Trong khi giới cầm đầu đảng CSVN lo cài cắm phe cánh vào các vị trí chủ chốt, người dân lao động vẫn cắm cúi kiếm sống. (Hình: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đảng CSVN dồn dập thay đổi một loạt chức sắc đầu tỉnh và công an cả trung ương và địa phương, chuẩn bị nhân sự cho kỳ họp đảng lần thứ 13 dự trù vào đầu năm tới. Truyền thông nhà nước tại Việt Nam liên tiếp đưa tin cho biết từ cuối năm ngoái đến nay, các lãnh đạo cao cấp của ít nhất 15 tỉnh và thành phố, cùng khoảng 60 tướng tá công an từ trung ương tới địa phương đã bị thay thế.
Điều này được hiểu như phe cánh đang nắm quyền quyết định của đảng CSVN ra đòn, thay thế, cài cắm những kẻ thân tín cùng phe cánh vào những vị trí từ trung ương tới địa phương, hầu bảo vệ quyền lợi đang nắm giữ, không bị mất khi diễn ra đại hội đảng, “thay máu” mỗi 5 năm một lần.
Chuyện đấu đá tranh giành quyền lực giữa các phe cánh trong đảng CSVN tuy ngấm ngầm nhưng nhiều khi không che đậy, được dư luận trong ngoài nước nhìn thấy, qua những lá thư rơi, những lời tố cáo lẫn nhau tung đầy trên mạng. Công khai có, ném đá giấu tay có, chỉ đều nhằm triệt hạ lẫn nhau.
Nhiều nhà phân tích thời sự Việt Nam cho rằng chiến dịch “đốt lò” trừ diệt tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là màn trình diễn nhằm loại trừ những kẻ không nằm trong phe cánh. Cứ có chuyện gì lộ ra ở bất cứ lãnh vực nào thì người ta liền thấy tham nhũng ở đó. “Nâng khống” trị giá máy xét nghiệm COVID-19 tại nhiều địa phương mới đây là một trong những thí dụ.
“Kể từ đầu năm, Bộ Công An đã bổ nhiệm 60 chức danh lãnh đạo các Cục và công an tỉnh,” VNExpress hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Sáu đưa tin.
Hôm mùng 2 Tháng Sáu, VietNamNet nói “Từ năm 2019 đến nay đã có 15 tỉnh, thành thay đổi nhân sự bí thư tỉnh ủy… Trong đó có một ủy viên Bộ Chính Trị, 8 ủy viên Trung Ương, 5 ủy viên Dự Khuyết. Mới nhất là Thái Bình, bí thư này vừa được bầu hôm 1 Tháng Sáu).”
Ủy viên Bộ Chính Trị CSVN mà bản tin VietNamNet nói đến là Vương Đình Huệ, phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế tài chính được đẩy ra làm bí thư thành ủy Hà Nội từ Tháng Hai vừa qua.
Tám tỉnh thay ghế bí thư tỉnh ủy là ủy viên trung ương là Thái Nguyên, Kontum, Bến Tre, Ninh Bình, Tây Ninh, Đăk Lăk, Hà Nam, Khánh Hòa. Năm tỉnh thay bí thư tỉnh ủy là ủy viên trung ương dự khuyết là Thái Bình, Gia Lai, Nghệ An, Hà Giang, Sơn La.
Cùng với việc điều động các quan chức đầu tỉnh, trong Tháng Năm và Tháng Sáu, là tin tức thay đổi giám đốc công an 11 tỉnh. Mới ngày 26 Tháng Sáu, giám đốc công an Long An về nắm công an Sài Gòn.
Ngày 20 Tháng Năm, Trần Quốc Tỏ, em ruột cựu chủ tịch nước Trần Đại Quang (chết hai năm trước), đang làm bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, về làm thứ trưởng bộ Công An, nâng tổng số thứ trưởng bộ này lên 9 người, ngang nhiên vượt quá quy định về tổ chức chính phủ.
Ngày 11 Tháng Năm vùa qua, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng không che đậy gì khi nói trong cuộc họp “phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII” rằng “chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp Hành Trung Ương – cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng … Đây là công việc hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng”, theo trang mạng chinhphu.vn kể lại.
Nhà báo độc lập Phạm Thành (từng làm cho “Đài Tiếng Nói Việt Nam”), có blog Bà Đầm Xòe nổi tiếng, hồi đầu Tháng Năm vừa qua đã nói với đài RFA là “Họ chọn lựa trên tinh thần là ê kíp của họ chứ không chọn những người tài đức, thật sự vì dân vì nước đâu. Cái ê kíp có thể vào được trung ương, vào vị trí lãnh đạo thì họ phải có biện pháp để loại những đối thủ không cùng phe cánh. Tất nhiên cũng cộng sản với nhau nhưng nhóm lợi ích khác nhau.”
Hơn hai tuần sau, ngày 22 Tháng Năm, ông Thành bị nhà cầm quyền bắt giam, vu cho ông tội tuyên truyền chống chế độ độc tài đảng trị. Ông từng tự ứng cử Đại Niểu Quốc Hội năm 2016 và là tác giả cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo.” Ông cho rằng tất cả quan chức CSVN, từ xã phường đến tổng bí thư, thủ tướng đều tham nhũng. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét