Tuyên bố của ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam: Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đang khiến dư luận sôi sùng sục…
Tuyên bố vừa kể đã khiến rất nhiều người sử dụng mạng xã hội nổi giận, lên án hai chữ “hữu nghị”.
Chiều dài của tuyến metro Cát Linh – Hà Đông chỉ chừng 13 cây số, theo dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2013 nhưng đến nay (2020) vẫn chưa xong, cho dù chi phí đã tăng từ 550 triệu Mỹ kim lên 890 triệu Mỹ kim và cách nay vài năm, mỗi ngày, Việt Nam phải trả cho Trung Quốc khoảng một tỉ đồng tiền lãi cho các khoản đã vay (550 triệu hỏi vay lần đầu và 340 triệu phải xin vay thêm để nhà thầu Trung Quốc tiếp tục thực hiện dự án).
Chuyện chưa ngừng ở đó vì đến nay vẫn chưa biết ai, nơi nào dám xác nhận tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hội đủ tiêu chuẩn an toàn để có thể vận hành. Cách nay nửa năm, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng từng tiết lộ: Dự án có nhiều thứ không đồng bộ! Hồ sơ dự án không đầy đủ và… không thể bổ sung đầy đủ! Có nghĩa là không có cơ sở để xác nhận an toàn! Nói cách khác, giá trị suất đầu tư vào dự án sẽ sớm vượt xa mức một tỉ Mỹ kim và cứ thế tăng dần vì lãi chồng lãi!..
Có lẽ chẳng ngoa chút nào khi cho rằng, nếu không có tình hữu nghị Việt – Trung, không có nỗ lực chứng tỏ thiện ý đối với “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), sẽ không có việc hỏi vay Trung Quốc, giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và tất nhiên sẽ không có vết thương chưa biết đến bao giờ mới lành trong lòng người Việt vì thiệt cả đơn lẫn kép.
Thế thì tại sao ông Hùng Ba, chuyên viên cao cấp trong lĩnh vực ngoại giao, lại thất thố đến mức dõng dạc khẳng định: Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc – cho người Việt nổi giận và rủa?
Rủa ông Hùng Ba dường như không chính xác! Cứ như tường thuật của báo giới Việt Nam về cuộc hội kiến giữa ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với ông Hùng Ba, hôm 25 tháng 6 thì bất kể thực trạng của tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ông Huệ không yêu cầu mà chỉ đề nghị Đại sứ thúc đẩy để sớm đưa dự án vào hoạt động, đồng thời tha thiết mời Đại sứ và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham dự hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.
Khi ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, nhân vật vừa thôi làm Phó Thủ tướng, “luân chuyển” về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy để có thể đảm nhận những vai trò lớn hơn trong đảng ở nhiệm kỳ tới đã thành tâm như vậy…
…logic tất nhiên sẽ là cả tâm thế lẫn tư thế của ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, phải khác. Đâu phải tự nhiên mà ông Hùng Ba dõng dạc bày tỏ… mong muốn Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong quan hệ hai nước, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác, hỗ trợ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Về phần mình, Đại sứ Hùng Ba sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đến tham gia đầu tư tại Hà Nội. Mong Bí thư tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước...
Rủa ông Hùng Ba ngạo mạn, trơ trẽn khi khẳng định: Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc – dường như chỉ đúng về hiện tượng mà sai về… bản chất. Cần phải tự vấn: Ta thế nào, người ta mới như thế!
Ngày 6/11/2015, trong chuyến thăm Việt Nam, khi được mời trò chuyện với Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình khẳng định, sẽ cùng Việt Nam “nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau".
Hôm sau, ngày 7/11/2015, tại Đại học Quốc gia của Singapore, ông ta khẳng định: Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền.
Một tháng sau – ngày 8/12/2015, do đại diện cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ở Hà Nội, bày tỏ sự lo ngại cho chủ quyền quốc gia trước lối hành xử càng ngày càng hung hăng, càn rỡ của Trung Quốc trên biển Đông, ông Nguyễn Phú Trọng bảo họ phải chú ý đến “vị thế”: “Ta” chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia...
Hôm ấy, thay vì trực tiếp trả lời những cử tri tuy lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của đảng CSVN nhưng vẫn hoang mang về cách hành xử của đảng CSVN trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ông Trọng chất vấn họ: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không?
Đừng nổi giận khi cảm thấy ông Hùng Ba tỏ ra ngạo mạn, trơ trẽn. Khi Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam không màng đến thực trạng của công trình Cát Linh – Hà Đông, cũng không thèm bận tâm đến cảm xúc của người Việt, thản nhiên tuyên bố: Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, ông ta vừa giúp chúng ta nhận chân về “vị thế” thật của “ta” trong quan hệ Việt – Trung, cũng như “vị thế” của dân ta đối với tương lai quốc gia và vận mệnh của dân tộc chúng ta!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét