Trong một quyển sách xuất bản tại Anh Quốc, Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y học "The Lancet", đưa ra một bản luận tội tố cáo giới chính trị Tây phương bất tài, bất lực trước mối de dọa của đại dịch Covid-19, cho dù đã được báo trước cả tháng. Thiếu sót bổn phận nghiêm trọng nhất là biết mà không hành động, nhưng trách nhiêm sau cùng là lỗi chung của nhân loại: vì hám lợi mà quên hậu quả.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng tốc lây lan
Từ khi Trung Quốc nhìn nhận ca đầu tiên, siêu vi SARS-CoV-2 đã giết chết gần nửa triệu người trên thế giới. Theo báo động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, từ nay đến cuối tháng, đại dịch Covid-19 sẽ lây nhiễm cho 10 triệu người. Trên khắp các châu lục, mỗi ngày đều có ổ dịch mới bùng phát.
Cụ thể tại Pháp, 272 ổ dịch được phát hiện trong ngày 24/06. Tại Đức, hai địa phương bị tái phong tỏa vì hàng ngàn công nhân trong hai lò thịt dương tính với siêu vi. WHO/OMS cũng lo ngại trước chiều hướng số ca lây nhiễm tăng trở lại tại Châu Âu. Ở Châu Mỹ Latinh, số nạn nhân vượt ngưỡng 100.000, theo tổng kết đầu tuần. Tại Hoa Kỳ, thống đốc bang Texas, Greg Abbott, lo ngại "tình hình vượt tầm kiểm soát" nếu trong hai tuần nữa không chận được siêu vi corona.
Thiệt hại kinh tế cũng khủng khiếp: 12.000 tỷ đô la, theo ước định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Suy thoái kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 1% trong năm 2020 trong khi Bắc Kinh cần tối thiểu 8% mới có thể duy trì ổn định xã hội, chưa kể đến làn sóng thất nghiệp....
Trách nhiệm về ai ?
Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhất là tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bị quy kết đầu tiên. Bắc Kinh bị tố cáo che giấu thông tin, trấn áp những bác sĩ, nhà báo, blogger lên tiếng báo động.
Nhưng qua quyển sách "The COVID-19 Catastrophe : What’s Gone Wrong and How to Stop It Happening Again" xuất bản tại Luân Đôn, (tạm dịch: Thảm họa Covid-19 /Đâu là những sai lầm và làm cách nào để chận tái phát), tác giả Richard Horton đưa một quan điểm bao quát hơn. Tổng biên tập tạp chí y học kinh điển thế giới The Lancet tố cáo sự bất tài của chính quyền nhiều nước, nhất là Tây Phương trước nguy cơ đã được báo trước.
Từ tháng 01/2020, The Lancet đã công bố 5 bài nghiên cứu, mà theo báo Pháp Le Monde, cho phép tiên đoán chuyện gì sắp xảy đến cho Trái đất nếu không nhanh chóng chận đà lây lan của siêu vi SARS-CoV-2, tên khoa học của siêu vi corona mới xuất phát từ Vũ Hán. Gần đây, The Lancet cũng công bố một bài "nghiên cứu khẳng định thuốc trị sốt rét và viêm Hydroxychloroquine không có hiệu nghiệm chống SARS-CoV-2 . Bài này bị rút xuống vì số liệu do một công ty phân tích thống kê y tế của Mỹ Surgisphere cung cấp thiếu nghiêm túc và The Lancet đã phải xin lỗi độc giả.
Trở lại nội dung chính của quyển sách, Le Monde trong số báo ngày 23/06/2020 đặt một số câu hỏi với tác giả. Bài phỏng vấn khá dài, xin tóm lược một số ý chính.
Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới có đáng bị trách trong vụ Covid 19 hay không ?
Richard Horton: Sáu tuần sau khi The Lancet phổ biến các bài báo động (về Vũ Hán), trong đó có lời cảnh báo của giáo sư Gabriel Luang của đại học Hồng Kông, cách lây nhiễm của virus cho thấy nguy cơ biến thành đại dịch lan khắp địa cầu có xác suất rất cao.
Tại sao các tổng thống Pháp, Mỹ, thủ tướng Anh, Ý không có hành động gì cả? Họ không biết chuyện gì xảy ra ở Trung Quốc, họ không tin vào chính quyền Trung Quốc? Thế thì tại sao không yêu cầu sứ quán ở Bắc Kinh điều tra? Chứng cớ siêu vi nguy hiểm như thế nào đã được biết rõ từ tháng 01/2020.
Không nên chỉ phê phán Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Giới chính trị Tây Phương phải xét trách nhiệm của mình trước đã. Trách nhiệm để siêu vi biến thành đại dịch là của chúng ta.
Chính phủ Pháp sai sót điểm nào?
Richard Horton: Tại Pháp cũng như tại Anh, hệ thống chính trị đối phó với thảm họa bị tê liệt. Khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động tình trạng khẩn cấp toàn cầu (nấc cuối cùng trước khi công bố đại dịch), vào ngày 31/01/2020, bà Agnès Buzyn, bộ trưởng Y tế Pháp lúc đó, không phản ứng ngay. Lẽ ra bà phải khẩn cấp yêu cầu sứ quán Pháp tại Bắc Kinh giúp tìm hiểu chuyện gì xảy ra tại Vũ Hán? Siêu vi nguy hiểm ra sao? Đáng sợ ở mức độ nào? Có đúng như The Lancet báo động hay không?
Nếu sứ quán Pháp làm việc nghiêm túc thì chỉ trong vòng 48 giờ, với tài liệu của văn phòng Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Ủy Ban Y tế Trung Quốc, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi về Paris, về Điện Elysée và bộ Y Tế. Như thế, ngay trong tuần đầu của tháng Hai, chính quyền Pháp có đủ thông tin để thấy rõ nguy cơ đại dịch.
Chính vì thiếu sót này của chính phủ Pháp cũng như của Anh mà gần 30.000 dân Pháp, 40.000 dân Anh tử vong. Lẽ ra họ còn sống nếu Paris và Luân Đôn không bất tài.
Có thể so sánh Covid-19 với Biến đổi khí hậu? Một thảm họa xuất hiện bất ngờ, một thảm họa đến chậm chúng ta biết nhưng đều không hành động?
Richard Horton: Đừng nói chúng ta thiếu chuẩn bị đối phó với SARS-CoV-2. Bởi vì vào năm 2002-2003, chúng ta đã đụng với SARS-CoV-1, siêu vi viêm phổi cấp tính, đó là siêu vi mẫu của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 hiện nay.
Chúng ta cũng biết từ 20, 30 năm trở lại đây, nhịp độ bệnh truyền nhiễm từ thú vật sang người tăng rất nhiều. Nguyên nhân không có gì bí ẩn: tình trạng đô thị hóa ồ ạt, những khu nhà ổ chuột lan tràn, chợ bán thú sống nằm cạnh khu gia cư, vệ sinh công cộng xuống cấp. Không phải ngẫu nhiên mà siêu vi corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc. Trung Quốc là nơi mà hiện tượng đô thị hóa và công nghệ hóa tăng nhanh nhất địa cầu. Chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng ủ bệnh, nhưng không biết khi nào dịch truyền nhiễm bùng ra. Chính ở điểm này mà các chính phủ liên hệ có tội phản bội nhân dân, vì không chuẩn bị để sẵn sàng đối phó.
Anh và Pháp đều xem cúm mùa đông là mối nguy số một đe dọa quốc gia.
Tại Anh Quốc, năm 2016, có một cuộc diễn tập chống cúm mang tên Cygnus. Kết quả cho thấy là Anh Quốc chưa đủ chuẩn bị đối phó với đại dịch. Chúng ta biết có nhược điểm mà vẫn không khắc phục. Giờ đây, chúng ta gặp phải đại dịch và vẫn thiếu chuẩn bị. Đây cũng là một thiếu sót trách nhiệm của chính phủ.
Pháp cũng có kế hoạch chống đại dịch, nhưng dường như kẹt trong tủ. Anh và Pháp may mắn có một cộng đồng khoa học gia lỗi lạc nhất nhì thế giới. Viện Pasteur có cả một mạng lưới cơ sở khắp địa cầu. Thế mà từ tháng Hai đến nay, không thấy Viện Pasteur đưa ra kế hoạch cố vấn cho chính phủ Pháp.
Cộng đồng khoa học gia phải giải thích vì sao không có ý kiến chỉ đạo? Phải chăng do lòng tự kiêu mà những chuyên gia hàng đầu trong y học mải lo tranh cãi?
Trách nhiệm đâu phải chỉ có chính phủ. Hy vọng là qua khủng hoảng này, giới khoa học gia xét lại khế ước và trách nhiệm tinh thần đối với mong chờ của xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét