề là trước đó báo đài VN, bị dắt mũi bởi Ban Tuyên giáo, đã khoác lên mình cái ảo tưởng rằng VN là “pháo đài” mà Covid-19 không xâm phạm được. Có những lúc trên báo “lề đảng” xuất hiện các bài viết như ngủ mơ, với giọng điệu hầu như không khác các bài tuyên truyền, cổ động thời chiến tranh Việt Nam.
Vấn đề là cuộc chiến chống dịch Covid-19 hoàn toàn khác với mấy cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua. Thời chiến tranh, các bài tuyên truyền mị dân của đảng đã đẩy hàng triệu thanh niên lao vào chiến trường. Còn trong thời bình, hiệu ứng mị dân đó phản tác dụng, tạo nên tâm lý chủ quan, khiến cả nước phải trả giá.
Ngoài ra, còn phải kể đến tâm lý “phò Trung, khinh Mỹ” rất quen thuộc trong bộ máy tuyên truyền của chế độ. Tâm lý đó dẫn tới các bài viết ca ngợi “công cuộc” chống dịch bên TQ và phê phán người Mỹ, tạo nên một ảo tưởng trong bộ phận dân chúng, rằng người TQ cũng đang kiểm soát dịch tốt. Vậy là những người dân cả tin và ham tiền đã đưa những người TQ vào VN mà không nghĩ rằng họ có thể là nguồn lây bệnh.
Tóm lại, lãnh đạo CSVN thay vì phê phán người dân chủ quan, họ nên phê phán các lãnh đạo, quan chức của họ đã rất chủ quan, ảo tưởng rằng VN có thể “thắng dịch” trong một thế giới liên kết với nhau và hầu hết các nước vẫn đang gồng mình trước Covid-19. Cũng chính lãnh đạo CSVN đã luôn không dứt khoát với TQ, đã để TQ vào thao túng nền kinh tế, thao túng các dự án trăm tỉ, ngàn tỉ. Thế thì bây giờ lãnh đạo CSVN lấy quyền gì để phê phán người dân đã mất cảnh giác với TQ?
Còn bộ máy truyền thông VN đã thể hiện thái độ “sáng nắng, chiều mưa” quen thuộc. Lúc tình hình còn trong tầm kiểm soát thì các báo đài lặp lại liên tục luận điểm VN “thắng dịch”. Đến lúc có ca tử vong vì Covid-19 thì báo đài chuyển sang giọng “ngành Y tế đang nỗ lực, dồn sức, khoanh vùng dập dịch COVID-19”. Tóm lại, dù trong tình huống nào thì ngành y tế… cũng lập công. Còn người dân qua đời vì đến lúc nguy kịch mới được chẩn đoán đúng bệnh thì là chuyện của người dân.
***
Về các ca nhiễm mới trong ngày, sáng nay Bộ Y tế thông báo, thêm 4 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 1 ca ở TP HCM, báo Người Lao Động đưa tin. Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cho biết, trong 4 ca nhiễm mới, có 2 ca được cách ly ngay lúc nhập cảnh là các ca 587 và 588. Ca 589 là trường hợp lây nhiễm cộng đồng ở Sài Gòn, trước đó đã du lịch Đà Nẵng. Ca 590 là trường hợp lây nhiễm cộng đồng ở Quảng Ngãi, trước đó đã tiếp xúc gần với ca 517, một bệnh nhân ở BV Đà Nẵng.
Đến chiều, Bộ Y tế cập nhật, thêm 30 người ở 6 tỉnh thành mắc COVID-19, Việt Nam ghi nhận 620 ca, báo Tuổi Trẻ dẫn tin. Các ca mới được đánh số từ 591 đến 620, trong đó các ca từ 604 đến 619 là bệnh nhân tại các BV, cơ sở điều trị ở Đà Nẵng, các bệnh nhân còn lại ở Hà Nam, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đồng Nai. Theo bài báo, tính từ ngày 25/7 đến nay, đã có 173 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng.
Như vậy, tính cả sáng và chiều nay, VN có tổng cộng 34 ca dương tính mới với Covid-19, trong đó chỉ có 2 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh, còn lại đều là lây nhiễm cộng đồng. Đã có 5 ca tử vong trong đợt lây nhiễm cộng đồng thứ 2.
VietNamNet có bài: Ca mắc Covid-19 ở Quảng Ngãi bán hàng ở công viên, tiếp xúc gần bệnh nhân 517. Đó là trường hợp ca 590, cư trú ở phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi, hành nghề buôn bán gấu bông tại công viên Ba Tơ. Chiều 22/7, người này đi xe máy ra TP Đà Nẵng để thăm người thân là bệnh nhân, sau này trở thành ca 517, lúc đó đang điều trị tại BV Đà Nẵng. Sau lần thăm gặp đó, người này tiếp tục ra công viên bán hàng và đến ngày 1/8 mới được xác nhận dương tính với Covid-19.
VnExpress có bài dẫn lời quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu trong cuộc họp sáng nay: ‘Chủng Covid-19 đột biến dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao’. Các con số cho thấy rõ nguy cơ: “Chỉ số lây nhiễm virus ở đợt dịch lần này là 5 – 6, trong khi lần trước từ 1,8 đến 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Còn đợt này, thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây”.
Quyền Bộ trưởng Y tế đã cảnh báo như vậy, nhưng Thủ tướng “ma-dze in Việt Nam” vẫn nói, TP.HCM chưa nên giãn cách xã hội, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Phúc nói: “Như vậy giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất”. Có lẽ Thủ tướng đang bận lo cho mấy số liệu “tăng trưởng” kinh tế, mặc kệ người dân bị dịch bệnh.
Trang Hành tinh Titanic có bài phân tích khá chi tiết về khả năng đột biến của virus Covid-19 từ tháng 4/2020. Điều đáng tiếc là lãnh đạo CSVN lại dùng khoảng thời gian quý giá họ có được sau đợt lây nhiễm thứ nhất để ảo tưởng về bản thân họ, ngộ nhận về năng lực thật sự của họ. Còn virus Covid-19 thì không bỏ phí một phút giây nào để lây nhiễm, phát tán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét