Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

2020 - Pháp : Xã trưởng, chức vụ không mấy ai "mặn mà"



Ảnh minh họa cho cuộc bầu cử cấp địa phương tại Pháp năm 2020. Nguồn : Bộ Nội Vụ. Nguồn : https://www.interieur.gouv.fr/
Cứ 6 năm 1 lần, nước Pháp tổ chức bầu cử cấp xã và thành phố. Năm nay, sau bầu cử vòng 1 vào ngày 15/03, vòng 2 dự kiến được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 22/03/2020. Thế nhưng, do dịch bệnh Covid-19 nước Pháp bị phong tỏa nên bầu cử bị hoãn lại. Mới đây, chính quyền quyết định cho tổ chức bầu cử vòng 2 vào ngày Chủ Nhật 28/06/2020.
Trong khi tại một số thành phố lớn, nhất là thủ đô Paris, chiến dịch tranh cử diễn ra sôi nổi, cạnh tranh gay gắt, với nhiều ứng viên từng là các nhân vật có tiếng trong giới lãnh đạo Pháp, thì tại một số nơi, nhất là những xã nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa, hoặc dân cư thưa thớt, chính quyền tìm « mỏi mắt » cũng không có ứng viên tranh chức xã trưởng. Nói cách khác, xã trưởng không phải là ghế nhiều người muốn có, cho dù được mời gọi nhiệt tình.
Chức vụ chẳng mấy ai ham
Tại Pháp, có khoảng 36.000 xã. Về phân cấp quản lý hành chính, các thành phố lớn, như Lyon, Marseilles … kể cả thủ đô Paris với hơn 2,2 triệu dân cũng là « commune » - xã, đương nhiên là với quy chế đặc biệt hơn. Trong kỳ bầu cử xã trưởng năm nay, theo số liệu của bộ Nội Vụ Pháp, có tổng cộng 106 xã không có ứng viên tranh cử, trong số đó có 4 xã dưới 1.000 nhân khẩu. Con số 106 xã nói trên cao gần gấp đôi so với kỳ bầu cử năm 2014 (64 xã), nhưng một là do có một số xã đã bị sáp nhập. Ngày 27/02 là hết hạn nộp hồ sơ ứng cử, nhưng cho đến ngày 21/02, ở xã Montpensier, tỉnh Puy-de-Dome, với 450 nhân khẩu, vẫn không có một ai muốn trở thành xã trưởng.
Trên đài France 2, ngày 21/02, Bà Gisèle Boissier, 70 tuổi, người đứng đầu xã Montpensier, giải thích tại sao bà không muốn tái tranh cử : « Tuổi tác, vâng đó là do tuổi tác và tôi thì cũng đã được bầu lên từ 19 năm nay rồi. Vậy đấy ! Tôi cũng phải dành thời gian cho gia đình nữa. Đối với những người trẻ hơn và những ai còn chần chừ ngại ra ứng cử, thì tôi nói với họ : Thôi làm đi nào, công việc rất thú vị đấy ! »
Trong khi đó, tại Berbiguères, tỉnh Dordogne, xã trưởng José Chassériaud, 65 tuổi, hy vọng có thể « rút lui » để « an nhàn tuổi già », nhưng thực tế không đơn giản như ông nghĩ. Sau 25 năm quản lý cấp xã, 2 nhiệm kỳ làm phó xã trưởng thứ nhất và 2 nhiệm kỳ làm xã trưởng, José Chassériaud đành ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 vì ông không « đành lòng » đẩy xã với 186 người dân vào cảnh « không người chèo lái ». Ông không thể thuyết phục được ai « kế nhiệm » mình, kể cả ông Michel Scanff, phó xã trưởng. Ông Scanff giải thích trên đài France 2 : « Tôi không biết liệu mình có thể duy trì sức khỏe tốt suốt 6 năm tới nữa hay không. Việc ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ xã trưởng không được phù hợp cho lắm trong khi tôi không biết chắc là tôi có trụ được không ! »
Cách xã Berbiguères 4 km là xã Cladèche, với 103 nhân khẩu. Xã trưởng Jean-Pierre André cũng lâm vào tình cảnh tương tự đồng nhiệm Chassériaud : « Tôi đã không tính tới việc làm tiếp. Trước tiên, đó là vì tôi đã 74 tuổi rồi. Nếu tiếp tục, đến hết nhiệm kỳ tới thì tôi 80 tuổi mất rồi. Ngoài ra, dù sao thì vị trí này cũng có rất nhiều ràng buộc ». Để có thể yên tâm « về hưu » sau 6 năm nữa, ngay từ trước khi diễn ra kỳ bầu cử năm 2020, cả hai xã trưởng José Chassériaud và Jean-Pierre André đều đã bắt tay vào việc tìm người muốn ra tranh cử cho kỳ bầu cử … 2026. Đối với nhiều xã trưởng, khi lần đầu tiên ra tranh cử, họ như đã « tự mình rơi vào bẫy do chính mình giăng ra ».
Hậu quả ?
Điều khiến cho xã trưởng của những xã không có ứng viên đau lòng nhất là nguy cơ xã buộc bị sáp nhập vào xã khác. Đó cũng là nỗi lo của ông Victor Coulin, sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo xã Châtenois với 130 cư dân. Phát biểu trên đài France 24 ngày 12/03/2020, chỉ 3 ngày trước khi diễn ra vòng 1 bầu cử, ông Coulin giải thích : « Tôi đã 73 tuổi. Tôi là xã trưởng xã Châtenois từ năm 2008. Suốt hơn 1 năm nay tôi nói là chắc chắn tôi sẽ rút lui, do tuổi tôi đã cao và cũng là để nhường chỗ cho giới trẻ. Từ hơn một năm nay tôi đã nói như vậy rồi, nhưng đến hôm nay vẫn không có ai ra tranh cử.
Ngày 22/03 (ngày dự kiến tổ chức vòng 2 trước khi nước Pháp bị phong tỏa vì dịch Covid-19), phòng phiếu sẽ đóng cửa vì không có ứng viên nào cả. Kể từ lúc đó, Nhà nước sẽ cho chúng tôi 3 tháng để tổ chức lại bầu cử. Nhưng nếu mà vẫn không bầu được ê-kíp mới lãnh đạo xã, thì chắc chắn là chúng tôi sẽ bị sáp nhập vào một xã khác. Đó là điều mà tôi, người từng là xã trưởng, không mong muốn chút nào ! Tôi không muốn xã mình bị ép phải sáp nhập vào một xã khác (…) Nhìn xã Châtenois biến mất, thành thật mà nói, tôi thấy rất đau lòng ».
Lý do ?
Ông Coulin hy vọng giới trẻ sẽ quan tâm hơn đến vị trí xã trưởng và tạo ra những thay đổi. Vậy điều gì khiến chẳng mấy cư dân các làng xã mặn mà với chức xã trưởng ? Trên đài France 2, một số người dân xã Montpensier giải thích :
« Cần một người có thời gian, có quan hệ tốt với mọi người và biết nhiều điều. Đây là điều khó nhất đối với một xã nhỏ. Vậy đấy ! Còn tôi thì không, không, tôi không có thời gian, không đâu ! » ; « Hơi mất thời gian, đúng đấy. Cần tham gia các cuộc họp. Không đơn giản chút nào » ; « Tôi nghĩ rằng xã trưởng thời bây giờ có rất nhiều việc phải làm. Dân chúng thì kêu ca than phiền nhiều lắm. Mọi người có thể làm phiền xã trưởng bất kể giờ giấc » ; « Tiếng gà gáy làm họ khó chịu. Tiếng chuông nhà thờ đổ cũng làm họ thấy phiền toái. Chó hàng xóm sủa họ cũng thấy phiền phức. Vì thế, công việc của xã trưởng đòi hỏi nhiều thời gian và lấy đi rất nhiều sức lực » ; « Cần một ai đó có sức khỏe dẻo dai và có cá tính để đủ sức đối phó với những người suốt ngày kêu ca, than phiền ! »
Còn ông Victor Coulin, xã trưởng Châtenois, cho biết về khó khăn mà xã trưởng như ông đang phải đương đầu : « Ngày nay, vị trí xã trưởng không phải một chức vụ mọi người thèm muốn. Lúc nào chúng tôi cũng gặp chuyện, nhỏ thôi, nhưng tình hình ngày càng phức tạp. Bây giờ, xã hội chúng ta nhìn chung đã thay đổi, thay đổi rất nhiều : người dân có quyền nhưng không có nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ, vì thế phần nào dẫn đến nhiều vụ kiện cáo. Khi có một cành cây, một bông hoa, một khóm cây mọc chờm ra, thế là họ sẽ nói : “Sao người ta lại không tỉa chúng đi? Sao người ta lại để thế mà không can thiệp? »
Tại những làng như của chúng tôi, đôi khi những chuyện như vậy dẫn đến căng thẳng. Mọi người nói, chỉ trích, nhưng lại không dám nói thẳng với những người liên quan. Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện này. Bởi vì khi để xảy ra những chuyện căng thẳng thì cuộc sống ở làng không còn thoải mái nữa. Như thế, tốt nhất họ nên chuyển ra thành phố mà sống, nơi họ đi đâu xong thì về nhà, đóng sập cửa lại, và thế là xong.
Ở những ngôi làng như chỗ chúng tôi, dân số ngày càng già, mặc dù có giới trẻ, có thêm người đến xây nhà cửa, thêm người đến sinh sống. Thông qua một hiệp hội, chúng tôi đang cố gắng cải thiện cuộc sống ở làng. Chúng tôi đã tạo một khu vui chơi cho trẻ nhỏ và mọi người rất thích. Mặc dù ngân sách eo hẹp, nhưng với nỗ lực, chúng tôi đã thử, đã cố để cuộc sống ở làng được tốt hơn. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Quý vị biết đấy, chúng tôi không có bộ phận kỹ thuật. Chúng tôi bắt buộc phải tự quản lý hết.
Tại một xã như Châtenois, thay vì trả cho một đơn vị phụ trách, tôi không biết chính xác là bao nhiêu nữa, nhưng khoảng 7-10% (ngân sách), chúng tôi tự lo hết mọi việc. Hệ thống nước, chúng tôi cũng tự quản lý. Chúng tôi quản lý theo cấp xã, đồng hồ nước cũng là do chúng tôi ghi số, chúng tôi cũng tự đi kiểm tra tháp nước. Đúng là sau 12 năm, tôi cũng thấy mệt mỏi một chút. Và ở tuổi 73, tôi cũng muốn chuyển giao công việc cho người khác ».
Dường như những thay đổi trong cuộc sống của cư dân làng mạc đã khiến quan hệ hàng xóng láng giềng xấu dần, công việc của xã trưởng vì thế cũng phức tạp hơn. Dân Pháp hẳn chưa quên vụ án gà trống … Đó là chưa kể đến ngân sách ngày càng hạn hẹp, các xã ngày càng phụ thuộc vào Nhà nước, với nhiều thay đổi về các cấp quản lý …
Chính vì những khó khăn đó, chức xã trưởng không còn là vinh dự nhiều người muốn nhận. Ngày 05/03, đài France Info trích dẫn nhà nghiên cứu khoa học chính trị Martial Foucault, theo đó « tại những xã nhỏ, việc xã trưởng tái tranh cử vô số lần có liên quan đến việc vì thiếu ứng viên thay thế, nên xã trưởng không muốn để xã thiếu người đại diện cho nền dân chủ ». Cá biệt, tại một số xã nhỏ, có những người làm xã trưởng tới hàng chục nhiệm kỳ, từ khi còn là thanh niên cho tới khi đã 80-90 tuổi. Điển hình là trường hợp của ông Paul Girod, xã trưởng Droizy, một ngôi làng chỉ có 75 cư dân, ở tỉnh Aisne. Lần đầu nhận chức xã trưởng vào năm … 1958, Paul Girod khi đó mới là một thanh niên 26 tuổi, nay ông đã 88 tuổi và ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 12, sau 62 năm liên tục làm xã trưởng.
Còn ông François Dupuis, được dân Saint-Germain-sous-Cailly, tỉnh Seine-Maritime, bầu làm xã trưởng vào năm 1971 khi ông mới 25 tuổi. Ông phát biểu trên France Info : «Tôi làm xã trưởng suốt 49 năm. Nếu tôi có tiếp tục, thì đó cũng chỉ là để quản lý xã của tôi, nơi tôi rất gắn bó ». Ông lấy làm tiếc là dù ông đã cố thuyết phục, nhưng những trợ lý trong ê-kíp lãnh đạo của ông không ai muốn thay ông. Nếu ông từ bỏ, họ cũng ra đi : «Tôi có một vài người trẻ trong ê-kíp, nhưng không có sự thay đổi thực sự nào. Chức xã trưởng đòi hỏi phải dồn hết thời gian vào. Tại những xã ở nông thôn, xã trưởng chỉ có một thư ký. Chỉ thế thôi và ông ấy sẽ phải quản lý hết. Xã trưởng sẽ không thể đồng thời theo đuổi sự nghiệp riêng, mà cũng không thể sống với khoản tiền phụ cấp 500 euro/tháng ».
Trách nhiệm nặng nề mà phụ cấp ít ỏi, ngân sách nhà nước cấp cho xã hạn hẹp có lẽ là những lý do khiến thời buổi này không mấy ai còn « mặn mà » với chức xã trưởng, trừ ở những thành phố lớn, được cấp nhiều ngân sách Nhà nước, với nhiều nguồn đầu tư. Ở những nơi này, quyền lực thị trưởng là niềm mơ ước của biết bao người, chiếc ghế thị trưởng vẫn là điều mà nhiều chính khách lão làng, kể cả các cựu thủ tướng, bộ trưởng, cũng phải dồn nhiều công sức vận động tích cực đến phút cuối mới mong có được ! Đúng là nơi thì bao người « đấu đá », nơi thì ai cũng dửng dưng, chẳng mảy may ngó ngàng !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét