Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

1920 - Cách thức để làm suy yếu các yêu sách phi lý của Trung Quốc


Hình minh họa. Hình chụp hôm 8/1/2020 khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) đi thăm căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna ở Biển Đông
Hình minh họa. Hình chụp hôm 8/1/2020 khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) đi thăm căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna ở Biển Đông AFP

Sau những diễn biến gần đây, Biển Đông tiếp tục trở thành “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Đợt “sóng trào” lần này bắt đầu từ việc Malaysia đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này ra ngoài khu vực 200 hải lý lên Uỷ ban Ranh Giới Thềm Lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) năm 2019 và kể từ đó, các công hàm khác của các bên liên quan cũng được đưa ra.
Thực tế thì phần lớn các công hàm đó vẫn nhắc lại các quan điểm trước đây, nhưng cũng có một số điều chỉnh sau Phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2016 về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Điều đặc biệt ở đây đó là các lập luận không được đưa ra trong các cuộc họp báo hay tuyên bố chính thức như trước, mà giờ đây nó được chính thức đệ trình lên LHQ và được cơ quan này ghi nhận.

Trung Quốc muốn đàm phán song phương

Phản ứng trước đệ trình của Malaysia, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh lại quan điểm về cái gọi là “quyền lịch sử” của họ trên Biển Đông. Trung Quốc cũng coi phán quyết của Tòa là không công bằng và bất hợp pháp. Hơn nữa, họ khẳng định rằng Trung Quốc không chấp nhận cũng như không tham gia vào vụ phân xử của Tòa và như vậy họ sẽ không chấp nhận hay công nhận phán quyết đó.
Công hàm của Bắc Kinh gửi Tổng thư ký LHQ ngày 2/6/2020 nhằm đáp lại công hàm ngoại giao đầu tiên mà Indonesia gửi Tổng thư ký LHQ ngày 26/5, trong đó Jakarta bác bỏ cái gọi là bản đồ "Đường 9 đoạn" hay tuyên bố về các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Trong Công hàm của mình, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại LHQ khẳng định: "Không có tranh chấp lãnh thổ nào giữa Trung Quốc và Indonesia tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc và Indonesia có những tuyên bố chồng lấn về quyền và lợi ích biển ở một số khu vực của Biển Đông". Trung Quốc cũng cho rằng: "Trung Quốc sẵn sàng giải quyết những tuyên bố chồng lấn này thông qua đàm phán và tham vấn với Indonesia, và hợp tác cùng Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

Thái độ cứng rắn của Indonesia

Trong khi đó, Indonesia một lần nữa thể hiện sự phản đối cứng rắn của quốc gia này. Các lập luận của Indonesia không chỉ được đưa ra dựa trên và phù hợp với công hàm đã đệ trình lên LHQ vào năm 2010, mà còn đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài. Họ lặp lại quan điểm từ lâu của Jakarta rằng Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Họ cũng nhấn mạnh rằng quan điểm của Indonesia về các quy chế pháp lý của các thực thể trên Biển Đông đã được phán quyết của Tòa xác nhận. Hơn nữa, họ cũng lập luận rằng cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đã được xác nhận trong phán quyết của Tòa.
Công hàm của Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Công hàm của Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông Photo: RFA
Ngoài Indonesia, một số nước khác cũng đưa ra phản đối pháp lý chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên LHQ.
Một đề xuất được Trung Quốc nêu ra và truyền đạt tới Indonesia, đó là đề xuất đàm phán song phương về “các quyền và lợi ích biển chồng lấn”. Một số chuyên gia đánh giá rằng, đây cũng có thể được coi là Trung Quốc đang thực thi Điều 283 của UNCLOS về “nghĩa vụ trao đổi ý kiến”.
Điều 283 (1) của UNCLOS quy định rõ rằng khi bất đồng nảy sinh giữa các quốc gia về việc diễn giải hoặc áp dụng Công ước này, các bên tranh chấp nên nhanh chóng tiến tới trao đổi ý kiến liên quan đến việc giải quyết thông qua đàm phán hoặc các công cụ hòa bình khác”.
Và với việc thực hiện các tiến trình “trao đổi ý kiến” thì sau đó, một trong hai bên có thể tiến tới việc lựa chọn sử dụng một cơ quan tài phán theo quy định tại Điều 297 UNCLOS để giải quyết các bất đồng.
Tuy nhiên, Indonesia đã thẳng thừng bác bỏ khả năng đàm phán song phương với Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo ở Jakarta, Ngoại trưởng Retno Marsudi nói: "Quan điểm của Indonesia rất rõ ràng rằng, căn cứ theo UNCLOS 1982 (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển), Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nào với Trung Quốc. Do đó, không có lý do gì để đàm phán".
Trung Quốc đã từ lâu luôn đề nghị giải quyết tranh chấp song phương. Tuy nhiên, đề xuất về việc tổ chức đàm phán song phương như vậy sẽ luôn bị Indonesia bác bỏ. Liệu Trung Quốc sẽ giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý để tiến hành cuộc đàm phán như vậy, là nó dựa trên Điều 76 và Điều 83 về thềm lục địa, hay Điều 56 liên quan đến khai thác EEZ hay cơ sở pháp lý nào khác chăng?

Cách để làm suy yếu yêu sách của Trung Quốc

Sự phản đối của các quốc gia khác nhau đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt khi nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài có thể làm suy yếu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hồi đầu tháng 6, Hoa Kỳ cũng đã chính thức gửi Công hàm để phản đối các luận điệu trái với UNCLOS và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Với các phản đối chính thức gần đây của các quốc gia ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam về yêu sách của Trung Quốc, các phản đối này đều viện dẫn phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, khiến cho Trung Quốc giờ đây phải chứng minh rằng các tuyên bố của họ dựa trên luật quốc tế, hoặc họ phải tiến tới tìm ra các lập luận pháp lý mới để phù hợp với các cấu trúc pháp lý quốc tế hiện hành liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bao gồm phán quyết của Tòa Trọng tài.
Điều quan trọng là các quốc gia ASEAN cần phải liên tục nhắc đi nhắc lại phán quyết của Toà Trọng tài cũng như các lập luận yêu sách dựa trên UNCLOS và luật pháp quốc tế. Trong trường hợp Indonesia, Andi Arsana, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Gadjah Mada, nói rằng điều quan trọng đối với Indonesia là kiên trì phản đối các tuyên bố của Trung Quốc. Ông ta khẳng định rằng: "Indonesia phải liên tục làm như vậy bởi vì đó cũng chính là điều Trung Quốc đang làm với những tuyên bố chủ quyền của họ". Ông nói thêm: "Những lời nói dối được lặp đi lặp lại đủ nhiều mà không bị phản đối có thể sẽ dần trở thành sự thật”. Chính vì vậy, không chỉ Indonesia mà tất cả các quốc gia ASEAN khác cần phải kiên trì nhắc lại phán quyết của Toà Trọng tài, điều đó sẽ khiến vị thế pháp lý của Trung Quốc bị lung lay.
Thời gian sắp tới, trong tiến trình tìm kiếm dự thảo cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), nếu các quốc gia ASEAN đưa được nội dung của phán quyết vào COC thì điều đó sẽ góp phần tạo thế mạnh cho các quốc gia ASEAN đối trọng trước Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét