Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

1993 - Bản tin ngày 27-6-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
BBC đưa tin, Biển Đông: TQ lại nạo vét tại đảo Phú Lâm nơi VN tuyên bố chủ quyền? Tin dẫn nguồn từ hãng tin Benarnews cho biết, hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy, Trung Quốc đang nạo vét tại một vịnh ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, có vẻ như để mở rộng góc phía tây bắc của hòn đảo nhân tạo này.

Hình ảnh vệ tinh trong ngày 17/4 và 25/6 cho thấy các hoạt động nạo vét của TQ tại đảo Phú Lâm. Nguồn: PlanetLabs Inc.

Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh chụp hôm 26/6 cũng cho thấy, ba tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển TQ đang đậu ở cảng của đảo này, cùng với những vật trông giống như một chiếc xà lan chở vật liệu. Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo rộng lớn từ năm 2014 đến năm 2016 ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa các bãi đá và rạn san hô nơi nước này chiếm đóng.
Tin từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, tàu Hải Dương 4 TQ sắp trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN. Sáng 26/6, Hải Dương 4 rời Đá Chữ Thập di chuyển xuống phía tây nam, tiến gần hơn về bờ biển nước ta. Lúc 7h27′ sáng nay, Hải Dương 4 di chuyển với tốc độ 0,7 hải lý/giờ tại vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 214 hải lý, sắp tiệm cận vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Qua dữ liệu AIS vệ tinh, trang tin này cũng phát hiện 2 tàu chấp pháp của Việt Nam di chuyển gần Hải Dương 4.


Vị trí Hải Dương 4 vào sáng 27/6. Nguồn: Đức Tâm/ĐSKBĐ

Báo Vnexpress có bài: ASEAN quan ngại diễn biến ở Biển Đông. Sau Hội nghị cấp cao ASEAN 36 kết thúc chiều 26/6, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN được thông qua, có đoạn: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đất, các diễn biến, hoạt động và sự việc nghiêm trọng gần đây, vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy giảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Báo Chính Phủ đưa tin: Thủ tướng: “ASEAN chắc chắn không muốn phải chọn bên nào”. Trong buổi họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 chiều qua, phóng viên CNA của Singapore đặt câu hỏi về sự căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng như thế nào đến ASEAN?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Trung Quốc, Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Cho nên quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn cầu và cả ASEAN. ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào. Chúng tôi hợp tác phát triển cùng có lợi vì hòa bình ở khu vực và sự phát triển tương lai của các đối tác, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, là những đối tác của chúng tôi rất quan tâm”.
Thủ tướng Phúc cũng nhận định: “Va chạm trên Biển Đông không tránh khỏi, các nước cần kiềm chế”, báo Dân Trí đưa tin. Ông Phúc nói: “Những va chạm không thể tránh khỏi nhưng chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp hơn hình tình, thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế, đặc biệt là thực hiện tốt DOC, khôi phục đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp”.
Cũng tin Biển Đông, báo Thanh Niên dẫn nguồn từ trang South China Morning Post đưa tin: Mỹ điều 3 máy bay quân sự theo dấu tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông? Tin cho hay, ngày 26/6, các lực lượng Mỹ điều 3 máy bay quân sự gồm máy bay trinh sát EP-3, máy bay săn ngầm P-8A và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 đến eo biển Ba Sĩ và Biển Đông trong ngày thứ 6 liên tiếp để thực hiện sứ mệnh được cho là nhằm truy tìm tàu ngầm Trung Quốc, sau khi có tin tình báo về sự di chuyển của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực.
Tin Nhân quyền
Vụ bắt bớ gia đình bà Cấn Thị Thêu, bà Bùi Thị Minh Hằng có clip ghi lại cảnh ông Trịnh Bá Khiêm mang đồ tiếp tế cho vợ con hôm nay, nhưng bị trại giam từ chối:
Video Player
00:00
02:54
Nhà hoạt động Mai Phương Thảo cho biết thêm, ông Trịnh Bá Khiêm đã mang quần áo và các vật dụng cá nhân đến Trại tạm giam Chăm Mát, tỉnh Hoà Bình để gửi đồ tiếp tế cho vợ và con trai của mình là bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, bị bắt vào hôm 24/6.
Tuy nhiên, phía trại giam Chăm Mát đã gây khó khăn và làm trái quy định pháp luật khi không cho ông Khiêm gửi đồ tiếp tế cho người thân của mình. Ngoài ra, ông Khiêm cũng có một người con trai khác là anh Trịnh Bá Phương, hiện đang bị tạm giam tại Trại giam số 1 Công an TP Hà Nội.


Từ trái: Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu. Nguồn: Trịnh Bá Khiêm

Bà Thảo cho biết thêm, bất bình trước vụ việc, mặc dù trời đang nắng nóng 39 độ, ông Khiêm vẫn chạy xe máy từ Hoà Bình về Hà Nội cách đó 80 km, để đến Bộ Công An hỏi, tại sao không cho thân nhân của ông nhận đồ tiếp tế.
Bà Thảo viết: “Trời ơi! Tại sao đất nước tôi lại bất hạnh như thế này? Tại sao những kẻ độc ác mất hết nhân tính lại đang cầm quyền, cầm sinh mạng của hơn 90 triệu dân như thế này. Ai đời, đã xua quân đi cướp đất, cướp đi tài sản là mồ hôi xương máu của người ta xong lại bắt bỏ tù cả gia đình như thế. Ác quá! Tụi cộng sản này tàn ác đến độ ngoài sức tưởng tượng của loài người”.
Tin Đồng Tâm, báo Người Đưa Tin cho biết: VKSND TP. Hà Nội ban hành cáo trạng vụ Đồng Tâm, hơn 20 bị can đối diện án tử hình. Viện kiểm sát TP. Hà Nội vừa ban hành Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2, truy tố 25 bị can tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
25 bị can này là: Ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
Bốn bị can còn lại là ông Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng, bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 330 BLHS, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù giam.
Nhân ngày Quốc tế Hỗ trợ Nạn nhân bị Tra tấn 26/6, Tổ chức công giáo phi chính phủ chống tra tấn và tử hình (ACAT) có trụ sở tại Pháp, tổ chức đêm cầu nguyện ngày 26 rạng 27/06/2020 cho những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa của Việt Nam. Ông Hóa bị bắt ngày 11/1/2017 tại Hà Tĩnh, bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế, vì đã đăng các video biểu tình chống Formosa xả thải.
Cư dân mạng xôn xao với tin: Phóng hỏa đốt nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Tin cho hay, hôm 25/6, một thanh niên lận dao trong người và mang theo bình xăng tiến vào Cung thánh đường trong Nhà thờ DCCT Sài Gòn, sau đó châm lửa phóng hỏa. Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt và người thanh niên này đã bị bắt giữ ngay lập tức. Vụ việc vẫn đang được nhà chức trách điều tra. Hiện vẫn chưa rõ động cơ gây án của thanh niên này.
Nhà thờ DCCT Sài Gòn, số 38 Kỳ Đồng, Quận 3, là một địa điểm quen thuộc trước đây của nhiều nhà hoạt động ở Việt Nam. Tổ chức công giáo này đã có những đóng góp rất lớn trong cuộc đấu tranh dân chủ và nhân quyền tại VN, với các hoạt động nổi bật như hỗ trợ pháp lý và truyền thông cho các nạn nhân bị đàn áp bởi chính quyền và các chương trình tri ân thương phế binh VNCH. Tuy nhiên, các hoạt động này đã chấm dứt sau khi có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo trong nhà Dòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét