Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

1979 - Bản tin ngày 26-6-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Cộng đồng họa sĩ bức xúc với bản đồ hải dương học Trung Quốc. Các họa sĩ trẻ Việt Nam phát hiện trên tài khoản của nghệ sĩ minh họa Feifei Ruan đăng tải bản đồ hải dương học có “đường lưỡi bò” (chín đoạn) để người xem mặc định những sinh vật này cũng nằm trong địa phận Trung Quốc. Đáng chú ý, các tấm bản đồ này cũng gắn logo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên.

Bản đồ hải dương học của nghệ sĩ Feifei Ruan. Nguồn: behance.net

Tối qua, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết, các tàu khảo sát/nghiên cứu của Trung Quốc tích cực được triển khai ở Biển Đông. Tin nói rằng, tàu Hải Dương 4 vẫn đang tiếp tục di chuyển với tốc độ chậm gần khu vực Đá Châu Viên. Lúc 13h14′, Hải Dương 4 đã di chuyển về phía bắc và cách đá Chữ Thập khoảng 10 hải lý về phía nam và đã tăng tốc độ lên 11,7 hải lý/ giờ.
Còn tàu Hải Dương 10 thì đã rời Quảng Châu từ ngày 17/6/2020 và di chuyển xuống khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 23/6 đến nay và đang thả trôi tại khu vực phía nam Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Báo NHK của Nhật có bài phỏng vấn ông Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Học viện Biển Đông, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam: Chuyên gia cảnh báo về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Sơn nhấn mạnh: “Sự cần thiết phải hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, gồm cả những nước có lập trường thân Trung Quốc, để thúc đẩy lợi ích chung của họ ở Biển Đông”. Ông Sơn nói rằng, với tư cách là chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ làm việc hướng tới mục tiêu vì hòa bình và ổn định trên vùng biển này.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn nguồn từ Khmer Times với bài: Campuchia lên tiếng về tranh chấp Biển Đông. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 24/6, viết: “Về vấn đề Biển Đông, Campuchia – với tư cách là nước không tham gia tranh chấp – giữ quan điểm trung lập với vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ tiếp tục duy trì môi trường thuận lợi để bảo vệ hòa bình, an ninh, và ổn định ở khu vực, từ đó đóng góp vào việc hoàn tất quá trình đàm phán COC”.
Cũng báo Pháp luật TP.HCM có bài: Các nước ASEAN bày tỏ quan điểm về tình hình trên Biển Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 36 tổ chức ở Hà Nội, các nước nhấn mạnh, cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Trang Vietnam Finance có bài: Việt Nam lên án hành vi gây bất ổn an ninh giữa đại dịch Covid-19. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại ở một số khu vực vẫn tồn tại những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình, xói mòn lòng tin, trong khi cả thế giới đang căng mình đối phó với đại dịch COVID-19.
Ông Phúc nhấn mạnh, mọi quốc gia cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Đưa tin về Hội nghị này, báo Straits Times của Malaysia có bài: “Biển Đông nên là khu vực hòa bình, thương mại”. Bài viết dẫn lời Thủ tướng Yassin của Malaysia, nói: “Malaysia giữ quan điểm rằng Biển Đông sẽ vẫn là biển hòa bình và thương mại. Do đó, các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc được quốc tế công nhận, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trong những thời điểm khó khăn này, điều bắt buộc là chúng ta phải tăng cường nỗ lực xây dựng, duy trì và tăng cường niềm tin lẫn nhau vì lợi ích của khu vực và nhân dân chúng ta”.
Tin Nhân quyền
Hôm qua, RFA đưa tin: Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước phải theo dõi về ‘Nạn buôn người’. Bài viết cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố “Báo cáo thường niên về Nạn buôn người năm 2020”, xếp Việt Nam thuộc nhóm bậc 2, tức quốc gia có vấn đề buôn người cần theo dõi. Báo cáo nhận định, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người, nhưng đang nỗ lực đáng kể để làm điều đó.

Ảnh: Trang bìa Báo cáo về nạn Buôn người trên thế giới năm 2020 của Hoa Kỳ. Phần báo cáo về Việt Nam bắt đầu từ trang 532.

Cũng trong hôm qua, Việt Nam đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án liên quan nạn nhân vụ 39 người Việt chết trong container ở Anh, báo Thanh Niên đưa tin. Sáng 25/6, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thắm (25 tuổi, ngụ P.Nghi Tân, TX.Cửa Lò, Nghệ An) 15 tháng tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Theo cáo trạng, Thắm móc nối với anh trai đang sinh sống tại Đức để đưa bạn học của mình là anh Nguyễn Văn Hiệp sang Đức để làm việc. Sau khi đưa được sang Đức, anh Hiệp tìm cách sang Anh và trở thành một trong 39 người Việt tử nạn trong thùng container.
Vụ Đồng Tâm, các luật sư bị cản trở hành nghề. Tin từ luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết, một nhóm 5 luật sư bảo vệ cho những người dân bị bắt giữ trong vụ Đồng Tâm đã gửi đơn đề nghị lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị Liên đoàn hỗ trợ và bảo vệ quyền hành nghề cho các luật sư.

Đơn đề nghị gửi LĐLSVN hôm 25/6 của các luật sư bào chữa vụ Đồng Tâm. Ảnh chụp màn hình facebook Ls Nguyễn Duy Bình

Theo đơn này, các luật sư cho biết, “một số cán bộ của các cơ quan tố tụng Hà Nội tìm mọi cách gây khó khăn cho các luật sư trong vụ án này”. Theo đó, vụ án này đã kết thúc giai đoạn điều tra vào ngày 5/6/2020, và các luật sư đã liên hệ với Viện kiểm sát TP.Hà Nội để sao chụp hồ sơ vụ án, nhưng đều bị cơ quan này né tránh, viện dẫn nhiều lý do để từ chối việc luật sư sao chụp hồ sơ. Các luật sư đề nghị, Liên Đoàn Luật sư VN lên tiếng, yêu cầu Viện kiểm sát phải tạo điều kiện theo luật định để các luật sư thực hiện nhiệm vụ của người bào chữa trong vụ án này.
Đến chiều 26/6, Liên đoàn Luật sư VN phản hồi, Liên đoàn đã chuyển đơn của các Luật sư đến Lãnh đạo VKSND TP. Hà Nội. Theo công văn này, Liên đoàn đề nghị Lãnh đạo VKSND TP. Hà Nội xem xét, kiểm tra việc Kiểm sát viên thụ lý vụ án, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng, tạo điều kiện cho các Luật sư được sớm tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án, nhằm tham gia bào chữa.
Vụ Hồ Duy Hải, ông Lê Thế Thắng cung cấp biên bản làm việc giữa Hồ Duy Hải và Đoàn giám sát vụ án của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Biên bản cho thấy, Hồ Duy Hải đều khai không có tội và không giết người. Nói về lý do vì sao nhận tội, Hải đã nói với Đoàn giám sát là bị Điều tra viên tên Nguyễn Công Đỉnh “đánh vào 2 đùi, đi không nổi”. Cứ khai không biết là bị đánh nên khai đại. Một lý do khác Hải nhận tội là “cảm thấy như bị gia đình bỏ rơi, cảm thấy bị ở đường cùng…”.

Trích một trang biên bản làm việc giữa Đoàn giám sát QH với Hồ Duy Hải. Ảnh: FB Lê Thế Thắng

Nhận định về sự việc này, ông Thắng gọi đây là “sự khốn nạn, tàn độc”. Ông cho biết, các cơ quan điều tra đã ngăn cấm việc thăm nuôi của Hồ Duy Hải, làm cho Hải tưởng rằng mình đã bị gia đình bỏ rơi. Đến khi được thăm gặp sau hơn nửa năm, Điều tra viên tên L.A.D ép buộc mẹ Hải khi gặp con “không đươc khóc và cũng không được tỏ vẻ quan tâm đến Hải”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét