Một số người coi “Đế quốc” là một từ xấu, vì trước đây báo chí thường lên án “Đế quốc Mỹ”, “Đế quốc Nhật”. Thật ra từ “Đế quốc” (Empire, Imperium) được gắn cho các cường quốc có tầm ảnh hưởng khu vực hoặc toàn cầu.
Người Anh, người Áo, người Mông Cổ từng tự hào được là công dân của các đế chế. Việt Nam cũng từng là đế quốc, đã tiêu diệt Champa, thôn tính một phần lãnh thổ của Ai-Lao, Chân Lạp. Sau trận Rạch Gầm, Xoài Mút, người Xiêm sợ người Việt như sợ cọp. Các vua Nguyễn được gọi là Hoàng Đế (Empereur). Những người theo tư tưởng Đại Việt sẽ rất tự hào nếu được kêu là bọn “Đế quốc”!
Do vậy những người yêu Liên Xô chớ tự ái khi thấy ai đó coi Liên Xô là Đế quốc. Các bạn sùng Mỹ cũng vậy.
Một ngộ nhận nữa của người Việt là cái tên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Người thì tấm tắc khen nước Mỹ đa chủng tộc, kẻ thì chê là vì có nhiều chủng tộc chen nhau trên mảnh đất đó. USA là viết tắt của “United States of America”, lẽ ra phải gọi là “Các nước Mỹ hợp nhất”. States là số nhiều của state (bang, nước). Chúng hợp nhất (united) với nhau nên các cụ nhà ta gọi là “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”, chẳng dính dáng gì đến “Đa chủng tộc” hay “Thượng đẳng trắng” cả. Rồi thấy người Mỹ đen, trắng, vàng, đỏ, chung sống với nhau, dân ta tự suy ra “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” cho hợp lỗ tai. Nếu là “Hợp chủng quốc” thì phải dịch là “United Races of America”. Khi đó quốc kỳ Mỹ cóc cần 49 ngôi sao, đại diện cho 49 bang, mà phải là các loại mầu da cùng với các chữ Black Lives Matter & White Lives Matter mới đúng.
Còn cái tên Hoa Kỳ thì có người bảo từ Yankee mà ra. Yankee vốn là niềm tự hào của người Bắc Mỹ, nhưng kể từ cuộc nội chiến 1861-1865, dân các bang miền Nam coi đó là từ miệt thị bọn “Bắc kỳ”. Sau khi miền Bắc chiến thắng, từ Yankee cũng bị người ngoài nước Mỹ dùng để miệt thị người Mỹ nói chung (Như dân ta gọi người Hoa là Tàu, là Khựa, gọi người Mexico là Rệp, hay người Khmer gọi người Việt là bọn Duôn).
Có nguồn khác lại nói cái tên Hoa Kỳ xuất phát từ tiếng Hán: “花 旗” “Hoa cờ” vì người Hoa lần đầu biết nước Mỹ qua lá cờ đầy sao.
Chỉ riêng cái cách người Việt gọi nước Mỹ theo các kiểu tưởng tượng của người Hoa đã cho thấy quan hệ giữa hai nước trong 150 năm qua, kể từ ngày vua Tự Đức cử Bùi Viện sang đó cầu viện chống Pháp, luôn bị ảnh hưởng bởi yếu tố Trung Hoa.
Người Việt nên gọi các nước “United States of America” là “Liên bang Mỹ” mới là cách chính xác nhất, độc lập nhất.
Thể chế liên bang mà những người lập quốc xung quanh Thomas Jefferson đưa ra năm 1776 đã tạo ra thế cân bằng về quyền lực và cơ sở vững chắc cho nền dân chủ tiến bộ nhất lúc bấy giờ. Nền dân chủ đó đã biến từ mảnh đất của những người Âu thất bại, tù tội, của những người Phi nô lệ, của những người Á tha hương kiếm ăn, của những thổ dân Anh Điêng sống sót nạn diệt chủng, thành một quốc gia vĩ đại, thành công nhất trong lịch sử. Sự thành công đó không chỉ khiến các nhà cách tân châu Âu như Alexis de Tocqueville phải kính nể [1], mà cả những người Cộng Sản như Hồ Chí Minh ở Á Châu đã lấy cảm hứng từ tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ để tuyên bố độc lập cho Việt Nam.
Nước Mỹ tuy không bị chiến tranh tàn phá trong hai cuộc đại chiến thế giới 1 và 2 (trừ căn cứ quân sự Trân Châu Cảng ở Thái Bình Dương), nhưng đã đóng góp nhiều xương máu và của cải vào cả hai cuộc chiến. Riêng trong chiến tranh thế giới 2, hơn 400 ngàn thanh niên Mỹ hy sinh để giải phóng các dân tộc châu  và châu Á khỏi chủ nghĩa Phát xít. Trong đó có cả người Mỹ da trắng, da đen và da đỏ.
Ai đã xem bộ phim Windtalker chắc không khỏi xúc động về chuyện thượng sỹ Joe Enders đã hy sinh thân mình để bảo vệ sinh mạng của anh binh nhì da đỏ Ben Yahzee trong chiến tranh chống Nhật ở Thái Bình Dương. Người Nhật cho đến lúc này đang làm chủ chiến trường vì họ có khả năng đọc các mật mã vô tuyến điện của Mỹ. Tình báo Mỹ phải sử dụng ngôn ngữ của bộ lạc da đỏ Navajo vào việc truyền tin. Những binh sỹ thông tin người Navajo này được bảo vệ như những bảo vật. Ngôn ngữ độc đáo này khiến tình báo Nhật bất lực và nó đã góp phần đảo ngược cục diện chiến tranh ở Thái Bình Dương.
Trong cuôc đại chiến này, Mỹ cũng đã hào hiệp viện trợ cho Liên Xô 11.3 tỷ USD (180 tỷ hôm nay), bao gồm 400.000 xe jeep, 14.000 máy bay 13.000 xe tank, 4 triệu rưởi tấn lương thực v.v[2]. Liên Xô, nước tiền tuyến hàng đầu chống Hitler đã mất 27 triệu công dân trong nỗ lực chung đánh bại Đế quốc Đức cuồng vọng.
Nước Nga từ lâu đã là một đế quốc khu vực. Nga Hoàng làm chủ một vùng rộng lớn từ trung Âu, xuyên châu Á, vượt eo biển Behring sang cả Alaska châu Mỹ, trải dài 12 múi giờ [3]. Câu nói “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế chế” cũng đúng cho nước Nga. Nhưng chỉ từ khi cuộc cách mạng tháng 10.1917 nổ ra và Liên Bang Xô Viết thành lập, Đế chế toàn cầu nói tiếng Nga mới hình thành. Sau 1945, Liên Xô đã trở thành một siêu cường không thể chối cãi, cùng Mỹ chia đôi thiên hạ, thay đổi thế giới đến 1990.
Nhưng rồi siêu cường công nông này cũng mắc phải chu trình mà Paul Kennedy đã vạch ra: Bành trướng – Bị dàn trải – Kiệt sức – Tàn lụi. Trong những năm 1980, CNXH được xuất khẩu sang Angola, Ethiopia, Yemen, Lybia nhưng đến Afghanistan thì dây đàn bị đứt. Lý do chính là nền kinh tế kế hoạch hóa trong một xã hội bó cứng về sáng tạo, về tư tưởng đã không thể đáp ứng được đòi hỏi của cuộc tranh hùng toàn cầu. Năm 1991 Liên Xô tan rã, để lại cho Mỹ ngôi vị độc tôn “đế quốc số 1”, không có cạnh tranh.
CNXH là một hình thái xã hội của loài người, không phải chỉ có Marx hay Lenin mới nghĩ ra. Người Do Thái từ thế kỷ 19 đã bắt đầu xây dựng CNXH trong các Kibbutz ở Palestine. Cho đến nay vẫn còn khoảng 270 công xã như vậy hoạt động có hiệu quả ở Israel, với khoảng 150.000 thành viên. Ở Kibbutz mọi người đều tự nguyện đến sống và làm việc hết mình, có ý thức cộng đồng cao, không cần các biện pháp cưỡng bức của nhà nước cảnh sát. Đó là sự khác biệt với các mô hình nhà nước XHCN xô viết và chính vì thế mà nó sẽ còn tồn tại lâu dài.
Tuy nhiên sẽ là một ngộ nhận lớn, nếu nói CNXH xô viết đã ra đi mà không để lại dấu ấn gì. Bên cạnh công lao lớn nhất trong chiến tranh chống chủ nghĩa quốc xã, Liên Xô đã có công lớn trong công cuộc chinh phục vũ trụ, đã nhiều lần đi trước Mỹ trong cuộc đua này. Những tên tuổi như Sholokhov, Schostakowitsch, David Oistrach, Chachaturiam đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại. Chính cuộc chạy đua công nghệ và kinh tế giữa hai siêu cường Xô-Mỹ đã tạo động lực cho cuộc cách mạng KHKT lần thứ 3 của loài người. Chính những thách thức xã hội của Liên Xô và Đông Âu đã góp phần làm nổ ra cuộc cách mạng cánh tả 1968 ở tây Âu, mở đầu cho các nhà nước tư bản phúc lợi cao. Luật nhân quyền được Tổng thống Mỹ Johnson ký năm 1964, việc cho phép phụ nữ đi bầu ở Thụy sỹ 1971, Bồ Đào Nha 1974 đều chịu tác động của chiến tranh lạnh ý thức hệ với phe XHCN.
Một đặc điểm cơ bản của CNXH Đông Âu là không khuyến khích lối sống tiêu thụ. Nền kinh tế kế hoạch không bao giờ quảng cáo hàng cạnh tranh giá, chỉ quảng cáo lối sống ăn chắc mặc bền.
Khi đó, nền sản xuất hàng hóa phương Tây cũng phải theo trào lưu này. Hàng hóa ”Made in The USA” hay “Made in Germany” tốt vô kể. Các nền kinh tế Mỹ, Tây Âu phát triển bền vững, với một lực lượng lao động trình độ cao, xã hội ổn định. Sức sáng tạo không hạn chế của con người tự do đã tạo ra năng suất lao động cao hơn. Thắng thua đã được định đoạt.
Nói một cách khó nghe là: CNTB đã trở nên nhân bản hơn, tự do hơn bởi nó luôn phải chứng minh tính ưu việt so với khối XHCN.
Sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, động lực đó không còn nữa. Kẻ thù xưa ngã ngựa, trở thành lực lượng lao động rẻ tiền. Cuộc cạnh tranh về tính ưu việt chuyển thành cuộc chạy đua về lợi nhuận. Cái gọi là “hội nhập” của các nền kinh tế XHCN trước đây thực chất đã khiến thế giới chỉ còn lại một hệ thống kinh tế: TBCN.
Kỷ nguyên thịnh vượng của CNTB sau đó chỉ kéo dài 18 năm. Khi cuộc khủng hoảng tài chính Lehman-Brothers xảy ra ở Mỹ 2008, cuộc đại khủng hoảng bắt đầu.
(Còn tiếp)
_____
[1] Ông viết “Về Nền Dân Chủ Ở Mỹ” (De la démocratie en Amérique) năm 1840, sau khi đi thăm Mỹ về.
[3] 1867 Nga Hoàng bán cho Mỹ với giá 4,74 USD/km², tính ra là 7,2 triệu USD (130 triệu giá hôm nay).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét