Covid-19 thách thức nỗ lực của thủ tướng Abe sưởi ấm quan hệ với đối tác thương mại quan trọng nhất là Trung Quốc. Tokyo có những lợi thế nào để duy trì được vị trí thứ ba trên bàn cờ kinh tế thế giới giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn hậu Covid-19 ? RFI đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Céline Pajon, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.
Nhật Bản vốn đã trong thế bị động vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nay có nguy cơ bị virus corona cướp đi 20% GDP trong năm 2020. Từ 2019 các doanh nghiệp Nhật lao đao sau mỗi đợt Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc.
Đến tháng 5 vừa qua, Nhật Bản chính thức lâm vào suy thoái, dưới tác động kép của dịch Covid-19 và biện pháp tăng thuế TVA từ 8 lên 10% kể từ mùa thu năm ngoái. Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu giảm mạnh. Chỉ số tin tưởng của các doanh nghiệp rơi xuống mức thấp nhất từ hơn một chục năm qua. Thêm vào đó là Thế Vận Hội Tokyo 2020 bị dời sang năm tới. Thiệt hại về tài chính qua đó không biết đâu mà lường.
Theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Nhật, GDP trong quý 1/2020 giảm 3,4%. Lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm đi mất 1/3 do tác động đại dịch hoành hành trên toàn cầu, kinh tế Nhật Bản và của thế giới bị phong tỏa trong nhiều tuần lễ.
Trong bối cảnh ảm đạm đó, chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe đã ban hành hai gói hỗ trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ đô la, tương đương với 40% GDP của nền kinh tế thứ ba trên thế giới này.
Theo giới phân tích, mặc dù bị công luận trong nước chỉ trích là đã chậm ban hành các biện pháp chống dịch, Nhật Bản cũng từng trong hoàn cảnh thiếu hụt về khẩu trang như Trung Quốc và các nước phương Tây, nhưng nhìn chung, Tokyo đã nhanh chóng khống chế được đà lây lan của virus corona với số ca tử vong rất thấp.
Nhờ ghi được những bàn thắng quan trọng về mặt y tế, Nhật Bản củng cố thêm vai trò và uy tín sau đại dịch lần này. Đây là một bàn thắng quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm một thế đứng trên sân khấu chính trị và bàn cờ thương mại quốc tế giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc.
Nếu như Washington là điểm tựa về chiến lược và an ninh của Nhật Bản, thì ngược lại Bắc Kinh là đối tác không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế của Tokyo.
Ngoại giao kinh tế, lá chủ bài của Tokyo
Trong một bài phân tích mang tựa đề « Nhật Bản đang trở lại sân khấu chính trị quốc tế ? » hôm 04/06/2020 trên trang mạng của nhà xuất bản Areion24 News, chuyên về địa chính trị, chuyên gia về Nhật Bản Céline Pajon thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp – IFRI đưa ra một số nhận định chính như sau :
Covid-19 càng chứng minh Nhật Bản là một đối tác đáng tin cậy của thế giới, là một đối tác quan trọng của các nhà đầu tư quốc tế ngoài Trung Quốc. Virus corona càng cho thấy chiến lược của Tokyo nhằm « tạo một môi trường thuận lợi cho Nhật Bản trên trường quốc tế » là thượng sách. Có điều đại dịch lần này đẩy lùi viễn cảnh Nhật –Trung sưởi ấm quan hệ, mà đỉnh điểm là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình được dự trù vào tháng 4/2020. Chuyến đi Nhật rất được chờ đợi này của lãnh đạo Trung Quốc đã bị hoãn lại vô hạn định.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Nhật Bản thuộc viện nghiên cứu Pháp IFRI, Céline Pajon trước hết nhắc lại chiến lược đối ngoại của Tokyo, trong quá khứ đã liên tục dùng kinh tế để mở rộng ảnh hưởng :
Céline Pajon: Nhật Bản đã khẳng định vị trí trên trường quốc tế sau Thế Chiến Thứ Hai chủ yếu qua con đường ngoại giao và kinh tế. Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, qua các chương trình viện trợ phát triển. Đến năm 1990, Tokyo trở thành nhà tài trợ số 1 trên thế giới. Nhờ lá bài này Nhật Bản đã thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á, rồi Nam Á. Đây chính là phương tiện cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản chinh phục các thị trường ở hải ngoại. Một trong những thị trường đầu tiên Nhật Bản dễ dàng chinh phục là Trung Quốc, kế tới mới đến lượt các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, kể từ thập niên 1990 trở đi, Nhật Bản bị cả đồng minh Hoa Kỳ lẫn các đối tác thương mại châu Âu chỉ trích ít tham gia vào công cuộc gìn giữ an ninh và hòa bình cho thế giới.
Kết hợp An ninh và Kinh tế
Gần với chúng ta hơn, Nhật Bản trong giai đoạn ổn định về chính trị hiếm có từ năm 2012 khi ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền. Ông chủ trương phát huy nhã quan của Nhật Bản về trật tự thế giới, đẩy mạnh vai trò của Tokyo trong bối cảnh hiềm khích Mỹ-Trung gia tăng. Hai bằng chứng cụ thể nhất minh họa cho chính sách này là khái niệm thành lập một vùng « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở » cũng như qua vai trò của Tokyo với hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Céline Pajon trong bài tham luận không quên nhắc lại rằng, các nước cờ của chính quyền Abe đều theo đuổi mục đích làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bà giải thích thêm với RFI Việt Ngữ :
Céline Pajon: Năm 2016, thủ tướng Shinzo Abe chủ trương xây dựng một vùng « Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Ít khi nào Nhật Bản đưa ra những khái niệm to tát như vậy. Đây là một ngoại lệ và chiến lược này bao gồm nhiều vế. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản đề ra những mục tiêu như đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng giữa các thành viên trong vùng, mở rộng mạng kết nối, nói một cách dễ hiểu là phát triển mạng internet và công nghệ số trong khu vực. Về mặt an ninh, Tokyo tăng cường khả năng phòng thủ trên biển và quyền tự do giao thông hàng hải. Chiến lược của thủ tướng Abe mở rộng tử Ấn Độ Dương đến Biển Đông, bao gồm luôn cả một số vùng ở bờ tây Châu Phi. Song song với những bước vừa nêu ,chúng ta đã thấy Nhật Bản thay thế vai trò đầu tầu của Mỹ để cứu hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương khi chính quyền Trump rút Mỹ ra khỏi TPP.
Nói cách khác, hai vế chiến lược và kinh tế đi liền với nhau trong nhãn quan của thủ tướng Abe. Vẫn theo chuyên gia về Nhật Bản Céline Pajon, chính sách đối ngoại của Tokyo rất thực tiễn cho dù Nhật Bản luôn trong thế đi dây giữa một bên là đồng minh chiến lược và bên kia là đối tác không thể thiếu về kinh tế và thương mại :
Céline Pajon: Nhật Bản không thoải mái chút nào và luôn tìm một thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Về mặt an ninh, Tokyo lệ thuộc vào Washington, thế nhưng kinh tế Nhật lại tùy thuộc vào Trung Quốc. Thành thử chính quyền Abe luôn phải tìm những giải pháp thỏa hiệp giữa một bên là an ninh, chiến lược và bên kia là quyền lợi kinh tế. Đừng quên rằng Nhật và Trung Quốc có nhiều bất đồng, kể cả tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Hoa Đông. Nhưng Tokyo vẫn nỗ lực sưởi ấm quan hệ với Bắc Kinh, cho dù đấy chỉ là một sự hòa hoãn bề ngoài. Cần nói thêm là chính quyền Abe rất thực tiễn và luôn xem phát triển kinh tế là một ưu tiên với Trung Quốc.
Sức mạnh của Nhật sau Covid-19
Đành rằng, Covid-19 đã buộc phải hủy chuyến công du đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tokyo sau nhiều năm quan hệ song phương nguội lạnh. Nhưng trong mắt bà Pajon, quan hệ Nhật Trung rất phức tạp. Bắc Kinh đấu dịu vì tình thế và nhất là phải tìm một ngõ thoát trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa tới hồi kết. Nhưng tất cả những hiềm khích sâu xa giữa đôi bên, từ tranh chấp chủ quyền biển đảo, đến chủ đề nhậy cảm như quá khứ lịch sử, vẫn nguyên vẹn. Đó là chưa kể Tokyo đã mở rộng liên minh với cả từ Ấn Độ đến Úc … để làm đối trọng với Trung Quốc. Có điều như ghi nhận của chuyên gia IFRI, Nhật Bản cũng có « hướng đi riêng », không để hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ, hay đơn thuần là « cái loa » phóng thanh của Washignton :
Céline Pajon: Với dịch Covid-19 lần này, Nhật Bản không thể phục hồi nếu không trông cậy vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta thấy rõ là về mặt công nghệ cao, Tokyo hoàn toàn ngả về phía Hoa Kỳ, đặc biệt là trong cách đối phó với Hoa Vi. Ngược lại chính phủ Nhật đã vô cùng thận trọng khi cần lên tiếng về luật an ninh Hồng Kông. Nhật Bản đã pha loãng tiếng nói của mình trong khuôn khổ tuyên bố chung của nhóm G7, tránh làm phật lòng Trung Quốc. Đây cũng là điểm mạnh của Nhật để giữ uy tín và vị trí của mình trên sân khấu quốc tế.
Điều đó không cấm cản thủ tướng Shinzo Abe ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 vừa bùng phát ở Vũ Hán đã khẳng định « giảm bớt mức độ lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc » và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản di dời cơ sở khỏi Hoa Lục. Việt Nam, Philippines hay Ấn Độ là những bãi đáp được xem là có nhiều tiềm năng.
Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, chuyên gia Céline Pajon cho rằng, từ trước Covid-19, Nhật Bản đã thắt chặt quan hệ với các đối tác trong khu vực này cả về mặt an ninh lẫn kinh tế. Ba nước được quan tâm hơn cả là Việt Nam Philippines và Indonesia … Theo bà, Covid-19 không làm thay đổi chiến lược đó của Nhật Bản, đồng thời Tokyo có nhiều lợi thế để tiếp tục là một « cực » của thế giới trong tương lai.
Céline Pajon: Đòn bẩy kinh tế vẫn còn tính thời sự trong khuôn khổ chiến dịch vùng Ấn Độ Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». Chủ yếu là qua các dự án đầu tư của Nhật vào cơ sở hạ tầng. Cho dù ngân sách có bị sút giảm do tác động dịch Covid-19, Tokyo vẫn cố gắng hết sức và huy động các doanh nghiệp tư nhân để hiện diện ở nhiều nơi trong vùng. Kế tới Nhật Bản cũng đã mở rộng quan hệ đối tác với những nước như Úc hay Liên Hiệp Châu Âu. Vai trò của Nhật đã được củng cố thêm sau đại dịch. Tokyo chứng tỏ là một đối tác đáng tin cậy của thế giới và luôn chủ trương một thế giới đa cực.
Về những nhược điểm của Nhật, dân số đang bị lão hóa và tăng trưởng sa sút vì virus corona là hai điểm chính. Nhưng trên mặt công nghệ cao thì Nhật Bản vẫn có nhiều lợi thế và nhất là Tokyo đang tập trung vào việc phát triển công nghệ tương lai.
Trong lúc Trung Quốc thâu tóm Biển Đông, thị uy trên Biển Hoa Đông, muốn kiểm soát luôn cả rặng Himalaya, chiến lược kết hợp kinh tế và chiến lược để củng cố vùng Ấn Độ Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" mang tính thời sự hơn bao giờ hết, và như chuyên gia Céline Pajon kết luận : Đây luôn là kim chỉ nam trong chính sách của Shinzo Abe. Covid-19 không làm thay đổi mục tiêu đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét