Sau đó là nhiều bài báo đồng loạt đăng bài ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng... Đơn cử là bài đăng cho rằng: ‘Suy nghĩ của tổng bí thư là suy nghĩ của toàn đảng, toàn dân...’ khi cho rằng sau Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị tổ chức tại trụ sở Trung ương Đảng... thì toàn dân đồng lòng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng của công tác nhân sự đảng... Trong khi không hề có cuộc khảo sát hay thống kê nào cho thấy, những điều ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra, cùng với suy nghĩ của người dân và ngay cả đảng viên cộng sản hay không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, vào ngày 26 tháng 6 nhận định về lề lối tuyên truyền xưa nay mà đảng cộng sản Việt Nam áp dụng:
“Đối với trí thức, thì ngày nay tôi tin là không có một trí thức nào bỏ tiền ra mua sách đó cả. Đó là chỉ báo tốt nhất cho thấy những lời tuyên truyền kiểu đó có hiệu quả hay không? Và người ta có cần không? Có nhu cầu tìm hiểu không? Nhưng mà ở một bộ phận người dân nào đó, ở sâu ở xa chẳng hạn, thì cái đó có thể vẫn còn tác dụng. Nhưng người làm chính trị không phải làm trong thời gian ngắn hạn, nếu người ta muốn thật sự đi vào lòng dân tộc, thì người ta phải nhìn xa hơn rất nhiều. Cho nên nhìn theo hướng đó, có thể nói những loại sách như vậy, vừa không hợp thời, vừa không tốt gì cho dân trí cả, nó phục vụ thuần túy chính trị ngắn hạn, thế thôi.”
Có thể nói, sách về chính mình có lẽ là điều mà những nhà lãnh đạo cộng sản, từ xưa đến nay bất kỳ ai làm Tổng Bí thư đều có sách. Không chỉ ông Trọng, ông Lê Duẩn cũng có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách...
Truyền thông trong nước khi loan tin cuốn sách viết về Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây cho rằng, nhằm giúp nhân dân hiểu hơn về người đứng đầu đất nước. Tuy nhiên, cư dân mạng xã hội cho rằng, việc in sách về lãnh đạo đất nước chẳng có giá trị gì cho đất nước, con người Việt Nam, mà đôi khi là việc tiêu tiền của một nhóm người nào đấy vì đơn giản họ nghĩ ra mọi cách để in ấn phẩm như vậy để họ có tiền... vì có thể một nhà xuất bản của nhà nước có ngân sách cho những việc này, nên họ phải in ra, để tiêu tiền vào việc ấy.
Trung tá Vũ Minh Trí, nguyên cán bộ của Tổng Cục 2, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 26 tháng 6 năm 2020, cho biết:
“Cái tờ báo Nhân dân, cũng như những loại sách tuyên truyền đó, đối với tôi là loại mạt hạng, và tôi không bao giờ để tâm. Tôi nghĩ rằng, hầu hết những người có học hành, những người có nhận thức, thì cách tuyên truyền đó hoàn toàn phản tác dụng.”
Sách viết về Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Courtesy GĐVN
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho rằng:
“Bây giờ ai thèm đọc cái trò tuyên truyền ấy của họ nữa. Độ khoảng 20-30 năm nay, báo Nhân Dân không ai đọc trừ các Đảng viên lão thành. Những cái tương tự như thế thỉnh thoảng trên mạng người ta chia sẻ để người ta bêu rếu sự ngây ngô của nó thôi.”
Không chỉ viết sách, viết báo để tuyên truyền, ca ngợi lãnh đạo cộng sản... đôi khi chỉ một câu nói được cho là nịnh bợ của cấp dưới cũng được Ban Tuyên giáo chỉ đạo báo chí đăng hàng loạt để tuyên truyền... Như trường hợp Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương hôm 27 tháng 5 năm 2020, cho rằng: “Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”
Đây cũng là một minh chứng cho thấy, sách viết về người đứng đầu nhà nước Việt Nam hiện nay và lại do Ban Tuyên giáo xuất bản thì sẽ mang tính tuyên truyền, ca ngợi đảng cộng sản và ca ngợi lãnh tụ chứ không phản ánh đúng ý nhân dân. Chắc chắn khi viết về ông Trọng thì không ai dám viết về những mặt trái, những ý kiến trái chiều mà trái ngược với đảng cộng sản. Trong khi người dân Việt Nam ở đâu đó vẫn còn đang ca thán, không đồng tình với đảng cộng sản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định thêm:
“Tất nhiên tất cả những tuyên truyền muốn vào lòng dân thì đầu tiên phải là thật, người ta thấy làm thật, có tác dụng thật. Còn hiện nay nếu nhìn theo khía cạnh thì có quá nhiều hạn chế, ngay cả trong đảng người ta cũng đã nói. ‘Nói một đằng làm một nẻo’, chuyện đó rất bình thường. Ta cứ nhìn vô những vụ án chấn động gầu đây, thì cũng đủ biết người ta ‘nói một đằng làm một nẻo’ như thế nào... Vụ Hồ Duy Hải, đặc biệt là vụ Đồng Tâm, tấn công vào nhà dân, bắn chết người đó, rồi mổ bụng ra... Và bây giờ còn truy tố, họ nói họ đúng, và tuyệt nhiên không có một nguồn tin độc lập để kiểm tra.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, ở Việt Nam không thể có nguồn tin độc lập, tất cả nguồn tin đều từ cơ quan điều tra đưa ra. Vì vậy, những sự việc thực tế xảy ra như thế, thì khó lòng để người dân tin vào những tài liệu tuyên truyền của đảng cộng sản được.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 26 tháng 6 năm 2020, cho biết ý kiến của mình:
“Họ vẫn tư duy theo lối cũ, rõ ràng đây là một cách tư duy có từ những năm 60 thế kỷ trước, mà họ vẫn làm, không có gì thay đổi. Bây giờ là thời đại của internet, công nghệ thông tin, thì làm sao nó phù hợp được, trong khi hiện nay thông tin luôn luôn mới trong một thế giới đầy biến động. Bây giờ vẫn cứ nhìn nhận theo một cách áp đặt như thế thì không thể được.”
Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, cách tuyên truyền của đảng cộng sản hiện nay là cách cũ, áp đặt, buộc người dân phải chấp nhận, cái mà người ta đã chọn sẵn cho dân. Tuy nhiên theo ông, người dân bây giờ đã thức tỉnh, mỗi người đều có quan niệm, chính kiến riêng, và người dân tự chọn thông tin cho họ, chứ không thể tiếp tục áp đặt được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét