Sách “Những viên than hồng của cuộc chiến: Sự sụp đổ một đế quốc và sự tạo tác một Việt Nam Cộng hòa” (Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam) được NXB Random House xuất bản năm 2012. Sách đoạt giải Pulitzer và nhiều giải thưởng khác ở phương Tây, vì các giá trị sử học và quan hệ quốc tế. Theo Nhà sách trên mạng Amazon, nhờ khai thác hồ sơ lưu trữ ngoại giao mới giải mật ở một số quốc gia, tác giả Mỹ Fredrik Logevall đã dẫn người đọc lần theo lối mòn từng dẫn hai cường quốc phương Tây lạc lối một cách bi thảm trong rừng rậm ở Đông Nam Á.
Dưới đây là trích dịch chương nói về kết quả Hội nghị Geneva của sách. Các đầu đề nhỏ là của người dịch.
Một câu hỏi ẩn hiện: Vì sao Việt Minh đã không thể nhận được những điều khoản tốt hơn. Trong những buổi đầu đàm phán, ngoại trưởng Pháp Bidault phàn nàn rằng ông ta nhập cuộc chỉ với con hai nhép và con ba rô, trong khi Việt Minh có vài con bài át, những con ka, và những con quy. Điện Biên Phủ sụp đổ khi các cuộc đàm phán đang tiếp diễn, và trong những tuần tiếp sau, triển vọng quân sự của các lực lượng Liên hiệp Pháp ngày càng tăm tối.
Hà Nội (lúc đó là vùng Pháp tạm chiếm) ngày càng trở nên dễ tổn thương, và có thể bị cắt rời khỏi Hải Phòng. Số lượng lính người Việt (ngụy quân) đào ngũ bùng nổ, có lúc đạt con số 800 lính bỏ ngũ một ngày, và tinh thần ủng hộ Pháp ở các vùng Pháp tạm chiếm giảm sút ghê gớm. Tại Lào, Pathet Lào kiểm soát hơn một phần ba lãnh thổ toàn quốc. Ở vùng Nam Bộ, thế đứng của người Pháp cũng bấp bênh; còn ở chính quốc, công luận Pháp đã chán ngấy với các nỗ lực (chiến tranh ở Đông Dương) và tìm kiếm một lối thoát nhanh chóng.
“Căn cứ vào tất cả các thông tin”, một thành viên Đoàn Pháp tại Geneva nhận xét, “người ta có quyền nghĩ rằng sự chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 13 phản ảnh chính xác hơn thực trạng tình hình, hơn là sự chia cắt tại vĩ tuyến 17 mà chúng ta đạt được”.
Nhưng mọi sự đã không xảy ra như vậy (không xảy ra chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 13). Câu châm ngôn cũ, là anh không thể thắng trong mặc cả trên bàn hội nghị để giành được những điều anh đã không thể đạt được ở chiến trường – đã không đúng cho trường hợp này – một khi Việt Minh sẽ cay đắng nhớ lại nó (chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 17) trong những năm tiếp theo.
Các sử gia thường kiến giải kết quả của Hội nghị Geneva bằng cách chỉ ra sức ép lên đoàn đại biểu Việt Minh từ các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc của họ.
Không thể nghi ngờ rằng điều này có một tầm quan trọng hàng đầu. Cả hai cường quốc cộng sản đều không muốn thấy xung đột leo thang, đều muốn ngăn ngừa một cuộc can thiệp vũ trang trực tiếp của Mỹ, và muốn Chính phủ Mendes France (Pháp) không bị đổ vì không thể thực hiện lời hứa ký kết được Hiệp định trong thời hạn đã hứa.
Cả hai đều nhìn thấy Geneva như một dịp để trình diễn lời cam kết “chung sống hòa bình” của họ, cả tại châu Á lẫn ở phần còn lại của thế giới, và trong một quy mô rộng lớn, tạo một ấn tượng tích cực trên trường quốc tế cho nước họ, và nhờ thế mà nâng cao thể diện quốc gia cho họ. Liên Xô, hơn thế nữa, hy vọng sẽ dàn xếp được một số nguyện vọng của Pháp về Đông Dương như một phương cách để hóa giải, giảm thiểu những cam kết của Pháp về thực hiện nghĩa vụ trong Liên minh phương Tây nói chung, và trong EDC (Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu/European Defense Community) nói riêng. Trong khi người Trung Quốc muốn cố kết ảnh hưởng của họ ở Đông Dương và kiềm tỏa tham vọng bành trướng của Việt Minh.
“Bố già”
Chu Ân Lai, đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy việc đi tới thỏa hiệp cuối cùng trong khoảng 20 – 21 tháng 7. Nội dung của Hội nghị trong những tuần đầu chỉ đựng được trong một hồ sơ khá nghèo nàn, nhưng vị thế tích cực hơn của ông Chu từ giữa tháng 6/1954 trở đi đã đóng vai trò quyết định nhờ vào sự tinh tế, tao nhã, và sự lọc lõi về ngoại giao, những gì đã khiến ông tỏa sáng đúng lúc tại đây. “Bố già (godfather) của giải pháp chia cắt (Việt Nam)”, thành viên đoàn Đại biểu Mỹ tại bàn đàm phán, Cheste Cooper nhận định về Chu Ân Lai, và điều này tỏ ra đúng.
Cho dù sự chia cắt đã được bàn tán ngoài lề như một giải pháp chính trị từ nhiều tuần trước, nhưng chính sự vận động tinh tế mà mạnh mẽ của Thủ tướng Trung Quốc, đến đúng vào lúc nhiều người đã dự báo trước về sự giải tán không tránh khỏi (mà không đạt được gì) của cuộc hội đàm, đã tạo ra tất cả những khác biệt. Như Cooper đã kiến giải: “một khi Chu đã cổ súy ý tưởng này, nó đã đạt được ngay một động lực đủ để đến đầu tháng 7, vấn đề đã không còn là có chia cắt hay không nữa, mà là đường giới tuyến ở Việt Nam sẽ nằm ở đâu”.
Dĩ nhiên là ở đằng sau Chu Ân Lai luôn ẩn hiện bóng dáng đầy ảnh hưởng của Mao Trạch Đông…
Dĩ nhiên là các quan chức Việt Nam khó chịu trước sức ép của các đồng minh hùng mạnh của họ. “Ông ta (Chu) đã qua mặt chúng ta”, người ta cho rằng Phạm Văn Đồng đã lẩm bẩm nói với một trợ lý của ông trong các phiên họp cuối, căng thẳng trong mặc cả, – một nhận định sát thực tế.
Về giới tuyến tạm thời
Tuy nhiên luận cứ này cũng có phạm vi của nó. Việt Minh, như chúng ta vừa nhận biết, có những lý do riêng của họ để mong muốn một dàn xếp qua thương lượng vào giữa năm 1954; họ đã lo lắng về cán cân lực lượng trên mặt đất, và cũng ngại một cuộc can thiệp (trực tiếp) của Mỹ. Ngay cả trước khi đạt được Hiệp định, theo các tài liệu quốc tế, Việt Minh đã nghĩ điều kiện chia cắt tại vùng vĩ tuyến 16 là chấp nhận được, như họ đã khẳng định đề xuất này tại các cuộc họp kín Pháp – Việt ở Geneva. Đề xuất chọn vĩ tuyến 13 đến sau, sau khi Mendes France (Thủ tướng Pháp) nhậm chức, và đưa ra lời hứa sẽ kết thúc chiến tranh trong một tháng, nếu không sẽ từ chức; và nó (đề xuất chọn vĩ tuyến 13 làm giới tuyến tạm thời) có vẻ là một nỗ lực mặc cả rắn trong một môi trường đàm phán biến động hơn là một lập trường thương lượng vững chắc. Nên nếu vĩ tuyến 16 là mục tiêu thực sự của Việt Minh trong suốt thời kỳ ấy, thì sự khẳng định chung trong sách báo phương Tây, rằng việc phải chấp nhận vĩ tuyến 17 là một sự quy phục (nguyên văn surrender – đầu hàng) sức ép của các đồng minh lên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỏ ra hơi quá mức. Ở đây chỉ là sự nhượng bộ thôi, đâu phải một sự quy phục (nguyên văn surrender).
Quy phục là một thuật ngữ áp dụng tốt hơn cho trường hợp khác, đó là việc Việt Minh chấp nhận một đề xuất khác của Trung – Xô, đó là, hoãn ngày Tổng tuyển cử đến một thời hạn xa hơn nhiều so với thời hạn 6 tháng do Phạm Văn Đồng đưa ra. Tin tưởng rằng Việt Minh rồi sẽ thắng trong bất kỳ cuộc tuyển cử toàn quốc nào, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Phạm Văn Đồng) và đồng nghiệp của ông, Tạ Quang Bửu đã bám theo yêu cầu này cho đến gần cuối kỳ đàm phán. Các quan chức phương Tây quá hiểu rằng Hồ Chí Minh sẽ thắng trong cuộc bầu cử như thế – nên họ muốn đình hoãn nó càng lâu càng tốt, tốt nhất là không đề ra một thời hạn xác định nào. “Tôi chưa gặp một người nào hiểu biết các vấn đề Đông Dương”, Dwight Eisenhower về sau nhận định, “mà lại không nhất trí rằng nếu tổng tuyển cử xảy ra vào thời kỳ chiến tranh (Đông Dương lần thứ I) ấy, thì sẽ có 80% dân chúng bầu người cộng sản Hồ Chí Minh làm người lãnh đạo đất nước, chứ không bầu cho Quốc trưởng Bảo Đại”…
Cả Chu Ân lai lẫn Molotov đều tỏ ra không muốn làm căng vấn đề này (vấn đề tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử). Chu Ân Lai đã không phản ứng với Mendes France tại cuộc gặp then chốt của họ ở Berne ngày 23/6, khi Thủ tướng Pháp nói rằng Tổng tuyển cử không nên diễn ra ở Việt Nam cho tới khi dân chúng có được đủ thời gian để hồi tâm và bình tĩnh lại. Thủ tướng Trung Quốc đáp rằng dàn xếp chính trị cuối cùng rồi sẽ đạt được qua thương lượng trực tiếp giữa hai chính phủ ở Việt Nam, và ông Chu không tỏ ý cho rằng các cuộc thương thảo như thế cần phải được tiến hành ngay lập tức. Ông ta thậm chí thuyết phục Mendes France rằng Paris có thể đóng một vai trò hữu ích trong các thương lượng (giữa hai chính quyền ở Việt Nam) và Chu cũng không thấy có lý do gì để cho Quốc gia Việt Nam (phần đất phương Tây cho là thuộc chính quyền của Bảo Đại, và nằm trong khối Liên Hiệp Pháp) lại không tiếp tục tồn tại trong cơ cấu của khối Liên Hiệp Pháp.
Molotov, về phần mình, đã làm được tốt hơn một chút cho sự nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VN DC CH,) nhấn mạnh, vào một ngày muộn màng là 16/7, là Tổng tuyển cử nên diễn ra vào tháng 6 năm 1955. Nhưng cũng vào hôm đó, ông ta lại lùi bước và nói bất kỳ ngày nào của năm 1955 cũng được. Các đại diện của phương Tây từ chối hạn này, và tới cuối ngày 20/7, Molotov lại đưa ra thời hạn (Tổng tuyển cử ở Việt Nam) là tháng 7 năm 1956…
Ngụy tạo “Việt Nam Cộng hòa”
Tại cuộc họp báo ở Washington ngày hôm đó. Tổng thống Eisenhower nhấn mạnh sự hài lòng rằng một hiệp định đã đạt được, dừng được đổ máu ở Đông Dương. Nhưng ông ta nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không phải là một bên trong Hiệp định này và không bị trói buộc bởi nó (về nghĩa vụ thi hành), do Hiệp định này chứa thành tố mà chính quyền Mỹ không ủng hộ. Sứ mạng hiện nay, ông ta nói tiếp, là nên theo đuổi việc thành lập một tổ chức phòng vệ tập thể để ngăn ngừa những gây chiến gián tiếp hoặc trực tiếp ở Đông Nam Á.
Nói riêng, Eisenhower biết điều mà bất kỳ nhà quan sát có đủ thông tin nào khác biết: các điều khoản Hiệp định vừa đạt được ở Geneva là khá hơn rất nhiều, cho triển vọng của nước Pháp, cũng như cho triển vọng của phương Tây, so với những gì từng được chờ đợi vào ngày khai mạc hội đàm ở Geneva. Ông ta cảm thấy có được lời giải. Những lời lẽ cứng rắn của Mỹ, khơi mào bằng tuyên bố của Dulles tháng 9 năm 1953, với lời đe dọa sẽ trả đũa lớn từ phía Mỹ nếu Trung Quốc tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh, đã đem lại những hiệu quả. Mối đe dọa Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp gây nên sự lo ngại ở Bắc Kinh và Moscow, và giúp (Bắc Kinh và Moscow) thuyết phục Việt Minh chấp nhận nhượng bộ trong thỏa thuận cuối cùng. Các nguồn tư liệu (được giải mật tới nay) minh chứng cho điều này.
Không thể nói là Ban lãnh đạo Mỹ cần được ghi công lớn về việc đã có ý thức trong lên kế hoạch về soạn thảo quốc sách (trong thời kỳ Hiệp định Geneva). Đã xảy ra điều ngược lại, đó là những nhà hoạch định chính sách cấp chiến lược thường không nắm chắc tình hình và khá do dự, nên họ thường cơ động xung quanh một đống lớn những trở ngại: đó là tình hình quân sự khá đen tối ở Việt Nam và một thế đứng khá tuyệt vọng trên bàn hội nghị ở Geneva; đó là sức ép mạnh mẽ và trái nghịch, lên Ban lãnh đạo Mỹ từ phía Quốc hội nước này, là phải ngăn chặn bất kỳ một mất mát nào về lãnh thổ về tay các nước cộng sản, đồng thời phải tránh “một Triều tiên khác”; đó là sự sụp đổ của nội các Laniel (Pháp) mà Washington đã ấp ủ biết bao hy vọng vào, về mặt triển vọng, của không chỉ Đông Dương, mà cả của Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (European Defense Community – một tổ chức quân sự được lên kế hoạch thành lập, dựa trên gợi ý của Mỹ, nhưng không đi vào hoạt động trên thực tế).
Tuy thế, đến cuối ngày Eisenhower và Dulles đi đến một thỏa thuận để cùng sống tiếp. Họ có 2 năm trước kỳ bầu cử (Tổng thống Mỹ) cũng là hai năm để kiến tạo chính quyền ở Nam Việt Nam, tránh được những chứng bệnh lây nhiễm của chủ nghĩa thực dân Pháp. Canada, một đồng minh trung thành, vừa giành được một ghế trong Ủy ban quốc tế kiểm soát (thi hành Hiệp định Geneva) và có thể coi dựa vào để “chặn các vụ việc” (ngăn ngừa những tiến triển bất lợi cho Mỹ).
Nhìn chung, khó mà coi đây là một thảm họa.
Đối với những người khác, gồm cả hai người “thợ thủ công” (phương Tây) của Hiệp định Geneva, thời điểm nhìn về phía trước vẫn chưa đến; mới chỉ đủ thời gian để phản ánh những gì đã xảy ra, và những gì đạt được. “Hiệp định”, Anthony Eden (Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Anh) nói trong những giờ trước rạng sáng hôm 21/7 ấy, “là những gì tốt nhất mà đôi tay của chúng ta chế tác được”, còn Jean Chauvel (nhà thương lượng chính của đoàn Pháp tại Hội nghị Geneva) tỏ ra rầu rĩ hơn: “Làm sao có được một kết cục tốt cho một áp phe tồi” (ý nói cuộc chiến tranh do Pháp gây ra).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét