Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

2048 - Hợp Chủng Quốc của tuyệt vọng

Anne Case & Angus Deaton
Đỗ Tuyết Khanh chuyển ngữ
Nước Mỹ đang phải đối đầu với hai nạn dịch, cả hai đều vạch trần những bất bình đẳng sâu sắc giữa các chủng tộc và trình độ học vấn. Với những cái « chết vì tuyệt vọng » ngày càng nhiều trong tầng lớp lao động da trắng và các tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn trong cộng đồng Mỹ gốc châu Phi, sự suy giảm bất thường từ nhiều năm của tuổi thọ trung bình ở Mỹ sẽ còn tiếp tục.
Princeton – Đã từ lâu trước khi Covid-19 tấn công, một nạn dịch khác đã lan tràn ở Mỹ, giết còn nhiều người Mỹ hơn con số tử vong do coronavirus gây ra cho đến nay. Những cái “chết tuyệt vọng” – vì tự sát, vì bệnh gan do nghiện rượu, hay vì dùng ma tuý và thuốc giảm đau quá liều – đã tăng nhanh từ giữa thập niên 1990, từ khoảng 65 000 trường hợp năm 1995 lên đến 158 000 năm 2018.
Những cái chết ngày càng nhiều do nạn dịch thứ nhì này hầu như chỉ trong giới những người Mỹ không tốt nghiệp đại học. Các tỷ lệ tử vong tổng thể đã giảm cho người có trình độ cử nhân nhưng lại tăng cho người có trình độ học vấn thấp. Tuổi thọ khi sinh của toàn dân số Mỹ đã giảm từ 2014 đến 2017. Đây là lần đầu tiên sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-19 tuổi thọ trung bình giảm trong 3 năm, và với hai nạn dịch cùng hoành hành một lúc hiện nay, sẽ lại còn đi xuống.
Đằng sau những con số tử vong là những dữ liệu kinh tế cũng không kém đen tối. Như đã dẫn chứng trong quyển sách của chúng tôi, lương theo giá so sánh (sau khi trừ lạm phát) của đàn ông Mỹ không tốt nghiệp đại học đã tụt giảm từ 50 năm nay. Cùng lúc, sự chênh lệch lương bổng giữa người tốt nghiệp đại học và người không có bằng cấp đã lên đến con số kinh dị 80%. Người có trình độ học vấn thấp ngày càng khó kiếm việc, tỷ phần đàn ông ở độ tuổi lao động sung sức nhất trong lực lượng lao động đã giảm từ nhiều thập niên, cũng như tỷ lệ phụ nữ đi làm giảm từ năm 2000.
Người Mỹ có học vấn ngày càng cách xa số đông ít học, không chỉ về lợi tức mà còn về mặt sức khoẻ. Đau khổ, cô đơn, và ốm đau tàn tật đã phổ biến hơn giữa những người không có bằng cấp.
Đó là nước Mỹ trước đại dịch Covid-19. Con vi-rút đã làm lộ rõ hơn nữa những bất bình đẳng sẵn có.
Cho đến nay, có thể nói các đại dịch đã mang lại bình đẳng hơn. Thí dụ nổi bật là đại dịch hạch Cái Chết Đen (Black Death) trong thế kỷ XIV ở châu Âu đã giết nhiều người tới mức gây ra khan hiếm nhân công, nhờ thế người lao động có tiếng nói mạnh hơn trong quan hệ chủ-thợ. Gần đây hơn, ở thế kỷ XIX, vi trùng học ra đời sau các nạn dịch tả đã cho phép kéo dài tuổi thọ, trước tiên trong các nước giàu rồi sau Đệ nhị Thế chiến trong các nước khác. Từ những chênh lệch rất lớn giữa các nước trên thế giới, tuổi thọ đã trở nên đồng nhất hơn.
Song từ hai thế hệ vừa qua có một sự phân chia rạch ròi ở Mỹ và Covid-19 có nguy cơ gia tăng những bất bình đẳng vốn đã rất lớn về sức khoẻ và lợi tức. Hậu quả của con vi-rút được phân tầng theo trình độ học vấn vì những người có học thức dễ dàng được ngồi nhà hơn để tiếp tục làm việc và có lợi tức. Trừ phi thuộc vào đội ngũ chuyên môn trong y tế và các ngành xung kích khác, họ có thể ung dung ngồi nhìn giá trị quỹ hưu của họ còn lên cao hơn nữa trên thị trường chứng khoán.
Ngược lại, hai phần ba lực lượng lao động không có bằng cử nhân và họ, hoặc không thuộc thành phần thiết yếu, và do đó có nguy cơ mất thu nhập, hoặc đảm nhiệm những công việc thiết yếu, và do đó có nguy cơ bị lây nhiễm. Trong khi những người tốt nghiệp đại học phần lớn đã bảo tồn được cả sức khoẻ lẫn tiền bạc, những người ít học đứng trước rủi ro phải mất một trong hai.
Vì thế cái hố ngăn cách về lợi tức và tuổi thọ thể hiện qua những cái chết tuyệt vọng lại càng được đào sâu hơn hiện nay. Song, nếu người da trắng ít học đã là nhóm bị bệnh dịch tác hại nặng nề nhất, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao một cách bất tương xứng trong các cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi và gốc Latino. Khuynh hướng thu hẹp lại trước đây của khoảng cách giữa tỷ lệ tử vong của người da trắng và người da đen đã bị chặn đứng.
Những chênh lệch đi liền với chủng tộc có nhiều lý do, như sống trong các khu dân cư tách biệt, nhà cửa chật chội, và các phương thức di chuyển. Các yếu tố này đặc biệt quan trọng ở thành phố New York nhưng ít ảnh hưởng hơn ở nơi khác. Tại New Jersey, chẳng hạn, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 không bất tương xứng trong các cộng đồng Mỹ gốc châu Phi cũng như Mỹ gốc Latino.
Hệ thống y tế đắt đỏ của Mỹ sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn các hậu quả của đại dịch. Trong số hàng chục triệu người Mỹ đã mất việc mùa xuân năm nay, nhiều người đã cùng lúc mất bảo hiểm y tế do chủ nhân cung cấp, và nhiều người sẽ không thể thay thế bằng bảo hiểm khác.
Tuy không ai có triệu chứng nhiễm Covid-19 đã không được điều trị nhưng có thể một số người không có bảo hiểm đã không tìm cách chữa trị. Lúc chúng tôi viết bài này, ít nhất 11 300 người đã chết vì con vi-rút và hơn 200 000 người đã phải nhập viện, với những phí tổn có thể vượt quá mức chi trả (ngay cả cho nhiều người có bảo hiểm) sẽ làm họ vĩnh viễn mất khả năng vay tín dụng. Chính quyền liên bang đã ban phát hàng tỷ đô-la từ ngân sách công cho các công ty dược phẩm để làm ra vắc-xin, và dưới áp lực của các nhóm vận động, không đặt điều kiện giá cả hoặc qui định bằng sáng chế phải là của công.
Ngoài ra, đại dịch còn đẩy mạnh sự sát nhập của các công ty, thuận lợi cho các công ty thương mại trực tuyến khổng lồ vốn đã có ưu thế, bất lợi cho các công ty buôn bán trực tiếp tại địa điểm kinh doanh vốn đã lao đao. Phần chi trả cho lao động trong GDP – lâu nay vẫn được xem là bất di bất dịch – đã giảm những năm gần đây, một phần có thể vì sức mạnh kiểm soát cả hai thị trường sản phẩm và lao động. Nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức độ cao trong vài năm tới, cán cân lực lượng giữa lao động và tư bản sẽ càng nghiêng về phía tư bản, đảo ngược so sánh với Cái Chết Đen và minh chứng tại sao thị trường chứng khoán vẫn lạc quan trước thảm hoạ.
Tuy nhiên chúng tôi không nghĩ nền kinh tế hậu Covid-19 sẽ làm tăng vọt những cái chết tuyệt vọng. Lý do cơ bản của vấn nạn này, theo phân tích của chúng tôi, không là những biến động kinh tế mà là vì tầng lớp Mỹ bình dân da trắng dần dà mất đi nếp sống của họ. Điều đáng chú ý là những cái chết tuyệt vọng gia tăng trước khủng hoảng tài chính năm 2008, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ 4,4 % lên 10 %, và tiếp tục tăng trong lúc tỷ lệ thất nghiệp giảm dần xuống 3,5 % trong những ngày trước đại dịch. Nếu lúc trước tự sát và thất nghiệp có liên quan với nhau, mối liên hệ ấy ngày nay không còn hiển nhiên ở Mỹ.
Dù sao, qua bài học của quá khứ có thể nói những người bước vào thị trường lao động năm 2020 sẽ kiếm được ít tiền hơn trong suốt cuộc đời đi làm, mầm mống của tuyệt vọng dẫn đến cái chết vì tự sát, nghiện rượu hay dùng ma tuý và thuốc giảm đau quá liều. Nói cách khác, rất có thể nước Mỹ hậu Covid vẫn sẽ như nước Mỹ tiền Covid, chỉ có nhiều bất bình đẳng và bất hiệu quả hơn mà thôi.
Quả vậy, sự phẫn nộ của công chúng trước bạo lực của cảnh sát hay những chi phí y tế cao ngất ngưởng có thể tạo ra một đột phá về cấu trúc. Nếu thế chúng ta có thể thấy một xã hội đàng hoàng hơn. Hoặc không. Không phải từ đám tro tàn nào cũng bay lên một con phượng hoàng.
Nguồn: United States of Despair, Project Syndicate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét